Đó là một trong những câu chuyện được chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc tế “Tư tưởng triết học và giáo dục của Trần Đức Thảo” diễn ra hôm qua (7/5) tại Đại học Sư phạm 1 Hà Nội.
Cố GS Trần Đức Thảo
“Triết gia duy nhất của Việt Nam”
Trong suốt buổi hội thảo, nhiều học giả đã nhắc lại lời của GS Trần Văn Giàu lúc sinh thời: Trên đất nước này nếu có một triết gia thì đó là Trần Đức Thảo. Giàu này chỉ là người nghiên cứu triết học. Triết gia là người kiến tạo ra một hệ thống riêng và tạo tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới. Hệ thống triết học của Trần Đức Thảo đã làm được điều đó”.
Theo GS Nguyễn Đình Chú, cho đến lúc này, Trần Đức Thảo là người duy nhất ở Việt Nam có trường phái triết học mang tên mình được các nước Nam Mỹ nghiên cứu tới tận ngày nay. Ông cũng được người Nhật đánh giá là 1 trong 3 triết gia lớn nhất của thế kỷ 20. Tự điển Những nhà triết học của nhà xuất bản Đại học Paris (Pháp) cũng ghi danh ông với những lời giới thiệu trang trọng.
“Là nhà khoa học, triết học nổi tiếng thế giới, song không nhiều người trong nước biết đến GS Trần Đức Thảo. Lý do chính cũng bởi một số vấn đề trong cách nhìn nhận còn hạn chế thời điểm đó. Và đã đến lúc, để lịch sử phán xét ông một cách công tâm”- GS Nguyễn Đình Chú nói.
“Một đất nước muốn bề thế, phát triển bền vững, phải có một nền tảng triết học với hệ thống tư duy riêng của dân tộc”- GS Nguyễn Đình Chú
|
Bỏ Paris về Việt Bắc
Trong buổi hội thảo, các học giả (đa phần là học trò của GS Trần Đức Thảo), cùng ôn lại nhiều câu chuyện đời GS Trần Đức Thảo. Theo đó, chặng đường đầu đến với triết học của ông rất suôn sẻ: Ông sớm được giới trí thức để ý từ khi còn ở trong nước. Ông đỗ “tú tài Tây” loại xuất sắc về triết. Sau đó, ông được cử sang Pháp thi và đỗ vào trường Đại học Sư phạm phố Ulm danh giá của Pháp. Năm 1943, ông đỗ thủ khoa thạc sỹ triết học tại trường này (việc một nghiên cứu sinh nước ngoài đỗ triết học hạng Nhất là sự kiện chưa từng có tại trường).
Bước ngoặt đến với cuộc đời Trần Đức Thảo khi ông gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946, khi Người tới thăm Pháp. Trần Đức Thảo bày tỏ nguyện vọng với Hồ Chủ tịch rằng ông sẽ về Việt Nam cùng bảo vệ nền độc lập của dân tộc ngay khi ông hoàn thành luận án tiến sỹ.
Đúng lời hứa, năm 1951, khi luận án tiến sỹ “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng” được nghiệm thu, Trần Đức Thảo từ bỏ mọi đặc quyền đặc lợi mà nước Pháp ưu ái dành cho, ông trở về phục vụ Tổ quốc. Theo con đường London - Prague - Moskva - Bắc Kinh - Tân Trào, ông trở thành vị triết gia giữa núi rừng Việt Bắc.
Nhớ về giai đoạn này, GS Hà Minh Đức kể: “Thầy Thảo vốn ở Pháp về cùng với một số tri thức trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp như Trần Đại Nghĩa ở Đức về, Đặng Văn Ngữ ở Nhật về. Các nhà khoa học tự nhiên có thể đóng góp ngay cho yêu cầu của cuộc kháng chiến: GS Trần Đại Nghĩa chế tạo súng SKZ và Bazoka, GS Đặng Văn Ngữ chế thuốc kháng sinh. GS Trần Đức Thảo được bố trí cho công việc văn thư, sách vở”.
Sau đó, Trần Đức Thảo đã theo cách mạng tới ngày toàn thắng. Hòa bình lặp lại, ông giữ cương vị quan trọng trong trường sư phạm. Sau đó, ông rời giảng đường bởi một số vấn đề trong cách nhìn nhận còn hạn chế thời điểm đó với những quan điểm của ông.
GS Nguyễn Đình Chú phát biểu tại hội nghị
Và tâm nguyện cuối cùng…
“Vào cuối những năm 80 thế kỷ 20, người ta vẫn thấy một ông già ở phố Hàng Chuối vừa đi vừa lẩm nhẩm nói chuyện. Đám đông nhìn ông với những ánh mắt lạ lùng có phần ngán ngẩm. Có người thấy tôi có vẻ biết nhiều nên hỏi tôi: ông ta bị làm sao vậy? Tôi đáp ngay: chẳng sao cả, triết gia hàng đầu thế giới vẫn đang tự vấn và đi tìm chân lý đấy!”- GS Hà Minh Đức chia sẻ tại tọa đàm.
Kiên định theo lập trường triết học của mình, mặc cuộc sống dập vùi tới độ phải ăn đong từng bữa, GS Trần Đức Thảo vẫn lao động không ngừng nghỉ để bảo vệ chủ thuyết của mình. Đến năm 1993, ông mất tại Pháp. Thi thể ông được hỏa thiêu trong một nghĩa trang trang trọng nơi đây. Cùng năm đó, tro cốt của vị triết gia lỗi lạc về với đất mẹ và nằm tại khu A nghĩa trang Văn Điển.
“Song tâm nguyện cuối cùng của GS Trần Đức Thảo là được an nghỉ tại quê nhà: làng Song Tháp, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông không vợ, không con, ngoài đám sinh viên cũ, giờ chẳng còn ai lo cho ông. Rất mong các cấp lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đưa người con ưu tú của địa phương về bản quán để hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của một người đã trọn đời cống hiến làm rạng danh Tổ quốc”- GS Nguyễn Đình Chú khẩn thiết yêu cầu với đôi mắt rưng rưng.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
GS Trần Đức Thảo để lại một khối lượng lớn những tác phẩm triết học cho dân tộc và nhân loại tiêu biểu như: Phương pháp hiện tượng học của Husserl (1942), Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng (1952), Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức (1973), Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người (1988)…
Với những cống hiến này, năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội.
|
Theo: http://thethaovanhoa.vn