Thời gian nhận báo cáo toàn văn của các học giả đã gửi bản đăng ký tham gia được ấn định hạn chót là hết ngày 10/4/2013. Sau thời gian đó, Ban tổ chức xin phép không nhận báo cáo.
Ban tổ chức thành thực xin lỗi các học giả về sự thay đổi này và kính mong được hân hạnh chào đón các học giả tại Hội thảo vào ngày 07/5/2013 (Thứ Ba).
Tham dự Hội thảo, sẽ có nhiều học giả quốc tế chuyên nghiên cứu về triết gia Trần Đức Thảo đến từ các nước: Pháp, Đức, Mỹ, Canada,Đài Loan… đặc biệt có sự đại diện của Liên hiệp Hội Triết học Châu Á, Liên hiệp Hội Triết học thế giới; các nhà khoa học Việt Nam đến từ các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Triết học, Viện Sử học, Viện nghiên cứu Tôn giáo, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Ngôn ngữ học, Viện Tâm lý học,…), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội đồng lý luận Trung ương, Hội hữu nghị Việt - Pháp, Đại học Quốc gia Hà Nội và các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc.
Như đã thông báo, mục đích của Hội thảo khoa học nhằm: 1. Nghiên cứu, đánh giá những cống hiến lý luận và giá trị thực tiễn của tư tưởng triết học Trần Đức Thảo đối với nền triết học Việt Nam và thế giới trong thế kỷ XX và sự vận dụng tư tưởng triết học Trần Đức Thảo trong bối cảnh hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay; 2. Nghiên cứu, đánh giá những cống hiến của Giáo sư Trần Đức Thảo về Chính trị học, Giáo dục học, Văn hóa học, Ngôn ngữ học, Tâm lý học, Xã hội học, Tôn giáo học, Sử học, Dân tộc học,... đặc biệt là lĩnh vực nghiên cứu về con người đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam hiện nay.
Ban tổ chức xác định đây là dịp để thông tin, trao đổi học thuật giữa các học giả Việt Nam và quốc tế nhằm hướng tới sự nhận thức toàn diện hơn và vinh danh những cống hiến của Giáo sư Trần Đức Thảo đối với nền triết học, khoa học, giáo dục của Việt Nam và thế giới.
Nội dung của Hội thảo khoa học tập trung vào các chủ đề sau:
1. Về con người và sự nghiệp của Trần Đức Thảo.
2. Về tư tưởng triết học của Trần Đức Thảo: Những vấn đề lịch sử triết học, Về lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam; Vũ trụ quan và bản chất của thế giới; Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng; Triết học về con người (sự hình thành con người, bản chất con người, ý thức con người, con người và xã hội...); Chủ nghĩa Marx; Chủ nghĩa duy lý; Những vấn đề biện chứng học; Về triết học Hegel; Về chủ nghĩa nhân đạo; Về “chủ nghĩa lý luận không có con người”; Vấn đề thực tiễn và chân lý;...
3. Về các lĩnh vực khoa học của Trần Đức Thảo (Chính trị học, Giáo dục học, Văn hóa học, Ngôn ngữ học, Tâm lý học, Xã hội học, Tôn giáo học, Sử học, Dân tộc học,...): Cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức con người; Quy luật văn học và những vấn đề của lịch sử văn học Việt Nam; Vấn đề nhân văn và văn hóa học; Về cái cơ bản chung của lịch sử dân tộc; Về nguồn gốc của xã hội; Về xã hội mở; Về sự khủng hoảng của phương thức sản xuất; Về động lực thúc đẩy phát triển xã hội; Về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong sự khủng hoảng của chế độ phong kiến Việt Nam; Về phương thức sản xuất châu Á; Về phương thức sản xuất qua các thời đại lịch sử; Những vấn đề Phân tâm học, Về hệ thần kinh; Lý thuyết về tính kết hợp; Về tính chất khoa học cách mạng;...
Ban tổ chức sẽ gửi Giấy mời và thông báo Chương trình Hội thảo tới các đại biểu vào giữa tháng 4/2013.
Báo cáo toàn văn gửi qua thư điện tử: k.triethoc@hnue.edu.vn hoặc gửi bằng văn bản qua đường bưu điện tới Văn phòng Khoa Triết học - Tầng 3, nhà B, 136 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội; điện thoại: 04.85876474.
Mọi chi tiết liên hệ với TS. Nguyễn Bá Cường, Phó trưởng khoa Triết học, Thường trực Ban tổ chức Hội thảo (điện thoại: 0983.221.671/0936.221.671; Email: cuongnb@hnue.edu.vn).
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Ban tổ chức Hội thảo trân trọng thông báo và mong nhận được sự tham gia hiệu quả của các nhà khoa học và quý vị đại biểu.