Kính thưa quý vị, các bạn cùng các em!
Là một người có cái may mắn gắn bó hơn 53 năm với lịch sử của trường ta, từ lâu và đặc biệt hôm nay, tôi càng tự hào về quá khứ vẻ vang, vô cùng vẻ vang của trường ta. Bởi như chúng ta đã biết ĐHSP ta cùng với đại học Y Dược trước vốn chung nhau là hai trường đại học chính thức đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Riêng ĐHSP ta, từ 1951 đến 1956, trước khi có đại học Tổng Hợp HN, đại học Bách Khoa HN, đại học Nông Lâm HN, không chỉ là máy cái của ngành giáo dục, mà còn là trung tâm văn hoá, khoa học lớn nhất của chế độ mới, mặc dù trường sở thì chưa có gì đáng kể so với ngày nay. Cái đáng kể, có thể nói là một đi nhưng chưa biết bao giờ trở lại chính là chỗ nhà trường trong buổi đầu này đã có những thầy giáo là những ông trùm văn hóa, ông trùm khoa học của đất nước, không chỉ sáng danh thời đó mà muôn thuở với non sông. Đó là: Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Nguyên Mạnh Tường Phạm Huy Thông, Nguyễn Khánh Toàn, Trương Tửu, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Lân, Hoài Thanh… thuộc khoa học xã hội. Đó là: Nguyễn Xiển, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Thúc Hào, Nguỵ Như Kon Tum, Vũ Như Canh, Đoàn Văn Tiến, Nguyễn Hoán… thuộc khoa học tự nhiên. Chính nhờ thế mà về sau, mấy vị lãnh đạo Viện Khoa học Việt Nam gồm Viện trưởng GS. VS Nguyễn Văn Hiệu, cả viện phó: GS. VS Nguyễn Văn Đạo, GS. TS. Phan Đình Diệu, GS. TS. Vũ Đình Cự và cả không ít những giáo sư đầu đàn của các trường ĐH Tổng Hợp HN, ĐH Bách Khoa HN, ĐH Nông Nghiệp HN, kể cả ĐHSP Hà Nội chúng ta, đều đã xuất thân là sinh viên tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội.
Kính thưa quí vị cùng các bạn và các em!
Niềm tự hào của tôi không chỉ với quá khứ xa xưa mà còn là với toàn bộ lịch sử của Trường, với hiện tại của Nhà trường. Rõ ràng là cho đến hôm nay, dù cho vị trí của Trường ta không còn ở thế gần như độc tôn một thuở hay tiếp nữa là trường “tiên tiến xuất sắc nhất” trong các trường đại học một thời (1962), nhưng vẫn là cái máy cái sung sức, chạy đều của sự nghiệp giáo dục của nước nhà, xứng danh là trường đại học anh hùng sánh ngang một số trường đại học anh hùng khác trong cả nước. Diễn văn của GS. TS Nguyễn Viết Thịnh, Hiệu trưởng Nhà trường đã trình bày rất đầy đủ. Tôi xin miễn nói thêm.
Kính thưa quí vị, cùng các bạn và các em!
Với tôi, niềm tự hào lớn lao đã đi liền với sự biết ơn sâu sắc. Không giấu gì quí vị. Đời tôi có phen tưởng như đã bị sóng gió cuộc đời xô ngã một cánh tội nghiệp. Nhưng rồi không. Từ Trường ĐHSP Hà Nội trăm quí ngàn yêu này, với tôi, sương đầu ngõ đã tan, mây giữa trời đã vén đúng như câu kiều của Nguyễn Du thiên tài: “Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. Tôi đã có cuộc sống. Xin cho nói sự thật, là một sinh viên có ba lần đứng đầu: thi vào, thi lên lớp, thi tốt nghiệp, đến sau nay tôi là một trí thức, một giáo sư, một Nhà giáo Nhân dân, dẫu so với đời chưa là gì, nhưng cũng đỡ hổ thẹn với tổ tiên, với công lao sinh thành của cha mẹ, với tình thương yêu kính trọng của vợ con, gia đình, với quê hương xứ Nghệ, với bạn bè. Cho nên hôm nay, trong buổi lễ trọng thể kỷ niệm 55 năm thành lập Trường, ở tuổi 78 này, trong lòng tôi cứ như muốn bái lạy Nhà trường 53 lạy đúng như số năm tôi được gắn bó với Trường. Xin cảm ơn các thầy mà phần lớn đã về thế giới bên kia, các bậc đàn anh mà không ít cũng đã vậy, các bạn đồng nghiệp, qua nhiều lứa tuổi, kể cả các anh chị em sinh viên của gần 50 thế hệ đã đi qua bục giảng của tôi, đã cho tôi hạnh phúc được làm một ông thầy trong Trường ĐHSP Hà Nội thân yêu. Xin quý vị, quý bạn hãy ghi nhận cho tôi là người đã cùng tập thể nhưng tôi là chủ biên và cũng là người viết nhiều nhất, trong đó có bài Trường ĐHSP Hà Nội trong nhịp bước thời gian để có quyển sách dầy 630 trang khổ lớn với nhan đề “Đại học Sư phạm - một nửa thế kỷ” nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Trường 2001, theo chủ trương của Ban liên lạc cựu cán bộ ĐHSP Hà Nội. Thêm nữa, cũng là người đã cùng tập thể viết sách 50 năm khoa Ngữ Văn, trong đó phần lịch sử là do tôi viết và vốn được giữ nguyên để bổ sung phần lịch sử tiếp sau trong sách 55 năm khoa Ngữ Văn vừa ra mắt trong dịp kỷ niệm này. Tôi xin được coi đó là việc làm để trả được một phần món nợ lòng của tôi với trường thân yêu, với khoa Văn mái ấm, nơi đã tạo cho tôi sự sống có ý nghĩa giữa cõi đời này. Mong được các thế hệ đồng nghiệp và các thế hệ sinh viên của Trường ta hôm nay và mai sau hãy đọc hai cuốn sách này để thêm tự hào về Trường ta, trong đó có khoa Ngữ Văn của tôi và cũng để biết cho chút lòng muốn gửi của tôi với Trường, với khoa Ngữ Văn.
Kính thưa quí vị cùng các bạn và các em!
Từ niềm tự hào và biết ơn, tôi xin nói lời mong ước. Quả là có nhiều điều mong ước. Nhưng trong lễ kỷ niệm hôm nay, tôi chỉ xin nói điều mong ước bao la nhất, thiết tha nhất, đã có từ nhiều năm qua là mong sao cho Trường ta trở thành Trường ĐHSP Hà Nội trọng điểm quốc gia đích thực 100%. Tất nhiên, tôi đã rất mừng là trong mấy năm qua, Trường ta đã có nhiều cố gắng để từng bước đạt đến tính chất trọng điểm quốc gia. Nhưng để tiến nhanh hơn như mọi người mong muốn thì tôi mong Trung ương Đảng và Chính phủ, Ban khoa giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy coi Trường ĐHSP Hà Nội chúng ta như trường ĐH Quốc gia Hà Nội để có chính sách đầu tư kinh phí lớn hơn, mở rộng hoặc cho thêm khuôn viên mới, xây thêm trường sở, phòng thí nghiệm hiện đại, thư viện điện tử, mở rộng quan hệ giao lưu quôc tế, đặc biệt là tạo điều kiện tối đa cho Trường đi nhanh tiến mạnh nhiều hơn nữa vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học cơ bản để làm nền cho việc đào tạo giáo viên chất lượng cao đồng thời nghiên cứu khoa học giáo dục có thành tựu đích đáng. Cuối cùng tôi xin kết thúc lời phát biểu bằng mấy câu nôm na rằng:
Cảm ơn Trường đã cho tôi một phần sự sống
Tình yêu Trường tôi giữ trọn suốt đời tôi
Tâm nguyện ấy, xin trời cao chứng giám
Lòng thành này, mong đất mẹ nhận ghi
Chúc Trường tiến mạnh, tiến nhanh.
Xin cảm ơn quý vị, cảm ơn các bạn, các em. Xin kính chúc mọi người hạnh phúc.
GS. NGDN Nguyễn Đình Chú