Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1966 - 1975)
* Năm 1965:
- Ngày 13/2/1965, đế quốc Mĩ ồ ạt ném bom bắn phá miền Bắc.
- Ngày 5/8/1965, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 98/TTg nhấn mạnh cần chuyển hướng công tác giáo dục trước tình hình và nhiệm vụ mới.
* Năm 1967: Ngày 14/8/1967, Hội đồng Chính phủ ra quyết định số 128/CP chia Trường ĐHSP Hà Nội thành 3 trường: Trường ĐHSP Hà Nội I, Trường ĐHSP Hà Nội II, Trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội.
* Năm 1968:
- Ngày 16/10/1968, Hồ Chủ tịch gửi thư cho các cán bộ, thầy giáo, cô giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới. Người căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.
- Tháng 10/1968, tại Trường ĐHSP Hà Nội II, khoa Kĩ thuật Công nghiệp được thành lập.
* Năm 1970:
- Nội san số 1 của ĐHSP Hà Nội I ra mắt bạn đọc, đánh dấu bước phát triển quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học ở Trường ĐHSP Hà Nội.
- Ngày 23/4/1970, ba luận văn cấp II (tương đương với luận án Tiến sĩ hiện nay) đầu tiên được tổ chức bảo vệ thành công tại Trường ĐHSP II Hà Nội cũng là của nước ta. Đó là luận văn của Lê Quang Long, Phan Cự Nhân và Phan Nguyên Hồng.
* Năm 1972:
- Ngày 16/4/1972, Mĩ chính thức mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai.
- Ngày 1/8/1972, Đại đội tự vệ của Trường phối hợp với bộ đội huyện Từ Liêm bắn rơi một máy bay Mĩ, góp phần cùng quân và dân miền Bắc đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ, buộc chúng ngừng bắn phá miền Bắc.
* Năm 1973:
- Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari được kí kết. Miền Bắc trở lại hoà bình.
- ĐHSP Hà Nội I và ĐHSP Hà Nội II từ nơi sơ tán trở về địa điểm cũ thuộc xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
|
1. Trường ĐHSP Hà Nội trong tình hình, nhiệm vụ mới của cách mạng
Nhà trường vừa được ổn định, bắt đầu hướng vào sự phát triển vững chắc thì miền Bắc phải trực tiếp đương đầu với chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mĩ. Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, Trường chuyển hướng công tác đào tạo trong tư thế “tay bút, tay súng”.
Vào đầu năm 1965, cuộc “Chiến tranh đặc biệt” mà Mĩ tiến hành chống lại nhân dân miền Nam đã phát triển đến đỉnh cao và đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, Mĩ đã ồ ạt đưa quân viễn chinh cùng với vũ khí, phương tiện chiến tranh vào miền Nam, đẩy mạnh chiến tranh xâm lược và mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc.
Trong tình hình mới Đảng, Chính phủ quyết định chuyển hướng công tác giáo dục. Chỉ thị số 102/CT-TƯ, ngày 3/7/1965 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác chính trị tư tưởng đối với cán bộ, sinh viên, học sinh đã nêu rõ: “… Nhà trường xã hội chủ nghĩa phải thực sự là một đơn vị chống Mĩ cứu nước, thực sự là một tập thể gương mẫu trong giảng dạy, học tập, lao động, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu”.
Chỉ thị 98/TTg ngày 5/8/1965 của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần chuyển hướng công tác giáo dục trước tình hình và nhiệm vụ mới, “… gắn chặt hơn nữa việc giảng dạy, học tập và mọi hoạt động của nhà trường với đời sống, với sản xuất và chiến đấu, đảm bảo an toàn, đảm bảo sức khoẻ cho học sinh, sinh viên, tăng cường công tác quản lí và chỉ đạo trường học”.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng và chỉ thị của Chính phủ và để phù hợp với tình hình thời chiến, bảo đảm an toàn cho cán bộ, sinh viên tiếp tục công việc dạy và học, thực hiện tốt sự nghiệp đào tạo, xây dựng nhà trường, đồng thời góp phần tham gia vào sự nghiệp đánh giặc Mĩ xâm lược, Trường ĐHSP Hà Nội đã tổ chức sơ tán khỏi Hà Nội, đến 13 địa điểm thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Tây và Hưng Yên. Trong một thời gian ngắn, trường đã tận dụng mọi phương tiện có được để vận chuyển bàn ghế, sách, tài liệu, dụng cụ thí nghiệm đến nơi sơ tán. Thầy và trò bỏ nhiều công sức để ổn định điều kiện ăn ở, học tập, đảm bảo hệ thống hầm trú ẩn. Được sự giúp đỡ tận tình của nhân dân các địa phương (nhường nhà cho cán bộ, sinh viên ở, cho đất làm lớp học, nhà bếp, cung cấp rau, thực phẩm,…), nên chỉ trong một vài tháng, mọi hoạt động dạy học, nghiên cứu, sinh hoạt của trường đi vào nền nếp.
Tuy nhiên ở nơi sơ tán, điều kiện sinh hoạt, giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của thầy và trò gặp rất nhiều khó khăn. Cán bộ giảng dạy, công nhân viên và sinh viên đều sống trong nhà dân. Lớp học phân tán, lán trại sơ sài, điều kiện và trang bị phục vụ cho việc dạy và học, như các dụng cụ thí nghiệm, bàn ghế, sách vở đều thiếu thốn. Công việc phục vụ đời sống (đào hầm hào, làm lớp học,…) chiếm nhiều thời gian. Việc sơ tán, phân tán nhỏ đã đưa đến những khó khăn về tổ chức, chỉ đạo, quản lí đối với một trường quá lớn như ĐHSP Hà Nội lúc bấy giờ (trong năm học 1965 - 1966 trường có 3.288 sinh viên). Để đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của đất nước, nhà trường tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo. Ngoài số sinh viên tập trung, nhà trường vẫn tiếp tục tuyển một số lượng không nhỏ sinh viên hàm thụ. Do đó, số lượng cán bộ công nhân viên tiếp tục tăng, bao gồm cán bộ giảng dạy và cán bộ nhân viên phục vụ [1].
Dỡ nhà đi sơ tán
Do quy mô, nhiệm vụ đào tạo lớn, Trường gặp không ít khó khăn trong hoàn cảnh chiến tranh, nên Hội đồng Chính phủ tại Quyết định số 128/CP, ngày 14/8/1967 đã chia Trường ĐHSP Hà Nội thành: Trường ĐHSP Hà Nội I, Trường ĐHSP Hà Nội II và Trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội.
- Trường ĐHSP Hà Nội I gồm các khoa: Văn, Sử, Địa, Tâm lí - Giáo dục, khoa đào tạo giáo viên cấp II về khoa học xã hội.
- Trường ĐHSP Hà Nội II gồm các khoa: Toán, Lí, Hoá, Sinh, Kĩ thuật Nông nghiệp, Kĩ thuật Công nghiệp và khoa đào tạo giáo viên cấp II về khoa học tự nhiên.
- Trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội gồm các khoa: tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp.
Cuộc chiến đấu chống Mĩ cứu nước ngày càng ác liệt. Ngày 17/7/1966 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “Vì độc lập của Tổ quốc, vì nghĩa vụ đối với các dân tộc đang chống đế quốc Mĩ, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, không sợ hi sinh gian khổ, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn… trước tình hình mới chúng ta quyết đồng tâm nhất trí vượt mọi gian khổ hi sinh, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của dân tộc ta là đánh thắng giặc Mĩ xâm lược”[2].
Trong điều kiện và hoàn cảnh mới, ngày 16/10/1968, trong “Thư gửi các cán bộ, cô giáo thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới”, Người căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Cũng như toàn ngành giáo dục nói chung, các trường đại học nói riêng, Trường ĐHSP Hà Nội đặt lên hàng đầu nhiệm vụ tổ chức tốt đời sống bố trí phòng không để dạy và học ở nơi sơ tán, tham gia trực tiếp chiến đấu, giữ mối quan hệ tốt với nhân dân, các tổ chức Đảng, với chính quyền địa phương. Sau hai đợt sơ tán 1965 - 1969 và 1971 - 1972, Trường ĐHSP Hà Nội I và Trường ĐHSP Hà Nội II đã ổn định được cơ sở vật chất và đời sống, chấn chỉnh, củng cố công tác đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất và chiến đấu. Trường đã thực hiện tốt chỉ thị của Bộ Giáo dục, xác định được phương hướng, nhiệm vụ của mình trước mắt cũng như lâu dài một cách đúng đắn, thiết thực nhằm thực hiện tốt nhất Chỉ thị số 169-CT/TW, trong đó khâu trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí.
Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, trong hệ thống các trường sư phạm, khối đại học sư phạm phát triển rất nhanh về số lượng giáo viên và sinh viên tuyển sinh. Năm học 1969 - 1970, tổng số sinh viên hai Trường ĐHSP I và ĐHSP II là 8.535 và số cán bộ giảng dạy lên đến 954 người[3].
Trong tình hình và nhiệm vụ cách mạng nói chung, của ngành giáo dục nói riêng, tổ chức và phương thức hoạt động của hai Trường ĐHSP Hà Nội I và ĐHSP Hà Nội II được tiến hành tốt, dù số sinh viên tăng nhiều. Các trường đã ổn định tình hình ở nơi sơ tán, tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo và thực hiện một số công tác trọng tâm.
- Tăng cường đội ngũ cán bộ giảng dạy. Tính đến năm học 1968-1969, số lượng cán bộ giảng dạy của hai Trường ĐHSP Hà Nội I và ĐHSP Hà Nội II đã tăng gần gấp đôi, song so với nhu cầu, đội ngũ cán bộ này vẫn còn thiếu, nhất là các cán bộ về môn Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tâm lí - Giáo dục, Kĩ thuật. Đội ngũ cán bộ giảng dạy của hai trường chưa đạt được tỉ lệ thầy - trò được quy định trong chỉ thị 53/TTg-VG: 1/10 đến 1/15 cho các hệ đại học tập trung và 1/20 - 1/30 cho cán bộ đại học tại chức[4].
- Tăng cường các phương tiện thiết bị kĩ thuật cho dạy học và nghiên cứu khoa học. Song nhìn chung, kết quả chưa được bao nhiêu, vì việc cung cấp và bảo dưỡng trong điều kiện chiến tranh gặp nhiều khó khăn.
- Thực hiện nguyên lí gắn giáo dục với thực tiễn, nhà trường với xã hội. Học tập trong điều kiện sơ tán, có chiến tranh, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng là điều kiện thuận lợi cho việc gắn nhà trường với đời sống xã hội và trường phổ thông, với thực tế chiến đấu và sản xuất. Nhà trường đã tổ chức những đợt cho cán bộ và sinh viên đi thực tế chiến đấu ở những vùng xảy ra chiến sự, đi lao động sản xuất, đắp đê chống lụt, khắc phục hậu quả lũ lụt, đi thực tế phổ thông, qua đó đã thực hiện có hiệu quả nguyên lí giáo dục của Đảng.
- Tổ chức tốt việc phòng không; tiến hành có kết quả công tác huấn luyện quân sự, chuẩn bị mọi mặt cho cán bộ và sinh viên nhập ngũ mà không làm đảo lộn công tác của Trường.
- Cải tiến lề lối làm việc, tác phong công tác của các đơn vị, cán bộ lãnh đạo các cấp được nhanh, gọn, sát hợp với điều kiện chiến tranh, bảo đảm hiệu quả.
Từ năm 1972 cục diện đấu tranh quân sự và chính trị với đế quốc Mĩ đang chuyển biến có lợi cho Việt Nam. Tình hình này đặt ra nhiệm vụ chi viện về giáo dục rất khẩn trương và trên một quy mô rộng lớn hơn. Ngày 5/9/1972, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 247/TTg nói rõ nhiệm vụ chi viện về cán bộ, giáo viên, tài liệu giáo khoa, đồ dùng dạy học cho miền Nam. Trường ĐHSP Hà Nội cũng là nơi chuẩn bị tốt mọi điều kiện để sẵn sàng nhận nhiệm vụ mà Đảng và Bộ Giáo dục giao cho.
Việc biên soạn sách giáo khoa cho các trường phổ thông miền Nam sau ngày giải phóng cũng được chuẩn bị chu đáo từ nội dung, chương trình đến việc thành lập “Ban chương trình và sách giáo khoa B” của Bộ Giáo dục. Trường ĐHSP Hà Nội đã đóng góp 7 cán bộ tham gia ban soạn thảo chương trình và sách giáo khoa B.
Đảng bộ Trường và các chi bộ trực thuộc (các Khoa, Phòng, Ban, Tổ bộ môn chung) ở các Trường ĐHSP Hà Nội I và ĐHSP Hà Nội II đã giữ vững vai trò lãnh đạo của mình, đặc biệt trong việc hoạch định các chủ trương, biện pháp lớn đảm bảo thực hiện đường lối, quan điểm, chính sách Đảng và Nhà nước. Công tác tư tưởng, tổ chức, công tác vận động quần chúng thông qua Công đoàn, Đoàn Thanh niên, quan hệ giữa Đảng uỷ và Ban Giám hiệu, giữa chi uỷ và lãnh đạo đơn vị được thực hiện tốt. Sự đoàn kết có đấu tranh được giữ vững, tạo điều kiện cho trường phát triển trong điều kiện có nhiều khó khăn, do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ gây ra.
2. Những thành tựu chính của hai Trường ĐHSP Hà Nội I và ĐHSP Hà Nội II trong những năm 1966 - 1975
2.1. Về công tác đào tạo
Đảng uỷ, Ban Giám hiệu các Trường ĐHSP Hà Nội I và ĐHSP Hà Nội II đã xác định, mặc dù trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, vẫn phấn đấu nâng cao chất lượng dạy học, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất của nhà trường.
Từ năm học 1967 - 1968, các Trường ĐHSP Hà Nội I và ĐHSP Hà Nội II bên cạnh hệ 3 năm (đại trà) bắt đầu đào tạo thí điểm hệ 4 năm. Vì vậy yêu cầu của công tác đào tạo cũng cần phải nâng cao.
Việc cải tiến chương trình, bảo đảm cung cấp cho sinh viên những tri thức theo yêu cầu “ba nhất” (“Việt Nam nhất”, “hiện đại nhất”, “cơ bản nhất”), được đẩy mạnh ở tất cả các khoa và các tổ bộ môn.
Với phương châm “giáo dục phải phục vụ chính trị”, “giáo dục kết hợp với lao động sản xuất”, trong giai đoạn này hai trường tiếp tục thực hiện yêu cầu đảm bảo 4 tính: tính tư tưởng, tính khoa học, tính thực tiễn và tính sư phạm trong giảng dạy và học tập.
Từ năm học 1967 - 1968, hai trường đã tổ chức các hội nghị bàn về cải tiến nội dung chương trình dạy học, thực hiện mục tiêu đào tạo, xác định rõ hơn mối quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo ở trường ĐHSP với dạy học ở trường phổ thông. Từ tháng 10/1968, tại Trường ĐHSP Hà Nội II, khoa Kĩ thuật Công nghiệp được thành lập.
Cùng với việc biên soạn giáo trình theo yêu cầu “ba nhất”, cán bộ giảng dạy của hai trường tiếp tục trang bị thêm phòng thí nghiệm của các khoa khoa học tự nhiên, tăng cường công tác tư liệu ở các khoa khoa học xã hội (Văn, Sử) để phục vụ việc học tập, nghiên cứu của thầy và trò trong điều kiện chiến tranh. Việc giải quyết hợp lí sự kết hợp và cân đối các môn khoa học cơ bản và khoa học giáo dục trong công tác đào tạo để nâng cao chất lượng dạy học về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm được tiếp tục tiến hành và thu được nhiều kết quả tốt.
Từ năm học 1967 - 1968, thực hiện Chỉ thị 49/TTg-VG của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đào tạo cán bộ bằng hình thức học tại chức, Ban Hàm thụ của hai trường tiếp tục mở các lớp đào tạo tại chức với quy mô lớn, tốc độ nhanh, đảm bảo chất lượng.
Đại hội Đảng bộ Trường ĐHSP Hà Nội I, từ 30/10 - 1/11/1969, đã đặt ra mục tiêu phấn đấu: Nâng cao hơn nữa ý chí quyết thắng giặc Mĩ, quyết tâm thực hiện di huấn của Bác là: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Để đạt được mục tiêu đó, Trường đề ra yêu cầu: “Phải phát huy nỗ lực chủ quan của thầy và trò, tập trung lãnh đạo khâu học tốt, biến quá trình đào tạo của trường thành quá trình tự đào tạo tích cực của mỗi sinh viên. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của thầy, thực hiện yêu cầu “Thầy bám sát trò”, ra sức nâng cao chất lượng giảng dạy, tăng cường hướng dẫn, phụ đạo và quản lí sinh viên học tập, rèn luyện toàn diện. Khâu quan trọng nhất là “phải phát huy cao độ nỗ lực chủ quan của sinh viên nhằm tổ chức, quản lí tốt việc học tập, rèn luyện, phấn đấu, tự tạo lấy phương tiện, điều kiện học tập”.
Ban Giám hiệu Trường ĐHSP Hà Nội II cũng quyết định “sẽ tăng cường lãnh đạo việc xây dựng, cải tiến và thực hiện nội dung chương trình, phương thức đào tạo, quan tâm chỉ đạo từng khoa trên cơ sở đặc điểm riêng của mỗi khoa”.
Nhìn chung, công tác đào tạo của hai Trường ĐHSP Hà Nội I và ĐHSP Hà Nội II trong giai đoạn 1967 - 1976 đã đạt được nhiều kết quả: sinh viên tốt nghiệp đạt tỉ lệ cao (khoảng 95%); các Sở, Ti giáo dục thừa nhận chất lượng giáo viên đào tạo của hai trường. Sinh viên sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất cứ nơi nào Tổ quốc cần.
Thực hiện nguyên lí giáo dục kết hợp học tập với lao động sản xuất, gắn nhà trường với đời sống và hoạt động xã hội, các khoa sớm chuyển mạnh phương thức đào tạo, đưa sinh viên tham gia ngày càng nhiều vào thực tiễn sản xuất và chiến đấu với nhiều hình thức phong phú. Đoàn Thanh niên Trường ĐHSP Hà Nội I tổ chức cho một số đông sinh viên đi tham gia phục vụ chiến đấu ở một số trọng điểm đánh phá của đế quốc Mĩ tại cầu Hàm Rồng (Thanh Hoá), về các cơ sở sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội II cũng tổ chức nhiều đoàn đi lao động phục vụ các đơn vị sản xuất và chiến đấu điển hình, theo sở trường chuyên môn của mỗi khoa: Phổ biến và hướng dẫn việc áp dụng cải tiến kĩ thuật trong sản xuất nông nghiệp, vận dụng lí thuyết vận trù học vào lao động sản xuất,…
Vào các dịp hè, giáo viên và sinh viên các khoa của hai trường về các địa phương giúp trường phổ thông quản lí học sinh, hướng dẫn ôn tập và làm công tác Đoàn, Đội. Năm học 1971 - 1972 đã có 630 học sinh, cán bộ tổ chức thành công đội công tác “Hè kiên cường chống Mĩ” hoạt động một tháng ở địa bàn sơ tán[5].
Cùng với việc tổ chức những đợt thực tế để nâng cao vốn sống và năng lực làm công tác quần chúng cho các giáo viên tương lai, việc giáo dục nghiệp vụ được tiến hành có hệ thống từ năm thứ nhất đến năm thứ tư. Sinh viên năm thứ nhất làm công tác quản lí thiếu niên trong hè, sinh viên năm thứ hai thực hành tâm lí ở trường phổ thông cơ sở, sinh viên năm thứ ba và năm thứ tư kiến tập và thực tập ở trường phổ thông cấp III thuộc nhiều tỉnh ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Các hoạt động này được thực hiện có nền nếp ở các khoa, theo quy hoạch chung của toàn khoá học. Hội nghị về phương thức đào tạo, do Đảng uỷ Trường ĐHSP Hà Nội I tổ chức vào năm 1973, đã khẳng định: “Quy hoạch đi thực tế, thực tập sư phạm trong cả khoá học 4 năm sau một thời gian kiểm nghiệm là hoàn toàn đúng hướng”.
Nhà trường và các khoa tìm kiếm các phương thức gắn đào tạo với phục vụ sản xuất và phục vụ trường phổ thông. Từ năm học 1971 - 1972 phân xưởng nữ công được thành lập. Đến năm học 1972 - 1973, Trường ĐHSP Hà Nội I và ĐHSP Hà Nội II mở rộng các phân xưởng đã được xây dựng. Phân xưởng nữ công thu hút toàn bộ nữ sinh khối 4 đến thực tập, nhận may quần áo cho cán bộ, sinh viên trong trường và bước đầu nhận hàng gia công của mậu dịch; tổ chức các lớp chuyên dạy cắt may cho sinh viên nữ, chuẩn bị cho họ có tay nghề về phục vụ ở trường phổ thông. Phòng vẽ bản đồ của khoa Địa làm các loại đồ dùng giảng dạy. Khoa Sử thử nghiệm làm các đồ dùng trực quan bộ môn, như in, phóng ảnh, làm phim đèn chiếu. Khoa Tâm lí - Giáo dục triển khai việc làm gạch. Khoa Ngữ văn tổ chức hợp tác xã nông nghiệp, câu lạc bộ văn học nghệ thuật. Khoa Sinh - Kĩ thuật Nông nghiệp lập trại chăn nuôi, hướng dẫn sinh viên cách làm phân, chọn giống lúa, lai giống lợn, vịt. Khoa Hoá chế các hoá chất phục vụ nông nghiệp, hóa thực phẩm. Khoa Toán áp dụng vận trù học vào việc phục vụ sản xuất ở nông thôn. Các khoa và các tổ bộ môn khác đều cố gắng gắn bài giảng với thực tiễn đời sống bằng nhiều hình thức và biện pháp phong phú, phù hợp với nội dung môn học.
Trong điều kiện chiến tranh, hai Trường ĐHSP Hà Nội I và ĐHSP Hà Nội II không chỉ đảm bảo chất lượng đào tạo mà còn nâng hệ đào tạo từ 3 năm lên 4 năm[6], xây dựng chương trình và biên soạn các giáo trình, chuyên đề, tổ chức thực hiện phục vụ tốt việc học tập. Trong năm học 1972 - 1973, ở Trường ĐHSP Hà Nội I tỉ lệ sinh viên đỗ thẳng trong kì thi tốt nghiệp là 67,1%. Riêng khoa Địa tỉ lệ này là 72,2%, Khoa cấp II - 77,6% và Khoa Tâm lí - Giáo dục 89,3% [7].
Sau khi Hiệp định Paris được kí kết (tháng 1/1973), miền Bắc trở lại hoà bình, Trường ĐHSP Hà Nội I và ĐHSP Hà Nội II cũng như nhiều trường đại học khác có những điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện. Trường ĐHSP Hà Nội I chủ trương “ổn định nề nếp chuyên môn, ra sức cải tiến quản lí giảng dạy, học tập, đẩy mạnh nề nếp dạy tốt, học tốt, chú ý đúng mức khâu tự học, quyết tâm xây dựng những điển hình tập thể học sinh sư phạm”. Khoa Văn vừa thực hiện cải tiến giảng dạy, vừa rèn luyện trình độ viết văn, làm thơ cho sinh viên. Khoa Sử quán triệt phương châm “lấy nghiệp vụ làm động lực nội tại để nâng cao chất lượng đào tạo, bám sát thực tế phổ thông, gắn chặt giữa chương trình giảng dạy và học tập ở đại học với chương trình học của học sinh phổ thông”. Khoa Địa chú trọng phương pháp giảng dạy nêu vấn đề, đồng thời coi trọng phần thực hành trong phòng thí nghiệm.
Một phương châm lớn, có giá trị lí luận và thực tiễn trong giáo dục đại học được hai Trường ĐHSP Hà Nội I và ĐHSP Hà Nội II thực hiện ngay cả trong điều kiện thời chiến là “Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”. Các hình thức đào tạo như tổ chức cho sinh viên tham gia xêmina, làm bài tập lớn, tập dượt nghiên cứu khoa học, làm khoá luận tốt nghiệp đi vào nề nếp. Việc dạy học nêu vấn đề, giảng dạy chương trình hoá và cá thể hoá,… được nhiều cán bộ giảng dạy ứng dụng. Việc thực hiện thành công biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo đã giúp phát huy tính tích cực của sinh viên, và giúp họ vận dụng những bài học kinh nghiệm này trong thực tiễn giáo dục phổ thông sau khi ra trường, dạy học theo quan điểm tích cực, khắc phục những hạn chế của cách học thụ động, thiếu thông minh.
[1] Trong năm học 1965 - 1966, cả trường chỉ có 522 cán bộ viên chức, thì đến năm học 1974 - 1975, chỉ tính riêng Trường ĐHSP Hà Nội I đã có 370 cán bộ giảng dạy và số nhân viên các phòng, ban cũng tăng lên gấp 3 lần.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, sđd, tr.109.
[3] Nguyễn Minh San. Bách khoa toàn thư giáo dục và đào tạo Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006, tr 357.
[4] Chỉ thị 53/TTg-VG ngày 27/5/1968 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy cho các trường đại học và trung học chuyên nghiệp.
[5] Báo cáo tổng kết thi đua năm học 1971 - 1972 của Ban Giám hiệu Trường ĐHSP Hà Nội I.
[6] Sinh viên nhập học năm 1968, đến năm 1971 không ra trường theo hệ 3 năm mà được giữ lại học tiếp năm thứ 4 và ra trường tháng 6/1972. Đây là năm đầu tiên đào tạo hệ 4 năm đại trà.
[7] Báo cáo tổng kết năm học 1972 - 1973 của Ban Giám hiệu Trường ĐHSP Hà Nội I.