Thiết thực kỷ niệm 95 năm ngày sinh và 20 năm ngày mất của Giáo sư Trần Đức Thảo (26/9/1917-24/4/1993) - nhà triết học, nhà giáo dục học, nhà văn hóa của Việt Nam có ảnh hưởng tới lịch sử tư tưởng phương Tây thế kỷ XX, ngày 7/5, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc tế “Tư tưởng triết học và giáo dục của Trần Đức Thảo”.
Là một trong những người thuộc thế hệ trí thức Tây học xuất sắc đầu thế kỷ XX, GS. Trần Đức Thảo nghiên cứu rất kỹ tư tưởng của Hegel. Ông đã tìm thấy trong tư tưởng của triết gia này hạt nhân duy lý của phép biện chứng tinh thần. Từ đó, ông nghiên cứu sâu chủ nghĩa Mác, kết hợp với phương pháp hiện tượng học của Husserl nhằm khai phóng lý thuyết giải phóng con người khỏi đời sống thuộc địa. GS. Trần Đức Thảo nhận thức rất rõ chỉ có lý luận duy vật biện chứng của Chủ nghĩa Mác mới giúp dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách xiềng xích nô lệ thuộc địa. Tác phẩm “Vấn đề Đông Dương” (1947) của ông được xem như là “tiếng nói” công khai của ông bảo vệ quyền lợi các dân tộc thuộc địa Đông Dương trước nhà cầm quyền Pháp.
Trở về Việt Nam, GS. Trần Đức Thảo thúc đẩy nghiên cứu và giảng dạy các ngành khoa học cơ bản trong các trường ĐH là nhiệm vụ hàng đầu của hoạt động giáo dục. Ban Văn-Sử-Địa (tiền thân của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) và ĐH Sư phạm Văn khoa (tiền thân của ĐH Sư phạm Hà Nội) đã ra đời cùng với nỗ lực và tình yêu khoa học của GS. Trần Đức Thảo. Ông cũng là một trong những người đặt nền móng cho việc đào tạo và phát triển các ngành Triết học, Sử học, Ngữ văn, Tâm lý học… của Trường ĐH Sư phạm Văn khoa.
Quá trình nghiên cứu và giảng dạy Triết học của GS.Trần Đức Thảo tập trung vào các vấn đề then chốt sau:
Thứ nhất, kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác và phương pháp hiện tượng học Husserl nhằm đi tìm căn nguyên khởi phát sự vận động xã hội thông qua việc triển khai ý hướng tính về tính vật chất.
Thứ hai, thông qua những phân tích hiện tượng học, ông giải quyết triệt để vấn đề bản chất ngôn ngữ và sự nảy sinh ý thức thông qua hoạt động lao động của xã hội loài người.
Thứ ba, từ việc đi tìm bản chất ý thức, chủ thể tính hướng đến chống lại sự phân tầng cấu trúc xã hội của nhóm cấu trúc luận Marxist Pháp do Luis Pierre Althusser đứng đầu trong việc phủ nhận tính nhân bản thuần túy ở con người có từ thời Homo Sapiens.
Thứ tư, thông qua các tác phẩm cuối đời đăng trên tạp chí Tư tưởng Pháp, GS. Trần Đức Thảo đã đặt nền móng về lý luận trong lĩnh vực nghiên cứu nhân học ở Việt Nam.
Theo PGS.TS Đỗ Việt Hùng, Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm, với những đóng góp to lớn về tư tưởng trên nhiều lĩnh vực như Triết học, Nhân học, Lịch sử, Ngữ văn học, Tâm lý học… GS. Trần Đức Thảo là một trong những nhà khoa học lớn nhất của Việt Nam thế kỷ XX. Việc trao đổi về sự nghiệp và cuộc đời, những tư tưởng của GS. Trần Đức Thảo là việc làm cần thiết và có ý nghĩa cho sự nghiệp nghiên cứu và đào tạo.
Hội thảo đã nhận được 76 báo cáo khoa học của các học giả, trong đó có 8 báo cáo của học giả nước ngoài và 68 báo cáo của các học giả trong nước. Nội dung của các báo cáo khoa học tập trung vào những nội dung lớn, đó là: Con người và Sự nghiệp của GS. Trần Đức Thảo, Tư tưởng triết học của GS. Trần Đức Thảo, Các lĩnh vực khoa học khác trong tư tưởng của GS. Trần Đức Thảo.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các học giả đã trình bày tham luận với các nội dung như Trần Đức Thảo - Một nhân cách, một nhà triết học tư duy không mệt mỏi, Triết gia Trần Đức Thảo - niềm tự hào lớn của chúng ta, Tư tưởng triết học Trần Đức Thảo - dấu gạch nối giữa hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, Vấn đề bản chất con người trong quan niệm của Trần Đức Thảo, Ba lớp ý thức trong nghị luận văn chương của GS. Trần Đức Thảo….
PGS. GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định: GS. Trần Đức Thảo là một trong những người tích cực xây dựng nền giáo dục đại học của Việt Nam. Với nền tảng tri thức tiếp thu từ tinh hoa của văn hóa, tư tưởng triết học nhân loại, tiếp cận sâu sắc những giá trị của chủ nghĩa duy vật biện chứng, ông đã có nhiều đề xuất trong việc nghiên cứu và giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta. Những đóng góp của ông đã được khẳng định bằng những công trình khoa học, thể hiện cho trí tuệ Việt Nam và ảnh hưởng tới tư tưởng triết học phương Tây hiện đại, đặc biệt là ở Pháp. Cho tới nay, sự nghiên cứu tư tưởng Trần Đức Thảo vẫn đang là mối quan tâm của Việt Nam và thế giới.
Hội thảo diễn ra cả ngày 7/5/2013.
Bảo Châu
Theo: http://tuyengiao.vn