Suốt dọc hành trình tìm về các địa danh lịch sử và các nhân vật tiêu biểu của Trường ĐHSP Hà Nội trong tháng 8 năm 2011, Đoàn công tác của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường ĐHSP Hà Nội đã có một chuyến đi về nguồn đầy ý nghĩa khi được tới thăm các khu di tích để tìm hiểu về truyền thống hào hùng của dân tộc. Trong lần đi công tác này, chúng tôi còn có dịp tiếp xúc, gặp gỡ với những người từng gánh vác nhiều trọng trách của đất nước, cùng có một điểm chung là cựu sinh viên trường ĐHSP Hà Nội, ngôi trường sắp tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập. Trong số đó, có nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Theo lịch hẹn, sáng ngày 11/8/2011, Đoàn đã tới thăm Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - cựu sinh viên khoa Ngữ Văn (khóa 1961 - 1964) tại nhà riêng trên phố Nguyễn Sinh Cung - Thành phố Huế. Chúng tôi hết sức cảm động trước sự tiếp đón thân tình, gần gũi của một nhà thơ nổi tiếng, một nhà hoạt động chính trị và văn hóa có uy tín của nước nhà. Ông Nguyễn Khoa Điềm - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam.
Được gặp nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là niềm ao ước của nhiều thế hệ đã từng đọc, học tập, giảng dạy thơ ông. Những vần thơ đã theo cùng năm tháng, để lại ký ức không thể phai mờ trong tâm chí lớp lớp thế hệ người Việt Nam kể từ hồi chiến tranh chống Mỹ đến nay.
Gặp chúng tôi - lớp thế hệ thanh niên, giảng viên trẻ của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - ngôi trường lớn nhất của nền sư phạm Việt Nam, cựu sinh viên Nguyễn Khoa Điềm nói chuyện cởi mở, thân tình như gặp lại những người quen cũ. Với biết bao nhiêu kỷ niệm hồi sinh viên học tập tại Trường đang dội về, Nhà thơ cho biết: Thời kỳ chúng tôi đi học là thời kỳ mà Miền Bắc lúc đó có nhiều thuận lợi, bắt đầu từ thời điểm “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng” (thơ Tố Hữu). Vì thế mà việc học tập, rèn luyện được chăm lo chu đáo. Tôi rất tự hào được là sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - ngôi trường luôn nhận được sự quan tâm của Bác Hồ và của các đồng chí lãnh tụ Đảng và Nhà nước ta. Hồi đó, tôi được học các Giáo sư mà tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử văn hóa - giáo dục Việt Nam thế kỷ XX như Đặng Thai Mai, Nguyễn Lương Ngọc, Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn,... Lúc đó, giáo trình ít, tài liệu học tập trong trường cũng còn khan hiếm. Chúng tôi phát huy tinh thần tự học đi Thư viện quốc gia đọc sách. Đọc càng nhiều càng tốt. Hồi đó quý sách lắm, vớ được quyển nào đọc ngầu quyển đó, đến giờ kiến thức về nó vẫn còn như tươi mới. Học ngành gì cũng vậy, kể cả trước đây và bây giờ, cần phải chịu khó đọc nhiều thì kiến thức mới phong phú. Là sinh viên, giáo viên nói chung càng cần phải đọc nhiều và học nghiêm túc”.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã kể lại nhiều kỷ niệm sâu sắc, như: kỷ niệm được nghe trực tiếp tại Hội trường lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nghề thầy giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, là nghề sáng tạo bậc nhất trong các nghề sáng tạo”; kỷ niệm về các sinh hoạt chuyên môn tại Ký túc xá; kỷ niệm về các hoạt động tập thể cũng như văn hóa của Đoàn trường và các khoa tổ chức,...
Gặp lại các cán bộ Đoàn trường hiện nay, nhà thơ nhớ lại hồi là sinh viên, với vai trò là cán bộ Chi đoàn (là Ủy viên Ban Chấp hành Chi đoàn, phụ trách học tập) đã rất sôi nổi trong các hoạt động phong trào. Những người bạn học với ông thuở đó là Bí thư, phó Bí thư chi đoàn, các thầy cô giáo và sinh viên trong trường đều xung phong ra mặt trận. Khóa học 1961-1964 của Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội đã ghi danh những nhà giáo - chiến sĩ như thế. Nhiều người sau này trở thành những giáo sư đầu ngành, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng, nhà hoạt động chính trị uy tín.
Trao đổi với những cán bộ Đoàn trường ĐHSP Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm không chỉ giúp chúng tôi cảm thấy như sống trong không khí phong trào “Ba sẵn sàng” thời kỳ đó mà còn giúp chúng tôi hiểu sâu hơn, suy nghĩ nhiều hơn về những vấn đề của đời sống, của vấn đề “ở đời và làm người”.
Nhà thơ ghi nhận đó là thời kỳ bừng nở của văn học Miền Bắc. Một mùa màng mới trong văn học đã xuất hiện sau khoảng thời gian tương đối bằng phẳng. Điều đó đồng nghĩa với việc sinh viên Văn khoa được trải nghiệm nhiều hơn với đời sống văn chương với tư cách vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Văn chương không chỉ là nội dung học tập và nghiên cứu của sinh viên chuyên ngành này mà còn là cầu nối đề sinh viên được gặp gỡ những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như: Trường Chinh, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyên Hồng,... Điều đó cũng trở thành động lực để nhà thơ thêm yêu nghề và miệt mài học tập, lao động. Sự sôi nổi của những tháng ngày học đại học đã lôi cuốn tất thảy sinh viên trong trường và tạo nên một không khí học tập say mê. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điểm nhấn mạnh: “Học văn không phải đơn thuần là những tri thức khách quan mà mình tiếp nhận, học văn là một sự thể nghiệm. Cho nên, Văn gắn với Người, Người cần sống thực với văn chương”, “Văn chương không còn là tri thức mà đã chuyển hoá thành sự sống xung quanh mình. Sức mạnh của văn chương là chuyển hoá câu chuyện của người khác thành câu chuyện của mình”, “Người ta thực sự yêu Văn, Sử khi xã hội biết cách làm cho con người yêu Văn, Sử, cho nên, cần phải có hành động cụ thể để thanh niên yêu lịch sử dân tộc”,...
Câu chuyện về văn chương không thể tách rời quan niệm về con người. Nhà thơ cho rằng: “con người không chỉ là công cụ, phương tiện mà con người còn chính là cái đẹp, cho dù chỉ có một chút đức hạnh thôi cũng phải vun trồng cho đẹp”, “nếu chúng ta nghĩ về con người như vậy thì cách chúng ta hoạt động văn hoá, tư tưởng cũng sẽ hợp lý”. Thế hệ thanh niên Việt Nam không chỉ cần phải giỏi mà còn tốt: tốt về học vấn, tốt về đạo đức, biết quý trọng con người, chân thành, khiêm tốn; chính những điều đó cũng sẽ đem lại cho con người những niềm vui lớn.
Trước những đổi thay to lớn của xã hội hiện đại, nhà thơ nhấn mạnh cảm quan bơ vơ của thanh niên. Vì thế, trách nhiệm của Đoàn và công tác Thanh niên là làm sao tạo được không khí học tập, rèn luyện đoàn kết, sôi nổi, Đoàn luôn phải trở thành cầu nối của thanh niên, sinh viên với nhà trường, cộng đồng và xã hội.
Những trao đổi cũng như trăn trở đó của nhà thơ khiến cán bộ Đoàn trường ĐHSP Hà Nội càng ý thức rõ hơn vai trò, nhiệm vụ của mình trong thời đại mới, đặt ra câu hỏi làm sao tạo dựng được môi trường lành mạnh, bổ ích cho sinh viên tham gia. Bí thư Đoàn trường ĐHSP Hà Nội, đồng chí Nguyễn Bá Cường cũng đã báo cáo sơ lược công tác Đoàn những năm vừa qua, trong đó, đặc biệt chú ý đến những hoạt động mang tính chất chuyên môn như các hội thảo khoa học dành cho cán bộ giảng viên và sinh viên cấp trường và cấp toàn quốc.
Điều khiến chúng tôi, những thế hệ trẻ của trường ĐHSP Hà Nội cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh tinh thần để nỗ lực rèn luyện và cống hiến nhiều hơn nữa chính là niềm tự hào của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khi được là sinh viên của trường. Nhà thơ đưa ra quan niệm: Học không chỉ tìm kiếm những tri thức cũ mà còn nghiệm ra rất nhiều tri thức mới của đời sống, làm cho sự khao khát hiểu biết thêm sống động. Trong quá trình học, nhà thơ cũng có dịp trải qua nhiều chuyến đi thực tế, về đồng ruộng gặt lúa, hàng tuần đi công viên hồ Thủ Lệ, công viên hồ Bảy mẫu để làm lao động ngày chủ nhật. Tất cả những điều đó khiến cho sinh viên trí thức có cuộc sống rất gần gũi với mọi người, khiến cho quãng thời gian học đại học là quá trình phấn đấu hết sức sôi nổi và luôn luôn mới mẻ với thanh niên. Sau này, khi cán bộ giáo viên, sinh viên đi vào chiến trường cũng như tham gia lao động sản xuất, cuộc sống trở nên rất gần gũi. Nhà thơ ghi nhận, đó là quãng đời đẹp của ông và những người bạn học tại ĐHSP Hà Nội.
Chúng tôi, đồng thời cũng học hỏi được nhiều điều từ những nhắn gửi quý báu của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cho thanh niên không chỉ về vấn đề tri thức mà còn về tác phong, lối sống hoạt động. Trước hết, ấy là thái độ cầu tiến trong tìm kiếm tri thức, không bao giờ chỉ nên bằng lòng với sách vở; với riêng người học văn, phải sống với văn bằng tất cả cuộc sống của mình. Thứ hai, cần tự tin rèn luyện nghề nghiệp, nếu không lời nói, việc làm sẽ rất khác nhau. Những điều này riêng với nhà thơ, đó là những trải niệm của những ngày tháng sống và học tập tại mái trường ĐHSP. Thứ ba, công tác Đoàn phải là công tác của những người có lòng nhiệt huyết, biết san sẻ, trân trọng tình bạn, tình đồng chí và đặc biệt cần tôn trọng sự chủ động sáng tạo của thanh niên, không nên áp đặt, gò bó, phải làm sao khơi gợi, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển. Nói tóm lại, công tác thanh niên hết sức quan trọng trong nhà trường và rất cần sự ủng hộ, hỗ trợ của nhà trường để công tác này phát triển.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm động viên anh em cán bộ Đoàn hiện nay khắc phục những khó khăn trong công tác, nhất là trong điều kiện có nhiều hình thức giải trí thu hút sinh viên, để sáng tạo nên các hoạt động hướng vào giáo dục lý tưởng sống, đạo đức, thẩm mỹ và kỹ năng thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại. Với tư cách là người đi trước, cựu sinh viên Nguyễn Khoa Điềm gửi gắm niềm tin vào sự phát triển của sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã giúp chúng tôi hiểu thêm nhiều điều về một thời kỳ lịch sử hào hùng của đất nước nói chung và tại trường ĐHSP nói riêng. Giương cao ngọn cờ “Ba sẵn sàng” được khởi nguồn từ mái trường giàu truyền thống này, lớp lớp thế hệ sinh viên của nhà trường đã trở thành chiến sĩ. Phần lớn trong số họ đều trưởng thành từ phong trào Đoàn. Điều này vừa là tấm gương lớn, vừa là thách thức và nhiệm vụ của những người làm công tác Đoàn như chúng tôi trong thời kỳ mới. Những trao đổi, nhắn gửi của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đối với thế hệ trẻ là những điều mà thanh niên, đoàn viên cần suy ngẫm và thực hiện.
Đoàn công tác đã gửi tặng Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cuốn sách Lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (1951 - 2006), kỷ niệm chương của Trường và bộ đĩa VCD Chương trình giao lưu truyền hình “Tiếp bước Ba Sẵn sàng”. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã gửi tặng Thư viện của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cuốn sách mới được xuất bản về Bà Nội của ông - Đạm Phương nữ sử - nhà giáo mẫu mực thuộc dòng họ “danh gia vọng tộc”, đã từng nhiều năm dạy học trong hoàng cung triều Nguyễn. Đây là một cuốn sách quý về nhiều lĩnh vực giáo dục, trong đó đặc biệt là giáo dục trẻ em, góp vào nguồn tư liệu nghiên cứu văn học, văn hóa lịch sử nước nhà. Cuốn sách đó ghi dấu ấn một kỷ niệm về nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, người sinh viên ưu tú của ngôi trường 60 tuổi, giờ đây được các bạn sinh viên đọc và tra cứu thường xuyên và rút ra ở đó nhiều bài học làm người
Cuộc gặp gỡ diễn ra trong thời gian hai giờ đồng hồ nhưng để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc khó quên và những ấn tượng đặc biệt thân thiện. Chúng tôi hết sức tự hào về người cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - nhà thơ, nhà văn hóa, nhà chính trị Nguyễn Khoa Điềm.
Đinh Minh Hằng - Nguyễn Anh