Ngày 17.2.1979, chiến tranh nổ ra trên toàn tuyến biên giới phía bắc từ Quảng Ninh đến Lai Châu. Khoảng hơn 2 tuần sau đó, ĐHSP Hà Nội 1 đã quyết định đưa đội thanh niên xung kích (TNXK) gồm một số cán bộ trẻ và sinh viên lên đường tới Lạng Sơn, một trong những mặt trận nóng bỏng nhất thời điểm ấy. Mục đích của chuyến đi thực ra rất giản dị: động viên, hỗ trợ các chiến sĩ bộ đội, chuyển đến người lính biên giới những tình cảm của hậu phương. Chuyến đi do thầy giáo Phạm Đăng Dư, Bí thư Đoàn trường dẫn đầu.
Một nhóm trong đội thanh niên xung kích ĐHSP Hà Nội 1 trên đường trở về sau chuyến đi biên giới năm 1979 - Ảnh: Bà Quỳnh Liên cung cấp
|
Các thành viên của đội cũng xác định sẵn sàng hỗ trợ bộ đội bất kể công việc gì. “Biết chuyến đi có nhiều khó khăn, gian khổ và nguy hiểm nhưng chúng tôi đều vô cùng phấn chấn. Lúc ấy các thầy giáo, các nam sinh viên đều đã sẵn sàng cầm súng tham gia chiến đấu cùng với bộ đội”, nhà giáo Quỳnh Liên [1], một trong những thành viên trong đội TNXK năm ấy nhớ lại. Biết tin đoàn chuẩn bị lên đường, học sinh, đoàn viên, thanh niên các trường đã viết hàng nghìn bức thư nhờ đoàn chuyển lên biên giới. Những món quà mà đoàn công tác mang theo rất giản dị, chỉ là những chiếc phong bì, hộp thuốc đánh răng, lưỡi dao cạo, bút mực, giấy viết thư, kim chỉ, xà phòng... nhưng đều mang nặng tình cảm hậu phương dành cho người đánh giặc tuyến đầu.
Đã 33 năm trôi qua nhưng khi giở lại những trang nhật ký của chuyến đi năm ấy, bà Quỳnh Liên vẫn không khỏi bồi hồi xúc động. Kỷ niệm của những ngày tháng ấy lại hiện về qua từng dòng chữ, bức hình được bà lưu giữ cẩn thận.
Đội TNXK lên đường ngày ấy có 33 người phải chia thành hai tốp. Tốp đi tàu, tốp đi ô tô với điểm hẹn cuối là Lạng Sơn. Ngay trên đường đi, tại Bắc Thái (nay là Thái Nguyên), đội văn nghệ của đoàn đã biểu diễn phục vụ cho một số đơn vị thuộc Trung đoàn 197 bộ đội chủ lực địa phương vừa tham gia chiến đấu ở biên giới... Vừa đi, vừa nghỉ, vừa biểu diễn phục vụ và phải “tăng bo” nhờ xe bộ đội nên hơn 3 ngày ròng rã toàn đội mới có mặt tại Lạng Sơn và được Sư đoàn 337 (F337) tiếp nhận. Lúc ấy F337 đang làm nhiệm vụ phòng ngự trên hướng Đồng Đăng - Cao Lộc. Trước đó chỉ vài hôm, F337 cùng quân dân huyện Văn Quan đã trải qua hơn 12 ngày đêm (28.2 - 11.3.1979) chiến đấu ác liệt, liên tục với thê đội hai của địch có lực lượng mạnh hơn nhiều lần. Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chặn đứng, đánh bại ý định vu hồi bao vây chia cắt Lạng Sơn của địch.
Ngày 19.3, một ngày sau khi địch buộc rút hết quân về nước sau những thất bại nặng nề, đội TNXK ĐHSP Hà Nội 1 phục vụ một đơn vị chiến đấu ở một điểm chốt cách Đồng Đăng 3 km. Đây là buổi biểu diễn đầu tiên trên tuyến lửa, nên cả đội ai cũng hồi hộp háo hức. Đến địa điểm biểu diễn - điểm cao 607 - đã thấy bộ đội tập hợp rất đông với những ánh mắt hồ hởi. Với những người lính tuyến đầu ngày ấy, những sinh viên đến từ thủ đô như một luồng gió mát thổi đến chiến trường nóng bỏng. Từ buổi biểu diễn ấy, đội đã đi khắp tuyến biên giới Lạng Sơn phục vụ đồng bào, chiến sĩ.
Tổng kết sau chuyến đi 14 ngày tới mặt trận, đội TNXK ĐHSP Hà Nội 1 đã biểu diễn 42 buổi, trung bình mỗi ngày 2-3 buổi, có ngày tới 5 buổi. Sân khấu thường là một bãi cỏ rộng, một thửa ruộng khô hay một sườn đồi; phương tiện chỉ có một chiếc loa pin. Địa điểm biểu diễn cách xa nhau, có khi phải đi bộ, rồi trèo đèo, lội suối nhưng các thành viên đều không quản ngại vượt qua gian khó. Nhiều giọng hát được các cán bộ chiến sĩ nhớ mãi như Kim Dung, Quang Thái, Cái Văn Thái, Đinh Văn Thiện, Kim Anh…
Thực tế cuộc sống người lính ngày ấy đã làm thay đổi và có tác động lớn đến tình cảm của những thành viên của đội TNXK. Nhật ký của bà Quỳnh Liên ghi lại: “Đi đến đâu chúng tôi đều nhận thấy những người chiến sĩ nơi mặt trận này thật giống nhau: trẻ, rất trẻ, hồn nhiên lạc quan, yêu ca hát và tình cảm rất chân thành. Khi được lên đây phục vụ chúng tôi nghĩ rằng mình phải làm sao thật tươi mát để làm dịu bớt cuộc sống nóng bỏng của chiến trường. Nhưng chính tâm hồn đẹp đẽ, trẻ trung của các anh đã làm tươi mát tâm hồn chúng tôi rất nhiều…”.
Ng.Phong
[1] Thời gian đó, bà Quỳnh Liên là cán bộ Phòng Công tác chính trị của ĐHSP Hà Nội 1 nhưng lại khá nổi tiếng với vai trò một ca sĩ. Nhiều bài hát do giọng ca Quỳnh Liên thể hiện đã in sâu trong lòng nhiều thế hệ như: Em đứng giữa giảng đường hôm nay, Mùa xuân trên thành phố dệt, Bài ca hy vọng, Nghe câu Quan họ trên cao nguyên, Mùa xuân làng lúa, làng hoa...
[2] Thượng úy Nguyễn Đình Vạn, cán bộ Sư đoàn 337 được phân công đảm trách việc hướng dẫn đội TNXK trong những ngày đội ở biên giới.
Ngày 27.3
...Ngày mai chúng tôi phải về tuyến sau phục vụ tiểu đoàn quân y và tiểu đoàn vận tải để kết thúc chuyến đi ngắn ngủi này. Chú Vạn[2] sẽ đi cùng đội, tiễn đội về rồi ngày kia chú sẽ lên Đồng Đăng bước vào cuộc chiến đấu mới.Buồn và nao nao trong lòng.
Chiều nay chú mang theo một cái áo... Chú bảo mình thùa khuyết lại tất cả các khuy áo. Mình và Chinh hý hoáy làm một lúc. Mình cứ băn khoăn vì thực ra các chỗ thùa khuyết chưa phải đã sờn. Cuối cùng chú Vạn nói mình mới vỡ lẽ: Hôm nào về thăm trường chú sẽ mặc cái áo này. Mỗi lần mặc đến lại nhớ chúng mày. Mình và Chinh nhìn nhau lặng người đi...
...Chú Vạn ơi, có lẽ chú chẳng biết được đâu, những ngày qua cháu đã suy nghĩ nhiều thế nào. Cháu thấy mình đã sống một cách nhỏ bé tầm thường và vô trách nhiệm trong khi những người đầu đã bạc vẫn cầm súng chiến đấu và những người chưa kịp bước vào đời đã chiến đấu và hy sinh.
May sao chuyến đi này đã cho cháu nhận thức rõ ràng hơn và sâu sắc hơn ý nghĩa cuộc sống để biết trân trọng hơn, quý giá hơn từng giây phút trôi qua. Những nấm mồ đắp vội, những dòng chữ trên bia ghi ngày tháng năm sinh của những chàng trai còn quá trẻ ngã xuống hôm nay như những tiếng chuông cảnh tỉnh chấn động mãi lòng cháu hôm nay và chắc chắn là cả những ngày mai.
Sự thực đau đớn đó hơn bất kỳ một lời giáo huấn nào có sức thuyết phục và bắt người ta phải suy nghĩ một cách nghiêm túc: làm sao cho xứng với sự hy sinh đó. Và không chỉ với những người ngã xuống hôm nay mà với cả bao lớp người đã ngã xuống hôm qua.
Sống vị kỷ là có tội với những người đã ngã xuống, là biến máu thành nước lã, là xúc phạm đến sự hy sinh xương máu của bao người...
Trích nhật ký nhà giáo Quỳnh Liên
|
Ngày mai ta đi
Trước ngày đội TNXK lên đường, một cán bộ giảng dạy trẻ Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã nhờ đoàn gửi tặng những người lính biên giới bài thơ Ngày mai ta đi. Bài thơ vẫn được lưu giữ trong cuốn nhật ký của nhà giáo Quỳnh Liên. Người viết bài thơ ấy sau này đã trở thành một nhân vật nổi tiếng: nhà thơ Trần Hòa Bình.
Mặt trận sẽ chẳng còn là một nỗi hình dung
Ngày mai ta đi về phương
súng nổ.
Mai ta đi
Đất nước thêm một người
lính trẻ
Đồng đội thêm một mũi AK trên điểm chốt
Rừng biên cương thêm một giọng cười
Ngày mai
Cỏ dưới mỗi bước chân ta sẽ thật là sắc cỏ
Nắng gió trên vai ta sẽ thật là nắng gió
Đường lên cao xe cuốn
áo xanh bay
Thiêng liêng từ hạt bụi bám
trên tay...
Muốn nói với những gì ở lại
Lời chia tay êm dịu nhất đời ta
Muốn nói với mỗi người bạn gái
Lời con trai trận mạc nói xưa xa
Ở lại nhé mấy năm ròng
đọc sách
Bài luận văn chưa viết đợi
người về
Giặc lại đến kia rồi, làm sao mà khác được
Đường phố đã đào hầm. Xin khẩu súng, ta đi...
Ở lại nhé căn phòng riêng
bé nhỏ
Những trang viết đầu tay, tranh thủy mặc trên tường
Mỗi buổi sớm mẹ ra mở cửa
Tia nắng đầu tiên sẽ kể chuyện núi rừng
Ở nơi ấy con trai của mẹ
Sẽ chẳng khi nào để mẹ
buồn đâu
Con sẽ lớn lên nhiều sau nắm cơm đưa tiễn
Lần thứ năm mẹ gói trong đời!
Có đêm nào chật chội như
đêm nay
Ngỡ sao trời cũng trẩy quân lên mạn Bắc
Ngày mai chúng ta đi
Nằm gối ba lô cứ nghe
bè bạn hát...
Mặt trận sẽ chẳng còn là một nỗi hình dung
Và những yêu thương lại rập rờn phương súng nổ...
Hà Nội, 14.3.1979
Nguồn: www.thanhnien.com.vn