Đào tạo, nghiên cứu khoa học gắn liền với thực tiễn sản xuất:
Quán triệt các nguyên lí giáo dục “học đi đôi với hành”, “giáo dục kết hợp với lao động sản xuất”, sinh viên sư phạm được giáo dục lao động (lí thuyết và kĩ năng thực hành) để chuẩn bị cho việc giảng dạy ở trường phổ thông, đồng thời thông qua giáo dục lao động để tiến hành giáo dục tư tưởng. Từ năm học 1958 - 1959, Ban Lao động được thành lập, có nhiệm vụ tìm một hình thức giáo dục và thực hành lao động phù hợp với mục tiêu đào tạo. Theo phương hướng này xưởng thạch cao sản xuất mô hình học tập cho các trường phổ thông được xây dựng, vừa gắn Trường ĐHSP Hà Nội với trường phổ thông, vừa phục vụ việc đào tạo sinh viên. Tiếp đó, được sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị bộ đội, nhiều xưởng khác đã ra đời như xưởng mộc, xưởng cơ khí, xưởng hóa chất, xưởng nữ công, xưởng làm mô hình địa lí,…
Quy mô các xưởng của trường ngày càng mở rộng. Lúc đầu chỉ có 8 gian xưởng, đến năm học 1960 - 1961 tăng lên 30 gian xưởng; năm học 1961 - 1962 có 50 gian xưởng. Một số xưởng không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tập và lao động thường xuyên của sinh viên các khoa mà còn cung cấp một vài sản phẩm cho trường và xã hội. Xưởng cơ khí có những bộ phận rèn, nguội, tiện, đúc,… Đặc biệt, một phần giáo cụ trực quan cung cấp cho các trường chuyên nghiệp trung cấp, trường phổ thông cấp II, cấp III toàn miền Bắc, cho Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và một số trường đại học - Y Dược, Nông lâm được sản xuất tại Trường ĐHSP Hà Nội. Ý nghĩa khoa học, giáo dục, kinh tế của các xưởng Trường ĐHSP Hà Nội không nhỏ. Mô hình này được các trường phổ thông, các cơ sở sản xuất, các trường chuyên nghiệp kể cả các đoàn khách nước ngoài đến tham quan và khen ngợi. Chỉ tính riêng học kì I năm học 1960 - 1961, các xưởng trường đã tiếp 60 đoàn khách tham quan trong nước, ngoài nước.
Năm 1960, Hội đồng Chính phủ quyết định các trường có nhiệm vụ tham gia sản xuất lương thực để góp phần khắc phục những khó khăn của đất nước lúc bấy giờ. Lãnh đạo trường đã phát động toàn thể cán bộ giảng dạy, sinh viên tham gia tăng gia sản xuất với khẩu hiệu “Không bỏ một tấc đất hoang, biến sỏi đá thành rau mầu”. Tất cả các khoảng đất trong trường kể cả những phần đất chưa sử dụng cho việc xây dựng cơ sở vật chất đều được trồng ngô, khoai, lạc, bí đỏ, su su, xà lách. Trường còn tổ chức sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi ở nông trường Cốt Bài, mỗi năm thu được hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm (lợn, cá). Ngoài ra, cán bộ giảng dạy, sinh viên còn tham gia lao động ở các công trường, nông trường, hợp tác xã, nhà máy (mỗi tuần từ 1 đến 2 buổi hay trong các đợt lao động tập trung dài ngày). Trong năm học 1960 - 1961, 1/3 số sinh viên của trường đã lao động 21 ngày ở các hợp tác xã Hòa Bình, Mễ Trì, Nhân Chính, Yên Sở, nông trường Cửu Long, Rạng Đông, nhà máy xi măng Hải Phòng.
Văn hóa, văn nghệ, thể thao cũng là một trong những nội dung của giáo dục toàn diện của trường, nhằm xây dựng năng lực tham gia chỉ đạo các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các trường phổ thông khi giáo sinh ra trường công tác, đồng thời xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh cho cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường. Các hoạt động văn hóa văn nghệ thể dục thể thao được tổ chức thông qua sinh hoạt câu lạc bộ, phong trào bóng đá, bóng chuyền, ca hát quần chúng. Các hoạt động đó làm cho không khí của trường vui tươi, nhộn nhịp. Cán bộ, sinh viên của trường còn đem lời ca tiếng hát phục vụ công nhân, nông dân, bộ đội ở mỏ than Hồng Gai, Hà Tu, Cửa Ông, Cẩm Phả, Cọc 6, nông trường Cửu Long, các thành phố Hà Nội, Hải Phòng.
* Xây dựng chương trình đào tạo và phong cách giáo dục đại học:
Từ năm 1958, trường bắt đầu xây dựng chương trình, tài liệu riêng cho từng môn học, trong đó chú trọng các môn giáo dục học, tâm lí học và phương pháp dạy học ở các khoa. Những vấn đề căn bản của xây dựng chương trình như cấu trúc chương trình các môn học; mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện dạy học; tổ chức các hoạt động học tập cho sinh viên đã được đặt ra và triển khai trong điều kiện các giảng viên vừa làm vừa học, vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy và nhiều bộ môn khoa học mới được hình thành.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, với sự nỗ lực của mình, Trường ĐHSP đã triển khai thực hiện 6 chương trình đào tạo, bồi dưỡng khác nhau: Sư phạm trung cấp, chuyên tu ngoại ngữ, bổ túc phiên dịch, bổ túc nghiệp vụ (cho quân đội, các ngành chuyên môn với hàng trăm cán bộ học thêm các môn để nâng cao trình độ văn hóa); thực hiện chương trình đào tạo ĐHSP 2 năm, ĐHSP 3 năm. Việc chuyển hệ đào tạo theo chương trình 3 năm xuống 2 năm, đồng thời phải đào tạo giáo viên dạy 2 môn - 1 môn chính, 1 môn phụ - là công việc khó khăn vì vừa phải bảo đảm chất lượng đào tạo, vừa cung cấp đủ giáo viên phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục ở miền Bắc và chuẩn bị chi viện cán bộ giáo dục cho miền Nam.
1)
Từ năm học 1959 - 1960 nhiệm vụ chính trị của trường đã được xác định khá cụ thể và tương đối toàn diện. Trong lần về thăm trường ngày 11/7/1960 và dự Lễ bế giảng năm học, Phó Thủ tướng Trường Chinh đã nói rõ: “Trường sư phạm có nhiệm vụ thỏa mãn yêu cầu cung cấp nhiều nhà giáo XHCN cho việc phát triển văn hóa giáo dục. Ngành sư phạm là công nghiệp nặng của ngành giáo dục. Riêng Trường ĐHSP là một bộ phận chủ chốt trong toàn bộ cái “máy cái” đó của ngành giáo dục. Trường ĐHSP phải nêu gương trong phương pháp giảng dạy và học tập, trong việc xây dựng các chương trình học chung. Trường ĐHSP cần phải góp phần xây dựng khoa học giáo dục và tâm lí học Việt Nam, góp phần tổng kết kinh nghiệm giáo dục phong phú của nước ta. Trường ĐHSP là một trung tâm nghiên cứu khoa học, một trạm thí nghiệm khoa học giáo dục quan trọng”(1).
Ngày 21/10/1964, Trường ĐHSP Hà Nội vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Tổng thống Mali, Môđibô Câyta tới thăm. Nói chuyện với cán bộ, sinh viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh kì vọng: “...làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”(2).
Ngay từ đầu những năm 1960, nhiệm vụ của trường đã được xác định rõ là:
- Đào tạo giáo viên cấp III phổ thông, bổ túc văn hóa, giáo viên các trường trung cấp chuyên nghiệp sư phạm, các trường đại học(3).
- Là mô hình kiểu mẫu cho các trường sư phạm và các trường học của cả nước.
- Là trung tâm nghiên cứu khoa học giáo dục.
Thực hiện nhiệm vụ được giao trường tập trung xác định mục tiêu, nội dung và phương thức đào tạo thể hiện rõ tính chất đại học và tính chất nghiệp vụ sư phạm của trường.
Vì thế, ngay trong năm 1960, chương trình đào tạo của các khoa đã xây dựng xong và công tác biên soạn các giáo trình một số môn chủ yếu đã được đẩy mạnh. Nếu như năm 1960, trường chỉ có 32 cuốn sách được xuất bản thì đến năm 1965, hầu hết các bộ môn ở Trường ĐHSP Hà Nội đều có giáo trình do nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Nhiều giáo trình có chất lượng cao được nhà xuất bản khen thưởng như giáo trình Địa lí tự nhiên Việt Nam do thầy Nguyễn Đức Chính chủ biên; Lí luận văn học của thầy Nguyễn Lương Ngọc. Một số giáo trình của Trường ĐHSP Hà Nội được sử dụng chung cho các trường đại học.
Bước vào năm học 1960 - 1961, mục tiêu và phương thức đào tạo của trường đã được xác định là: “Kết hợp tốt các mặt giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất nhằm đào tạo ngày càng đông đội ngũ giáo viên mới có tư tưởng, đạo đức, tác phong XHCN, có trình độ văn hóa nghiệp vụ vững, có sức khỏe”.
Từ xác định mục tiêu và phương thức đào tạo, vấn đề quan trọng tiếp theo là dạy và học ở đại học được tiến hành như thế nào? Đây cũng là vấn đề chung của các trường đại học ở miền Bắc lúc đó.
Năm 1961, trong phong trào thi đua Hai tốt - dạy thật tốt, học thật tốt - theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội đã sôi nổi tìm tòi, nghiên cứu nhằm cải tiến nội dung, phương pháp dạy và học. Vấn đề được đặt ra là phải làm như thế nào để giảng dạy và học tập tốt ở đại học, dạy học tốt ở phổ thông. Để giải quyết vấn đề nêu trên, Trường chủ trương hàng năm cán bộ giảng dạy của trường phải giành từ 50 đến 70 giờ đến trường phổ thông để nắm tình hình nhằm cải tiến công tác giảng dạy của mình ở trường đại học. Nhà trường còn mời các chuyên gia Liên Xô trình bày các chuyên đề về phương pháp giảng dạy và học tập ở trường đại học, tiến hành các cuộc tranh luận về cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy, tổ chức “thao diễn sư phạm”.
Từ các hoạt động trên đã hình thành và phát triển cuộc vận động về “phong cách giảng dạy mới”. Cuộc vận động này khởi đầu từ khoa Ngoại ngữ và khoa Toán sau đó nhanh chóng lan ra toàn trường rồi lan ra toàn ngành giáo dục. Phong trào bắt đầu từ khoa Ngoại ngữ vì trong khoa không có phương pháp thống nhất giữa các phân khoa. Vấn đề giảng dạy thường xuyên được đưa ra thảo luận gay gắt. Năm 1962, chuyên gia Liên Xô đề nghị áp dụng phương pháp giảng dạy tự nhiên ở khoa Ngoại ngữ đang phát triển ở Liện Xô. Cách giảng dạy mới đòi hỏi nhiều nỗ lực của giảng viên nhưng cho hiệu quả công tác cao. Cũng thời gian này ở khoa Toán có một cuộc thảo luận về vấn đề: “Thế nào là giảng dạy theo đường lối công nông?” xoay quanh hai yêu cầu: người dạy phải chú ý đến đối tượng người học (giảng dạy thong thả, rõ ràng dễ hiểu để sinh viên từ các trường Bổ túc công nông có thể theo kịp) còn người học phải có cách học mới, phù hợp. Cuộc tranh luận được mở rộng và đã đi đến hình thành những quan điểm về phong cách dạy và học mới: phát huy độc lập suy nghĩ, kết hợp học tập với nghiên cứu khoa học. Năm 1963, Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức một Hội nghị để trao đổi, đúc rút kinh nghiệm về phong cách giảng dạy mới, với sự tham dự của đại biểu nhiều trường đại học. Đây là hội nghị đầu tiên trong ngành giáo dục về xây dựng phong cách giảng dạy, đặt nền móng ban đầu cho phong trào cải tiến giảng dạy của trường và góp phần xây dựng phong trào dạy tốt của toàn ngành đại học sau này. Các khoa Văn, Toán, Ngoại ngữ của Trường ĐHSP Hà Nội được xem là “quê hương” của phong cách học tập mới, giảng dạy mới của các trường đại học. Từ năm học 1962 - 1963, để phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, trường bắt đầu đưa việc giảng dạy chuyên đề vào năm cuối cùng của khóa học và thí điểm thực hiện tiêu chuẩn làm tiểu luận tốt nghiệp. Trong giảng dạy cũng như biên soạn giáo trình phải thể hiện “bốn tính”: tính tư tưởng, tính khoa học, tính thực tiễn và tính sư phạm.
Giáo dục nghiệp vụ sư phạm được xác định là một nội dung quan trọng trong công tác đào tạo. Các môn học về giáo dục nghiệp vụ, như Tâm lí học, Giáo dục học, Phương pháp dạy học bộ môn được tăng cường. Các hoạt động kiến tập, thực tập sư phạm dần đi vào nề nếp. Trường đã đề nghị Bộ Giáo dục chỉ định trường phổ thông Yên Hòa làm trường thực hành. Hàng năm trường tổ chức các đợt kiến tập, thực tập sư phạm ở hầu hết các tỉnh trên miền Bắc. Bản Quy chế thực tập được xây dựng và được sửa đổi, bổ sung hàng năm cho phù hợp với thực tiễn.
* Phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ:
Ngay khi chuyển về xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, Trường đã bắt tay vào việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Cuối những năm 50 đầu những năm 60 do nhu cầu phát triển của trường nên số lượng cán bộ giảng dạy tăng lên nhanh chóng: từ vài chục người năm 1958, lên 220 vào năm 1960, 300 vào năm 1962 và 400 vào năm 1965. Phần lớn cán bộ giảng dạy lúc đó là sinh viên mới được giữ lại trường, lại phải lên lớp ngay nên còn thiếu kinh nghiệm, nhất là về chuyên môn.
Để đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng giảng viên, kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ được thực hiện theo phương châm: bồi dưỡng trong nước là chính kết hợp với đào tạo ở nước ngoài; dựa vào sức mình là chủ yếu đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của cán bộ giảng dạy các trường bạn, chuyên gia nước ngoài. Mỗi cán bộ giảng dạy được khuyến khích tự học, tự nghiên cứu để đảm nhận phần chương trình được giao dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của các Giáo sư hoặc các chuyên gia nước ngoài. Các Giáo sư thường dự giờ của cán bộ trẻ, sau đó nhận xét và góp ý kiến. Ngược lại cán bộ trẻ dự tất cả các giờ lên lớp của Giáo sư, ghi chép bài giảng và những giải đáp thắc mắc tại lớp sau đó tập hợp lại để thầy xem. Cách đào tạo này có kết quả tốt, các cán bộ trẻ trưởng thành nhanh chóng và đảm đương được nhiệm vụ được giao. Các khoa và tổ bộ môn còn mở các lớp nghiên cứu chuyên đề theo phương thức tự bồi dưỡng hoặc với sự hướng dẫn của các giáo sư và chuyên gia nước ngoài.
Việc học ngoại ngữ được chú trọng và tổ chức với quy mô lớn. Thời kì này, trường chú trọng đặc biệt việc học tiếng Nga. Trường mở các lớp học tiếng Nga tập trung trong 9 tháng đến 1 năm cho cán bộ giảng dạy, do các chuyên gia Liên Xô và giảng viên của khoa Nga đảm nhiệm.
Cùng với việc bồi dưỡng chuyên môn là công tác bồi dưỡng chính trị, nghiên cứu khoa học. Ba mặt này gắn liền với nhau trong xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy. Trong thời gian này, ở một số bộ môn khoa học của trường có các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc, Niu Dilân giúp đỡ, nên cán bộ giảng dạy tranh thủ tiếp thu các kiến thức khoa học hiện đại, kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học của họ để nhanh chóng trưởng thành. Nhằm giúp cán bộ tự rèn luyện, bồi dưỡng một cách toàn diện, từ năm học 1960 - 1961, Trường đã ban hành chế độ công tác của cán bộ giảng dạy, quy định khối lượng, thời gian công việc được hoàn thành, kế hoạch bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học. Khoa Toán, một trong những khoa lớn nhất trường, đã thành công trong việc xây dựng được đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ khoa học cao. Tiêu biểu là thầy giáo Nguyễn Cảnh Toàn - Chủ nhiệm Khoa - bằng con đường tự học, tự nghiên cứu mà trưởng thành. Từ năm 1957 - 1963, kết hợp tự học với thực tập ở Liên Xô, thầy đã bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Toán - Lí (1957), rồi Tiến sĩ khoa học (1963).
Tháng 9 năm 1963, Trường chủ trương phân loại cán bộ để xây dựng chương trình bồi dưỡng thích hợp, quy định các hình thức kiểm tra xác nhận kết quả học tập. Trong thời kì này, các khoa bắt đầu khuyến khích cán bộ bồi dưỡng theo chương trình cấp I. Đến năm 1965, nhiều cán bộ của trường đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng cấp I.
Đồng thời với việc bồi dưỡng và tự bồi dưỡng trong nước, nhiều cán bộ được cử đi làm nghiên cứu sinh, thực tập sinh ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Một số cán bộ giảng dạy theo học các lớp bồi dưỡng chương trình trên đại học - lúc ấy được gọi là “Chương trình nghiên cứu sinh” - do ủy ban Khoa học Nhà nước mở thí điểm.
Kết quả là đến năm 1965, Trường đã có hơn 400 cán bộ giảng dạy, trong đó có một số cán bộ có trình độ khoa học cao gồm có các Giáo sư, các Tiến sĩ, Phó Tiến sĩ.
* Nghiên cứu khoa học được khẳng định ở ĐHSP Hà Nội:
Vào thời kì này, công tác nghiên cứu khoa học được lãnh đạo và cán bộ giảng dạy Trường ĐHSP Hà Nội rất quan tâm, nhưng phải trải qua một cuộc đấu tranh về nhận thức. Lúc bấy giờ trong các trường đại học nói chung, Trường ĐHSP Hà Nộinói riêng đã nảy ra một cuộc tranh luận khá gay gắt về vấn đề: “Liệu ở nước ta có thể nghiên cứu khoa học được không?”. Câu trả lời có tính chất khẳng định rằng, “Chúng ta cần và có khả năng nghiên cứu khoa học, đặc biệt ở các trường đại học”. Nhưng “trường ĐHSP có cần và có thể nghiên cứu khoa học không?” thì lại có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Một quan điểm khá phổ biến lúc bấy giờ cho rằng, cán bộ giảng dạy ĐHSP không cần nghiên cứu khoa học mà chỉ cần tiếp thu thành tựu khoa học để giảng dạy. Một số cơ quan quản lí nhà nước về khoa học cũng cho rằng Trường ĐHSP không có nhiệm vụ chủ yếu trong nghiên cứu khoa học, nên không tạo điều kiện cần thiết cho công tác này.
Từ thực tiễn và nhận thức về vai trò của nghiên cứu khoa học, mối quan hệ giữa khoa học cơ bản và khoa học giáo dục, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường ĐHSP Hà Nội đã xác định: “Muốn xây dựng một nền đại học tiên tiến, phải tích cực tiến hành công tác nghiên cứu khoa học và bắt tay vào công tác nghiên cứu ngay từ lúc bắt đầu xây dựng nền móng cho đại học”(4). Đồng thời, do nhu cầu đào tạo và phục vụ sự nghiệp giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội phải tiến hành nghiên cứu các môn khoa học giáo dục: Tâm lí học, Giáo dục học, phương pháp giảng dạy cho từng khoa - mà lúc bấy giờ chưa có cơ quan khoa học nào đảm nhiệm. Đối với chuyên ngành Địa lí, Ngoại ngữ cũng ở trong tình trạng như vậy.
Những vấn đề tiếp theo được đặt ra trong các cuộc thảo luận là: “Nghiên cứu ở Trường ĐHSP Hà Nội phải theo phương hướng nào?”, “Trọng tâm nghiên cứu là khoa học cơ bản hay khoa học giáo dục?”.Qua các cuộc thảo luận, báo cáo khoa học, hội nghị chuyên đề, chuyên gia nói chuyện, cán bộ giảng dạy dần dần nhận thức đúng và tìm bước đi thích hợp cho công tác nghiên cứu khoa học của trường.
Trước hết, về phương hướng, cần nỗ lực nghiên cứu, tiếp nhận và sử dụng những thành tựu khoa học nước ngoài vào điều kiện thực tiễn nước ta một cách sáng tạo, dựa trên cơ sở khả năng, kinh nghiệm của cán bộ giảng dạy, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa xây dựng tiềm lực phát triển lâu dài. Ba hướng đề tài nghiên cứu chính là: các ngành khoa học cơ bản, khoa học giáo dục (trọng tâm) và phục vụ sản xuất. Vấn đề được đặt ra có tính chất phương pháp luận lúc bấy giờ là kết hợp như thế nào khoa học cơ bản với khoa học giáo dục, kết hợp nghiên cứu với phổ biến, vận dụng kiến thức khoa học vào đời sống xã hội. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, Trường khuyến khích các công trình nghiên cứu tập thể, các vấn đề có ý nghĩa lớn; hướng dẫn cán bộ giảng dạy, nhất là cán bộ trẻ tập dượt nghiên cứu khoa học. Yêu cầu trước mắt là đưa nghiên cứu khoa học trở thành thói quen thường xuyên của cán bộ, kết hợp chặt chẽ với công tác dạy học để nâng cao chất lượng đào tạo.
Sinh hoạt khoa học được tiến hành thường xuyên, có nền nếp ở toàn trường cũng như ở phân khoa, tổ. “Bản tin hoạt động nghiên cứu khoa học”, “Tập san Đại học Sư phạm” ra đời ngay từ tháng 5/1955 với nhiều bài viết của các học giả nổi tiếng như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Trương Tửu, Hoàng Xuân Nhị, Phan Khôi, Lê Khả Kế, Đào Văn Tiến,...(5) Hội nghị khoa học được tổ chức định kì hàng năm. Tháng 3/1962, Hội nghị khoa học toàn trường lần thứ nhất được tổ chức. Hội nghị cũng tổng kết kinh nghiệm nghiên cứu khoa học gắn liền với các công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Kết quả thật khả quan: nếu trước năm 1960 chỉ có một số nhỏ cán bộ tiến hành việc nghiên cứu khoa học thì từ 1961 hầu hết các cán bộ giảng dạy đều tham gia nghiên cứu khoa học, trong đó 80% đề tài là do cán bộ trẻ đảm nhận. Số lượng các đề tài ngày càng tăng: từ 104 (năm 1961) lên 131 (năm 1962), 265 (năm 1963). Đến năm 1965 toàn trường đã có 645 đề tài đã được hoàn thành trong đó có 20% thuộc về khoa học cơ bản; 30% phục vụ trực tiếp cho sản xuất; 50% phục vụ cho giảng dạy ở đại học và phổ thông(6). Số đề tài phục vụ giảng dạy cho trường ĐHSP và phổ thông đã góp phần xây dựng một số ngành khoa học, nhất là khoa học xã hội, khoa học giáo dục. Một số giáo trình được biên soạn như một công trình nghiên cứu khoa học, không chỉ để giảng dạy mà còn góp phần xây dựng và phát triển các chuyên ngành khoa học này, như Tâm lí học, Giáo dục học, Địa lí, Lịch sử, Phương pháp dạy học bộ môn.
Kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục của trường còn góp phần nghiên cứu đào tạo giáo viên, xây dựng các chương trình sư phạm. Cán bộ giảng dạy tích cực cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy. Khoa Toán có trên 15 cải tiến cách chứng minh các định lí, cách lập các công thức để tăng hiệu suất giảng dạy từ 2 đến 5 lần. Trong số đó, đề tài “Cải tiến cách thiết lập các công thức lượng giác của hình học Lôbasépxki” được sử dụng trong biên soạn sách “Hình học cao cấp” ở Liên Xô. Cán bộ Khoa Vật lí nghiên cứu trên 30 đề tài cải tiến việc giảng dạy lí thuyết và thực hành, như cải tiến thí nghiệm phản ứng nhiệt nhôm cao phân tử, cải tiến giá máy phát cao tần để nghiên cứu sơ đồ các máy phát khác nhau. Việc lập trạm quan sát vệ tinh, xây dựng phòng vô tuyến điện, phòng Vật lí quang phổ cũng góp phần tăng hiệu suất công tác giảng dạy và học tập. Khoa Hóa học cũng có nhiều đề tài nghiên cứu phục vụ giảng dạy, như: “ý nghĩa số lượng tử để liên hiệp phân tử”, “Nghiên cứu một giờ giảng dạy Hóa học trên lớp”, “Dùng nước xuynphya hyđrô thay thế cho khí xuynphya hyđrô” trong các thí nghiệm, giảm được tính độc mà tiết kiệm được hóa chất.
Khoa Sinh học nghiên cứu 3 đề tài về lí luận giáo dục sư phạm cho sinh viên, 6 giáo trình về Sinh học và Phương pháp dạy học bộ môn.
Các cán bộ giảng dạy ngoại ngữ nghiên cứu xây dựng toàn bộ chương trình cho hệ thống 4 năm, cải tiến nhiều giáo trình cũ, biên soạn nhiều giáo trình mới.
Cán bộ giảng dạy các khoa Văn, Sử đã hoàn thành các giáo trình, các chuyên khảo đồng thời góp phần xây dựng cơ sở cho sự phát triển các ngành khoa học nghiên cứu về văn học, lịch sử.
Trường ĐHSP Hà Nội là lực lượng quan trọng tham gia nghiên cứu nhiều vấn đề của giáo dục ở phổ thông, như “Cải tiến phương pháp giảng dạy phương trình vô định ở lớp 10 phổ thông”; “Nghiên cứu và dạy học lịch sử địa phương”; “Xây dựng vườn trường ở trường phổ thông cấp III - một mô hình mẫu về vườn trường với 300 loại cây”; “Nghiên cứu cơ sở tâm lí của việc cải tiến phương pháp dạy ở phổ thông”; “Tìm hiểu kí ức của học sinh”… Kết quả nghiên cứu trên được các trường phổ thông hoan nghênh và sử dụng.
Các đề tài điều tra cơ bản và ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất cũng được thực hiện. Đề tài “Áp dụng vận trù học vào sản xuất nông nghiệp” được tiến hành có kết quả tại HTX Yên Duyên (ngoại thành Hà Nội). Đề tài “Đúc hình mẫu thạch cao để làm đồ dùng trực quan môn sinh vật” đã giúp các trường phổ thông không phải mua hình mẫu của nước ngoài với giá đắt mà dần dần xây dựng được hàng chục gian “xưởng lao động” - một trong những cơ sở đầu tiên hình thành nên Công ti thiết bị đồ dùng dạy học của Bộ Giáo dục sau này. Việc “Nghiên cứu làm giảm tỉ lệ hoa rụng và giảm hạt đối với cà chua” được Hội phổ biến khoa học Việt Nam in thành sách, phổ biến rộng rãi, được Thành hội Hà Nội cho áp dụng ở HTX Xuân Đỉnh và Cổ Nhuế. Đề tài “Nghiên cứu về sản xuất dầu đỏ từ thầu dầu” được nhà trường đưa vào sản xuất để cung cấp cho nhà máy da Thụy Khuê. Ngoài ra, còn có các đề tài nghiên cứu về “Cất rượu cồn từ bã sắn”, tổng hợp thuốc 2,4D, tinh chế Iốt từ muối ăn, thí điểm lập bản đồ cảnh quan của một HTX, nghiên cứu tổng hợp một vùng phục vụ sản xuất có hiệu quả.
Thành tựu nghiên cứu khoa học của Trường không chỉ được biết đến trong nước mà còn cả ở nước ngoài. Đề tài “Khả năng chống nóng và chống rét cho cá rô phi” được đăng trên báo “Sinh học đại cương” ở Liên Xô, báo cáo tại Hội nghề cá miền tây Thái Bình Dương tổ chức ở Mông Cổ. Đề tài “Kinh nghiệm nuôi cá rô phi” sau khi trình bày tại các hội nghị quốc tế, được Tổng cục Thủy sản in làm tài liệu giáo khoa. Việc nghiên cứu cá rô phi giúp trường đạt năng suất cá nuôi cao nhất miền Bắc và dựa vào kết quả đó, Tổng cục Thủy sản quyết định lấy cá rô phi làm loại cá chủ yếu nuôi ở miền đồng bằng ven biển nước ta lúc bấy giờ.
Về khoa học cơ bản, một số công trình có giá trị lí luận, như một phần kết quả nghiên cứu về “Lí thuyết đối lập bộ n” được báo cáo ở Hội nghị Toán học Hunggari năm 1968 và được Ban Toán Lí, thuộc UBKH Nhà nước in để trao đổi khoa học với nước ngoài. Những công trình về địa mạo, địa lí tự nhiên vùng cao nguyên đá vôi Tây Bắc; thí nghiệm Stokes đo độ nhớt của chất lỏng; phân loại chim Hòa Bình; rắn miền Bắc; một số vấn đề của tâm lí học sư phạm và giáo dục học cũng được giới khoa học Việt Nam và một số nước đánh giá cao.
Sinh viên cũng tích cực tham gia nghiên cứu khoa học: làm bài tập, khóa luận tốt nghiệp (bắt đầu từ khoa toán, rồi phổ biến ra toàn trường); sưu tầm tài liệu văn học dân gian, viết lịch sử địa phương.
Công tác phổ biến khoa học được coi trọng. Năm 1961, Chi hội phổ biến khoa học của trường được thành lập và hoạt động với những hình thức khá phong phú, trong đó có việc viết bài cho đài phát thanh, cho báo “Khoa học thường thức”, biên soạn các sách phổ biến khoa học, tham gia các cuộc triển lãm về thành tựu kinh tế quốc dân.
Như vậy, ngay trong những năm đầu xây dựng Trường ĐHSP Hà Nội xã hội chủ nghĩa, lãnh đạo và cán bộ từng khoa đã tiến hành tốt công tác nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo, giáo dục phổ thông và xã hội.
* Quan hệ hợp tác:
Trong hoàn cảnh khó khăn của những năm đầu xây dựng Trường, ĐHSP Hà Nội đã sớm thiết lập các quan hệ hợp tác trong và ngoài nước.
Năm 1959, trường chi viện một phần cán bộ giảng dạy cho Trường ĐHSP Vinh mới được thành lập. Không chỉ cung cấp cán bộ giảng dạy cho Trường ĐHSP Vinh, Trường ĐHSP Hà Nội từ những năm 1954 - 1960 còn cung cấp cán bộ giảng dạy cho các trường đại học, trường trung cấp sư phạm và các trường trung cấp khác của miền Bắc. Khoảng 1/3 số sinh viên tốt nghiệp trở thành cán bộ giảng dạy các trường đại học, 1/3 dạy trung học chuyên nghiệp, 1/3 dạy phổ thông(8).
Trường đã sớm có các hoạt động thiết thực phục vụ sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông, bổ túc văn hóa ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội. Trường đã mở 12 lớp (từ lớp 1 đến lớp 10) tại trường, bổ túc văn hóa cho 650 học viên và 2 lớp đại học Văn ban đêm cho 210 học viên, gồm cán bộ các đơn vị bộ đội, cán bộ xã, huyện, giáo viên cấp II, xã viên HTX nông nghiệp, thủ công nghiệp, của 55 cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn ba huyện Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức. Do đạt được một số thành tích, Trường đã nhận được nhiều giấy khen, thư cảm ơn của các xã Dịch Vọng, Mai Dịch, trường Nguyễn Ái Quốc, Ban phụ trách lớp bổ túc theo chương trình đại học cho các trường đại học ban đêm của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại thương, Cục Văn hóa quân đội, Trường Điện ảnh - kịch nói.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của Trường ĐHSP Hà Nội là phục vụ giáo dục phổ thông: tham gia xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, bồi dưỡng giáo viên về chuyên môn và nghiệp vụ. Trường còn giúp Trường ĐHSP Vinh vừa được thành lập, cộng tác với Viện Khoa học giáo dục… Cán bộ giảng dạy của trường là thành viên chủ chốt trong các tổ bộ môn, các Tiểu ban xây dựng danh từ khoa học, thuật ngữ, Tiểu ban nghiên cứu cải tiến chữ viết, biên soạn sách “Ngữ pháp Việt Nam”.
Trong quan hệ quốc tế, trường cũng đạt được nhiều kết quả trong việc trao đổi cán bộ nghiên cứu, tham gia các hội thảo khoa học quốc tế trong và ngoài nước, học tập các chuyên gia công tác ở trường. Dù có nhiều khó khăn về cán bộ giảng dạy, dù công việc được giao rất nhiều, nhưng trước yêu cầu của nhiệm vụ quốc tế, trường đã cử một số cán bộ đi làm chuyên gia giáo dục ở Lào và một số nước châu Phi. Trong lần đến thăm trường cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 21/10/1964, Tổng thống nước Mali, Môđibô Câyta, đã nhiệt liệt hoan nghênh và khen ngợi các chuyên gia giáo dục Việt Nam, trong dó có cán bộ của Trường ĐHSP Hà Nội, đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục Mali.
*
* *
Qua 15 năm đầu tiên xây dựng và phát triển (1951-1965), Trường ĐHSP Hà Nội đã có những bước trưởng thành vượt bậc. Hầu như từ hai bàn tay trắng trong kháng chiến chống Pháp, thầy và trò Trường ĐHSP Hà Nội đã khắc phục khó khăn thiếu thốn, phát huy sáng kiến và nhiệt tình cách mạng, đoàn kết giúp đỡ nhau để đưa Trường ĐHSP Hà Nội từng bước tiến lên và có nhiều đóng góp tích cực, to lớn cho ngành Giáo dục, ngành Sư phạm và ngành Đại học còn non trẻ của nước nhà. Cụ thể là:
– Thứ nhất, Trường ĐHSP Hà Nội là cơ sở đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cấp III chủ yếu của miền Bắc, là trụ cột trong nền sư phạm đại học của Việt Nam. Trường đã đào tạo được số lượng sinh viên khá lớn, 7.000 người (1954-1965). Nhờ vậy, nhu cầu giáo viên cho các trường phổ thông cấp III đang phát triển mạnh mẽ ở miền Bắc đã từng bước được đáp ứng. Nếu năm 1954 vài ba tỉnh mới có 1 trường cấp III thì đến 1965 mỗi một huyện miền xuôi có 1 trường cấp III.
Bên cạnh hệ chính quy, nhà trường còn được giao nhiệm vụ mở các lớp tại chức, hàm thụ đào tạo giáo viên. Tháng 1/1958, Trường ĐHSP Hà Nội mở lớp hàm thụ thí điểm ở khoa Toán, rồi ở một số khoa khác. Khóa hàm thụ đầu tiên có 34 người tốt nghiệp. Năm 1960, Trường ĐHSP Hà Nội đã mở các lớp hàm thụ của các ngành Toán, Lí, Hóa, Văn, Sử, Địa, với 384 học viên. Năm học 1961 - 1962, số lượng học viên tăng lên 2.400; năm học 1962 - 1963 tăng thêm 1.397 học viên.
Đến năm 1965, phần lớn giáo viên cấp III của miền Bắc, giáo viên các trường Sư phạm sơ cấp, trung cấp được đào tạo từ Trường ĐHSP Hà Nội. Trường cũng là nơi cung cấp cán bộ cho Bộ Giáo dục và các Viện Nghiên cứu giáo dục.
Trường cũng là nơi đặt nền móng xây dựng nền khoa học giáo dục Việt Nam. Trường đã xác định được mục tiêu đào tạo giáo viên, xây dựng các chương trình sư phạm đặc biệt là chương trình giáo dục học, tâm lí học chung cho các khoa và chương trình môn phương pháp giảng dạy cho từng khoa, biên soạn giáo trình ở đại học và sách giáo khoa ở phổ thông.
– Thứ hai, Trường đã bước đầu xây dựng được những nền móng cơ bản cho mô hình ĐHSP hoàn chỉnh. Mô hình nhà trường XHCN được xây dựng với việc xác lập tư tưởng và những nguyên tắc giáo dục mới, vận dụng đường lối của Đảng vào trong thực tiễn giáo dục Việt Nam. Phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, nội dung, phương pháp và chương trình đào tạo của các khoa được xác định và từng bước hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ đông về số lượng và ngày càng mạnh về chất lượng. Cơ sở vật chất bước đầu được xây dựng tương đối khang trang và hiện đại so với hoàn cảnh của đất nước lúc đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Đối với nền giáo dục đại học của nước ta, ĐHSP Hà Nội có vị thế đặc biệt. Trường là nơi đề xướng ra phong cách giảng dạy và học tập mới ở trường đại học và cũng là nơi cung cấp cán bộ giảng dạy cho các trường đại học trong trong cả nước. Cùng với việc xây dựng nhiều bộ môn khoa học mới, ĐHSP Hà Nội cũng là nơi đặt những viên gạch đầu tiên cho một số ngành khoa học cơ bản và khoa học giáo dục của Việt Nam.
– Thứ ba, Trường ĐHSP Hà Nội không khép kín mà gắn liền hoạt động của trường với thực tiễn sinh động của đất nước. Đặc biệt Trường ĐHSP Hà Nội đã nhiệt liệt hưởng ứng các phong trào thi đua lớn do Hồ Chủ tịch, Đảng, Nhà nước phát động nhằm thực hiện những nhiệm vụ chính trị của cả nước như phong trào thi đua 2 tốt, phong trào xây dựng tổ đội lao động XHCN. Trường ĐHSP Hà Nội tự hào là nơi khởi nguồn của phong trào 3 sẵn sàng trong thời kì chống Mĩ cứu nước.
Do những thành tích đối với việc phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục, năm học 1960 - 1961, Trường được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba. Năm 1962, tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ hai, Trường ĐHSP Hà Nội được công nhận là một trong những Đơn vị thi đua tiên tiến xuất sắc nhất của cả nước và được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Hai.
Tổ Phương pháp giảng dạy Toán là một trong những đơn vị giáo dục đầu tiên của ngành đại học được công nhận là “Tổ đội lao động XHCN” vào năm học 1962 - 1963. Năm 1963, tổ Hóa vô cơ của khoa Hóa cũng được công nhận là “Tổ lao động XHCN”.
Năm 1965 Trường ĐHSP Hà Nội được Bộ Giáo dục tặng cờ “Thi đua xuất sắc nhất ngành giáo dục” trong việc hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.
Tất cả những thành tích và kinh nghiệm của Trường ĐHSP Hà Nội trong thời kì 1951 - 1965 đã tạo những điều kiện căn bản cho Nhà trường thích ứng được với hoàn cảnh chiến tranh trong thời kì sau, và góp phần định hình nên một trường ĐHSP là Đại học trọng điểm của cả nước sau này.
(1)Năm 1960, Trường ĐHSP Hà Nội chuyển hệ đào tạo sinh viên chính quy từ 3 năm xuống 2 năm.
(2) Trường Chinh: Ngành sư phạm là công nghiệp nặng của ngành giáo dục (lời phát biểu tại lễ kết thúc năm học của Trường ĐHSP Hà Nội, sáng 11/7/1960). Báo Nhân dân ngày 12/7/1960.
(3)Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 11. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.332.
(4) Đề nghị của Giám đốc trường ĐHSP Phạm Huy Thông ngày 8/9/1960 tại văn bản số 548/VP ghi rõ: “Căn cứ vào chỉ thị của Bộ đã giao cho, trường chúng tôi có nhiệm vụ đào tạo giáo viên cấp III toàn diện để cung cấp giáo viên cho các trường phổ thông, chuyên nghiệp trung cấp cục văn hóa, quân đội và các trường đại học” .
(5)Báo cáo thành tích thi đua năm học 1960 - 1961 và học kì I năm học 1961 - 1962 của Trường ĐHSP Hà Nội tháng 3/1962.
(6) Đây là Tập san nghiên cứu của Trường ĐHSP Khoa học và Trường ĐHSP Văn khoa. Ban biên tập là Hội đồng Giáo sư hai trường. Thư ký tòa soạn là Trần Đức Thảo. Ủy viên thường trực: Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Hoàng Xuân Nhị, Lê Văn Thiêm, Trương Tửu. Địa chỉ phát hành: Trường ĐHSP Văn khoa, Hà Nội - số 29 Lê Thánh Tôn - Hà Nội.
(7)25 năm xây dựng và trưởng thành của Trường ĐHSP Hà Nội I. 10/1981. tr.15
(8) Chẳng hạn, đội ngũ cán bộ giảng dạy đầu tiên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội có 33 người thì 26 người được đào tạo từ Trường ĐHSP Hà Nội.