Thắp sáng ngọn lửa “Ba sẵn sàng”
Trường ĐHSP Hà Nội là nơi khởi nguồn của phong trào “Ba sẵn sàng”. Ngay từ đầu năm 1964, trong bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước ngày càng diễn ra ác liệt, ý thức dân tộc và lòng yêu nước sâu sắc đã khiến gần 100 chi đoàn với hàng nghìn đoàn viên, sinh viên trong Trường ĐHSP Hà Nội dấy lên tinh thần xung phong, sẵn sàng nhận bất kì nhiệm vụ nào mà Đảng và Nhà trường giao phó. Trong tình hình mới, Trường ĐHSP Hà Nội đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc phát huy tinh thần xung phong, tình nguyện của tuổi trẻ Nhà trường đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cũng như sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trước tinh thần và khí thế sôi nổi của các cơ sở Đoàn, Ban Chấp hành Đoàn trường đã phát động phong trào “Tam bất kì” với các nội dung cơ bản:
1. Bất kì đi đến nơi nào mà Tổ quốc cần đến.
2. Bất kì làm nhiệm vụ gì mà Đảng và nhân dân yêu cầu.
3. Bất kì chế độ hưởng thụ nào cũng chấp nhận
Phong trào "Tam bất kì", sau đó đổi gọi là phong trào “Ba bất kì”, được triển khai sâu rộng ở các cơ sở Đoàn, thu hút sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, sinh viên, được Đảng uỷ, Ban Giám hiệu ủng hộ, hoan nghênh. Một khí thế mới được dấy lên: Khí thế tình nguyện, xung phong và sẵn sàng hi sinh vì độc lập, thống nhất đất nước. Cuối tháng 4/1964, cuộc họp toàn thể của Ban Chấp hành Đoàn Trường ĐHSP Hà Nội dưới sự chủ trì của đồng chí Bí thư Trịnh Ngọc Trình đã quyết định đổi tên phong trào "Ba bất kì" thành “Ba sẵn sàng”. Đáp lại lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mĩ xâm lược”, 19h30¢ ngày 30/4/1964, Ban Chấp hành Đoàn trường đã tổ chức lễ phát động phong trào Ba sẵn sàng tại nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch, huyện Từ Liêm. Trước sự chứng giám của anh linh các vị anh hùng liệt sĩ, trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, cờ Đoàn, hàng nghìn đoàn viên, sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội đã hô vang ba lời thề:
1. Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ đánh thắng đế quốc Mĩ xâm lược.
2. Sẵn sàng hi sinh bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
3. Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì Đảng và nhân dân yêu cầu mà không đòi hỏi đãi ngộ!
Bí thư Đoàn trường Trịnh Ngọc Trình phát biểu tuyên thệ
trong Lễ phát động phong trào “Ba sẵn sàng”
tại Nghĩa trang Liệt sĩ Mai Dịch - Hà Nội, ngày 30/4/1964.
Bí thư Đảng ủy Trường ĐHSP Hà Nội Đỗ Đức Uyên trao cờ và giao nhiệm vụ
cho Đoàn Thanh niên Trường quyết tâm thực hiện phong trào “Ba sẵn sàng”
tại Lễ phát động ngày 30/4/1964.
Đoàn viên, sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội hưởng ứng phong trào Ba sẵn sàng tại Lễ phát động ngày 30/4/1964.
Ngay sau Lễ tuyên thệ, toàn thể đoàn viên, sinh viên trong Trường với ngọn đuốc trên tay đã diễu hành biểu dương lực lượng từ Mai Dịch đến đến Dịch Vọng. Lời thề danh dự của tuổi trẻ Trường ĐHSP Hà Nội đã góp phần mở đầu cho một phong trào cách mạng rộng lớn nhất, sôi nổi nhất trong lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào thanh niên Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh: Phong trào Ba sẵn sàng.
Sự thành công bước đầu và ý nghĩa to lớn của phong trào Ba sẵn sàng ở Trường ĐHSP Hà Nội được Trung ương Đoàn và Thành Đoàn Hà Nội quan tâm, đánh giá cao. Giữa năm 1964, Trung ương Đoàn và Thành Đoàn đã tổ chức một cuộc khảo sát về phong trào Ba sẵn sàng tại Trường ĐHSP Hà Nội. Theo đề nghị của Ban Chấp hành Đoàn trường, Trung ương Đoàn và Thành Đoàn đã quyết định nhân rộng phong trào Ba sẵn sàng đến toàn thể thanh niên Thủ đô và thanh niên miền Bắc.
Trước tình hình đế quốc Mĩ gây ra sự kiện "Vịnh Bắc Bộ" vào ngày 5/8/1964 leo thang đánh phá Miền Bắc thì ngày 8/8/1964, Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội họp phiên bất thường, quyết định phát động phong trào Ba sẵn sàng với nội dung:
1. Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm.
2. Sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang.
3. Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến.
Tối ngày 9/8/1964, Thành Đoàn Hà Nội chính thức phát động phong trào Thanh niên Ba sẵn sàng chống Mĩ, cứu nước trên toàn Thành phố. Hàng nghìn cán bộ, sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội cùng 26 vạn thanh niên, công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, sinh viên rầm rộ xuống đường diễu hành qua những tuyến đường phố mang tên các vị anh hùng dân tộc: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Quang Trung…, làm vùng dậy khí thế của một thời tuổi trẻ Hà Nội “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong những ngày mùa đông năm 1946 hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những ngày sau đó, tuổi trẻ Trường ĐHSP Hà Nội, với sự có mặt thường xuyên và đi đầu của Giáo sư Hiệu trưởng Phạm Huy Thông, lại tiếp tục xuống đường tham gia tuần hành biểu thị quyết tâm đánh Mĩ.
Năm 1965, trước những diễn biến mới của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, Trung ương Đoàn đã phát động phong trào Ba sẵn sàng với nội dung được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn cách mạng:
1. Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng gia nhập các lực lượng
vũ trang.
2. Sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kì tình huống nào.
3. Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần.
Là cái nôi đầu tiên của phong trào Ba sẵn sàng, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Đoàn, tuổi trẻ Trường ĐHSP Hà Nội đã biến quyết tâm thành hành động bằng nhiều hình thức khác nhau, tham gia vào sự nghiệp kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, ngay từ năm 1961, hàng trăm cán bộ, sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội đã vào miền Nam công tác và trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Liên khu V và Nam Bộ - những địa bàn trọng điểm và ác liệt trong cuộc chiến đấu chống “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mĩ lúc đó. Từ năm 1965, khi Mĩ đổ thêm quân với số lượng lớn trực tiếp xâm lược miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, với khí thế của Phong trào Ba sẵn sàng, đông đảo cán bộ, sinh viên của trường đã lên đường nhập ngũ, tham gia lực lượng thanh niên xung phong, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên cả hai miền Nam Bắc. Mùa hè năm 1965, đông đảo đoàn viên, sinh viên tốt nghiệp khoá học Nguyễn Văn Trỗi đã viết đơn tình nguyện đi công tác và chiến đấu ở miền Nam. Hơn 50 người đã được đáp ứng nguyện vọng tha thiết của mình:
“Đi xây trường, xây pháo đài chống Mĩ
Mỗi giáo viên nhân dân là một người chiến sĩ” (1)
Nhiều đoàn viên, sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội ra chiến trường giai đoạn này đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, trong đó có cả những cán bộ Đoàn trường như đồng chí Đặng Xuân Rương(2), đồng chí Nguyễn Tề, đồng chí Bùi Ngọc Dương… Nhiều người bị địch bắt, dù bị tra tấn dã man, bị giam cầm nhiều năm ở “chuồng cọp” Côn Đảo nhưng vẫn giữ vững khí tiết của người đoàn viên cộng sản, người cán bộ cách mạng, trở thành tấm gương cho cán bộ, đoàn viên trong trường học tập, tiêu biểu như đồng chí Tô Thị Tĩnh - nữ sinh viên khoa Hoá học, đồng chí Nguyễn Thị Hường - nữ sinh viên khoa Lịch sử… Nhiều sinh viên của trường lên đường nhập ngũ trong giai đoạn này trưởng thành từ khói lửa chiến tranh, trở thành những văn nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Khoa Điềm(3), Phạm Tiến Duật, Từ Sơn, Tô Nhuận Vỹ, Tô Hoàng, Vũ Đình Văn, Nguyễn Quốc Bảo, Trần Trâm Phương…
Trong những năm đầu của phong trào Ba sẵn sàng, hàng nghìn cán bộ, sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội đã có mặt trên khắp các trận tuyến chống Mĩ cứu nước: Tiền tuyến lớn miền Nam, “chảo lửa” Khu IV, vùng hải đảo, biên cương của Tổ quốc và cả trên mặt trận khoa học kĩ thuật phục vụ xây dựng và chiến đấu. Từ những năm 1964 - 1965, hàng trăm sinh viên khoa Nga đã có mặt trên các mặt trận đánh Mĩ, làm phiên dịch cho các binh chủng phòng không - không quân, tên lửa, thông tin, hoá học. Nhiều người đã anh dũng hi sinh. “Hầu hết số phiên dịch viên tiếng Nga đáp ứng nhu cầu của Bộ Quốc phòng đi phiên dịch trong những năm chống Mĩ cứu nước là sản phẩm được đào tạo tại khoa Nga của Trường ĐHSP Hà Nội” (4).
Cũng với tinh thần Ba sẵn sàng, những đoàn viên, sinh viên của Trường không trực tiếp tiếp ra chiến trường đã nỗ lực trong học tập, công tác, nhiều đồng chí xung phong đi miền Nam chiến đấu lại được phân công đi nước ngoài nghiên cứu, đã học tập với tinh thần Ba sẵn sàng, vì miền Nam ruột thịt, trở thành những nhà khoa học, nhà quản lí giáo dục có uy tín như Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc, Giáo sư Đinh Quang Báo, Giáo sư Đỗ Đình Thanh.
Từ năm 1964, khi cuộc “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ - nguỵ sắp phá sản, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Giáo dục chủ trương tăng cường cán bộ giáo viên cho miền Nam, nhiều cán bộ của Trường ĐHSP Hà Nội, trong đó có không ít đảng viên, đoàn viên là sinh viên vừa tốt nghiệp, đã nhận nhiệm vụ vượt hàng nghìn kilômét đường bộ dọc Trường Sơn đi vào chi viện cho giáo dục miền Nam - một bộ phận không thể thiếu được trong công cuộc chống Mĩ cứu nước, góp phần giúp cho nền giáo dục cách mạng phát triển nhanh chóng từ rừng núi đến nông thôn, từ vùng giải phóng đến vùng tranh chấp, vùng đô thị địch tạm chiến. Nhiều người trong số các “Chiến sĩ giáo dục” đi theo tiếng gọi của miền Nam, của phong trào Ba sẵn sàng đã anh dũng hi sinh khi làm nhiệm vụ.
Tinh thần “Ba sẵn sàng” của tuổi trẻ Trường ĐHSP Hà Nội được dấy lên trong những năm 1964 - 1965 đã đặt cơ sở quan trọng cho những cống hiến to lớn của cán bộ, sinh viên Nhà trường trong công cuộc đấu tranh bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước giai đoạn sau này.
Giáo dục lòng yêu nghề cho giáo viên và sinh viên là một nội dung hết sức quan trọng của công tác giáo dục tư tưởng trong Nhà trường. Điều này được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong bài nói chuyện khi về thăm Trường (21/10/1964): “Thầy cũng như trò, cán bộ cũng như nhân viên, phải thật thà yêu nghề mình. Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”(5).
Sau này, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về thăm Trường cũng nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác giáo dục tình yêu nghề cho cán bộ, sinh viên. Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn nói: “Yêu người bao nhiêu càng yêu nghề bấy nhiêu”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Nghề giáo là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, vì nó gắn với những gì tốt đẹp nhất của tương lai đất nước”.
Thông qua nhiều hình thức, biện pháp giáo dục sinh động, có hiệu quả làm cho sinh viên sư phạm nhận thức trách nhiệm của mình trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Phong trào Ba sẵn sàng tiếp tục phát triển, thể hiện ở nhiều hoạt động cụ thể trong rèn luyện, học tập, nghiên cứu của sinh viên toàn trường. Nhiều sinh viên được đào tạo ở Trường ĐHSP Hà Nội trong những năm 1960 - 1965 đã tự nguyện nhận công tác ở mọi miền Tổ quốc. Trong số đó có người trở thành Anh hùng Lao động, Chiến sĩ thi đua các cấp, những nhà khoa học, nhà thơ, nhà văn, những cán bộ cao cấp của Đảng, Chính phủ, nhà hoạt động chính trị, xã hội nổi tiếng, các nhà quản lí giáo dục, các giáo viên giỏi. Hầu hết các giáo viên cấp III ở miền Bắc thời kì này đều được đào tạo ở Trường ĐHSP Hà Nội. Họ chính là lực lượng nòng cốt đã góp phần to lớn trong việc đào tạo một thế hệ thanh niên chống Mĩ cứu nước, những người sẵn sàng hi sinh, đặt lợi ích dân tộc lên trên hết.