1. Những mốc sự kiện trong cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Trần Đức Thảo
- Giáo sư Trần Đức Thảo sinh ngày 26-9-1917 tại Thái Bình trong một gia đình viên chức nhỏ. Quê quán: Làng Song Tháp, huyện Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh.
- Từ năm 1923-1935: học ở trường tiểu học và trung học Pháp tại Hà Nội.
- Năm 1935, sau khi đỗ tú tài vào loại xuất sắc, ông theo học Đại học Luật tại Hà Nội.
- Năm 1936, ông sang Pháp để chuẩn bị thi vào Đại học Sư phạm phố Ulm.
- Từ 1936 - 1943, ông học đại học triết học và nhận văn bằng đặc biệt của ngành giáo dục về triết học.
- Năm 1943: Trần Đức Thảo đỗ thủ khoa Thạc sĩ Triết học tại Đại học Sư phạm phố Ulm.
- Tháng 12/1944: Từ một trí sĩ yêu nước, Trần Đức Thảo bắt đầu hoạt động đấu tranh giải phóng dân tộc.
- Tháng 9/1945: Trần Đức Thảo viết truyền đơn và họp báo ủng hộ Việt Minh và Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Năm 1946: Đón và tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp nhiều lần, Người khuyên ông ở lại Pháp tiếp tục học tập, nghiên cứu khoa học và hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước. Từ đó, Trần Đức Thảo tích cực hoạt động khoa học và cách mạng tại Pháp.
- Ngày 4/9/1949: Trần Đức Thảo được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh cử làm thành viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia (lúc này ông đang ở Pháp);
- Cuối 1951 - đầu 1952: Trần Đức Thảo trở về Việt Nam tham gia kháng chiến, làm việc phục vụ Trung ương Đảng, là Thư ký của Tổng Bí thư Trường Chinh.
- Năm 1953: Được cử làm thành viên của Ban Văn - Sử - Địa (tiền thân của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam sau này).
- Từ năm 1954 - 1956: Là Giáo sư Đại học Sư phạm Văn khoa, giữ cương vị là Phó Giám đốc.
- Năm 1956: thành lập Đại học Tổng hợp, ông giữ cương vị Trưởng khoa Lịch sử; giảng dạy lịch sử và Triết học chung của cả 2 Trường: Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp.
- Năm 1958: có liên quan đến vụ Nhân văn - Giai phẩm, ông được Thủ tướng Phạm Văn Đồng khuyên nghĩ lại. Sau khi kiểm điểm, ông được giao nhiệm vụ tiếp tục nghiên cứu trực tiếp văn bản gốc của chủ nghĩa Mác-Lênin (tiếng Đức và tiếng Nga).
- Từ năm 1961 - 1973: ông làm Giáo sư - Chuyên viên cao cấp của Nhà xuất bản Sự thật (nay là NXB Chính trị Quốc gia). 1973 - 1993: ông viết báo, sách bằng tiếng Pháp, tiếng Đức.
- Năm 1992: Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cử Giáo sư sang Pháp công tác nghiên cứu khoa học và chữa bệnh. Giáo sư mất ngày 24-4-1993 tại Paris. Di hài Giáo sư được đưa về Hà Nội, an táng tại nghĩa trang Văn Điển.
Giáo sư Trần Đức Thảo để lại khối lượng tác phẩm đồ sộ bao gồm gần 200 tác phẩm tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Việt khoảng 2 vạn 6 ngàn trang (quy đổi thành trang 13x19).
2. Sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, giới khoa học và nhân dân
- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng đã hết sức quan tâm đến hoạt động sáng tạo của Giáo sư Trần Đức Thảo. Tết năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thiếp mừng Xuân tới Giáo sư.
- Hàng trăm nhà khoa học, nhà văn hóa của Việt Nam và của thế giới có mối liên hệ sâu sắc với Giáo sư, nhiều nhà khoa học đánh giá và khẳng định: “Trần Đức Thảo là nhà triết học duy nhất ở Việt Nam” (GS. Trần Văn Giàu); “Trần Đức Thảo là nhà triết học lớn của thế kỷ” (Nhà thơ Huy Cận); “Trần Đức Thảo là nhà triết học lỗi lạc của Việt Nam và của thế giới” (AHLĐ, GS. Vũ Khiêu); “Trần Đức Thảo, nhà mácxít và nhà Hiện tượng học đặc sắc cuối cùng sẽ tìm được chỗ đứng xứng đáng trong lịch sử tổng quát của ý nghĩa”(Daniel J Herman - Từ điển bách khoa Hiện tượng học); “Một tham vọng mạnh mẽ nối kết giữa các khu vực văn hóa xa xôi xích lại gần nhau thể hiện một con người văn hóa sâu sắc có trong Trần Đức Thảo” (GS. Michel Espagne, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia - Pháp);...
- Ngày 27-4-1993, Giáo sư Trần Đức Thảo được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.
- Ngày 28-4-1993, Lễ truy điệu Giáo sư Trần Đức Thảo được tổ chức trọng thể tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Đỗ Mười, cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng Chính phủ và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã gửi vòng hoa viếng.
- Ngày 1-9-2000, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ký quyết định số 392KT/CLVT, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình khoa học công nghệ là tác phẩm “Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức” của Giáo sư Trần Đức Thảo.
3. Các hoạt động khoa học tôn vinh Giáo sư Trần Đức Thảo những năm gần đây
- Hội thảo khoa học với chủ đề: "Trần Đức Thảo: Con người và di sản” do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào ngày 26/9/2007, tại Hà Nội (có 31 báo cáo tham luận của các nhà khoa học trong nước và quốc tế).
- Tọa đàm khoa học về Giáo sư Trần Đức Thảo do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội tổ chức ngày 08/11/2010 có nhiều nhà khoa học quốc tế tham dự.
- Hội thảo về Trần Đức Thảo tại Trường Đại học Sư phạm Paris (Ecole Normale Supérieure de Paris) diễn ra trong 2 ngày 22 - 23/6/2012 với chủ đề: “Trần Đức Thảo, Hiện tượng luận và chuyển dịch văn hóa”. Đây là lần đầu tiên hành trình tư tưởng và sự nghiệp của nhà triết học Việt Nam được tổ chức quy mô tại Pháp.
- Hội thảo khoa học quốc tế “Tư tưởng triết học và giáo dục của Trần Đức Thảo”, dự kiến tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - nơi mà 59 năm trước đây ông được Nhà nước phong chức danh Giáo sư và được cử giữ cương vị là Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa.
- Thời gian: ngày 07/5/2013 (thứ Ba).
- Địa điểm: Hội trường KI - Trường ĐHSP Hà Nội (136 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội).
Ban tổ chức sẽ thông tin chi tiết tới quý vị vào tuần tới.
BTC Hội thảo