* Năm 1951:
- Bộ Quốc gia Giáo dục ban hành Nghị định số 276/NĐ thành lập các trường sư phạm: sơ cấp, trung cấp, cao cấp đặt ở Khu học xá trung ương đóng tại Nam Ninh, Trung Quốc.
- Bộ Quốc gia Giáo dục ban hành Nghị định số 277/NĐ thành lập trường Dự bị đại học Liên khu IV.
* Năm 1953:
Bộ Quốc gia Giáo dục đã cho chuyển trường Dự bị Đại học thành trường Sư phạm cao cấp.
* Năm 1954:
- Ngày 7/5/1954, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được kí kết, miền Bắc được giải phóng.
- Ngày 11/1954, Đại học Y Dược, ĐHSP Khoa học, ĐHSP Văn khoa được thành lập.
* Năm 1955:
Ngày 8/11/1955, Thủ tướng Phạm Văn Đồng tới dự Lễ khai giảng được tổ chức chung cho cả 3 trường: ĐHSP Văn khoa, ĐHSP Khoa học, Đại học Y Dược.
* Năm 1956:
Ngày 4/6/1956, Chính phủ ra Quyết định số 2184/TC thành lập trường Đại học Tổng hợp và ĐHSP trên cơ sở hai trường ĐHSP Văn khoa và ĐHSP Khoa học.
|
Sau quá trình chuẩn bị về mọi mặt, ngày 11/10/1951, Bộ Quốc gia Giáo dục đã ra hai nghị quyết quan trọng đối với ngành Sư phạm nói chung và đối với trường ĐHSP nói riêng.
Thứ nhất: Nghị định số 276/NĐ thành lập các trường sư phạm: sơ cấp, trung cấp, cao cấp. Các trường được đặt ở Khu học xá trung ương đóng tại Nam Ninh, Trung Quốc([1]).
Nhiều cán bộ giáo dục và khoa học có năng lực đã tập trung về khu học xá Trung ương làm giáo viên giảng dạy. Số cán bộ giảng dạy lúc đầu mới có: Lê Văn Thiêm, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Xiển, Hoàng Ngọc Cang, Nguyễn Cảnh Toàn, Dương Trọng Bái, Nguyễn Thạc Cát, Lê Khả Kế, Đào Văn Tiến, Nguyễn Lân, Nguyễn Hữu Tảo([2]). Trường Sư phạm Cao cấp ở Khu học xá Trung ương đào tạo giáo viên cấp III. Khóa I có 27 sinh viên - hầu hết là giáo viên được cử đi học. Trường Sư phạm cao cấp ở Nam Ninh chỉ có các bộ môn về khoa học tự nhiên với 3 ban: Ban Toán - Lí có 7 sinh viên; Ban Hóa - Sinh có 9 sinh viên; Ban Lí - Hóa có 11 sinh viên. Cho đến khóa sau trường có tổng số 107 sinh viên([3]). Giáo sư Lê Văn Thiêm được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.
Các thầy dạy ở Sư phạm Cao cấp khu học xá Trung ương.
Từ trái sang: thầy Lê Khả Kế, thầy Dương Trọng Bái, thầy Nguyễn Thạc Cát,
thầy Lê Văn Thiêm, thầy Nguyễn Xiển, thầy Hồ Đắc Di, thầy Võ Thuần Nho
và thầy Nguỵ Như Kon Tum
Thứ hai: Nghị định số 277/NĐ thành lập trường Dự bị đại học Liên khu IV. Giáo sư Đặng Thai Mai đang làm Giám đốc sở Giáo dục liên khu IV được cử kiêm nhiệm Giám đốc trường Dự bị đại học liên khu IV. Trường Dự bị đại học có hai phân hiệu: một ở Nghệ An và một ở Thanh Hóa. Phân hiệu Nghệ An do Giáo sư Đặng Thai Mai và Giáo sư Nguyễn Thúc Hào phụ trách. Phân hiệu Thanh Hóa do Giáo sư Trần Văn Giàu và Giáo sư Đặng Xuân Thiều phụ trách. Ở mỗi phân hiệu đều có 2 ban: khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Các lớp dự bị đại học được quy định có thời gian học là 1 năm nhưng thực tế chuyển thành 2 năm. Từ năm học 1952 - 1953 một số sinh viên sau khi tốt nghiệp lớp dự bị đại học được bổ túc thêm một chương trình sư phạm cao cấp 4 tháng để trở thành giáo viên cấp II, III (Chủ yếu là giáo viên khoa học xã hội). Do đó trường Dự bị đại học khu IV đã trở thành trường Dự bị đại học và Sư phạm Cao cấp khu IV.
Ngày 10/8/1952, phân hiệu Nghệ An chuyển ra Thanh Hóa hợp nhất thành một trường đóng ở Cầu Kè, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Số cán bộ giảng dạy ở trường Dự bị đại học gồm có các thầy: Đặng Thai Mai, Trần Văn Giầu, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy, Trương Tửu, Nguyễn Đức Chính, Nguyễn Lương Ngọc, Chiêm Tế, Đặng Xuân Thiều, Nguyễn Thúc Hào, Phó Đức Tố, Hồ Đắc Chiêm. Ngày 16/8/1952, Bộ Quốc gia Giáo dục đã cho chuyển trường Dự bị Đại học thành trường Sư phạm cao cấp. Một số sinh viên sau khi học xong lớp dự bị đại học được học thêm lớp sư phạm cấp tốc (trong 4 tháng) để làm giáo viên cấp III (chủ yếu là giáo viên khoa học xã hội).
Các SV của trường Dự bị ĐHSP Cao cấp, nay đều là những GS thành danh, ảnh chụp với thầy Nguyễn Lương Ngọc nhân kỉ niệm 30 năm thành lập trường (năm 1981).
Từ trái sang: Phan Trọng Luận, Nguyễn Xuân Nam, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Lương Ngọc và Đặng Thanh Lê.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp thầy và trò của trường Sư phạm cao cấp Nam Ninh và trường Dự bị đại học Liên khu IV đều phải khắc phục khó khăn về trường lớp, ăn ở và đặc biệt khó khăn về chương trình đào tạo, tài liệu giảng dạy. Lớp học được đặt trong đình, chùa hoặc học nhờ trong nhà dân. ở Nam Ninh, lúc đầu trường được đặt ở một ngôi đình nhỏ của xã Tâm Hư, cách thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc 10km. Ở trong nước các lớp học thường học vào ban đêm. Bàn học, đèn do thầy trò tự chế. Tài liệu, giáo trình không có. Các thầy cô và sinh viên đã cùng nhau nghiên cứu, xây dựng nội dung môn học. Ở khu IV, các sinh viên ghi lại bài giảng của thầy, sau đó đưa thầy xem lại rồi in thành tài liệu học tập. Ở Nam Ninh tài liệu học tập cũng không có nhiều. Giáo sư Lê Văn Thiêm lúc này chỉ có 2 tập sách giáo khoa đại học, là Toán học đại cương và Vật lí học đại cương xuất bản tại Pháp. Để giải quyết khó khăn, các sinh viên tự học tiếng Nga, sau đó tự dịch sách giáo khoa trung học của Liên Xô để học tập. Các thầy cô ở trường Sư phạm cao cấp Nam Ninh cũng đã ra được những bộ giáo trình đầu tiên của một số môn học.
Do những thành tích đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển nền giáo dục mới, 3 cán bộ giảng dạy (trong số 8 giáo viên của ngành giáo dục có nhiều thành tích) được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến. Đó là các thầy: Nguyễn Lân - Huân chương kháng chiến hạng Nhì; Nguyễn Thúc Hào, Hoàng Ngọc Cang - Huân chương kháng chiến hạng Ba.
Dù quy mô đào tạo còn nhỏ bé, chương trình học tập chưa được xây dựng hoàn chỉnh nhưng những thành tích đạt được trong kháng chiến chống thực dân Pháp của các trường phổ thông, các trường Sư phạm cao cấp trong vùng tự do là cơ sở cho nền đại học và chuyên nghiệp nước ta sau ngày hòa bình lập lại năm 1954. Số sinh viên, Giáo sư vùng tự do chiếm ưu thế và trở thành lực lượng chủ lực trong các trường đại học sau 1954.
Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Thầy trò các trường đại học vùng tự do về Thủ đô tiếp quản các cơ sở đại học và cao đẳng do thực dân Pháp tổ chức trong thời kì tạm chiếm (trường Đại học Y Dược, Luật, Khoa học, Văn khoa, cao đẳng Sư phạm). Trong thời kì 80 ngày ở Hà Nội, đối phương đã bắt ép một số giáo viên, sinh viên đi Nam. Chúng còn phá hủy các thiết bị thí nghiệm của các trường nhằm gây khó khăn cho chính quyền cách mạng. Lực lượng cán bộ dạy đại học lúc đó chỉ có khoảng 40 người nhưng không thể trì hoãn việc mở các trường đại học để đào tạo cán bộ. Tháng 11/1954 - tức là chỉ 2 tháng sau khi tiếp quản Thủ đô - các trường đại học đã khai giảng. Trong buổi đầu, Chính phủ quyết định tạm thời cho mở ba trường đại học: Đại học Y Dược, ĐHSP Khoa học, ĐHSP Văn khoa. Việc cho mở hai trường ĐHSP trong tổng số ba trường đại học lúc bấy giờ cho thấy nhu cầu về giáo viên cấp III là vô cùng cấp bách, đồng thời cũng cho thấy sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước đối với ngành Giáo dục nói chung và ngành Sư phạm nói riêng.
Đội ngũ cán bộ giảng dạy ở các trường ĐHSP lúc đó gồm những giáo viên từ khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), trường Sư phạm cao cấp liên khu IV, ở các cơ quan khác chuyển sang và từ nước ngoài trở về. Từ khu học xá Nam Ninh có các thầy: Lê Văn Thiêm, Ngụy Như Kon Tum, Nguyễn Cảnh Toàn, Hoàng Ngọc Cang, Dương Trọng Bái, Nguyễn Xiển, Nguyễn Thạc Cát, Lê Khả Kế, Đào Văn Tuất, Nguyễn Tuân. Từ trường Dự bị đại học liên khu IV có các thầy: Đặng Thai Mai, Trần Văn Giầu, Đào Duy Anh, Nguyễn Đức Chính, Chiêm Tế, Cao Xuân Huy, Đặng Xuân Thiều, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Lương Ngọc. Một số nhà khoa học ở các cơ quan khác và ở nước ngoài về nước như Hoàng Thiếu Sơn, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo, Lê Văn Sáu. Một số thầy của các trường trong vùng tạm chiếm như Vũ Như Canh, Đào Bá Cương, Nguyễn Bắc Vân. Về cơ cấu, Trường ĐHSP Văn khoa có hai ban: Sử - Địa và Văn; trường ĐHSP Khoa học có các ban: Toán - Lí, Hóa - Vạn vật học.
Hai trường ĐHSP không chỉ đào tạo giáo viên phổ thông cấp III mà còn có nhiệm vụ chuẩn bị cán bộ phục vụ các ngành kĩ thuật cao cấp và đào tạo những người làm công tác nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc kiến thiết đất nước trong hiện tại và tương lai. Số sinh viên của hai trường ĐHSP ngày càng đông. Năm học 1954 - 1955, trường ĐHSP Văn khoa có 140 sinh viên; ĐHSP Khoa học có 565 sinh viên([4]).
Năm 1956, 164 sinh viên của hai trường đã tốt nghiệp. Một số người tốt nghiệp được chọn ở lại trường làm cán bộ các trường đại học hoặc cơ quan khoa học khác. Chương trình đào tạo ở hai trường ĐHSP (Văn khoa và Khoa học) vẫn tạm theo chương trình cũ, chỉ tăng cường các môn học về chính trị, thời sự, chính sách và tham quan thực tế.
Lễ khai giảng năm học 1955 - 1956 được long trọng tổ chức vào ngày 8/11/1955 cho cả ba trường ĐHSP Văn khoa, ĐHSP Khoa học, ĐH Y Dược, dưới sự chủ tọa của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tới dự. Trong năm học này, Nhà nước đã phong học hàm Giáo sư cho một số cán bộ giảng dạy của các trường đại học. Trường ĐHSP Văn khoa có các Giáo sư: Đặng Thai Mai, Phạm Huy Thông, Trần Văn Giầu, Hoàng Xuân Nhị, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo. Trường ĐHSP Khoa học có các Giáo sư: Lê Văn Thiêm, Ngụy Như Kon Tum, Vũ Như Canh, Nguyễn Hoán, Nguyễn Thúc Hào([5]). Như vậy, trong hơn một năm sau ngày Thủ đô được giải phóng hệ thống các trường đại học, trong đó có các trường ĐHSP được ổn định và đặt cơ sở cho sự phát triển tiếp theo.
([1]) Ở khu học xá Trung ương ngoài 3 trường Sư phạm: Sơ cấp, Trung cấp, Cao cấp còn có trường Khoa học cơ bản và trường phổ thông thực hành.
([2]) Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo: 50 năm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (1945 - 1995). NXB Giáo dục, Hà Nội, 1995, tr.197.
([3]) Theo “Thành tích giáo dục trong thời kì kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954)”. Tài liệu lưu tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.
([4]) Trường ĐHSP Văn khoa có 40 sinh viên cũ, 100 sinh viên mới; trường ĐHSP Khoa học có 213 sinh viên cũ, 150 sinh viên mới, 200 học sinh dự bị đại học về khoa học tự nhiên - dẫn theo cuốn "50 năm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo (1945 - 1995)", Sđd, tr.200.
([5]) Xem "Sơ thảo lịch sử Đại học..." sdd, tr.10.