Giai đoạn tiền thân: Từ Ban Đại Học Văn khoa Hà Nội (1945)
đến Trường Sư phạm Cao cấp (1951)
* Năm 1945:
- Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình, tuyên bố Việt Nam độc lập và thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là điều kiện quan trọng để nhà nước ta xây dựng nền giáo dục mới.
- Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 45 thành lập Ban Đại học Văn khoa tại Hà Nội.
* Năm 1946:
- Ngày 10/8/1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh 194/SL thành lập trường Sư phạm sơ cấp, trung cấp và cao cấp.
- Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống Pháp toàn quốc bùng nổ, mọi hoạt động của đất nước được điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh thời chiến, trong đó có giáo dục.
* Năm 1949: Được sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, GS. Đặng Thai Mai và GS. Cao Xuân Huy mở Ban Sư phạm Văn khoa ở Liên khu IV, GS. Nguyễn Xiển tổ chức lớp Toán học đại cương ở Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên (nay là Vĩnh Phúc). Đây là những cơ sở giáo dục tiền thân của Trường ĐHSP Hà Nội sau này.
|
Ngay sau khi phong trào Cần Vương kết thúc, thực dân Pháp đã ra sức củng cố bộ máy thống trị, đồng thời tổ chức khai thác thuộc địa với quy mô lớn. Để phục vụ cho sự thống trị và khai thác bóc lột, thực dân Pháp cần có một đội ngũ người bản xứ có một trình độ văn hóa nhất định nhằm làm tay sai cho chúng và thâm độc hơn là thực hiện âm mưu đồng hóa lâu dài nhân dân ta, vì lợi ích của nước Pháp. Ngay từ buổi đầu của chế độ thuộc địa, bên cạnh nền giáo dục phong kiến Nho học, thực dân Pháp đã cho mở một số trường phổ thông hoặc trường chuyên môn theo chương trình của nước Pháp (các trường này được gọi là trường tân học).
Hệ thống giáo dục phổ thông dần được mở rộng, do đó nhu cầu giáo viên các cấp cũng tăng lên. Năm 1917, trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương được thành lập theo Nghị định ngày 15/10/1917 của toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut. Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương có nhiệm vụ đào tạo giáo viên bậc cao đẳng tiểu học và giáo viên bậc tú tài Chương trình học của Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương mô phỏng theo chương trình học của nước Pháp nhưng bị cắt xén. Tuy nhiên, với tinh thần yêu nước nồng nàn, với ý chí quyết tâm xây dựng nền văn hóa, giáo dục của dân tộc, nhiều sinh viên của trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương đã nỗ lực học tập và sau này đều trở thành những người thầy lớn của Trường ĐHSP Hà Nội ngay từ những ngày đầu thành lập, tiêu biểu như: Giáo sư Đặng Thai Mai, Giáo sư Nguyễn Lân, Giáo sư Nguyễn Hữu Tảo, Giáo sư Nguyễn Đức Chính,... Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đưa nước ta bước sang một giai đoạn phát triển mới của dân tộc: giai đoạn độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong một hoàn cảnh đầy khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Tình trạng kinh tế - tài chính kiệt quệ; hậu quả của nạn đói đầu năm 1945 làm chết hơn 2 triệu người chưa được giải quyết triệt để thì nạn đói mới đe dọa xảy ra gay gắt hơn, nạn thất nghiệp trầm trọng ở các đô thị; trình độ dân trí rất thấp; các nước đế quốc bao vây, can thiệp. Đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng, Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã sáng suốt, khéo léo chèo con thuyền cách mạng vượt sóng gió, thoát cơn hiểm nghèo. Đảng và Hồ Chủ tịch một mặt chủ trương phân hóa kẻ thù, cố gắng để cuộc chiến tranh không lan rộng nhanh chóng, mặt khác tăng cường sức mạnh dân tộc. Một trong những biện pháp tăng cường sức mạnh dân tộc lúc đó là phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí.
Ngay trong phiên họp đầu tiên của chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, Hồ Chủ tịch đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách mà Chính phủ phải giải quyết, trong đó nhiệm vụ diệt giặc dốt được xếp hàng thứ hai. Ngày 8/9/1945, một tuần sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Chính phủ đã ban hành 3 sắc lệnh về Bình dân học vụ. Trong các sắc lệnh đó, Chính phủ quy định rõ trong 6 tháng, tất cả các làng, thị trấn đều phải tổ chức lớp học, cưỡng bách việc học chữ quốc ngữ không mất tiền và hạn trong 1 năm, tất cả người Việt Nam từ 8 tuổi trở lên đều phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ. Dù trong những ngày đầu độc lập, đa số dân mù chữ nhưng Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ nhân tố quyết định sự phát triển của giáo dục là đội ngũ giáo viên. Vì vậy, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, song song với việc sử dụng giáo viên của chế độ cũ, việc đào tạo cấp tốc một số giáo viên mới được tiến hành để kịp khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các địa phương đã mở nhiều lớp huấn luyện, bồi dưỡng cho các giáo viên về đường lối giáo dục cách mạng, nội dung, phương pháp dạy học mới. Do đó, việc xây dựng ngành Sư phạm trở nên vô cùng cấp thiết.
Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí Sắc lệnh số 45 thành lập Ban Đại học Văn khoa tại Hà Nội. Toàn văn Sắc lệnh như sau:
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
ĐỘC LẬP - TỰ DO - HẠNH PHÚC
------------------------------
Số 45 Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 1945
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ NHÂN DÂN LÂM THỜI
NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
– Xét rằng việc đào tạo giáo sư Văn khoa ban Trung học rất nên cần thiết;
– Xét rằng cần phải nâng cao nền văn học Việt Nam cho xứng đáng với một nước độc lập và để theo kịp bước các nước tiên tiến trên hoàn cầu
RA SẮC LỆNH:
Khoản I. Nay thiết lập một ban ĐẠI HỌC VĂN KHOA tại Hà Nội
Khoản II. Những chi tiết thực hành sẽ do ông Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục ấn định sau. Ông Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục thi hành sắc lệnh này.
Hồ Chí Minh (đã kí)
|
Như vậy, Ban Đại học Văn khoa ở Hà Nội có nhiệm vụ số một là “đào tạo giáo sư văn khoa ban trung học”. Những sự kiện lịch sử tiếp diễn sau đó đã cho phép khẳng định Ban này chính là một tiền thân đầu tiên của Trường ĐHSP Hà Nội, với sứ mạng đào tạo các giáo viên trung học cho chế độ mới.
Tiếp đó để triển khai Sắc lệnh, ông Vũ Đình Hòe - Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục đã kí nghị định ngày 3/11/1945 trong đó quy định 10 môn học sẽ được dạy tại Ban Đại học Văn khoa là: Triết học Đông phương, Triết học Tây phương, Xã hội và nhân chủng học, Văn chương Việt Nam và Hán văn, Văn chương Trung Hoa từ thượng cổ đến đời Đường, Văn chương Trung Hoa từ đời Tống đến ngày nay, Văn chương Tây phương, Sử kí Đông Tây từ thượng cổ đến thế kỉ XIII, Sử kí Đông Tây từ thế kỉ XIII đến nay, Địa dư. Từ 10 môn học của Ban Đại học Văn khoa chúng ta thấy nội dung đào tạo giáo viên văn ở trung học phổ thông có đủ cả 3 ngành khoa học Văn - Sử - Địa. Chương trình đào tạo nặng về văn minh phương Tây. Môn học về Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1/20 trong nội dung đào tạo. Điều đó cho thấy chương trình đào tạo chưa phù hợp và ảnh hưởng của nền giáo dục thuộc địa còn không nhỏ.
Cũng trong ngày 3/11/1945, Bộ Quốc gia Giáo dục ra nghị định quyết định mở 1 lớp cao đẳng đào tạo những môn thuộc về chính trị và xã hội học. Lớp này tạm phụ thuộc vào Ban Đại học Văn khoa và do một viên Tổng thư kí trông nom. Các Giáo sư dạy lớp cao đẳng gồm: Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng dạy môn Hiến pháp; Võ Nguyên Giáp dạy môn Kinh tế; Vũ Đình Hòe và Vũ Đức Dục dạy môn Kinh tế và Luật hành chính; Nguyễn Văn Lưu dạy môn Dân luật; Trịnh Văn Bính dạy môn Tài chính tư và Địa dư kinh tế; Vũ Văn Hiền dạy môn Tài chính công; Nguyễn Mạnh Tường dạy môn Luật và Thương mại hàng hóa.
Nghị định ngày 7/11/1945 của Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục đã cử ông Đặng Thai Mai, Tổng thanh tra trung học vụ kiêm chức Giám đốc Ban Văn khoa và cử các Giáo sư phụ trách các bộ môn: ông Cao Xuân Huy phụ trách khoa Triết lí Đông Phương, ông Hồ Hữu Tường phụ trách khoa Xã hội; ông Nguyễn Đức Nguyên (tức Hoài Thanh) phụ trách khoa Văn chương Việt Nam; ông Đặng Thai Mai phụ trách khoa Văn chương Trung Hoa; ông Nguyễn Mạnh Tường phụ trách khoa Văn chương Tây phương; ông Nguyễn Văn Huyên phụ trách khoa Sử kí.
Ngoài ra, Ban Văn khoa còn mời các ông: Đào Duy Anh, Nguyễn Huy Bảo, Cù Huy Cận, Ngô Xuân Diệu, Trần Văn Giáp, Trần Khánh Giư (tức Khái Hưng), Phạm Duy Khiêm, Bùi Kỷ, Nguyễn Đình Thi, Đoàn Phú Tứ giảng dạy những vấn đề đặc biệt trong văn chương.
Để có được đội ngũ giáo viên dạy đại học là một việc không dễ đối với chính quyền cách mạng nước ta lúc này. Dưới thời Pháp thuộc chỉ có người Pháp mới được là Giáo sư đại học. Người Việt chỉ là trợ giảng. Nếu căn cứ vào bằng cấp thì số Giáo sư đại học người Việt chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Do vậy Hội đồng Cố vấn Học chính - Bộ Giáo dục đã quyết định lựa chọn giáo viên không chỉ căn cứ vào bằng cấp mà còn dựa trên cơ sở kinh nghiệm, nhất là về chuyên môn. Các Giáo sư được chọn giảng dạy trong Ban Đại học Văn khoa là những nhà chính trị, văn hóa, khoa học có ảnh hưởng xã hội rất lớn lúc đó và sau này. Họ là những người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho nền đại học cách mạng Việt Nam nói chung và cho Trường Đại Sư phạm Hà Nội nói riêng.
Ngày 15/11/1945, trường Đại học Việt Nam tổ chức lễ khai giảng khóa đầu tiên của chế độ mới tại số nhà 19 phố Lê Thánh Tông Hà Nội. Đến dự lễ khai giảng có Hồ Chủ tịch cùng nhiều thành viên chính phủ và một số quan khách quốc tế. Trong lễ khai giảng, ông Nguyễn Văn Huyên - Giám đốc Đại học vụ đã nêu rõ nhiệm vụ của Ban Văn khoa: “Ban Văn khoa thì hoàn toàn mới. Mục đích của ban này là phần thì để đào tạo lấy một số giáo sư cho nền trung học, phần thì để gây lấy trong anh em thanh niên có một căn bản vững bền để có thể tham gia được vào những cuộc khảo cứu và phát minh trong mọi ngành Triết lí, Xã hội, Văn chương, Sử kí, Địa dư là một phần những công cuộc lớn lao kiến thiết văn hóa của toàn thể nhân loại văn minh, hiện đại”. Như vậy mục đích đào tạo của Ban Văn khoa không chỉ là đào tạo giáo viên cấp III mà còn đào tạo cán bộ nghiên cứu cho các ngành khoa học xã hội của đất nước. Niên khóa đầu tiên của Ban Văn khoa([1]) có 230 sinh viên chính thức và 81 sinh viên dự thính.
Ngày 25/11/1945, chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Trung ương Đảng đã giao cho ngành giáo dục nhiệm vụ mở các trường đại học, trung học, cải cách việc học theo tinh thần mới, bài trừ cách học nhồi sọ.
Ngày 8/10/1946, Chính phủ ra Sắc lệnh 194/SL về việc thành lập ngành Sư phạm, trong đó quy định thành lập trường sư phạm các cấp: sơ cấp, trung cấp và cao cấp([2]). Riêng về trường Sư phạm cao cấp, Sắc lệnh có những quy định như sau:
- Điều thứ 2: Sư phạm cao cấp đào tạo các nam nữ giáo viên cho bậc học chuyên nghiệp và trung học chuyên khoa.
- Điều thứ 3: Bằng Sư phạm cao cấp do trường đại học cấp cho những người có bằng văn khoa đại học sĩ hay khoa học đại học sĩ muốn xin bổ nhiệm làm Giáo sư thực thụ bậc học chuyên khoa hay chuyên nghiệp.
- Điều thứ 5: Bắt đầu từ 1950, nam nữ giáo viên bậc học chuyên khoa và chuyên nghiệp chỉ tuyển trong những sinh viên tốt nghiệp các ban Đại học và có bằng sư phạm cao cấp.
Ngày 10/8/1946, Chính phủ ban hành 2 sắc lệnh. Sắc lệnh 146/SL khẳng định những nguyên tắc cơ bản của nền giáo dục mới: “Đại chúng hóa, dân tộc hóa, khoa học hóa” và quy định nền giáo dục gồm 3 bậc học: bậc học cơ bản 4 năm (bắt đầu từ 1950 là bậc học cưỡng bách); bậc trung học và bậc đại học. Sắc lệnh 147/SL nêu rõ: bậc học cơ bản không mất tiền và tiếng Việt được sử dụng ở tất cả các bậc học, từ tiểu học đến đại học, trong tất cả các bộ môn khoa học.
Các chủ trương trên của Đảng và Nhà nước đều chưa thực hiện được ngay do cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Tuy nhiên các sắc lệnh đó cùng với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục trong thời kì này là những cơ sở quan trọng để ngành Giáo dục nói chung, ngành Sư phạm nói riêng tiếp tục củng cố và phát triển trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Từ năm 1945 đến năm 1950, nhờ có những chủ trương khuyến khích giáo dục phát triển và do sử dụng tiếng Việt trong giảng dạy nên nền giáo dục nước ta có những bước phát triển vượt bậc. Số người thoát nạn mù chữ tăng nhanh. Trước tháng 8/1945, hơn 90% dân số mù chữ. Nhưng chỉ sau 15 tháng, từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946, đã có 3,7 triệu người thoát nạn mù chữ. Đến năm 1950, dù cuộc kháng chiến diễn ra rất gay go ác liệt, nhưng cũng đã có 10 triệu người biết đọc, biết viết (gần 50% dân số thoát nạn mù chữ trong vòng 5 năm). Số học sinh phổ thông tăng nhanh. Đến năm 1950, chỉ riêng vùng tự do, số học sinh là: Cấp I: 28,43 vạn học sinh; Cấp II: 2,1 vạn học sinh; Cấp III: 735 học sinh.
Số lượng học sinh cấp III và các trường cấp III tăng nhanh đặt ra yêu cầu cần phải có giáo viên cấp III có trình độ đại học.
Trước yêu cầu cấp bách của thực tiễn, năm 1947, Bộ Quốc gia Giáo dục đã gửi công văn cho Giáo sư Nguyễn Thúc Hào đề nghị mở lớp Toán học đại cương ở Nam Đàn, Nghệ An. Lớp Toán học đại cương của Giáo sư Nguyễn Thúc Hào có thời gian đào tạo là 1 năm. Khóa học đầu tiên có 5 sinh viên. Từ năm 1947 đến 1951, Giáo sư Nguyễn Thúc Hào đã mở được 4 khóa học.
Năm 1949, Giáo sư Nguyễn Xiển cũng tổ chức lớp Toán học đại cương cho một số giáo viên cấp II ở làng Chanh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Yên (nơi Ủy ban Hành chính Bắc Bộ đóng).
Cũng năm 1949, Giáo sư Đặng Thai Mai cùng với Giáo sư Cao Xuân Huy mở Ban Sư phạm Văn khoa ở Liên khu IV. Lớp học có 7 người. Thời gian đào tạo là 1 năm. Sau khi tốt nghiệp, họ được phân công dạy cấp III và trung cấp Sư phạm.
Nhu cầu giáo viên cấp III ngày càng lớn. Ngày 31/3/1949, tại Việt Bắc, Hội đồng Giáo dục đã họp để ấn định kế hoạch phát triển giáo dục. Hội đồng đã định hướng việc xây dựng nền đại học trong kháng chiến với 9 vấn đề trong đó vấn đề thứ 3 là: "Đặc biệt chú trọng đến sư phạm đại học"([3]). Tháng 7 năm 1950, cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất được tiến hành. Cải cách giáo dục lần thứ nhất tập trung vào hai vấn đề trọng tâm: mục tiêu đào tạo và phương pháp giáo dục. Mục tiêu đào tạo là đào tạo những nhân tài phục vụ kháng chiến, kiến quốc, có trình độ văn hóa, giàu lòng yêu nước, ý chí độc lập tự cường, đủ năng lực, phẩm chất phục vụ nhân dân. Phương pháp giáo dục theo nguyên lí, phương châm: “Học đi đôi với hành, lí luận gắn liền với thực tiễn”, gạt bỏ lối dạy học nhồi sọ. Để thực hiện cải cách giáo dục cần phải có đội ngũ giáo viên được đào tạo theo tinh thần của cải cách giáo dục. Vì vậy, Bộ Quốc gia Giáo dục một mặt củng cố và phát triển các trường sư phạm sơ cấp và trung cấp đã được thành lập ở trung ương và các liên khu, mặt khác chuẩn bị đào tạo giáo viên có trình độ đại học.
Năm 1951, Giáo sư Nguyễn Xiển và Giáo sư Lê Văn Thiêm được Bộ Quốc gia Giáo dục giao nhiệm vụ chuẩn bị cho việc thành lập các trường ĐHSP và Khoa học cơ bản. Hai Giáo sư đã đi vào Liên khu IV để tuyển sinh và tìm giáo viên. Trong chuyến đi này, hai Giáo sư đã mời được Giáo sư Hoàng Ngọc Cang dạy Hóa học và Giáo sư Lê Khả Kế dạy Sinh học.
Các lớp Toán học đại cương và Văn khoa được mở từ 1947 đã đáp ứng phần nào nhu cầu giáo viên cấp III ở vùng tự do và đó cũng là bước chuẩn bị cho việc chính thức thành lập các trường Sư phạm cao cấp năm 1951.
([1]) Ban chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Ngày 18/12/1946, tất cả các trường đại học ở Hà Nội phải đình giảng do cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ.
([2]) Sắc lệnh về việc thành lập ngành Sư phạm, trong “Những chặng đường phát triển của ngành sư phạm Việt Nam”. NXB ĐHQG Hà Nội, 1996, tr 3-4.
([3]) Nguyễn Văn Huy và Phạm Thị Kim Ngân: “Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên với việc xây dựng và phát triển giáo dục đại học trong kháng chiến”, Kỉ yếu hội thảo khoa học "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Một tầm nhìn chiến lược về giáo dục và sư phạm"- Hà Nội tháng 12/2010. Tr.150.
Theo sách: "Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - 60 năm xây dựng và phát triển (1951 - 2011)", Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2011.