Kháng chiến bùng nổ, ông được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hoá và chủ trì Tạp chí Sáng tạo của văn nghệ sĩ Liên khu IV. Sau đó ông được bầu làm Chủ tịch Hội Văn hoá Việt Nam. Mặc dù không khỏe lắm, bệnh đau dạ dày đeo bám ông suốt đời, song bao giờ ông cũng rất quan tâm tới công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ làm văn hoá, văn nghệ.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, dù bận đến mấy, ông vẫn tích cực tham gia giảng dạy ở Đại học Văn khoa Liên khu IV, rồi từ năm 1952 làm Hiệu trưởng Trường Dự bị đại học và Sư phạm cao cấp Liên khu IV. Hoà bình lập lại ở miền Bắc, ông làm Chủ nhiệm khoa Văn, rồi làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ năm 1960 ông làm Viện trưởng Viện Văn học, kiêm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
|
GS Đặng Thai Mai (trái) và nhà văn Quách Mạt Nhược (Trung Quốc). |
Có thể nói Đặng Thai Mai đã hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là đào tạo và xây dựng đội ngũ làm văn hoá, nghệ thuật Việt Nam. Ông là người trọng nghĩa khinh tài, không màng danh lợi, không ham chức tước. Điều quan trọng nhất đối với ông là cái tâm, là ý thức đóng góp cho dân cho nước, là khả năng thực hiện nhiệm vụ, là tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công việc. Với người làm công tác trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, chỉ đọc văn học thôi thì chưa đủ, phải đọc cả lịch sử và nghiên cứu rộng ra các vấn đề văn hoá nói chung. Vả lại cũng đừng nôn nóng ăn xổi, ở thì, hãy đọc thật nhiều, đọc thật sâu, nghiền ngẫm thật kỹ, rồi hãy viết. Mà viết cái gì chắc cái đó, "quí hồ tinh, bất quí hồ đa".
Bản thân Giáo sư Đặng Thai Mai sau bao nhiêu năm tích luỹ tư liệu, nghiền ngẫm văn chương, mãi đến 40 tuổi, đủ độ chín, ông mới chính thức bước vào văn đàn. Có lẽ vì vậy, ông đã "sáng tạo văn chương bác học: Vững vàng, dứt khoát mà uyển chuyển, tinh tế trong đường nét giao lưu, uyên thâm mà có dáng hài hước, trào lộng khi cần, từng trải, thành thạo việc đời, khoa học mà trữ tình ở nhiều tầng sâu kín" - Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh.
TSKH Đoàn Hương nhận xét về người thầy của mình: "GS Đặng Thai Mai là một bộ bách khoa mà trong thế kỷ XX ở Việt Nam không có nhiều. Chỉ nhìn các tác phẩm của thầy để lại là thấy chiều dài, chiều rộng và chiều sâu trải suốt các thế kỷ ở Việt Nam và từ Âu sang Á, vậy mà thầy lại có tác phong làm việc hết sức tỉ mỉ và khiêm tốn". Còn nhà văn, nhà viết kịch Tào Mạt thì khẳng định: "Cách mạng dạy tôi nhân cách làm người. Thầy Mai dạy tôi nhân cách làm văn".