<p style="text-align: justify"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial">“Không biết nhân loại sẽ dừng lại ở loại động vật nào để đưa vào Hàn lâm viện, khi người ta đã đưa vào đó một phụ nữ”. Lời phát biểu của một tên bộ trưởng giáo dục tư sản, khi nhà nữ bác học đầu tiên của nước Nga - nhà toán học Xôphia Côvalepxcaia được đón nhận vào một trung tâm khoa học, là một dẫn chứng sinh động về sự “cấm cửa” đối với phụ nữ trên lĩnh vực lao động khoa học. Tư tưởng dân chủ của cuộc cách mạng tư sản không thể đi đến quan niệm giải phóng toàn diện, đúng đắn về người phụ nữ và do đó, cũng không đủ sức mạnh đánh đổ quan niệm nam tôn nữ ti của ý thức hệ phong kiến.</span></span></p> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt 0.5in"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial"><i>- Khôn ngoan cũng thể đàn bà</i></span></span></div> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt 0.5in"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial"><i>Dẫu là vụng dại cũng là đàn ông</i></span></span></div> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt 0.5in"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial"><i>- Đàn ông nông nổi giếng khơi</i></span></span></div> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt 0.5in"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial"><i>Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.</i></span></span></div> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial">Và đấu tranh cho một quan niệm nam nữ bình đẳng trên lĩnh vực sáng tạo khoa học, trên lĩnh vực khẳng định trí tuệ của người phụ nữ, có lẽ cũng là một bình diện đấu tranh khó khăn, gian khó trong cuộc sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Vì ở lĩnh vực này, hậu quả của chế độ cũ cũng như những điều kiện, những kinh nghiệm phát huy năng lực khoa học của người phụ nữ còn có nhiều khó khăn, tồn tại phải giải quyết.</span></span></div> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial">Là sinh viên trong những khoá đào tạo sư phạm ngữ văn của nền đại học trẻ tuổi từ những năm 1951 - 1953, là cán bộ giảng dạy văn học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, một trong những trường Đại học ra đời sớm nhất nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, từ năm 1959 đến nay, tôi muốn ghi lại đôi điều về con đường khoa học đã đi qua, bởi vì đó là một trong những nội dung của cuộc sống đại học đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng, nhiều cảm xúc, nhiều suy tư sâu sắc và đẹp đẽ. Đó là niềm vui, là nỗi nhớ day dứt đối với những kỉ niệm không quên trong hành trình khoa học của gần bốn mươi năm qua của đời tôi. Trải qua những năm tháng giảng dạy văn học ở đại học, tôi càng thấy rõ: nền địa học xã hội chủ nghĩa nói chung và trường Đại học Sư phạm nói riêng chính là một bối cảnh không gian đẹp đẽ tạo điều kiện cho sự chiến thắng của chủ nghĩa nhân văn vô sản ở phương diện khẳng định, phát huy khả năng nghiên cứu khoa học của người phụ nữ dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.</span></span></div> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial">Về trường Đại học Sư phạm Hà Nội và khoa Ngữ văn công tác năm 1959, tôi là cán bộ giảng dạy nữ duy nhất của các môn khoa học cơ bản và khoa học nghiệp vụ của khoa. Lúc đó, tôi 27 tuổi đời và 5 tuổi nghề. Và đến năm 1965, tôi lại được giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đầu tiên. Tôi được phân công viết ba chương trong mười một chương của giáo trình lịch sử văn học Việt Nam, tập III và viết một chương trong Giảng văn tập I của khoa.</span></span></div> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial">Khi còn là sinh viên, khoá học của tôi là khoá học được tắm mình trong không khí gian khổ nhưng rạng rỡ, hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp, là khoá học được nhiều giáo sư có tên tuổi, đồng thời là những nhà cách mạng, yêu nước như Đặng Xuân Thiều, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Nguyễn Lương Ngọc giảng dạy. Chúng tôi say sưa nghe các bài giảng của các thầy và tranh luận với nhau về những nhận định qua việc học tập các tác phẩm văn học. Chương trình đào tạo của trường đại học trẻ tuổi lúc này chưa giúp chúng tôi hiểu được những khái niệm đơn gảin: thế nào là bài tập nghiên cứu (lúc đó chúng tôi chỉ làm dạng “bài thuyết trình”, thế nào là luận văn tốt nghiệp - còn những khái niệm tiểu luận khoa học, công trình khoa học…đối với chúng tôi thì lại càng xa lạ…</span></span></div> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial">Sau khi tốt nghiệp, chúng tôi trở về nhiều địa phương, đến một số trường phổ thông và đại học tham gia công tác nghiên cứu và giảng dạy…</span></span></div> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial">Được giao nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy, lúc đầu tôi không khỏi lúng túng và lo lắng. Với cái vốn văn học tích luỹ được trong nhà trường và mấy năm công tác, tôi tưởng mình không thể vượt qua được bước đường khoa học đầu tiên của mình. Nhưng do “cái hích” của tập thể Bộ, Trường, Khoa và tổ, dần dần tôi đã vượt qua, đã chiến thắng. Có thể nói lãnh đạo các cấp trường Đại học Sư phạm lúc này đã nhanh chóng đưa đội ngũ cán bộ giảng dạy vào công tác nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo. Ngành ngữ văn lúc đầu còn chưa là một đơn vị độc lập về mặt tổ chức. Anh chị em cán bộ giảng dạy chúng tôi dạy văn học và ngôn ngữ cho sinh viên trong khoa Văn-Sử. Từ mấy giáo viên nòng cốt, khoa dần dần “chiêu hiền” về đây một đội ngũ cán bộ giảng dạy hùng hậu, bao gồm một số trí thức của chế độ cũ, nhưng đã được “Mặt trời chân lí chói qua tim” với ánh sáng rực rỡ của Cách mạng tháng Tám như các đông chí Nguyễn Lương Ngọc, Huỳnh Lý, Trương Chính, Lê Trí Viễn, Hoàng Tuệ, Đái Xuân Ninh, Bùi Văn Nguyên và một đội ngũ những trí thức trẻ tuổi trưởng thành dưới mái trường Đại học như đồng chí Nguyễn Đức Nam của lớp Đại học văn khoa sư phạm đầu tiên cùng các đồng chí của khoá II sư phạm Ngữ văn như đồng chí Trần Thanh Đạm, Phan Trọng Luận, Nguyễn Văn Hoàn, Phan Sĩ Tấn và của các khoa kế tiếp của các đồng chí Nguyễn Hải Hà, Nguyễn Đình Chú, các đồng chí Đỗ Bình Trị, Lê Cận, Đỗ Hữu Châu, Phạm Luận, Nguyễn Đăng Mạnh… Chúng tôi quây quần bên khoa như một gia đình lớn và chỉ trong vòng một năm, những công trình khoa học tập thể đầu tiên, các bộ giáo trình lí luận văn học, lịch sử văn học Việt Nam, lịch sử văn học nước ngoài…ra đời. Có thể nói Bộ, Trường, Khoa đã nhạy bén, sớm nhận thức được nhiệm vụ chính trị, nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo và đã đánh giá đúng năng lực của đội ngũ cán bộ cũng như bản thân khoa Ngữ văn lúc đó cũng đã cố gắng, nhiệt tình hoàn thành trách nhiệm và cuối cùng một hệ thống giáo trình đại học với một quy mô và phạm vi lớn ra mắt độc giả vào những năm 1960 – 1961, do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Điều đó đã khích lệ chúng tôi, khiến cho chúng tôi chẳng những vui sướng mà còn giúp cho mỗi chúng tôi củng cố niềm tin trong cuộc hành trình khoa học. Tôi xúc động đến nghẹn ngào khi cầm trong tay công trình khao học đầu tiên của mình được xuất bản. Tâm hồn tôi cảm thấy lâng lâng khó tả. Tôi lật đi lật lại trang sách như thấy từng chữ trong đó đang sinh sôi, nảy nở. Tôi vội cầm bút đề tặng lên trang đầu tập sách: <i>Kính tặng Ba</i> (tức giáo sư Đặng Thai Mai) tác phẩm khoa học đầu tay của con.</span></span><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial">  <table border="0" style="width: 20px; height: 20px"> <tbody> <tr> <td><span style="font-size: 12px"><span style="font-family: Arial"><img border="0" alt="alt" src="http://www.cand.com.vn/Uploaded_CANDONLINE/linhchi1/10_gs1559-400.jpg" /></span></span></td> </tr> <tr> <td><span style="font-size: 12px"><span style="font-family: Arial"><font color="#808080"> <p style="text-align: center"><span style="font-family: " color:="" font-size:="">GS, NGƯT Đặng Thanh Lê cùng GS, NGND Bùi Duy Tân, GS. NGNDTrần Đình Sử, GS.Nguyễn Văn Hoàn trong chuyến thăm Trung Quốc (1994).</span><span style="font-family: " font-size:=""><o:p></o:p></span></p> </font></span></span></td> </tr> </tbody> </table> </span></span></div> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial">Trong cuộc hành trình đầy gian khổ nhưng vinh quang này, tình bạn khoa học, đó là một hiện thực đẹp đẽ của cuộc sống khoa học ở Ngữ văn trường Đại học Sư phạm. Tôi còn nhớ “câu lạc bộ sĩ quan” đã tập hợp nhiều thế hệ, nhiều cá tính khác biệt trong đó có các đồng chí Huỳnh Lý, Trương Chính, Trần Thanh Đạm, Nguyễn Đức Nam, Nguyễn Văn Hạnh, Nguyễn Hoành Khung, Nguyên Đình Chú và rất nhiều khuôn mặt khác của khoa văn, để phiếm luận văn chương về một câu thơ “câu thơ Kiều hay đến rợn người”, về một bài thơ Đường bất hủ hay một hình tượng Natasa nên thơ và tràn đầy sức sống…Chính nơi đây, tôi đã học những lời động viên khi tôi viết bài Tạp chí đầu tiên cộng tác với một đồng chí cán bộ giảng dạy trẻ mới giữ lại trường năm 1963, đó là đồng chí Nguyễn Đức Dũng. Sau đó, tôi mạnh dạn viết nhiều bài khác. Cũng chính nơi đây, tôi được nhiều đống chí đi trước như Huỳnh Lý, Trương Chính, Nguyễn Đăng Mạnh, Đỗ Bình Trị, Nguyễn Hoành Khung, Đào Nguyên Tụ, Hồ Nho - những người đồng nghiệp lâu năm, và ngay cả một số cán bộ giảng dạy trẻ của tổ như đồng chí Nguyễn Văn Hoá, đã biểu lộ cảm tình đối với bài Tạp chí tâm huyết “Tái hợp Kim Trọng, ước mơ và bi kịch” của tôi viết năm 1971.</span></span></div> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial">Thế là trên đường chúng tôi đi tìm chân lí của khoa học, tôi càng có nhiều bạn bè thân thiết. Họ đã giúp tôi vượt qua nhiều đầm lầy gian khổ của khoa học để tìm tòi, để sáng tạo. Giữa chúng tôi có một mối quan hệ đẹp đẽ, gắn bó và đồng điệu tâm hồn khoa học”…Ở môi trường Đại học, chúng tôi có tranh luận nhưng để khẳng định lẫn nhau, đẻ nâng cao đôi cánh tay vào thế giới sâu thẳm của khoa học. Ở đây, cũng ít có kiểu cách “gia trưởng, lão làng, học phiệt”…bởi vì, bản chất công tác khoa học là một cơ sở vững vàng cho sự phát triển tư tưởng dân chủ, bình đẳng trong khoa học.</span></span></div> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial">Tôi dần dần trưởng thành. Cái lúng túng, dụt dè, e ngại của “cái thuở ban đầu” như tan biến. Trước mắt tôi, không gian khoa học đang mở rộng. Tôi muốn tắm mình trong khoảng trời xanh và khao khát ngắm nhìn những tia nắng mới rạng rỡ phát ra từ những công trình khoa học. Bên cạnh tôi, cả một đội ngũ các nhà khoa học nữ cũng đang rầm rộ tiến bước, cũng đang say sưa tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo. Tôi còn nhớ chị Hoàng Xuân Sinh viết luận án tiên sĩ toán học trong điều kiện đầy gian khổ của những ngày sơ tán. Mặc dù bận bịu hai con nhỏ, nhưng phó tiến sĩ toán học Nguyễn Thị Tâm Bắc vẫn say sưa chong đèn  viết những báo cáo khoa học. Biết bao suy nghĩ, tìm tòi, điều tra nghiên cứu tâm lí tuổi thơ đối với văn học, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ trong nước. Phó tiến sĩ Đặng Anh Đào viết luận án trong khi đôi mắt chỉ còn nhìn thấy một phần năm ánh sáng ban ngày và về sau đã phải mổ cả hai mắt. Trong cuộc hành trình khoa học sau này, tôi còn nhắc đến nhiều gương mặt nữ đáng yêu của các phòng ban, của các khoa bạn như gương phấn đấu của chị Trần Thị Thục Nga, của phó tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng, của các chị Nguyễn Thị Đoan, Nguyễn Bảo Ngọc, Nguyễn Phước An, Nguyễn Thị Tú Anh và nhiều bạn bè khác. Chính trong “cái thế giới đông đảo” này của nhà trường, tôi đã được đón nhận nhiều ý kiến trao đổi khao học, nhiều tín hiệu động viên từ nhiều phía của các bạn nữ đồng nghiệp.</span></span></div> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial">Việc giao lưu khoa học giữa thầy và trò ở khoa Ngữ văn cũng là một nét cao đẹp, là nền tảng tinh thần trong tình cảm thầy trò ở đại học. Thể nghiệm bản thân cho phép tôi kết luận: Khi ngồi trên chiếc ghế sinh viên đại học, với tư cách là nhà khoa học tương lai, người sinh viên cũng hầu như không có biểu hiện của tàn dư tư tưởng phong kiến “trọng nam, khinh nữ”…Bởi vì, điều người học trò quan tâm sẽ là “chất lượng thông tin khoa học” của bài giảng chứ không phải ở điểm người thầy đó già hay trử, là nam hay nữ.</span></span></div> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial">Tôi còn nhớ, vào những năm 60, một đồng chí nước bạn đến dự giờ giảng Kiều của tôi. Tôi sắp bước vào lớp, lòng vô cùng hồi hộp, lo lắng. Tôi băn khoăn: “Liệu giờ giảng của tôi có thành công không?”. Bỗng một nữ sinh viên chạy theo tôi:</span></span></div> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial">- Cô ơi, cô cứ bình tĩnh mà giảng cho thật hay vào cô nhé!</span></span></div> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial">Cho đến nay, tôi vẫn không quên nỗi xúc động của mình trước lời động viên mộc mạc, chân tình của sinh viên. Tôi thấy cả tấm lòng rộng mở, tình cảm đầm ấm ẩn sau lời phát ngôn hồn nhiên của em.</span></span></div> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial">Thế rồi, đến những năm 70, sau khi đã giảng dạy 5 năm và sau 3 năm được cử đi học tại chức lớp Đại học Hán học do Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam mở, tôi tập trung đi sâu vào chuyên đề Truyện Kiều. Nỗ lực nghiên cứu đã đưa đến những kết luận nhất định trong giảng dạy. Thời gian này, tôi đã bắt tay vào biên soạn công trình Truyện Kiều và thể loại truyện nôm với sự khuyến khích của các bậc lão thành như đồng chí Hoài Thanh và cả sự động viên của sinh viên ở nhiều lớp học của các khoá học trong những năm 70… Có nhiều sinh viên nam, nữ đã hỏi tôi: Vì sao cô chưa viết những điều cô giảng cho chúng em về Kiều?</span></span></div> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial">Có một lần tôi đã nhận được một bức thư của một sinh viên đã ra trường viết cho tôi. Trong thư, em kể: “Hôm nọ em ra cửa hàng sách thị trấn để mua Tạo chí văn học…Dở số tạp chí thấy tên cô trên bài viết, em bất giác reo lên làm cho cô hàng sách cũng phải ngạc nhiên…Thưa cô, mỗi lần thấy tên các thầy Hải Hà, thầy Nguyễn Đăng Mạnh, thầy Nguyễn Đình Chú hay tên cô trên tạp chí là chúng em cảm thấy xúc động và tự hào…”.</span></span></div> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial">Nghề dạy học quả như Khổng Tử đã nói, là cái nghề “được bồi dưỡng những tài năng của đất nước” (Đắc thiên hạ chi anh tài nhi giáo dục chi). Và qua những năm tháng dạy văn ở Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi đã bắt gặp những quan hệ tình cảm thầy trò - một trong những biểu hiện đẹp đẽ nhất của mốt quan hệ cộng đồng xã hội. Đứng ở góc độ đời sống khoa học của người thầy giáo, chúng tôi đã có một nguồn hạnh phúc vô giá khi thành tựu nghiên cứu cảu bản thân đem đến hiệu quả đào tạo và được đối tượng đào tạo khẳng định.</span></span></div> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial">Xuất phát từ nhận thức của tập thể và của mỗi người về nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của ngành và của trường đại học, mỗi cán bộ giảng dạy đã lao động khoa học trong mối quan hệ đồng nghiệp và quan hệ thày trò trong sáng, lành mạnh, tiến bộ… Trên một bối cảnh “không gian đại học” đẹp đẽ ấy, nữ cán bộ giảng dạy khoa ngữ văn đã có một số lượng phó tiến sĩ đáng kể, chiếm tới năm mươi phần trăm số lượng phó tiến sĩ do khoa đào tạo với những tên tuổi Thái Thu Lan, Đặng Anh Đào, Đặng Thị Lanh, Nguyễn Thị Hai, Nguyễn Thuý Mai, Nguyễn Thanh Hương, Nguyễn Kim Phong. Tôi cũng gặp tên tuổi của các chị Đặng Anh Đào, Thái Thu Lan, Đoàn Thị Mai, Trịnh Thu Tiết, Nguyễn Thị Bích Hà… trên nhiều tạp chí và trong tuần báo. Bản thân tôi cũng đã hoàn thành hai công trình độc lập, tham gia mười công trình tập thể và đã viết trên hai mươi tiểu luận khoa học đăng trên tạp chỉ Văn học và các tạp chí khác. Tôi cũng tham gia đóng góp công sức khoa học của mình vào nhiều hội nghị khoa học toàn quốc, vào một hội nghị văn học quốc tế và vào một hội nghị về đề tài xã hội học quốc tế.</span></span></div> <div style="text-align: justify; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial">Dưới ánh sáng tươi đẹp trong mùa xuân của xã hội mới, với hiện thực sôi động trên giảng đường Đại học Sư phạm, trong 45 năm qua, trước những thành tựu khoa học đạt được của bản thân và của các bạn nữ trong một hành trình khoa học, tôi có thể khẳng định rằng: Người phụ nữ ở đại học ngày nay không còn phải chịu số phận cay đắng, bi kịch như Xôphia Covalepxcaia, mà chân trời khoa học đã rộng mở… từ 45 năm nay và mãi về sau… đối với tất cả chúng ta.</span></span></div> <div align="right" style="text-align: right; line-height: 150%; text-indent: 0.5in; margin: 0in 0in 0pt"><span style="font-size: medium"><span style="font-family: Arial"><b>Bài viết nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Trường.</b></span></span></div>