Nguyễn Lương Ngọc là nhà hoạt động văn hóa – giáo dục, hoạt động sân khấu (viết kịch bản và diễn xuất), nhà lí luận phê bình và giảng dạy văn học. Ông sinh ngày mồng 10 tháng 10 năm 1910 trong một gia đình công chức tại làng Áng Sơn, tổng Quán Vinh, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình, nay là thôn Áng Sơn, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Từ bé, ông đã xa gia đình lên học ở Hà Nội.
Tốt nghiệp trường Bưởi đúng vào thời kì kinh tế thế giới khủng hoảng trầm trọng đầu những năm 30, ông phải làm việc lặt vặt để kiếm sống. Sau đó, ông dạy ở trường tư thục Gia Long cho mãi đến năm 1945
Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường ông đã tham gia viết bài cho các báo hàng ngày thời đó. Và khi đi dạy, ông đã lần lượt cùng với các bạn hữu như các ông Thế Lữ, Vũ Đình Liên, viết nhiều truyện ngắn, tiểu luận và phê bình văn học đăng trên các báo Tinh hoa, Thanh nghị…
Những truyện ngắn của ông chủ yếu đăng trên tờ Thanh nghị, chưa biểu lộ khuynh hướng gì rõ rệt, thường là kể những chuyện là lạ, hơi buồn cười. Truyện Con lợn giống kể chuyện một anh chàng ngày ngày dắt rong con lợn đực khắp phố phường cho người ta lấy giống để hưởng tiền công. Truyện Nấu rượu lậu kể chuyện mấy người dân quê tránh Tây đoan, lén lút nấu rượu lậu trong hang núi, giữa chừng nghe tiếng động sỏi đá, tiếng chân rón rén, vội đập vỡ dụng cụ, chạy thoát thân. Dè đâu, khi ra khỏi hang, chỉ thấy mấy chú dê con rảo bước (!).
Là biên tập thường trực của tờ Tinh hoa, ông đã viết khá nhiều, hầu như số nào cũng có bài, chủ yếu là phê bình văn học. Ông đã phê phán các cuốn tiểu thuyết Lạnh lùng, Giông tố… Ông cũng có ghi nhận phần nào ý thức chống phong kiến ở Nhất Linh, và cách xây dựng nhân vật sắc nét ở Vũ Trọng Phụng…
Tờ Tinh hoa chỉ ra được 13 số thì phải đình bản, vì không đủ tiền trả cho nhà in. Ông đã cùng Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Đỗ Cung…cho ra Xuân thu nhã tập. Tuy nằm trong xu hướng bế tắc chung, nhưng mấy bài viết của Nguyễn Lương Ngọc cũng khơi gạn được một đôi nhân tố bất bình với cuộc sống tầm thường, vô vị, một ít khát khao đi đến lối thoát mơ hồ về dân tộc. Cũng trong thời gian này, ông tham gia nhóm kịch nói “Tinh hoa”, diễn một số vở, trong đó có Ngã ba của Đoàn Phú Tứ, đồng thời cũng học hát chèo, và đã bước đầu cùng với Nguyễn Xuân Khoát nghiên cứu nghệ thuật chèo.
Cách mạng tháng Tám thành công, nhà giáo – nhà văn Nguyễn Lương Ngọc được nhân dân đề cử làm Chủ tịch khu phố Đông Thành. Vừa hăng hái góp phần xây dựng chính quyền mới ở cơ sở, ông vừa tích cực tham gia viết bài trên các báo mới như tờ Độc lập…
Cuối năm 1946, giặc Pháp khởi hấn ở thủ đô, ông vào Thanh Hoá tham gia đoàn kịch kháng chiến Liên khu IV, vừa viết kịch bản vừa đi biểu diễn lưu động khắp hai tỉnh Thanh, Nghệ. Hai vở kịch Cây đèn, Gia đình họ Bạch được biểu diễn nhiều lần và được Ty Thông tin Thanh Hoá cho in lại. Vở thứ nhất kể chuyện một ông đồ thời kháng chiến bị Tây bắt tra khảo tại nhà, nhưng không khuất phục khai báo một lời. Người con nuôi của ông đồ nghĩ ra cái mẹo đốt pháo quanh nhà để bọn lính Pháp ngờ bị đánh úp, nên đứa tháo chạy, đứa ẩn núp. Khi bọn giặc bao vây ở vòng ngoài bắn vào thì ông đồ giương cao cây đèn và di động qua lại, thu hút nhiều hoả lực dữ dội hơn. Cuối cùng, ông đồ hy sinh, nhưng nhiều tên giặc cũng thiệt mạng. Vở kịch thứ hai kể chuyện giặc Pháp đến chiếm đóng ở một thôn nọ, bắt gia đình họ Bạch phục dịch cơm nước, rượu thịt cho chúng. Bên ngoài thì khuất phục, nhưng gia đình này đã quyết tâm đánh thuốc độc bọn giặc. Chúng nghi ngờ, bắt cả gia đình phải ăn trước, chúng nhậu nhẹt theo sau. Kết quả là cả gia đình họ Bạch đều hy sinh, nhưng cả bọn giặc cũng bỏ mạng.
Năm 1948, Nguyễn Lương Ngọc được giao phụ trách hai khoá bồi dưỡng cán bộ văn nghệ của Liên khu IV. Ông còn tham gia công tác mặt trận, làm Chủ nhiệm Việt minh và Phó hội trưởng Hội Liên Việt tỉnh Thanh Hoá. Năm 1949, ông được điều ra Việt Bắc làm Hiệu phó trường sư phạm trung cấp Trung ương đóng ở vùng chợ Rạng, Phú Thọ. Năm 1951, ông lại được điều trở lại Nghệ An làm Phó Giám đốc giám đốc Sở Giáo dục Liên khu IV. Trong thời gian này, ông có tham gia giảng dạy ở phân hiệu Dự bị đại học tại Nghệ An.
Năm 1954, thủ đô được giải phóng, ông được điều về Hà Nội giảng dạy ở trường Đại học Sư phạm Văn khoa. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập, ông được cử làm chủ nhiệm khoa Văn-Sử kiêm tổ trưởng của bộ môn Lý luận văn học cho mãi đến năm 1963. Vừa giảng dạy, ông vừa tham gia nghiên cứu và sáng tác. Cùng với Đinh Gia Khánh, ông đã phiên âm chú thích tác phẩm Thiên Nam ngữ lục (Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1958); kỷ niệm Nguyễn Đình Chiểu năm 1963, ông đã viết một vở kịch về nhà thơ –chiến sĩ này (chưa xuất bản). Ông cũng có tham gia giới thiệu những danh nhân văn hoá thế giới như Phác Chí Nguyên vào năm 1957 và Giăng Giắc Rútxô vào năm 1962. Đặc biệt, trong thời gian này ông đã cho công bố một cách hệ thống bộ giáo trình lý luận văn học mác-xít đầu tiên ở nước ta bao gồm Sơ thảo nguyên lý văn học (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1958) bàn về những nguyên lý tổng quát của văn học; Mấy vấn đề nguyên lý văn học, 2 tập (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1961) trình bày những vấn đề lý luận về tác phẩm, về thể loại và phương pháp sáng tác trong văn học. Ưu điểm nổi bật của bộ giáo trình là đã cố gắng quán triệt những quan điểm văn nghệ mác-xít, đồng thời cũng hết mực lưu tâm đến thực tiễn văn học nước nhà từ cổ chí kim. Mặc dù có một ít thiếu sót khó tránh khỏi của một công trình khai phá, bộ giáo trình này của Nguyễn Lương Ngọc vẫn là một nền móng tin cậy cho việc tiếp tục xây dựng bộ môn lý luận văn học mác-xít Việt Nam trong nền đại học nước nhà.
Năm 1963, ông được điều động về làm Viện phó rồi Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục. Bốn năm sau, ông lại trở về trường Đại học Sư phạm Hà Nội I với cương vị Hiệu trưởng trong gần suốt mười năm cho đến lúc về hưu. Bận rộn với công tác quản lý, nhất là trong thời gian chiến tranh chống Mỹ, ông vẫn tham gia nhiều công tác học thuật, nhất là những môn khoa học về ngữ văn. Ông đã là chủ biên nhiều công trình: Từ điển học sinh (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1971), Cơ sở lý luận văn học, 4 tập (Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1975-1978), Cơ sở lý luận văn học (Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1980-1984). Cùng với Hoài Thanh, Nguyễn Công Hoan, Phạm Huy Thông, Trần Quang Huy, Nguyễn Kim Thản, ông đã tham gia Hội đồng duyệt sách cho một công trình có tính chất nhà nước, cuốn Ngữ pháp tiếng Việt (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983), viết lời tựa cho cuốn Lỗ Tấn, nhà lý luận văn học (NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1977)…
Gần nửa thế kỷ qua, GS. Nguyễn Lương Ngọc đã làm nhiều việc, hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Nhưng gương mặt tài hoa của nhà giáo trẻ trường tư ở phố Phạm Phú Thứ bên chợ Hàng Da năm xưa như đã báo hiệu một duyên nợ với văn chương suốt đời của ông. Qủa vậy, khi tuổi già sức yếu, tuy đã nghỉ hưu vui vầy bên đàn cháu nhỏ ở căn gác hai một ngôi nhà cũ kỹ trên phố cổ Châu Long bên đê sông Hồng, ông vẫn viết đều đặn những chuyện thiếu nhi vui tươi, hàm súc.
Từ một trí thức trong xã hội cũ, nhờ ánh sáng của cách mạng, Nguyễn Lương Ngọc đã trở thành một nhà hoạt động văn hoá, văn nghệ có tên tuổi trong suốt bốn mươi năm qua. Ông đã “lập công” nhiều trong giáo giới, “lập ngôn” không ít trong văn giới. Nhưng kết tinh hơn cả vẫn là đức độ. Dù làm quản lý hay chuyên môn, giảng dạy hay nghiên cứu, ông đối với công việc đều mẫu mực, hết lòng, danh lợi không màng và không bao giờ tranh đua hơn thiệt. Mà điều này nghĩ đến cùng, vẫn rất thiết yếu đối với văn chương.
Đức độ trong sáng trọn đời của Nguyễn Lương Ngọc vẫn là một bài thơ không vần ngân nga mãi trong lòng ít ra là của những ai có dịp tiếp xúc và làm việc với ông trong mấy thập kỉ qua.
GS. TSKH. Phương Lựu