Hiện nay trường Đại học Sư phạm Hà Nội đang chuẩn bị Kỷ niệm 60 năm thành lập (11/10/1951 - 11/10/2011) nên việc xác minh rõ ràng, chính xác lịch sử phát triển của trường là một yêu cầu hết sức quan trọng.
Trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An điện tử ngày 11/6/2011 có đăng bài của tác giả Hiển Chất với nhan đề GS Đặng Thai Mai và GS Trần Văn Giàu từng làm hiệu trưởng trường Đại học sư phạm Hà Nội.
Bài viết này của Hiển Chất trích đăng một phần nội dung một bài viết trước đây của tác giả. Vào thời gian chuẩn bị Lễ kỷ niệm 65 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ngày 10/10/1945 thành lập Ban Đại học Văn khoa Hà Nội, Th.S Nguyễn Văn Vận - Trưởng phòng và Th.S Nguyễn Thu Hạnh - cán bộ Phòng Công tác Chính trị của trường có gửi cho chúng tôi - qua thư điện tử - bài viết Mời trao đổi: Về các giáo sư từng làm hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội (GS Đặng Thai Mai và GS Trần Văn Giàu) của Kiều Văn Khải, cử nhân khóa 55, khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội.
Nội dung và những kết luận cơ bản của bài trích đăng trên Văn hóa Nghệ An điện tử hoàn toàn trùng hợp với bài viết trước, chỉ có khác đầu đề và tên tác giả (từ ký tên Kiều Khải đổi thành ký tên Hiển Chất).
Đầu đề bài báo đã thay đổi (GS Đặng Thai Mai và GS Trần Văn Giàu từng làm hiệu trưởng Đại học Sư phạm) khiến người đọc cho rằng không có vấn đề gì phải bàn cãi. Nhưng căn cứ vào nội dung thì đầu đề đó không phù hợp với nội dung bài viết.
Chính Giáo sư Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội đã đọc bài báo đó và nhận thấy cần thiết phải làm sáng tỏ các ý kiến liên quan đến lịch sử phát triển của trường ĐHSP Hà Nội nên trong buổi họp ngày 13/7/2011 tại trường đã yêu cầu chúng tôi viết bài đáp lại tác giả Hiển Chất.
Chúng tôi xin được nói ngay rằng, ý kiến của Hiển Chất là xuất phát từ ý kiến của GS Đinh Xuân Lâm trong bài báo nhận xét về cuốn sách Đặng Thai Mai và Văn họcđăng trên Văn nghệ số 15 ra ngày 15/4/1995.
Chúng tôi xin trình bày rõ như sau:
Cuối năm 1992, nhân Kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Giáo sư Đặng Thai Mai, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm tại Hà Nội. Nhân dịp đó trường ĐHSP Hà Nội phối hợp với Viện Văn học tổ chức Hội thảo khoa học về Đặng Thai Mai. Dựa vào phát biểu của các đại biểu và các bài viết trong hai sinh hoạt nói trên, Khoa Ngữ văn trường ĐHSP Hà Nội và Viện Văn học đã cộng tác biên tập cuốn Đặng Thai Mai và Văn học, Nhà xuất bản Nghệ An in lần thứ nhất năm 1994. Ban biên tập gồm 6 người: Đặng Thanh Lê, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Văn Hoàn, Phong Lê, Trần Thị Băng Thanh, Trần Đình Sử. Trong cuốn này có in lại bài phát biểu của ông Trần Đình Bưu - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đọc tại Lễ kỷ niệm (1992): “…Việc đào tạo đội ngũ những nhà tri thức, tạo cơ sở ban đầu cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo lâu dài ngay trong kháng chiến là một chủ trương sáng suốt và hết sức đúng đắn của Đảng ta. Trường Dự bị Đại học ra đời trên đất Thanh Hóa do nhà văn Đặng Thai Mai làm Hiệu trưởng đã đáp ứng được sự đòi hỏi bức xúc ấy. Phần đông sinh viên của trường năm xưa nay đã là các Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà khoa học đang đảm trách những công việc nặng nề trên cả nước…” (Đặng Thai Mai và Văn học, Nxb Nghệ An, 1994 - Tr.39).
Nhận xét về cuốn sách, GS Đinh Xuân Lâm đã chỉ ra 5 sai sót trong 5 bài viết của các tác giả. Chúng tôi đồng ý với 4 ý kiến của GS Đinh Xuân Lâm ở các trang 36, 38-39, 314, 331 và đã có sửa chữa nghiêm túc ở sách tái bản năm 2002. Cụ thể như sau:
- Tr.39 (Bản 1994 - Tr.36): Hồ Đắc Di đã được chữa thành Hồ Đắc Liên.
- Tr.40,41 (Bản 1994 - Tr.38,39): chữa lại ý kiến về phong trào thi đua ái quốc không phải là tuần lễ vàng.
- Tr.338 (Bản 1994 - Tr.314): đã chữa lại sai lầm trong việc chú thích, đã lầm lẫn Nguyễn Xuân Dương nhà giáo người Thanh Hóa với Luật sư Nguyễn Xuân Dương nguyên Chánh án Toà án Nhân dân Hà Nội.
- Tr.355 (Bản 1994 - Tr.331): chữa lại một sai lầm rất lớn Nguyễn Cần Mẫn viết Chủ nghĩa Mác với vấn đề văn hóa Việt Nam chữa thành Nguyễn Cần Mẫn viết Giảng văn Đại học.
Riêng ý kiến của GS Đinh Xuân Lâm khẳng định rằng: GS Đặng Thai Mai “không hề bao giờ làm hiệu trưởng trường Dự bị Đại học”thì chúng tôi hoàn toàn không tán thành nhưng chưa có dịp nào thuận tiện để trao đổi lại. Theo Hiển Chất “ngày 24/12/2009 tại Hội trường 1 Nhà hiệu bộ trường ĐHSP Hà Nội và ngày 24/12/2010 tại nhà riêng (Ngõ Thái Thịnh) GS Đinh Xuân Lâm vẫn khẳng định GS Trần Văn Giàu là Hiệu trưởng trường Dự bị Đại học”. Chúng tôi xin bổ sung thêm: trước đó, trong cuốn 100 chân dung - một thế kỉ Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nội (2006), ở mục Trần Văn Giàu, GS Đinh Xuân Lâm vẫn khẳng định: “từ năm 1951 đến 1954, ông (tức GS Trần Văn Giàu) là Giám đốc trường Dự bị Đại học trong vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh”.
Ý kiến của GS Đinh Xuân Lâm được Hiển Chất trích dẫn như sau: “Báo Văn nghệ số 15 năm 1995, trang 5, mục Tác phẩm và Dư luận, có đăng bài giới thiệu sách “Đặng Thai Mai và Văn học” (nhiều tác giả - nhà xuất bản Nghệ An - 1994) của Giáo sư Đinh Xuân Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Trong bài này, Giáo sư Đinh Xuân Lâm viết: “Trang 39 liền sau đó khẳng định Đặng Thai Mai từng làm Hiệu trưởng trường Dự bị Đại học. Sự thực thì ông không hề bao giờ làm Hiệu trưởng trường Dự bị Đại học, trường này từ lúc thành lập năm 1952 đến năm 1954 hòa bình lập lại trở về Thủ đô là do Giáo sư Trần Văn Giàu phụ trách. Còn Giáo sư Đặng Thai Mai phụ trách trường Đại học Văn khoa, trong kháng chiến chống Pháp có một bộ phận trường Đại học Văn khoa đặt tại Thanh Hóa”.
GS Đinh Xuân Lâm đã nói không đúng về thực tế công tác của GS Đặng Thai Mai tại trường Dự bị Đại học Liên khu IV cũng như không hiểu rõ thực tế của trường Đại học Văn khoa Liên khu IV (1950).
Để làm sáng tỏ vấn đề, chúng tôi xin tóm lược những thời điểm công tác ở bậc Đại học của cố Giáo sư Đặng Thai Mai từ 1949 đến 1953.
Từ năm 1949 đến năm 1950, Đặng Thai Mai là Giáo sư phụ trách, đồng thời cùng GS Cao Xuân Huy trực tiếp giảng dạy tại Ban Sư phạm Đại học Văn Khoa Liên khu IV ở Thanh Hóa và Nghệ An (theo công văn ngày 28/9/1950 của Bộ Quốc gia Giáo dục).
Đầu năm 1951 đến 7/1951, GS Đặng Thai Mai lên đường ra Việt Bắc theo sự điều động của Bộ Quốc gia Giáo dục để nhận nhiệm vụ mới. Bộ Quốc gia Giáo dục nhận thấy “vì số học sinh của Ban Sư phạm Đại học Văn khoa ít…” (Công văn này được ký vào tháng 8/1950. Trước đó hai tháng, Ban Sư phạm Đại học Văn khoa đã bế giảng với 7 sinh viên tốt nghiệp) nên “Bộ đã quyết định kể từ niên khóa 1950 - 1951 sẽ tạm thời không mở Ban này trong Thanh Hóa…” và “Ông Đặng Thai Mai, Giáo sư phụ trách Ban Sư phạm Đại học Văn khoa, sẽ được điều động ra ngoài này để giúp việc Bộ Giáo dục, hoặc dạy tại các lớp Dự bị Đại học (Ban Văn học)”.
Đến ngày 8/7/1951, GS Đặng Thai Mai trở về lại khu IV để chuẩn bị cho việc thành lập trường Dự bị Đại học Liên khu IV theo nghị định số 277 do Thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn ký ngày 11/10/1951.
Cuối năm 1951 đến đầu 1952, cùng với các đồng sự tiến hành các công việc: địa điểm đặt trường, chiêu sinh và tập hợp sinh viên tại Thanh Hóa và Nghệ An.
Từ 2/1952 đến 4/1953 GS Đặng Thai Mai làm Giám đốc Dự bị Đại học và giảng dạy Văn học cổ đại Hy La, Văn học trung đại các nước châu Âu. Ngày 25/4/1953, GS Đặng Thai Mai là người thay mặt Ban Giám đốc ký tên vào chứng chỉ tốt nghiệp Dự bị Đại học khóa I.
Từ tháng 5/1953 đến tháng 11/1953 Dự bị Đại học khóa I được phép mở tiếp lớp Sư phạm Cao cấp. Đến tháng 8/1953 Dự bị Đại học khóa II bắt đầu nhập học, GS Trần Văn Giàu được giao trách nhiệm điều hành công việc của Ban giám đốc. Chứng chỉ tốt nghiệp Sư phạm Cao cấp của khóa I do GS Trần Văn Giàu thay mặt Ban Giám đốc ký ngày 8/11/1953.
Ngày 14/10/1953 từ địa điểm của trường DBĐH và SPCC tại Thanh Hóa GS Đặng Thai Mai lên đường ra Việt Bắc. Đến ngày 19/12/1953 lên đường sang chữa bệnh tại Bệnh viện Nam Ninh - Trung Quốc.
Như vậy, từ năm 1949 đến tháng 10/1953, trừ 6 tháng đầu năm 1951 có mặt tại Việt Bắc, chủ yếu GS Đặng Thai Mai sống và làm việc tại Liên khu IV, trên cương vị Giám đốc Sở Giáo dục và trường Dự bị Đại học Liên khu IV, đồng thời giảng dạy từ tháng 2/1952 (ngày khai giảng) đến tháng 4/1953 (ngày tốt nghiệp khóa DBĐH khóa I).
Trên đây là những ý kiến của chúng tôi trao đổi với GS Đinh Xuân Lâm cũng như tác giả Hiển Chất. Thiết nghĩ, đối với những vấn đề lịch sử, để đạt tới chân lý cần có thời gian, sự trung thực và tư liệu chính xác… Trên tinh thần đó, chúng tôi chờ đợi những ý kiến giám định, bổ sung của các bạn đồng nghiệp và độc giả.
Đặng Thanh Lê - Nguyễn Văn Hoàn