Khoảng giữa tháng 11 năm 1974, khi ấy tôi đang là phó bí thư BCH Đoàn trường ĐHSP Hà Nội I (trường gồm các khoa xã hội) phụ trách công tác chuyên môn được thầy Hiệu trưởng GS. Nguyễn Lương Ngọc gọi đến làm việc với Thầy. Trong căn phòng ấm áp của buổi chiều mùa đông Thầy bảo tôi báo cáo về tình hình học tập của đoàn viên và vai trò của đoàn trong việc thực hiện phong trào “Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”. Rất may cho tôi bởi vì trước đó mấy ngày BCH Đoàn trường đã sơ kết phong trào này để chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Tôi giở cuốn sổ tay báo cáo lần lượt từng vấn đề. Thầy chăm chú nghe và có lúc tôi thấy Thầy ghi điều gì đó vào cuốn sổ để trước mặt. Báo cáo của tôi bị dừng lại ở nhiều chỗ mỗi khi Thầy yêu cầu tôi nói cho rõ hơn, cụ thể tình hình học tập và tu dưỡng của đoàn viên. Nghe báo cáo xong Thầy nhẹ nhàng bảo tôi:
- Đoàn trường chăm lo tới công việc học tập của đoàn viên sinh viên như vậy là rất tốt nhưng tinh thần tự giác học tập và rèn luyện của đoàn viên thế nào? Nếu họ không tự giác thì mọi phong trào chỉ là hình thức. Thầy nhấn mạnh:
- Mọi tổ chức trong Nhà trường đặc biệt là Đoàn thanh niên và đội ngũ các thầy giáo phải làm sao giáo dục để tất cả sinh viên phải có tinh thần tự giác mới có thể biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo.
Tôi hiểu những lời nói ân cần của Thầy vừa có ý khen ngợi tổ chức đoàn đã tổ chức được phong trào học tập nhưng Thầy cũng chỉ cho tôi hiểu rằng: phong trào chưa có chiều sâu, chưa trở thành ý thức tự giác của quần chúng. Thầy rời khỏi chiếc ghế và bước lại sát bên tôi, Thầy bảo: Thầy muốn dự sinh hoạt với một chi đoàn (thời kỳ này tất cả sinh viên sư phạm đều là đoàn viên) vào một tối nào đó cũng được. Tôi ngỡ ngàng bởi công việc của Thầy bận rộn, tuổi Thầy lại cao nhưng tôi mừng vô cùng bởi lần đầu tiên công tác ở một trường đại học tôi thấy thầy Hiệu trưởng đến dự sinh hoạt với một lớp học trò.
Theo lời dặn của Thầy 7 giờ kém 15 phút tối thứ tư tôi đón Thầy từ Nhà Hiệu bộ đi xuống Nhà C, đây là các dãy nhà đặt lớp học của các khoa khi ấy, toàn là nhà tranh vách đất (thời kỳ này có phong trào tối thứ tư hàng tuần dành cho đoàn viên sinh hoạt tập thể). Thầy và tôi bước vào một lớp của sinh viên khoa Ngữ Văn. Tất cả các bạn đều ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của Thầy. Tôi đứng dậy giới thiệu Thầy và 50 anh chị em sinh viên vô cùng phấn khởi vừa vỗ tay vừa tiến sát lại gần Thầy. Thầy giơ tay chào và ra hiệu cho mọi người ngồi xuống thực hiện chương trình sinh hoạt đã đề ra. Đồng chí bí thư chi đoàn báo cáo sơ kết đợt thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Thầy chăm chú nghe bản báo cáo này khoảng 20 phút và tôi thấy Thầy rút cuốn sổ tay nhỏ trong túi ra ghi những ý kiến của sinh viên khi họ thảo luận. Trong nhiều ý kiến của sinh viên tôi thấy có những lời khen, có ý kiến phê bình, có những lời đề nghị rất thiết thực như: lớp học mưa to bị dột, thư viện phục vụ sinh viên chưa tốt, nhà ăn còn thiếu nước uống v.v… Sau chương trình văn nghệ cây nhà lá vườn hát cho nhau nghe, cả lớp đứng bật dậy vỗ tay hồi lâu khi nghe thầy Hiệu trưởng phát biểu. Thời gian Thầy nói chỉ khoảng 5 phút, Thầy khen lớp sinh hoạt có nội dung, có tinh thần xây dựng, Thầy mong mọi người cố gắng hơn nữa; Thầy hứa sẽ giải quyết những ý kiến nghị chính đáng của sinh viên… Tiếng vỗ tay cứ vang lên từng đợt qua lời nói trìu mến của Thầy. Chia tay với lớp, tôi theo Thầy về lúc ấy đã 10 giờ 30 phút khuya trước những làn gió đông se lạnh.
Sau buổi theo Thầy đến dự sinh hoạt với sinh viên khoa Ngữ Văn, khoảng 10 ngày sau tôi gặp lại các bạn sinh viên lớp này và vô cùng cảm động khi biết rằng lớp học bây giờ mưa không dột, thư viện phục vụ bạn đọc tốt hơn… chỉ qua hai lần tôi được trực tiếp làm việc bên Thầy tôi cảm nhận được nhiều điều vô cùng bổ ích về sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể, về tác phong giản dị gần gũi quần chúng, về tinh thần trách nhiệm cao của người thầy lớn, Thầy Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội - GS. Nguyễn Lương Ngọc.
NGƯT. Phạm Đăng Dư - Khoa Ngữ Văn