Thời kì 1956 - 1965: Xây dựng mô hình ĐHSP hoàn chỉnh (phần I)
Đầu năm 1956, trong cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai, kế hoạch phát triển giáo dục được xây dựng. Mạng lưới các trường đại học, với chức năng và nhiệm vụ rõ ràng hơn, được hình thành.
Ngày 4/6/1956, Chính phủ ra Quyết định số 2184/TC thành lập 5 trường đại học. Ngoài việc mở các trường Đại học Bách khoa, Đại học Nông lâm, củng cố và cải tiến trường Đại học Y Dược, quyết định ghi rõ “Trên cơ sở hai trường ĐHSP Văn khoa và ĐHSP Khoa học xây dựng một trường Đại học Tổng hợp để đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học và chuẩn bị cán bộ giảng dạy cho các trường Đại học sau này, cung cấp giáo viên cho các lớp trên bậc phổ thông... Cũng trên cơ sở hai trường nói trên xây dựng một trường ĐHSP đào tạo giáo viên cấp III, giáo viên cho các trường sư phạm trung cấp và tiến tới đào tạo một phần giáo viên cho cấp II phổ thông”([1]).
Giáo sư sử học Phạm Huy Thông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường ĐHSP. Ngày 12/10/1956, lễ khai giảng chung cho năm trường đại học được tổ chức trọng thể với sự có mặt gần 4.000 sinh viên, trong đó số sinh viên ĐHSP chiếm hơn 1/4 với 1.023 người. Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Giáo dục và nhiều bộ liên quan đã tham dự lễ khai giảng, đánh dấu sự ra đời của các trường đại học đầu tiên được xây dựng theo mô hình xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Bác Hồ thăm khoa Ngoại ngữ, Trường ĐHSP Hà Nội.
GS. Phạm Huy Thông - Hiệu trưởng Nhà trường giới thiệu với Bác
về cơ sở vật chất của khoa và tình hình học tập của sinh viên, ngày 4/3/1960.
Từ năm 1956 đến 1965, trong điều kiện hòa bình trường đã bắt tay vào xây dựng trường về mọi mặt.
* Về cơ cấu tổ chức:Năm 1956, hai trường ĐHSP và ĐHTH có chung 7 khoa: Văn, Sử, Địa, Toán, Lí, Hóa, Sinh. Mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo chưa được xác định đầy đủ. Trong thời gian đầu, sinh viên hai trường ĐHSP và ĐHTH vẫn cùng chung lớp học, chung thầy với các môn khoa học cơ bản. Sinh viên sư phạm học riêng các môn giáo dục học, tâm lí học, phương pháp dạy học. Bước vào năm học 1958 - 1959, trường ĐHSP dời về xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội (cây số 8 Cầu Giấy) đồng thời tiếp nhận các trường Sư phạm trung cấp và trung cấp Ngoại ngữ do vậy trường ĐHSP có thêm khoa đào tạo giáo viên ngoại ngữ và phân hiệu Sư phạm Trung cấp Trung ương đào tạo giáo viên cấp II. Lãnh đạo Nhà trường có GS. Phạm Huy Thông (Giám đốc), GS. Nguyễn Thúc Hào (Phó Giám đốc); Thầy Nguyễn Văn Tuất phụ trách khoa Ngoại ngữ; Thầy Hoàng Như Mai và thầy Nguyễn Hữu Dũng là Phân hiệu trưởng và Phân hiệu phó của Phân hiệu Sư phạm Trung cấp. Lúc đó trường được tổ chức thành 4 khoa: Văn - Sử, Toán - Lí, Hóa - Sinh - Địa, Ngoại ngữ, đào tạo giáo viên cấp III với 10 chuyên ngành: Văn, Sử, Địa, Toán, Lí, Hóa, Sinh vật, Nga văn, Anh văn, Trung văn và phân hiệu sư phạm trung cấp đào tạo giáo viên cấp II. Từ năm học 1959 - 1960, trường có thêm ban Pháp văn và lớp đào tạo giáo viên Giáo dục, Tâm lí học để cung cấp cho các trường sư phạm miền Bắc.
Từ năm học 1960 - 1961, các Ban chuyển thành Phân khoa. Đến năm học 1963 - 1964, Trường thành lập các Khoa để đáp ứng yêu cầu phát triển và giải quyết tốt nhiệm vụ đào tạo giáo viên từ 2 năm đến 3 năm (đối với các môn khoa học cơ bản) và 4 năm (đối với ngoại ngữ). Khoa Tâm lí - Giáo dục được thành lập năm 1965. Như vậy, đến năm 1965 trường có các khoa: Văn, Sử, Địa, Toán, Lí, Hóa, Sinh vật, Ngoại ngữ (khoa ngoại ngữ có các phân khoa Nga văn, Anh văn, Trung văn, Pháp văn) và Tâm lí giáo dục.
* Về xây dựng cơ sở vật chất: Thời kì đầu trường không có cơ sở riêng, cả 5 trường đại học đều học ở số nhà 19 đường Lê Thánh Tông. Năm học 1958 - 1959, Trường ĐHSP chuyển về xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, tiếp thu cơ sở vật chất của trường Sư phạm trung cấp Trung ương. Diện tích của trường Sư phạm trung cấp Trung ương là 71.680m2. Toàn bộ lớp học và nhà ở, nhà ăn là vách đất lợp lá gồi. Chỉ có 3 phòng thí nghiệm xây gạch. Một số nhà làm việc (phòng ban), thư viện, 5 phòng thí nghiệm là vách đất, lợp ngói. Nhưng tất cả các nhà đều trong tình trạng xuống cấp, dột nát, tốc mái, ẩm ướt, vì thế việc dạy, học, ăn ở, đặc biệt là các phòng thí nghiệm và các thiết bị dạy học của các khoa tự nhiên và thư viện gặp nhiều khó khăn([2]). Ngày 8/9/1960, Giám đốc trường ĐHSP Phạm Huy Thông đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục cấp cho toàn bộ khu đất 400.000m2 vì năm học 1959 - 1960 của trường có 1.960 sinh viên và 420 cán bộ công nhân viên và giáo viên. Theo kế hoạch trường sẽ có số sinh viên tăng lên trong các năm sau là: 1960 - 1961 là 3.740 sinh viên; 1961 - 1962 là 5.000 sinh viên; 1965-1970 là 10.000 sinh viên. Cán bộ công nhân viên và giáo viên sẽ tăng tương ứng là: 475 cho năm học 1960 - 1961; 617 cho năm học 1961 - 1962; 900 cho thời kì 1965 - 1970([3]).
Được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư kinh phí của Bộ Giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội được mở rộng và được xét duyệt cấp kinh phí xây dựng trường là 3.408.288đ([4]). Việc xây dựng Trường được khởi công năm 1960 và hoàn thành vào năm 1964 với 10 dãy nhà 4 tầng kiên cố([5]), khu Hiệu bộ, vườn trường, xưởng trường, sân vận động với tổng diện tích là 27ha.
* Xác lập tính chất XHCN của Nhà trường:
Ngay năm đầu thành lập, Trường đã phải đấu tranh trên mặt trận chính trị và tư tưởng để xây dựng nhà trường XHCN. Cũng như các trường đại học khác, Trường ĐHSP Hà Nội phải xác lập quan điểm xã hội chủ nghĩa trong công tác đào tạo, đấu tranh gạt bỏ những tư tưởng cũ còn ảnh hưởng trong trường.
Sau hòa bình lập lại năm 1954, Đảng Lao động Việt Nam quyết định: Miền Bắc tiến lên thực hiện cách mạng XHCN trong bối cảnh đất nước bị chia cắt và phe XHCN thế giới có những biến động rất phức tạp. Trên thế giới, năm 1956, xuất hiện vụ rối loạn ở Ba Lan, Hunggari. Phong trào cách mạng thế giới có sự chia rẽ, phân liệt do mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Quốc. Các sự kiện này đã tác động mạnh đến nước ta. Ở trong nước, năm 1956, Đảng và Chính phủ thừa nhận sai lầm trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức và tiến hành sửa sai. Cuộc đấu tranh để khẳng định con đường tiến lên CNXH và khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo xã hội của Đảng đã diễn ra trên mọi lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng. Cuộc đấu tranh tư tưởng diễn ra quyết liệt ở các trường đại học vì đây là nơi tập trung trí thức, là nơi đào tạo trí thức. Ở thời kì này, trong các trường học có trí thức cũ, có trí thức mới; có trí thức chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng tư sản, có trí thức đi theo lí tưởng cộng sản. Học sinh cũng có người từ vùng tự do, có người ở vùng tạm chiếm. Trường ĐHSP là nơi cuộc đấu tranh diễn ra nóng bỏng vì đây là trường đại học hàng đầu của miền Bắc, là nơi tập trung những trí thức lớn. Trường ĐHSP còn là trung tâm đào tạo giáo viên cấp II, cấp III, giáo viên các trường đại học khác và cán bộ nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, nơi đây đã trở thành diễn đàn chính của cuộc đấu tranh văn hóa tư tưởng để lựa chọn phương hướng phát triển của ngành Giáo dục, của các trường học, đặc biệt là các trường đại học. Cuộc đấu tranh đó diễn ra với 2 quan điểm đối lập nhau gay gắt. Một bên là quan điểm phi vô sản phủ nhận vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng trong nhà trường, phủ nhận việc giảng dạy chính trị trong nhà trường và đặt nhiệm vụ giảng dạy của giáo viên nằm ngoài các vấn đề của xã hội,… Một bên là các quan điểm vô sản, khẳng định Trường đại học phải là nhà trường xã hội chủ nghĩa, đào tạo những con người trung thành với sự nghiệp của giai cấp công nhân, có nghĩa vụ tham gia xây dựng xã hội mới. Nhà trường đào tạo lớp người biết kết hợp tri thức sách vở với thực tiễn cuộc sống, kết hợp lao động trí óc với lao động chân tay. Muốn vậy, tư tưởng của giai cấp công nhân phải giữ vị trí chủ đạo trong mọi hoạt động của Nhà trường. Trong cuộc đấu tranh đó giáo viên đóng vai trò quan trọng. Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Đoàn Thanh niên, Công đoàn đã tổ chức các cuộc đấu tranh công khai, rộng lớn trong toàn trường. Năm 1957, Trường ĐHSP đã tổ chức cuộc đấu tranh chống tư tưởng phi vô sản trong nhóm “Nhân văn giai phẩm”. Năm học 1958 - 1959, trường tổ chức đợt học tập chính trị “Xây dựng trường đại học XHCN” và đợt lao động tập trung 2 tháng ở huyện Từ Liêm. Các đợt học tập chính trị lớn và lao động trong thực tế này đã góp phần quan trọng làm chuyển biến nhận thức của cán bộ công nhân viên, giáo viên và sinh viên trong toàn trường về thực tiễn cách mạng ở nước ta lúc bấy giờ.
Từ sau Đại hội lần thứ III của Đảng (1960), Trường tổ chức đợt chỉnh huấn mùa xuân năm 1961; đẩy mạnh nghiên cứu các nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 5 (tháng 7/1961), lần thứ 7 (tháng 6/1962), lần thứ 8 (1963). Nghị quyết của các đại hội Đảng bộ trường trong những năm 1960 - 1965 nhấn mạnh: Trường ĐHSP phải là một pháo đài của CNXH.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng của Trường ĐHSP đã có bước chuyển biến rất cơ bản với những nội dung phong phú hơn trước. Để làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã kết hợp chặt chẽ mọi hoạt động của nhà trường, phát huy tác dụng của mọi tổ chức, chủ yếu là tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên, Công đoàn.
Việc học tập lí luận chính trị được cải tiến 1 bước. Từ năm học 1959 -1960, Trường đã tiến hành việc giảng dạy có hệ thống chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với việc học tập thời sự, chính sách. Trường đã cho mở các lớp triết học Mác - Lênin và kinh tế chính trị học cho giáo viên của Trường đồng thời mở lớp chính trị sơ cấp cho cán bộ công nhân viên chức. Tổ Chính trị đẩy mạnh việc giảng dạy có hệ thống chủ nghĩa Mác- Lênin với chương trình thống nhất và ổn định hơn ở các khoa.
Trường tổ chức sinh hoạt mỗi tháng 2 kì để phổ biến tình hình thời sự và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Trường ĐHSP. Đây là hình thức giáo dục chính trị tư tưởng sinh động và có hiệu quả cao giúp cán bộ sinh viên toàn Trường nắm bắt được tình hình trong và ngoài nước, hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, của Trường do vậy họ tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động chính trị xã hội như thầy và trò Trường ĐHSP Hà Nội sôi nổi xuống đường tham gia các cuộc đấu tranh chính trị, phản đối chính quyền Mĩ - Ngụy gây ra vụ thảm sát ở nhà tù Phú Lợi, phản đối việc xử tử ông Hoàng Lệ Kha theo Luật 10/59. Từ năm 1963 nhiều cán bộ, sinh viên của trường đã lên đường tham gia công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Để chuẩn bị cán bộ cho ngành giáo dục miền Nam, Trường đã đào tạo nhiều học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Riêng năm học 1963 - 1964, trường đã đào tạo 800 sinh viên miền Nam trong tổng số 4.000 sinh viên của trường. Trường còn phát động phong trào xây dựng tủ sách cho miền Nam.
([1])Bộ Giáo dục và Đào tạo: 50 năm phát triển..., sđd, tr. 201.
([2])Báo cáo tình hình nhà cửa ở khu trường Sư phạm trung cấp Trung ương, ngày 11/6/1957.
([3])Đề nghị của Giám đốc Trường ĐHSP gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục số 548/VP ngày 8/9/1960.
([4])Ý kiến xét duyệt nhiệm vụ thiết kế và thiết kế sơ bộ của Trường ĐHSP số 5817/TV-KT ngày 4/11/1960.
([5]) Đó là các khu nhà A1- A7, B2-B4 ngày nay vẫn còn đang sử dụng.