|
Học trò chúc mừng thầy Lê Trí Viễn (bên trái) đại thọ tuổi 90. Ảnh: TL
|
Bắt đầu gắn bó với sự nghiệp giáo dục từ những năm 30 của thế kỷ trước, khi còn là một thanh niên ở độ tuổi đôi mươi, trải qua bao cuộc thăng trầm của đất nước, đến lúc cuối đời, kề cận tuổi bách niên, bước chân thầy vẫn không mỏi mệt trên con đường mình đã chọn. Ngọn lửa nhiệt tình, tâm huyết với nghề suốt 70 năm vẫn chảy mãi bất chấp thời gian và mưa gió của cuộc đời.
Đúng như câu thơ thầy từng cảm thuật năm 80 tuổi – “Tám mươi lao lực không ngơi nghỉ”. Tuy thuở thiếu thời gia cảnh thanh bạch, nhưng với chí lớn và nghị lực kiên trì, bằng con đường tự học, thầy đã vươn lên những đỉnh cao tri thức để làm tròn sứ mệnh trồng người cao cả đã trở thành như một thiên chức, góp phần đào tạo hàng ngàn cử nhân, hàng trăm thạc sĩ và tiến sĩ để phục vụ cho công cuộc bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước.
Là một nhà giáo dục lớn của Việt Nam, GS-NGND Lê Trí Viễn đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu đi tiên phong trong việc vận dụng quan điểm Mác-xít trong nghiên cứu văn học sử và đã đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu văn học hơn 40 công trình khoa học giá trị, trong đó có những công trình có ý nghĩa mở đường và ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ nghiên cứu trẻ, hình thành một trường phái nghiên cứu trong giới học thuật.
Nhưng sẽ là một thiếu sót đáng tiếc nếu chỉ nhìn thấy GS-NGND Lê Trí Viễn như một người thầy tận tụy, tâm huyết và một nhà nghiên cứu uyên bác, cẩn trọng. Thầy còn là một nghệ sĩ tài hoa với nhiều truyện ngắn, bút ký viết trong kháng chiến, những bài bình giảng văn học thể hiện cảm thụ cực kỳ tinh tế, nhạy bén và đặc biệt là các tác phẩm thơ với phong cách vừa lão thực, bình dị vừa không kém bay bổng, tha thiết, nồng nàn. Thơ tức là người. Đọc thơ thầy, người đọc không thể không xao xuyến trước một chiều sâu chiêm nghiệm lẽ đời giàu chất trí tuệ, đồng thời với một ngọn lửa tâm hồn mãi nồng cháy khát khao và tràn đầy sức sống thanh xuân.
Thầy đã đóng góp cho đất nước về nhiều mặt, đặc biệt những cống hiến của thầy cho nền giáo dục Việt Nam là hết sức lớn lao. Tài năng và trí tuệ của thầy để lại cho những thế hệ đi sau niềm ngưỡng mộ vô biên. Nhưng có lẽ điều khắc sâu vào tâm khảm của những học trò thầy chính là đức độ, nhân cách cao quý của một nhà giáo.
Với học trò, thầy luôn dành tình thương, sự chăm chút ân cần của một người cha cho những đứa con đang cần sự định hướng, nâng dắt. Dù luôn bận bịu với công việc, nhưng thầy vẫn sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng giải thích tỉ mỉ cho những ai muốn học, muốn tìm tòi tri thức và sẵn sàng đọc, sửa từng dấu phẩy cho những trang viết còn non. Thầy không tiếc công sức làm những công việc “bếp núc” nhỏ nhặt âm thầm không hề đem lại ánh hào quang của danh tiếng và địa vị. Chính những điều đó đã làm cho hình ảnh thầy trong lòng bọn học trò chúng tôi ở vào vị trí thiêng liêng trân trọng nhất, và tên của thầy vượt xa khỏi những hư danh.
Không chỉ luôn tự đặt cho mình trách nhiệm dẫn dắt thế hệ đàn em tiếp bước trên con đường khoa học, thầy còn quan tâm đến từng cảnh ngộ của học trò để động viên, chia sẻ, cùng băn khoăn trăn trở hay vui mừng hân hoan trước những buồn vui trong cuộc đời thường của họ. Thầy lớn lao vì bên cạnh thầy, học trò không trở nên hạt cát bé nhỏ dưới chân núi Thái mà cảm thấy mình được lớn thêm lên, có niềm tin vào bản thân giữa mênh mông biển học, biển đời. Nhiệt tâm, cẩn trọng, giản dị và khiêm cung, thầy là tấm gương sáng của tinh thần “Học, học nữa, học mãi” nhắc nhở thế hệ đi sau luôn không ngừng cố gắng để khỏi phải hổ thẹn với tiền nhân.
Thưa thầy,
Đối với những cái đẹp, cái cao cả đã vượt thời gian và dâu biển cuộc đời để trở thành vĩnh cửu thì mọi ngôn từ ngợi ca đều trở nên sáo mòn và hữu hạn, chỉ có thể tâm cảm bằng tất cả tấm lòng. Xin thầy nhận nơi đây lòng tri ân sâu xa, chân thành nhất của chúng con – mãi mãi là những học trò nhỏ của thầy.
Tưởng niệm thầy, chúng con kính dâng lên vong linh thầy mấy câu thơ thay nén hương lòng thành kính:
Bút tâm thầy dốc một đời
Nói sao cho đủ vạn lời tri ân
Tình văn gửi lại thế gian
Nguyên tiêu quạnh một vầng trăng nhớ người…
TPHCM, ngày 4-2-2012
|
|
Tốt nghiệp Sư phạm cấp 1 năm 1939, thầy dạy tiểu học trong 5 năm. Đỗ Tú tài Triết năm 1945, thầy chuyển sang dạy trung học phổ thông và chuyên khoa ở Trường Khải Định (Huế) đến năm 1946. Sau đó thầy vừa tham gia kháng chiến, vừa giảng dạy ở Trường Chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng (Hà Tĩnh), rồi làm Hiệu trưởng Trường cấp 3 Lê Khiết (Quảng Ngãi). Năm 1955, thầy làm việc ở Ban Tu thư Bộ Giáo dục. Từ năm 1958, thầy giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và làm Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn của trường từ 1963 đến 1978. Từ năm 1978, thầy giảng dạy tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TPHCM đến khi nghỉ hưu (1992).
Ở tuổi trên 70, thầy vẫn viết sách, giảng dạy trên đại học và hướng dẫn nghiên cứu sinh. Năm 1992, thầy sáng lập và đưa Trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến chiếm được niềm tin của phụ huynh học sinh. Thầy còn lập Quỹ học bổng Lê Trí Viễn để khích lệ các sinh viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm TPHCM phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập.
Thầy đã được trao tặng: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2011, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
|
|
|
|
PGS-TS Đoàn Thị Thu Vân
(Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm TPHCM)
Theo: sggp.org.vn