Báo Thể thao - Văn hóa của Thông tấn xã Việt Nam đưa tin:
Tọa đàm về giáo sư Trần Đức Thảo
(TT&VH) - Nhắc đến Giáo sư Trần Đức Thảo là nhắc đến một tài năng triết học hiện đại người Việt nổi tiếng thế giới. Vài năm gần đây, trong giới trí thức nước ta đã diễn ra một số hoạt động nhằm tưởng nhớ và tôn vinh tài năng cũng như nhân cách của ông. Tọa đàm về Trần Đức Thảo vừa diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp, cũng là một hoạt động như vậy nhằm một lần nữa khẳng định những đóng góp quý báu mà ông đã mang lại cho triết học thế giới.
http://thethaovanhoa.vn/truyen-hinh-ttvh/toa-dam-ve-giao-su-tran-duc-thao-n20101110153734795.htm
Báo Sài Gòn Tiếp thị đưa tin: Trần Đức Thảo - trở về từ quên lãng
SGTT.VN - Trong cuộc toạ đàm về nhà triết học Trần Đức Thảo (diễn ra tại trung tâm văn hoá Pháp - L'Espace tại Hà Nội ), với tư cách chủ toạ, nhà phê bình văn học – sân khấu Jean-Pierre Han, tổng biên tập tạp chí Les Lettres Françaises (Văn chương Pháp, ra đời năm 1941) và nhà triết học Jean-François Poirier đã thông báo một quyết định khá bất ngờ: Les Lettres Françaises sẽ thực hiện một chuyên đề về Trần Đức Thảo, người được xem là nhà triết học của cả hai quốc gia Pháp và Việt Nam.
Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với hai diễn giả đang cố gắng làm hồi sinh tên tuổi của con người mà theo GS Trần Văn Giàu, là nhà triết học duy nhất của chúng ta.
Vì sao nhà triết học Trần Đức Thảo của Việt Nam lại trở thành nhân vật chính trong chuyên đề triết học trên tạp chí Les Lettres Françaises, thưa ông?
Jean-Pierre Han: Đối với tôi, Trần Đức Thảo là một trong những triết gia Việt Nam xuất sắc nhất. Nếu tính đến quãng thời gian tu nghiệp tại Pháp và những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp, được ấn hành tại Pháp của ông thì Trần Đức Thảo còn là một triết gia Pháp. Những phát kiến và tư tưởng của ông được các triết gia cùng thời như Jean-Paul Sartre, Louis Althusser, Jacques Derrida, Pierre Bourdieu… công nhận. Chúng tôi đã thực hiện nhiều chuyên đề về các nhà triết học này, vậy thì tại sao lại không có một chuyên đề về Trần Đức Thảo? Chuyên đề về nhà triết học Trần Đức Thảo sẽ ra mắt độc giả Pháp, không nhân một sự kiện nào cả, cũng hoàn toàn bỏ qua tiêu chí thương mại. Các bạn bảo chúng tôi táo bạo ư? Chúng tôi chấp nhận. Và thực sự hy vọng, đây sẽ là bước tạo đà cho một quá trình nghiên cứu sâu rộng về những đóng góp to lớn của Trần Đức Thảo.
Những phát kiến và tư tưởng của ông được các triết gia cùng thời như Jean-Paul Sartre, Louis Althusser, Jacques Derrida, Pierre Bourdieu… công nhận. Chúng tôi đã thực hiện nhiều chuyên đề về các nhà triết học này, vậy thì tại sao lại không có một chuyên đề về Trần Đức Thảo?
Jean-Pierre Han
|
Tôi muốn chia sẻ một câu chuyện nằm ngoài khoa học. Đó là, dù xa Việt Nam nhiều năm, nhưng tôi vẫn nhớ, dù không rõ ràng lắm, thuở nhỏ, Trần Đức Thảo, Nguyễn Khắc Viện và nhiều trí thức khác thường xuyên ghé thăm nhà tôi, đôi khi một cách bí mật vì đó là thời kỳ chiến tranh Đông Dương. Gợi lại tác phẩm của Trần Đức Thảo trên Les Lettres Françaises, cũng là một cách để hồi tưởng kỷ niệm ấu thơ, và tìm lại quê hương Việt Nam của tôi.
Rất khó để chấm điểm các tư tưởng của một triết gia, hoặc so sánh triết gia này với triết gia kia. Tuy nhiên, độc giả Việt Nam đều muốn biết, phát kiến nào của Trần Đức Thảo đã làm “sửng sốt” giới triết học Pháp nói chung, và hai ông nói riêng?
Jean-François Poirier: Tư tưởng của Trần Đức Thảo được các đồng nghiệp cùng thế hệ khâm phục, điều đó không phải bàn cãi. Còn với riêng tôi, có hai điều ở Trần Đức Thảo gây cho tôi ấn tượng sâu sắc. Một là Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng, tác phẩm đánh dấu bước chuyển biến của ông từ hiện tượng luận sang chủ nghĩa duy vật biện chứng. Chính từ đây, rất nhiều nhà triết học Pháp đã tiếp nối Trần Đức Thảo đi sâu nghiên cứu chủ nghĩa Mác và cổ suý cho những tư tưởng của chủ nghĩa Mác. Thứ hai, ông là nhà triết học duy nhất mạo hiểm công bố kết quả nghiên cứu về nguồn gốc của ngôn ngữ, ngay trong thời điểm vấn đề này bị cho là không mang tính khoa học và nhiều thập kỷ bị giới nghiên cứu tẩy chay. Trong tác phẩm Cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức, được NXB Xã Hội (Paris) ấn hành năm 1973, ông khẳng định, nguồn gốc của ngôn ngữ là cử chỉ. Kết luận này có thể không tuyệt đối chính xác, nhưng sự dũng cảm của ông thật đáng ngưỡng mộ.
Trong triết học, không có thầy, cũng không có trò, chỉ có sự đối thoại
Trần Đức Thảo
|
Đã khi nào các ông thử tìm cách lý giải, vì sao một hiện tượng như Trần Đức Thảo lại ít được biết đến, sớm bị lãng quên, tại Pháp và thậm chí ngay ở chính quê hương Việt Nam? Phải chăng là vì những tư tưởng của ông đã trở nên lỗi thời?
Jean-Francois Poirier: Theo quan điểm của tôi, tư tưởng của những triết gia lớn không bao giờ lỗi thời. Tại Pháp, có một số nguyên nhân khách quan khiến cái tên Trần Đức Thảo dần bị quên lãng, chủ yếu do cuộc tranh luận về nguồn gốc của ngôn ngữ nhiều năm nay vẫn bị đóng băng. Và những tác phẩm của Trần Đức Thảo về vấn đề này, vì thế, không còn được chú ý. Tại thành phố Huế của Việt Nam, chúng tôi từng tiến hành một nghiên cứu về Trần Đức Thảo, với rất nhiều giáo sư trong lĩnh vực triết học tham dự. Tôi nhận thấy, khá nhiều người ở tuổi trung niên biết về Trần Đức Thảo. Nhưng tư tưởng và các công trình nghiên cứu của ông đúng là không phổ biến. Hay bởi như người Việt thường nói: Bụt chùa nhà không thiêng!
Jean-Pierre Han: Tôi phải ngại ngùng thừa nhận, nước Pháp có khả năng quên lãng những gì không liên quan đến di sản của chính mình. Còn về phía Việt Nam thì chính các bạn phải tự trả lời câu hỏi này.
Đến đây với mong muốn vừa chia sẻ, vừa tìm kiếm các tư liệu về Trần Đức Thảo. Qua buổi toạ đàm này, các ông có thêm những khám phá thú vị nào về nhà triết học của hai quốc gia Pháp, Việt?
|
Nhà nghiên cứu triết học Jean-François Poirier (trái) và nhà phê bình văn học Jean-Pierre Han tại toạ đàm về triết gia Trần Đức Thảo (8.11, Hà Nội). Ảnh: Hương Lan
|
Jean-Francois Poirier: Tôi cực kỳ ấn tượng với một chiêm nghiệm của Trần Đức Thảo mà nhà văn Nguyễn Đình Chính vừa kể lại tại toạ đàm: trong triết học, không có thầy, cũng không có trò, chỉ có sự đối thoại. Đó là lời nói của một hiền triết.
Jean-Pierre Han: Tôi nghĩ đến việc xuất bản chuyên đề sắp tới về Trần Đức Thảo trên Les Lettres Françaises bằng tiếng Việt. Và các bạn sẽ hiểu được vì sao và bằng cách nào, Trần Đức Thảo lại được các triết gia nổi tiếng của Pháp ngưỡng mộ.
Sau khi trở về Pháp, các ông sẽ có những hành động nào nhằm khơi dậy mối quan tâm về Trần Đức Thảo và các công trình nghiên cứu của ông?
Jean – Francois Poirier: Hiện tại ở Pháp, các tác phẩm của Trần Đức Thảo không còn hiện diện trên các kệ sách nữa. Ngoài chuyên đề về Trần Đức Thảo trên tờ Les Lettres Françaises, tới đây, chúng tôi sẽ tìm cách tái bản cuốn sách Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Trần Đức Thảo. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiến hành thu thập, tập hợp tất cả các tác phẩm của Trần Đức Thảo, bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, để làm thành một bộ sưu tập.
Hy vọng, những nỗ lực trên sẽ có kết quả.
thực hiện: Hương Lan
chân dung hội hoạ: Trịnh Cung
Nhà triết học Trần Đức Thảo (1917 – 1993) được xem là một hiện tượng hiếm có. Năm 1936, ông được nhận học bổng du học tại Pháp, và sau đấy, đỗ thủ khoa kỳ thi thạc sĩ triết học của đại học Sư phạm, một trong những trường đại học danh giá nhất của Pháp bấy giờ (học vị thạc sĩ của Pháp khác hoàn toàn với bằng thạc sĩ tại Việt Nam; thạc sĩ ở Pháp là điều kiện để trở thành giáo sư đại học; đạt được học vị này khó hơn làm tiến sĩ nhiều). Trong số các nghiên cứu của ông, nổi bật nhất là hai tác phẩm “gây chấn động nước Pháp”: Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng và Cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức. Hai tác phẩm này cùng nhiều tác phẩm khác của ông đã được xuất bản tại Pháp, Mỹ, Hungary, Anh, Đức, Tây Ban Nha… Với những đóng góp to lớn của mình, Trần Đức Thảo được giới thiệu trang trọng trong cuốn Từ điển các nhà triết học, NXB Đại Học (Paris) ấn hành 1984. Năm 2000, ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội. Mặc dù từng rạng danh tại Pháp, nhưng trên chính quê hương Việt Nam, cái tên Trần Đức Thảo cùng những nghiên cứu có giá trị của ông lại chưa được nhiều người biết đến.
|
Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn
“Vui mừng trước những dự định tốt đẹp của tờ Les Lettres Françaises, tôi càng nhớ lời tâm sự của anh Phạm Trọng Luật (Pháp), một trong số rất ít người Việt Nam dành nhiều tâm lực để tìm tòi, nghiên cứu về Trần Đức Thảo: “Chúng ta chỉ có mỗi một ông ấy thôi, không nghiên cứu thì thật vô lý!” Và tôi cũng đồng ý với nhận định của anh rằng nếu hiển nhiên Trần Đức Thảo chưa phải là người xây dựng trường phái thì “chắc chắn ông có tầm vóc ít nhất ngang bằng với các triết gia bản lề giữa chủ nghĩa Marx và hiện tượng học như György Lukács, Maurice Merleau-Ponty, Lucien Goldmann, Enzo Paci, Ludwig Landgrebe, Eugen Fink…, và chia sẻ với họ một quan điểm, một phong cách sống với triết lý”. Đặc biệt, theo tôi, các công trình cuối đời và còn dở dang của ông (đều chưa được dịch sang tiếng Việt!) thật sự có tiềm năng mở ra nhiều hướng suy nghĩ mới mẻ. Tôi muốn nghĩ đến ông như một người “thật sự hiểu những gì mình viết” và như một nhà nhân học triết học đầy thao thức trong truyền thống của Aristoteles và Hegel”.
|
|
Dịch giả Phan Huy Đường
“Khi Trần Đức Thảo mất, tôi có dự lễ hoả thiêu. Về nhà, tôi xúc động, viết một bài nhỏ ghi nhận nỗi đam mê một đời của ông, đã ảnh hưởng tâm hồn tôi. Tôi viết bằng tiếng Pháp vì tôi biết đến triết lý của ông qua tiếng Pháp. Một anh bạn thích và đã dịch sang tiếng Việt. Đây là trích đoạn: “Tình cờ, tôi được gặp ông, vài tháng trước khi ông chết. Biết ông đã từng tranh luận với Sartre, tôi hỏi ông nghĩ sao về tác phẩm Phê phán lý trí biện chứng. Ông nói: “Sartre là nhà triết học duy nhất đã đặt ra những câu hỏi đáng đặt”. Tôi lại hỏi về trước tác của ông, và nói thực là tôi thấy chúng máy móc. Ông khoát tay như muốn gạt chúng đi, và đưa cho tôi tác phẩm cuối cùng, còn dưới dạng bản nháp. Tôi hiểu ông đã lâm bệnh nặng. Căn bệnh của ông có một cái tên: Tự do...”
|
|
Phó giáo sư triết học Phạm Khiêm Ích
“Những kiến thức thầy Thảo truyền thụ cho chúng tôi cho đến giờ vẫn vô cùng quý giá, hữu ích trong công việc và cuộc sống. Đó là tư duy phê phán, là tinh thần phê phán không khoan nhượng. Đó cũng chính là tư tưởng lớn triết học Mác – Lênin để lại. Những tác phẩm của thầy luôn nhấn mạnh đến tính tất yếu của sự vận động, chứ không phải cái ngẫu nhiên”.
|
|
Nhà văn Nguyễn Đình Chính
“Lúc
còn nhỏ, tôi may mắn có cơ hội theo học giáo sư Trần Đức Thảo. Có lần,
ông trích dẫn một câu của Mạnh Tử: Đọc sách mà tin vào sách thì không
đọc còn hơn. Đấy chính là khả năng hoài nghi của Trần Đức Thảo mà không
phải ai cũng có được. Ông có rất nhiều nghiên cứu có giá trị to lớn:
hiệu đính về chủ nghĩa Mác, đi tìm nguồn gốc của ngôn ngữ… Tôi đề nghị
tất cả chúng ta hãy tiếp tục nghiên cứu về Trần Đức Thảo, nếu có thể thì
dịch toàn bộ các tác phẩm của Trần Đức Thảo ra tiếng Việt”.
|
|
Theo: http://sgtt.vn/Loi-song/132839/Tran-Duc-Thao-%E2%80%93-tro-ve-tu-quen-lang.html