Giáo sư,Viện sĩ, Nhà giáo Nhân dân Phạm Minh Hạc
Với Trường Đại học sư phạm Hà Nội, tôi có nhiều kỷ niệm vô cùng sâu sắc. Mỗi lần nhắc đến Trường ta, lời đầu tiên tôi thầm nghĩ hay phát biểu là lời cảm ơn chân thành. Thật vậy, ơn ấy sâu nặng lắm: nơi tôi trở thành nhà giáo, nơi kết nạp tôi vào Đảng, nơi tôi xây dựng gia đình, và biết bao kỷ niệm đẹp của tuổi thanh niên!
Đấy là chưa kể 1 năm (1954-1955) tôi là sinh viên khoa Văn trường ta, những bài giảng rất uyên thâm, đầy hấp dẫn của các thầy Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Mạnh Tường…gây ấn tượng sâu sắc trong tôi. Tình bạn với Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Đình Chú, Hà Minh Đức và nhiều bạn khác từ ngày ấy đến giờ vẫn thấm đậm tình nghĩa.
Từ Trường ta, tôi được sang Liên xô (cũ) học tập, năm 1955, hồi đó là chuyện hiếm lắm, một kỷ niệm không thể nào quên!
Sau 7 năm theo học giáo dục học (lúc đầu ở trường Đại học sư phạm Lênin Mátcơva) và tâm lý học (ở khoa triết trường Đại học tổng hợp Lômônôxốp) Liên xô (cũ), năm 1962 tôi về công tác ở tổ tâm lý - giáo dục (sau này thành khoa). Những bài học sư phạm đầu tiên tôi tiếp thu được từ thầy Nguyễn Hữu Tảo, thầy Nguyễn Lân và các anh các chị trong tổ, trong khoa đã đưa tôi vào nghề dạy học đầy hứng thú với những bài giảng say sưa, nhiều khi cũng được sinh viên thích thú. Hồi đó, tôi rất may mắn là được GS. Phạm Huy Thông rất quan tâm, gọi lên gặp trao đổi công việc một số lần. Từ cán bộ giảng dạy tôi được cử làm Tổ trưởng Bộ môn Tâm lý học, cùng anh chị em trong Tổ tiến hành một công trình thực nghiệm tâm lý học đầu tiên ở nước ta, xây dựng được một giáo trình Tâm lý học trên các tư liệu trong nước (NXB. Giáo dục xuất bản năm 1970), và Tổ được nhận danh hiệu Tổ Lao động xã hội chủ nghĩa. Năm 1963, tôi được kết nạp Đảng ở chi bộ Tâm lý - giáo dục, rồi được bầu vào Chi Ủy,…
Lần thứ hai đi học nước ngoài cũng do Trường ta cho đi. Ân nghĩa này tôi ghi nhớ mãi!
Năm 1968, tôi được cho đi học Nghiên cứu sinh, năm 1971 bảo vệ luận án về Tâm lý học thần kinh, có học vị Phó tiến sĩ (nay gọi là tiến sĩ) tôi về công tác tại Viện Khoa học giáo dục, được cử làm Phó ban Tâm lý học. 18 tháng sau tôi được cho đi làm Thực tập sinh cao cấp, giữa năm 1977, tôi giành được học vị Tiến sĩ khoa học về Tâm lý học đại cương, rồi lại về Viện Khoa học giáo dục, được cử làm Trưởng ban Tâm lý học. Say sưa nghiên cứu khoa học, lại ý thức rõ là mình được học bài bản, tôi cùng anh chị em trong Ban làm được một số việc, tôi được đề bạt làm Thư ký khoa học của Viện, rồi Phó viện trưởng (1980), rồi Viện truởng (1981). Từ thời gian này, cùng với anh chị em trong Viện, tôi đi vào nghiên cứu cả giáo dục học, nhất là những vấn đề vận dụng vào ngành giáo dục nước nhà. Với những thành quả lao động của mình, tôi được nhân dân tín nhiệm bầu làm Đại biểu quốc hội (1981 - 1991), được phong đặc cách học hàm Giáo sư năm 1984, không qua học hàm Phó giáo sư, rồi được đề bạt làm Thứ trưởng (1985). Đến Đại hội VI (1986) được bầu vào Trung ương Đảng (từ 1986 đến 2001), rồi được cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1987).
Hồi đó khó khăn vô vàn, tôi cùng với anh em trong ngành, trong cơ quan Bộ và Viện Khoa học Giáo dục phấn đấu theo khẩu hiệu “Giữ vững, chấn chỉnh, củng cố, phát triển” (Giữ vững đừng để tan vỡ thêm nữa, chấn chỉnh các thiếu sót, như sửa sách giáo khoa, củng cố thành tựu, không để phủ định sách trơn thành quả của giáo dục cách mạng…). Trong những năm này tôi được Chính phủ cử làm Chủ tịch Ủy ban Xoá mù chữ và Phổ cập giáo dục Tiểu học. Tôi cùng anh em trong Ủy ban và các cấp lãnh đạo làm việc hết sức quyết liết để đạt mục tiêu. Đến khi sáp nhập Bộ Giáo dục cùng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, tôi làm Thứ trưởng thứ nhất (4-1990), đến tháng 10-1996, tôi về làm Phó trưởng ban thứ nhất Ban Khoa giáo Trung ương, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luân Trung ương. Đến năm 2001, Chính phủ cử tôi làm Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, làm việc này đến khi về hưu (12-2006).
Những năm đầu làm nhà giáo tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã giúp tôi tạo lập nên một vốn liếng ban đầu vô cùng quý báu, cho những năm sau. Có thể khẳng định sự nghiệp giáo dục của tôi nở hoa kết trái được là từ cái gốc Đại học Sư phạm Hà Nội - một dấu ấn đặc biệt gây dựng đời tôi!
Kể từ ngày rời Trường đi công tác khác đến lúc về hưu cả thảy là 38 năm, còn kể từ ngày về Trường công tác đến nay là 49 năm, ở đâu tôi cũng liên hệ chặt chẽ với Trường với Khoa, có việc gì làm được cho Trường cho Khoa hay Trường và Khoa gọi gì, tôi đều làm và tham dự. Trong tôi luôn có một tình cảm gắn bó và trách nhiệm xây dựng. Rất tiếc, nhìn lại, mình chẳng đóng góp được bao. Lẽ ra phải làm hơn như đã qua. Nhưng tấm lòng của tôi với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Khoa Tâm lý - giáo dục thì luôn chung thủy, tận tình, và dù thế nào thì nhân dịp kỷ niệm 60 năm vẻ vang này, xin Trường và Khoa cùng tất cả các bạn đồng nghiệp nhận ở tôi lời chúc mừng tốt đẹp nhất và cùng hứa hẹn với nhau, các bạn lớp sau cùng chúng tôi đã về hưu, tuổi cao, sức cùng, lực kiệt, chung sức chung lòng đóng góp xây dựng Nhà trường thật xứng đáng là Trường trọng điểm của toàn ngành sư phạm của cả nước.
Hà Nội tháng 9/2011.
Phạm Minh Hạc