Mấy ngày nay, trong số anh em quen biết, nhiều người nô nức chuẩn bị hành trang ra Hà Nội dự ngày hội kỷ niệm 60 năm Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội. 60 năm với đời người đã là một vòng hoa giáp, với không ít thầy giáo, cô giáo học ngành sư phạm ngữ văn vào những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ 20 ấy đã trở về với cát bụi. Những người tôi quen biết như GS. Nguyễn Văn Hạnh, GS. Nguyễn Đăng Mạnh, PGS.TS Trần Hữu Tá..., thì tóc đã bạc, tai đã có phần ngễnh ngãng, dù vẫn rất yêu đời, yêu nghề. Trong dịp kỷ niệm này, xin được kể đến vị thầy của những bậc thầy, đã gắn bó cuộc đời mình với nghề giáo, với Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội: GS.NGND Lê Trí Viễn.
Tự học mới là điều kiện quyết định
GS Lê Trí Viễn cùng quê Quảng Nam với tôi. Làng Bàu Đông của thầy với làng Khánh Vân của tôi tuy khác huyện nhưng gần như giáp ranh, nên cách nhau chừng non một buổi đường đi bộ. Nói vậy, để thấy những gì xảy ra ở hai làng, kể cả những người có chút tiếng tăm (nổi tiếng và mang tiếng), khi nhắc tới thì cả hai thầy trò... có nghe người ta kể vậy. Tôi chỉ được làm học trò của GS. Lê Trí Viễn qua hai chuyên đề của chương trình đào tạo sau đại học. Và tình thầy trò chúng tôi có chút khắng khít nhờ những chuyện kể tào lao ở quê nhà cùng sự tự học, cố gắng vượt qua cái “barière” của chính mình. Với thầy, kiến thức ở nhà trường và bằng cấp chỉ là nền tảng, là vốn liếng ban đầu, còn tự học mới là điều kiện quyết định tất thảy. Từ một anh giáo làng, vì muốn bước vào con đường văn chương, thầy giáo trẻ Lê Trí Viễn đã tự học, học lóm người này một tí, người kia một tí và đã đậu thủ khoa kỳ thi tú tài năm 1946. Nhưng nghiệp phấn trắng bảng đen cứ bám riết, nên tình yêu văn chương của một thời được thầy truyền vào những bài giảng, những công trình nghiên cứu... Rồi cũng tự học, thầy Lê Trí Viễn đã đàng hoàng đứng trên bục giảng Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội từ những ngày đầu ấy.
Năm nay, GS Lê Trí Viễn đã vào tuổi 95 và lớp trọc trò của thầy nay đã là những chuyên gia đầu ngành, những nhà giáo nhân dân, những giáo sư, phó giáo sư trên tuổi “cổ lai hy” không hiếm. Mỗi lần nhắc đến thầy, ai cũng nói những điều tốt đẹp về những giờ dạy, những trang viết của thầy, kể cả những chuyện vui cùng những tiếng cười sảng khoái.
GS.NGND Lê Trí Viễn (bên phải) cùng học trò PGS.TS Trần Hữu Tá
Phải say đắm với câu văn
Vài ba năm gần đây, GS. Lê Trí Viễn dường như không còn nhớ những gì đang xảy ra trước mắt, nhưng lại nhớ rất rõ những gì đã qua, nhất là thơ văn và những ngày trên bục giảng. Giáp Tết Tân Mão (2011), tôi và PGS.TS Trần Hữu Tá đến thăm thầy. Nghe cô con dâu nói vọng lên báo cho “ông nội” biết có chú Tá và anh Vu Gia tới chơi, thì giọng nói sang sảng của thầy từ lên lầu vọng xuống: “Chú Tá với Vu Gia hả! Lên chơi!”. Thầy Tá nhìn tôi với nụ cười rạng rỡ: “Cụ còn khỏe thật!”. Chúng tôi lên khỏi cầu thang, thì người giúp việc dìu thầy ra ghế salon. Nhìn thầy hồng hào trong bộ đồ trắng tinh tươm, chúng tôi rất mừng cho thầy. Bây giờ, thầy sống vui vẻ trong sự chăm sóc chu đáo của con cháu, thế là phúc đức dày lắm lắm. Đâu phải ai đến tuổi già được như thế đâu, dù tiền không thiếu.
Nói chuyện với thầy trò chúng tôi, GS. Lê Trí Viễn không nhận ra đâu là Trần Hữu Tá, đâu là Vu Gia, nhưng đọc thơ, bình thơ thì đầy xúc cảm. Tôi học được nhiều điều ở thầy Viễn về cảm nhận văn chương và tình yêu sư phạm. Theo GS. Lê Trí Viễn, làm thầy ngày nay không như mấy ông đồ ngày xưa. Làm thầy ngày nay phải vừa là thầy vừa là người anh nghiêm khắc. Khi làm lãnh đạo (thầy từng là Trưởng Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội), thì đừng để quan tính lấn nhân tính, nhưng không được xuề xòa trong công tác quản lý cán bộ. Mục đích là giúp anh em giữ được vai trò người thầy, người anh nghiêm khắc, nhằm tạo ra sức hấp dẫn của người thầy dạy văn. Dạy văn phải sống, phải say đắm với câu văn và con người trong nỗi đau mất mát, trong niềm vui đoàn tụ... Muốn được vậy thì người dạy phải đọc, phải nghiền ngẫm, phải chứng thực từ cuộc sống, rồi từ đó mới đủ khả năng truyền cho học trò cái kỳ diệu của văn chương.
Tác giả cùng GS.NGND Lê Trí Viễn (bên phải) - Ảnh: Trần Hữu Tá
Làm thầy là phải uyên bác
Đọc một số tác phẩm của tôi kính tặng, GS. Lê Trí Viễn vui lắm và động viên thường xuyên. Với thầy, giảng dạy cũng là một hình thức xuất bản tác phẩm của mình. Do đó, muốn dạy văn hay, viết có văn thì phải đọc, phải học, phải nghiền ngẫm để được sống với nhân vật, vui buồn cùng nhân vật. Có như vậy, ta mới truyền được cái hồn của văn chương đến với người nghe, người đọc. Người dạy, nhất là dạy văn cũng như người viết đừng biến mình là cái loa của ai đó, hoặc là cái máy cassette. Làm thầy là phải uyên bác. Làm thơ viết văn cũng phải uyên bác mới có chút gì đó gọi là thành tựu, còn ngược lại thì... vứt đi! Nói đến chi tiết này, thầy thường rướn thẳng người, giọng hùng hồn lắm. Thầy nói, uyên bác không phải của ai cho, kể cả ông trời. Muốn uyên bác thì phải học, phải đọc rồi biến thành máu thịt của mình. Ai ăn bắp mà đi ra bắp, thì người đó coi như đã lâm bệnh thập tử nhất sinh. Trong chuyện này, thầy phục Xuân Diệu lắm. Thầy nói Xuân Diệu “ăn bắp hột” mà “tiêu hóa tốt”, biến nó thành dưỡng chất giúp cơ thể vạm vỡ hơn. Thầy ngâm nga: Yêu là chết ở trong lòng một ít / Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu / Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu / Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết. Thầy khen, rồi... chỉ ra từng “hột bắp”: Yêu là chết ở trong lòng một ít xuất xứ từ câu thơ của Edmont Haraucourt: Partir, c’est mourir un peu (Đi là chết ở trong tròng một ít). Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu, xuất xứ từ câu mở đầu bài Sonnet của Arvert: Mon âme a son secret (Lòng ta chôn chặt mối tình). Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu xuất xứ từ câu: N’osant rien demandé, et n’ayant rien recu (Chẳng dám xin và chưa hề nhận được gì) của Arvert. Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết... là giỏi!
Sau ngày giải phóng, tôi có cơ duyên quen biết và được mấy vị lão làng xuất thân từ Khoa Ngữ Văn, Trường ĐHSP Hà Nội, cho phép “chơi trèo”, đã góp phần không nhỏ cho sự nghiệp cỏn con của tôi, trong đó có GS. Lê Trí Viễn. Kỷ niệm 60 năm thành lập Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội, tôi mạo muội kể mấy chuyện về GS.NGND Lê Trí Viễn như muốn bày tỏ tấm lòng của tôi với cái nôi đào tạo không ít chuyên gia đầu ngành về văn học cho nước nhà.
Vu Gia
GS.NGND Lê Trí Viễn (bên phải) cùng học trò - PGS.TS Trần Hữu Tá
Tác giả cùng GS.NGND Lê Trí Viễn (bên phải) - Ảnh: Trần Hữu Tá
Theo: thegioimoi.vn/