Trường Dự bị Đại học và Sư phạm Cao cấp 1952 - 1953 gồm hai phân hiệu, một ở Nghệ An, một ở Thanh Hóa. Đến tháng 8/1952, sinh viên Nghệ An chúng tôi lên đường ra Thanh Hóa, hợp nhất thành một trường. Hồi ấy, chúng tôi là những người ở miền Bắc, ở khu IV, khu Bình Trị Thiên, khu V và có cả một anh đã nhiều tuổi ở Nam Bộ. Phần lớn sinh viên ở lứa tuổi từ hai mươi đến hai nhăm, vừa tốt nghiệp lớp 9 hoặc học chuyên khoa; có những người từng tham gia công tác huyện, tỉnh; có anh là giáo viên cấp II; một số anh đã có gia đình, có vợ con.
Ngay từ đầu khóa học, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Đảng và Ban Giám đốc, Chi đoàn Thanh niên Cứu quốc đã được thành lập. Ban chấp hành Chi đoàn gồm 3 người: anh Lại Đức Khái - Bí thư, bạn Nguyễn Văn Hoàn - Phó Bí thư và Trần Văn Ánh - Ủy viên thường trực. Các đoàn viên Chi đoàn đã được Chi bộ, Ban Giám đốc giao trách nhiệm tổ chức các buổi học chính trị, nói chuyện thời sự và tham gia công tác chính trị - xã hội, đặc biệt là lãnh đạo sinh viên trong nhiệm vụ học tập.
Cho đến hôm nay, chúng tôi còn có thể liệt kê được một danh sách những Đoàn viên năm xưa: Lê Tông, Phan Trọng Luận, Phan Sĩ Tấn, Đặng Thanh Lê (ĐHSP Hà Nội), Trần Thanh Đạm (ĐHSP Hà Nội và ĐHSP TPHCM), Nguyễn Văn Hoàn (ĐHSP Hà Nội và Viện Văn học), Nguyễn Trọng Bằng (Nhạc Viện Hà Nội).
Trong bài viết này, tôi muốn nói về công việc học tập của chúng tôi khi mới bước chân vào “giảng đường” Đại học.
Trước hết là một cảm thức đầy ấn tượng giữa bậc Trung học và bậc Đại học về phương diện đào tạo. Sự khác biệt được thể hiện ở chương trình đào tạo phân ban. Bậc Đại học tạo điều kiện cho chúng tôi thực hiện ước mơ đi vào con đường lập nghiệp theo chuyên ngành chúng tôi đã lựa chọn.
Riêng tôi, tốt nghiệp Trung học có nghĩa là tôi được giải thoát khỏi Toán học, đặc biệt là khỏi môn Hình học không gian và môn Lôgarit kinh hoàng với “biểu thức” khó hiểu cos cộng cos bằng hai cos cos, sin cộng sin bằng hai sin sin… Đến kì thi hết Đệ tứ Trung học, tôi đã bị trượt vì môn Vạn vật (môn Sinh học ngày nay). Do không thể "nhá" được môn này và lại có ý nghĩ chẳng bao giờ thầy giáo chọn đề thi vào bài đầu và bài cuối của chương trình nên tôi bỏ không học hai bài đó. Hôm thi, khi thầy Bửu Cân viết lên bảng một từ ngữ ngắn gọn “con Amip”, tôi gác bút ngay lập tức, đầu hàng vô điều kiện. Bởi trong đầu óc tôi chẳng thể nhớ được một câu một chữ nào về con Amip. Trong khi đó, bạn tôi, Lương Thị Thận - sau này là vợ GS. Dương Thiệu Tống lại là người học giỏi toàn diện. Chỉ trong thời gian ngắn, Thận đã làm xong bài… Trong khi chờ đợi hết giờ thi, chúng tôi trao đổi những mẩu thư và những câu thơ ngẫu hứng. Lần ấy, bạn tôi viết tặng hai câu thơ mà tôi còn nhớ mãi đến bây giờ:
...Thanh Lê ơi!
Bao giờ sắc tím thôi không tím
Bạn với ta thôi thương nhớ nhau…
Ban B (khoa học xã hội) chúng tôi được học một chương trình chuyên ngành văn học rất phong phú: Lịch sử văn học Việt Nam, Lịch sử một số nền văn học nước ngoài, Lí luận văn học; một số chuyên ngành cơ bản: Triết học, Chính trị Xã hội học và các chuyên ngành có mối quan hệ liên ngành như Lịch sử, Địa lý… Tất cả những bộ môn kể trên đều do một đội ngũ Giáo sư hàng đầu, lẫy lừng tên tuổi giảng dạy: Cao Xuân Huy, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đức Chính…
Bước vào đời với tuổi hai mươi, chúng tôi vô cùng hạnh phúc được theo đuổi con đường văn chương mà chúng tôi say mê từ nhỏ. Lòng khâm phục trí tuệ uyên bác, sự ngưỡng mộ những nhân cách cao cả và phong cách truyền thụ mẫu mực mô phạm, đồng thời độc đáo hấp dẫn của các thầy đã giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn, gian khổ để nỗ lực học hành.
Lên lớp, chúng tôi say mê nghe giảng và ghi chép lời thầy. Có một bạn sinh viên nghe và ghi chép nghiêm túc đến mức bị một bạn khác chế giễu: Tay này vở nó ghi có cả câu “Đoạn này thầy cười”. Tuy nhiên, mỗi khi bỏ một buổi học tất cả chúng tôi đều phải mượn vở của bạn này để chép lại.
Hồi đó, sau buổi học tối của nhóm ba người theo quy định, chúng tôi đều phải phê bình, tự phê bình về tinh thần, thái độ học tập. Vì sức khỏe yếu, có buổi học kéo dài đến 11 giờ đêm, thỉnh thoảng tôi ngủ gật. Phó Bí thư Chi đoàn Cứu quốc đồng thời là nhóm trưởng học tập, chụp ngay cho tôi một “cái mũ” to tướng: “Thiếu ý thức kiên trì và nỗ lực trong học tập”; tôi ương ngạnh: “Đó là vì lí do sức khỏe”...
Thời gian tự học đã được chúng tôi tận dụng và sử dụng có hiệu quả. Đặc biệt, việc nghiên cứu tài liệu trở thành một thói quen nghiêm ngặt. Hơn thế nữa là một niềm vui lớn lao. Chính từ nơi này tôi nhận thức được vấn đề tự học gắn liền với nghiên cứu khoa học.
Sách vở tư liệu hồi đó rất hiếm hoi. Chi đoàn Thanh niên đã tổ chức một nhóm sinh viên in litô các đề cương bài giảng. Ngoài ra, bất cứ tư liệu nào có được từ các bạn trong lớp và những người quen biết đó đây, chúng tôi đều in hết!
Dưới thời Pháp thuộc, học sinh Hà Nội có “khái niệm” học gạo có nghĩa là học hành rất chăm chỉ. Có anh được phong là “gạo cụ” có nghĩa cực kỳ chăm chỉ. Lớp chúng tôi có một đôi bạn trai chí thiết trong việc học hành. Đó là hai anh chàng cá gỗ: Trần Đình Hượu và Nguyễn Văn Hoàn. Vào các buổi chiều, hai bạn này thường cùng nhau đi lang thang trong xóm. Lúc đầu Ngọc Dung - bạn cùng nhóm, cùng nhà trọ với tôi và tôi đều tưởng họ đi tâm sự, tâm tình, hóa ra họ trao đổi thảo luận về những bài học.
Cho đến một hôm, hai anh rủ tôi đi học thêm ở cầu Kè gần chợ Đu. Thì ra, hôm đó, họ đến nhà ba tôi để nghe giảng về một số vấn đề đã “đặt trước”. Sau này, tôi biết đó là một phương pháp học ở cấp độ cao hơn Trung học. Ở Bậc Đại học, các Giáo sư bao giờ cũng sẵn sàng, hơn thế nữa rất vui lòng đáp ứng chí khí ham học của các sinh viên. Đó là một phong cách học tập không có ở Trung học. Tôi cũng tổng kết được rằng thường chỉ có nam sinh viên mới thực hiện điều này. Từ đó, tôi còn đốn ngộ ra rằng hai anh chàng gạo cụ này vẫn coi thường phụ nữ trên bình diện nghiên cứu học tập và chỉ khi đi đến học với ba tôi, họ mới kéo tôi đi theo “làm cách mạng”. Họ là những anh chàng gạo cụ đi “học mảnh”!
Thời gian gần đây từ một vài cuộc hội thảo trong và ngoài nước về những công cuộc Nam tiến trong lịch sử dân tộc, Nguyễn Văn Hoàn cho tôi biết trong thời gian đi học thêm các Giáo sư ở Dự bị Đại học - Sư phạm Cao cấp, họ đã hỏi Giáo sư Đào Duy Anh về vấn đề Nam tiến từ triều Lê đến triều Nguyễn. Thầy Đào Duy Anh đã nói: “phải hiểu trong có việc di dân lập ấp cho dân nghèo và cả vấn đề tranh giành lãnh địa của các vương triều ta”. Theo nhận thức của tôi, câu trả lời của Thầy đã chứng tỏ một trình độ uyên bác và một tư thái trí tuệ biện chứng của bậc sư biểu quốc gia.
Trên đây chỉ là một cố gắng viết về một phương diện trong cuộc sống sinh viên của chúng tôi. Đó là những hồi ức về niềm say mê học tập, nghiên cứu khi bước đầu “dấn thân” vào con đường văn chương và nghề nghiệp sư phạm. Bởi, trước khi là một giảng viên gắn bó cả cuộc đời với khoa Văn của Đại học Sư phạm Hà Nội thì tôi đã là một sinh viên. Và cho đến hôm nay trước khi lên bục giảng, trước khi viết một công trình tôi vẫn phải làm công việc học tập và nghiên cứu như một người học trò.
Hà Nội, tháng 9/2011
Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú Đặng Thanh Lê