Phân chia ảnh hưởng và sự chi phối của con người trong cuộc đời, người ta thường nói tới mấy loại quyền là uy quyền, trí quyền và tâm quyền. Nghĩ về nhà giáo nhân dân, giáo sư Nguyễn Đình Chú, người thầy gần gũi và có nhiều ảnh hưởng tới mình, tôi vẫn luôn tự hỏi: sức chi phối của ông thuộc dạng nào đây? Và lần nào cũng một khẳng định: thầy Chú không có uy quyền. Thầy có trí quyền. Nhưng, trước hết và sâu xa nhất, là có tâm quyền. Một tâm quyền bền vững và sâu đậm, thể hiện cả trong cách sống lẫn xu hướng học thuật.
NGND. GS.Nguyễn Đình Chú (Thứ 2 từ trái sang)
Vẻ đẹp sâu xa trong nhân cách của ông là vẻ đẹp của lòng nhân ái. Sức sống của những bài giảng, bài viết của ông là sức sống của tinh thần nhân văn. Vị thế của ông trong giáo giới và văn giới nước nhà trước hết được xác lập bởi tâm quyền ấy. Đây là điều không phải giáo sư văn khoa nào cũng có được.
Ai gần Nguyễn Đình Chú đều nhận thấy ông là người rất dễ xúc động. Nói đến chuyện thương tâm, dù của người quen thân máu mủ hay của người xa lạ, dù trong đời thực hay trong sách vở văn chương, dù về một thân phận bi kịch hay chỉ là một nỗi éo le thường tình, bao giờ giọng ông cũng nghẹn ngào. Thường ông không thể cầm lòng, lệ cứ ứa ra. Ông phải vội quay mặt đi lau nước mắt. Và phải sau một lúc nghẹn lời rồi mới trở lại tiếp tục được. Đến bây giờ hơn tám mươi rồi, vào cái tuổi như Nguyễn Khuyến nói, hạt lệ như sương rồi, nhưng ông vẫn thế. Khi đứng thắp hương tổ tiên cùng con cháu, hay khi đứng trên bục giảng trước học trò, thậm chí cả khi chỉ ngồi hàn huyên trong văn phòng khoa cùng các đồng nghiệp già trẻ, ông đều thế. Trời sinh ra ông với giọt nước mắt ấy. Nó là giọt nước mắt nhân ái, ẩn sâu trong nhân cách của ông. Nó khiến ông dễ động lòng với những chuyện thương tâm. Nó hướng đạo ông trong cách sống, cách cảm nhận về giá trị trong đời sống, mà trước hết là cảm nhận cái tình cái nghĩa. Bởi thế, chả cần biết người khác nghĩ thế nào, riêng tôi, bao giờ tôi cũng thấy đó là lúc ông đẹp nhất. Khi ấy, tất cả nét nhân hậu, sự cảm thông của một tấm lòng cùng nét cao thượng ấm áp của một tâm hồn đều bừng sáng lên trên gương mặt nhòa lệ. Thậm chí, càng gắn bó với ông, tôi càng tin rằng: những giọt nước mắt ấy chính là vẻ đẹp Nguyễn Đình Chú. Vẻ đẹp của một chữ Tâm viết hoa.
Chẳng biết từ bao giờ, thầy Chú đã được sinh viên văn định danh là một ông đồ Nghệ. Gọi một giáo sư đại học là ông đồ Nghệ, nghe cứ thế nào… Ấy thế mà lại đúng. Tất nhiên, trước hết là bởi tấm lòng liên tài ở ông.Song, ngẫm ra, đó đâu đã là điểm thật khác biệt lắm. Các thầy Văn khoa mấy ai không thế. Cái điều không phải ai cũng dễ có là cái đức xả thân cứu trò. Học trò giỏi, ông quí, học trò khổ, ông thương. Nếu ai vừa giỏi vừa khổ thì xem như đã chiếm trọn trái tim của ông vậy. Ông đặc biệt thương những sinh viên, học viên gặp hoạn nạn. Biết học trò nào gặp nạn, kể cả tai nạn đời thường lẫn tai nạn chữ nghĩa, văn chương, bao giờ ông cũng xả thân. Ông gửi thư cho người có trách nhiệm, ông đích thân đến cửa này cửa khác, tác động, thuyết phục, rồi vận động các đồng nghiệp, bạn bè, những giáo sư có uy tín cùng tham gia. Có việc phải mất hàng tháng giời tích cực can thiệp mới xong.
Tôi nhớ, khi ấy là cuối năm thứ hai. Ngồi nghe ông giảng về Lục Vân Tiên, Ngư Tiều y thuật vấn đáp, rồi thơ điếu, thơ viếng, văn tế của Nguyễn Đình Chiểu, thấy lời ông uyên bác, hùng hồn, tế nhị, nhưng thỉnh thoảng cứ nghẹn ngào. Trong các tiết học, đâu có thiếu các tình huống vui với nụ cười rạng rỡ trên gương mặt đẹp nổi tiếng của ông, thế mà chẳng hiểu sao, cái tôi nhớ nhất lại là những lúc ông nghẹn lời. Như khi nói sâu vào tấm lòng, vào văn chương chở đạo, vào tư tưởng nhân nghĩa vừa nồng vừa sâu của Đồ Chiểu. Đặc biệt là nói về cái bi cái hùng của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại mà tinh thần của nó hẳn còn lưu mãi trong những câu bất hủ “Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều ; não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ”, hay “Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy / Mất ổ bầy chim dáo dác bay”, “Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo”… Ấn tượng còn lại trong tôi bấy giờ là: người giảng sao mà nặng tình nặng nghĩa đến vậy. Cách ông đến với nhà thơ mù đất Bến Tre này là tình cảm. Bằng tấm lòng, ông đã có được sự đồng cảm qua thế kỉ. Phải chăng đó là cái tạng riêng, là cách thức riêng của ông? Kết luận của tôi lúc ấy: muốn hiểu Nguyễn Đình Chiểu, phải học… Nguyễn Đình Chú!
Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi: một khoa như khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội rồi đây liệu có thể thiếu những con người như thầy Chú được không? Ai cũng biết khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội là khoa đầu ngành của toàn quốc. Đầu ngành không chỉ vì tuổi đời cao nhất, có bề dày truyền thống vào hàng số một, không chỉ vì nó đã đào tạo được số lượng sinh viên văn khoa sư phạm đông nhất nước, không chỉ vì từ đây đội ngũ cán bộ giảng dạy được san sẻ đi khắp nơi làm nòng cốt cho hầu hết các khoa văn đại học trong toàn quốc. Đầu ngành chủ yếu vì vị thế khoa học và uy tín sư phạm thuộc hàng đầu đối với cả quốc gia. Tạo dựng nên ngôi vị của một đơn vị khoa học, hẳn nhiên, vai trò chính phải thuộc về một tinh thần khoa học. Nhưng đó chưa phải là khác biệt của một đơn vị khoa học chuyên về văn chương. Một đơn vị khoa học văn học chân chính bao giờ cũng phải tạo cái nền, nuôi cái gốc là tinh thần nhân văn. Không phải nhân văn trong lí thuyết, trong sách vở. Mà nhân văn ngay trong đời sống, trong cách sống của mỗi nhà khoa học văn học vốn đồng thời là một ông thầy sư phạm. Không có điều đó, xem như ngôi đền này không có móng. Không có điều đó, xem như những lời rao giảng dù văn hoa, hay ho, cao đạo đến mấy cũng không có bảo hành, không có tín chấp. Rất may, ngôi đền Văn khoa Sư phạm Hà Nội có được cái móng này.
Cái móng bề thế già nửa thế kỉ vẫn vững vàng ấy của khoa Văn Sư phạm Hà Nội được bồi đắp bởi những con người như thầy Nguyễn Đình Chú. Có lẽ bất cứ ai đã từng được học ông, được làm việc với ông đều dễ dàng nhận thấy như vậy.
Chu Văn Sơn