1. Tôi ra sân bay, đón chuyến bay về TPHCM sau những ngày đầu xuân rét đậm. Tôi đi khá sớm vì sợ nhỡ chuyến bay. Xe đang bon bon trên đường, tôi nhận được điện thoại của thủ trưởng cơ quan, hỏi đang ở đâu và bảo tôi về ngay có việc. Thủ trưởng báo thầy Lê Trí Viễn mất rồi. Tôi vẫn ngỡ ngàng dù biết ở tuổi thầy, các cụ đón khi nào thì về khi ấy thôi. Ngạc nhiên vì trước tết, các anh lãnh đạo cơ quan tôi đến thăm, thầy vẫn khỏe.
Tôi nói thầy Viễn đi rồi. Người lái xe taxi hỏi: Ông Viễn nào? Tôi trả lời Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn. Người lái xe taxi hỏi lại: Ông “Trí khôn của ta đây” đấy à? Tôi thực sự ngạc nhiên vì nói thật, truyện “Trí khôn của ta đây” đăng trong nhiều tuyển tập văn học dân gian Việt Nam nhưng cái tít “Trí khôn của ta đây” mà người lái xe taxi vừa nhắc tới ở đâu nhỉ. Tôi buột miệng hỏi: “Anh vẫn nhớ Trí khôn của ta đây à?”. Người lái xe bảo đó là truyện ghi trong sách giáo khoa cấp một và anh cười đến mức tưởng sẽ gãy hết hàm răng cửa nếu va vào vô lăng.
Thói quen chính xác đã làm tôi sáng hôm qua mới viết được bài viết này vì còn phải xác định chính xác danh tính Trí khôn của ta đây. May quá, tôi được gặp PGS-TSKH Bùi Mạnh Nhị, học trò cưng của thầy Lê Trí Viễn. Anh Nhị bảo: “Đúng rồi, “Trí khôn của ta đây” được đưa vào sách cấp một, Lê Trí Viễn kể”. Thế là người lái xe đã nhớ đúng.
2. Các bạn phóng viên gọi đặt bài viết về thầy nhưng tôi không dám chắc. Cũng tại vì cái chuyện chính xác. Tôi quen một học trò của thầy, giảng viên một trường đại học, nổi tiếng về viết kỹ, chính xác, đến một từ cũng không thừa nên cứ sợ viết về thầy mà không chính xác thì xấu hổ không chỗ chui. Nhưng nếu không viết chắc sẽ chẳng có lúc đăng. Hôm nay tiễn biệt thầy rồi.
Cách đây vài năm, đó là lần cuối thầy đến Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Hôm đó chúng tôi mời thầy phát biểu trên hội trường. Thầy bảo nếu có cuộc đời khác, thầy vẫn chọn nghề giáo. Và thầy giải thích vì sao thầy thích nghề dạy học. Tôi không kịp trích nguyên câu nói của thầy, chỉ diễn ý thôi. Thầy bảo, thầy chọn nghề dạy học vì làm nghề dạy học thì được học suốt đời, nghề dạy học luôn tươi trẻ.
Có thể thấy cả hai điều này ở thầy: cho đến những năm cuối đời thầy vẫn cần mẫn chọn lựa những công trình để in thành một tuyển tập gồm 7 tập với hàng ngàn trang viết (Tuyển tập này là công trình được chọn xét Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2011) - ấy là minh chứng cho việc học suốt đời. Còn chuyện nghề dạy học làm cho người ta trẻ mãi thì ai cũng có thể thấy trên khóe mắt và nụ cười rạng tươi của thầy.
3. Có thể anh lái xe suốt đời không được gặp thầy nhưng lại nhớ những gì thầy viết cho anh (và nhiều học sinh khác). Con người không thể tồn tại mãi mãi. Nhưng trí khôn luôn còn với mọi thế hệ đó thôi.
NGUYỄN KIM HỒNG
Theo: sggp.org.vn