Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu
Sức hấp dẫn của một tài năng và nhân cách lớn
GS. Phan Trọng Luận
Năm 1950 Thanh Chương ở Nghệ An là nơi đặt trụ sở của Uỷ ban Liên Khu IV, Tỉnh uỷ, uỷ ban hành chính Nghệ An cũng đóng ở vùng này. Xung quanh có các trường trung cấp sư phạm và trường Dự bị đại học ở ngay Rạng. Cách Rạng mấy cây số là Bạch Ngọc, có trường Huỳnh Thúc Kháng, một trường phổ thông danh tiếng và trường sư phạm sơ cấp. Học sinh và giáo viên trẻ trung khá đông vui. Bên kia sông có trường Đặng Thúc Hứa. Có thể nói Thanh Chương hồi bấy giờ là trung tâm văn hoá của khu IV cũ. Vùng Bình Trị Thiên thì đang sống trong khói lửa chiến tranh. Những ngày ấy, các cuộc sinh hoạt văn hoá thưa thớt thường tổ chức vào đêm. Nhưng bao giờ cũng đông vui náo nức. Một lần không quên là cuộc nói chuyện của thầy Trần Văn Giàu do ông Hải Triều ở Sở thông tin văn hoá tổ chức, nhân dịp thầy vào giảng bài cho lớp Dự bị đại học chúng tôi. Đình Rạng treo đèn măng sông sáng trưng. Người đến nghe từ các cơ quan Tỉnh và Khu rất đông. Giờ khai mạc sắp đến thì không may trời đổ mưa như trút hàng giờ. Ai cũng nghĩ chắc là cuộc nói chuyện phải hoãn. Nhưng mới ngớt cơn mưa đã thấy thính giả ùn ùn kéo đến. Các vị lãnh đạo chính quyền, đoàn thể, các thầy giáo, học sinh các trường đều có mặt. Kể cả những vị như học giả Cao Xuân Huy. Mở đầu buổi nói chuyện, ông Hải Triều giới thiệu: “Thưa các đồng chí, các bạn, lâu nay các đồng chí và các bạn vẫn cho tôi là người hùng biện. Nhưng hôm nay tôi xin giới thiệu một người hùng biện hơn tôi nhiều, đó là đồng chí Trần Văn Giàu.” Hội trường vỗ tay như sấm ran vang cả ngọn đồi Rạng. Và diễn giả bước lên. Chưa nói gì, hai mắt sáng quắc, cứ đứng nhìn … hội trường im phăng phắc. Hôm sau chúng tôi mới được thầy cho biết đó là nghệ thuật hùng biện cuốn hút thính giả từ ngay giây phút đầu tiên. Nhưng chúng tôi hiểu trước hết thực chất là lòng ngưỡng mộ tài danh một con người mà giờ đây mới được tận mắt tiếp kiến. Một thanh niên tài giỏi, niềm hi vọng của cả dòng họ dám từ bỏ mọi ước nguyện của gia đình giàu có bậc nhất đất Nam Bộ để dấn thân vào con đường cách mạng. Một trí thức Việt Nam đầu thế kỉ 20 đã hoạt động lừng danh trên đất Pháp. Một người từng vào tù ra khám nhiều lần. Một trí thức am tường văn hoá Pháp và cũng là người sớm được học tập ở Đại học phương Đông danh tiếng cùng nhiều lãnh tụ cách mạng ngay trên xứ sở của Cách mạng tháng 10. Đó là con người từng lãnh đạo Nam kì khởi nghĩa và cũng là người lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn … Trong con mắt mọi người, Trần Văn Giàu đang hiện diện trên diễn đàn bừng sáng hấp dẫn đầy ngưỡng mộ. Và quả thật danh bất hư truyền. Tầm nhìn trí tuệ, nhiệt huyết và nghệ thuật hùng biện qua từng câu chuyện thời sự kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ đã cuốn hút mấy trăm thính giả đêm hôm đó để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mỗi ngưòi lần đầu tiên được biết Trần Văn Giàu một chính khách, một nhà văn hoá lớn của đất nước.
Hồi ấy, phân hiệu Dự bị đại học đóng ở Thanh Chương. Thầy Giàu ở Thanh Hoá đến kì lên lớp đạp xe vào giảng bài. Mỗi đợt thầy vào là chúng tôi học liên tục các buổi tối, khi tình hình máy bay không căng thẳng thì học cả ban ngày. Có khi liên tục cả tuần chỉ học Triết nhưng thật đặc biệt giờ học nào cũng hứng thú, cũng hấp dẫn. Tuổi trẻ những năm đầu Cách mạng đang say sưa lí tưởng, thông tin lại ít ỏi, tài liệu không có gì, Chúng tôi khao khát nuốt lấy từng lời giảng. Về triết học hồi bấy giờ chỉ có cuốn Macxit phổ thông của Hải Triều, cuốn triết học của Pôlitzer, Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác hoạt động cũng thưa thớt. Những bài học vỡ lòng về triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử mà thầy cung cấp cho thật mới mẻ thật thú vị và bổ ích. Bài giảng của thầy không phải là sách vở kinh viện mà luôn gắn với những vấn đề nóng bỏng thiết thực của cuộc sống. Cách giảng của thầy lại sinh động cụ thể. Có lần anh bạn trong lớp hỏi thầy vũ khí phê tự phê lợi hại như thế đối với người cách mạng vậy thì kẻ địch có thể sử dụng được không? Thầy giơ cây bút Parker trong túi ra và nói: “Cái bút quí này đưa cho con khỉ nó có dùng được không?”. Cả lớp cười ồ rồi thầy giảng cho ý nghĩa lí luận của vấn đề từ góc độ triết học và đấu tranh giai cấp. Thầy vẫn thường nói “Tôi không phải là triết gia, Trần Đức Thảo mới là triết gia”. Nhưng triết học của thầy là triết học của đời sống, của thực tiễn, triết học của một con người đã hoà máu thịt của mình vào cuộc sống của nhân dân đất nước nên nó có sức hấp dẫn và giá trị chỉ đường sâu sắc lâu bền. Lớp học chúng tôi hồi bấy giờ ra đời công tác đều trưởng thành trên nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng những bài học triết học thầy trao cho là những cẩm nang quí giá suốt cả cuộc đời. Có những luận điểm như giai cấp vô sản là giai cấp vô tư nhất trong lịch sử. Nó đấu tranh tiêu diệt giai cấp bóc lột và tự thủ tiêu luôn chính mình khi đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang. Luận điểm khoa học đó đang chờ sự kiểm nghiệm chắc còn dài lâu của lịch sử nhân loại. Nhưng trong thời điểm bấy giờ khi mà Đảng đang hoạt động bí mật, dân chúng chưa hiểu nhiều về những người cộng sản thì lời giảng của thầy gieo vào tâm trí tuổi trẻ chúng tôi niềm tin đẹp đẽ vào phẩm chất cao cả và cao thuợng của những người cách mạng đang lãnh đạo cuộc kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp. Triết học thầy dạy cho là triết học của cuộc sống, là triết học làm người, là vũ khí tư tưởng, là phương pháp luận khoa học. Anh chị em chúng tôi mỗi khi nói về những giờ triết của thầy, ai cũng thấm thía một điều là thầy đã trang bị cho một phương pháp tư duy biện chứng khoa học để tránh được những suy nghĩ cực đoan phiến diện hay chao đảo. Đó là chìa khoá vàng thầy đã trao cho từ tuổi thanh niên qua những giờ triết học vỡ lòng, có ý nghĩa khai tâm. Thầy đã để lại một kinh nghiệm quí giá về phương pháp giáo dục triết học cho nhà trường cách mạng mà chúng ta chưa biết khai thác và kế thừa để làm cho vịêc dạy học triết ngày nay thực sự bổ ích cho tuổi trẻ chứ không phải là những giờ “chết học” như nhiều sinh viên vẫn kêu ca.
Khoá Dự bị đại học đầu tiên và Sư phạm cao cấp kết thúc thì cũng vừa kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thầy về Hà Nội có giảng dạy triết học một phần. Sau đó thầy chuyên tâm nghiên cúu và giảng dạy sử học, một lĩnh vực khoa học mà lần đầu tiên thầy nhập cuộc sau bao nhiêu năm trời sôi nổi hoạt động trên chính trường. Khởi đầu sự nghiệp một chuyên ngành khoa học ở tuổi 50 nhưng nhanh chóng đã trở thành một tên tuổi sáng giá, một học giả tài ba trong giới sử học nước nhà. Và đã để lại cho đời hàng trăm công trình nghiên cứu xuất sắc. Thử hỏi bí quyết nào đã tạo nên thành công. Tôi nghĩ giới sử học và giới khoa học chúng ta không phải chỉ nghiên cúu kề thừa thành tựu khoa học thầy đã để lại mà cần đi sâu nghiên cứu những bí quyết nào, những nhân tố nào đã tạo nên một nhà khoa học xuất sắc như vậy tuy thầy đến với nó khá muộn màng, muộn màng mà vẫn rực rỡ. Khoa học về phương pháp luận ở ta còn chậm phát triển. Khoa học chỉ mới dừng lạỉ ở thành tựu thông tin, ở kết quả nghiên cúu mà chưa đi vào lĩnh vực tư duy và phương pháp luận khoa học, nhân tố quyết định hàng đầu cho công việc nghiên cứu. Gần đây những nghiên cứu về hiện tượng Leonardo da Vinci cho thấy vì sao nhân loại lại có được một mẫu mực toàn diện, một con ngưòi thiên tài đến như vậy. Có nhiều dự đoán của ông đã đi trước nhiều ngành khoa học. Có nhiều câu hỏi đặt ra từ thành công của nhà khoa học Trần Văn Giàu. Có những liên hệ gì giữa hơn nửa đời hoạt động chính trị xã hội với công việc sử học? Cái vốn sống phong phú của nhà chính trị, nhà cách mạng đã giúp ích gì cho sự thành công trong nghiên cứu sử học và khoa học xã hội nhân văn? Mối quan hệ tương hỗ giữa triết học và các khoa học khác là gì? Những yếu tố nào tạo thành tài năng của nhà nghiên cứu sử học, khoa học xã hội và nhân văn? Bí quyết nào giúp cho việc tiếp cận và làm chủ được khối lượng thông tin khoa học lịch sử không phải không đồ sộ của những người đi trước khi bản thân mới nhập cuộc? Vai trò của phương pháp luận có ý nghĩa quyết định như thế nào trong việc thẩm định một cách khách quan lịch sử đã qua? Niềm say mê cống hiến, bản lĩnh làm người có ích cho dù cuộc sống trải qua bao biến cố có ảnh huởng như thế nào đến con đường nghiên cứu của một nhà khoa học? Khả năng đào tạo và tập hợp đội ngũ của một nhà khoa học tầm cỡ đã để lại những kinh nghiệm quí báu như thế nào? Thầy đã đào tạo được nhiều nhà khoa học sáng giá cho đất nước về sử học, về văn học, về khoa học xã hội nhân văn... Tôi cứ nghĩ miên man bao điều, cố tự giải đáp cho mình, càng nghĩ càng thấm thía những bài học quí giá thầy đã để lại cho đời trên con đường làm cách mạng cũng như trên lĩnh vực khoa học.
16/12/2010 - Ngày biết tin Thầy đã ra đi thọ 100 tuổi
Phan Trọng Luận
Nguồn: www.vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song/cuoc-song-quanh-ta/1635-suc-hap-dan-cua-mot-tai-nang-va-nhan-cach-lon-.html
Thông tin về việc bổ sung và đính chính Tiểu sử Giáo sư Trần Văn Giàu
Sau khi đăng ý kiến “đề nghị đính chính và bổ sung cống hiến của Giáo sư Trần Văn Giàu đối với ngành Sư phạm Việt Nam” của ThS Nguyễn Bá Cường - Bí thư Đoàn trường (22/12/2010), Ban biên tập website hnue.edu.vn đã nhận được ý kiến phản hồi và nhiều bài viết liên quan, khẳng định sự sai sót trong “Tiểu sử đồng chí Trần Văn Giàu” (giai đoạn 1954) đã được công bố. Chúng tôi xin thông tin như sau:
1/. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, thông tin sai sót đó, có thể bắt nguồn từ một bộ sách đồ sộ, đáng tin cậy – “Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 2”.
Nguồn: http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn
2/. Ngay trong sáng 23 tháng 12 năm 2010, Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Thành viên Ban tổ chức Lễ tang Giáo sư Trần Văn Giàu, sau khi nhận được ý kiến đề nghị của ThS Nguyễn Bá Cường, đã gửi thư điện tử, cho biết: “Khi nghe và xem thông báo lễ tang Giáo sư Trần Văn Giàu, tôi cũng đã phát hiện mấy sai lầm trên. Tôi sẽ gửi thêm mấy thông tin của tôi cho Ban lễ tang.”
Cũng trong sáng ngày hôm đó, Báo Sài Gòn giải phóng Online đăng bài “GS Trần Văn Giàu - cây đại thụ của nền sử học Việt Nam” của Giáo sư Phan Huy Lê, trong đó có đoạn viết: … “Tôi được thụ giáo GS Trần Văn Giàu từ năm 1952 khi ra Thanh Hóa học trường dự bị đại học do GS làm giám đốc. Trước đó, năm 1951 GS từ Việt Bắc được cử vào khu IV để xây dựng một trung tâm đào tạo đại học về khoa học xã hội và nhân văn, lúc đó gọi là Văn khoa, gồm Trường Dự bị đại học và Sư phạm cao cấp. GS giảng môn triết học Mác gồm ba giáo trình: Biện chứng pháp, Vũ trụ quan và Duy vật lịch sử.
… Năm 1954, sau khi tiếp quản Hà Nội, GS Trần Văn Giàu được cử về tiếp quản nền đại học và các lớp dự bị đại học chúng tôi cũng về thủ đô tiếp tục học năm thứ hai Trường Đại học Sư phạm - văn khoa - khoa học. Tuy mang tên ba trường nhưng hoàn toàn học chung, cùng lớp, cùng thầy, cùng môn học. Tôi và anh Trần Quốc Vượng học Ban sử-địa, sau anh Đinh Xuân Lâm là giáo viên phổ thông cũng được vào thẳng năm thứ hai.
Lúc này, GS Trần Văn Giàu mới bắt đầu chuyển sang dạy môn lịch sử cận-hiện đại Việt Nam. GS Giàu đã viết trong Lời nói đầu của sách “Chống xâm lăng”: “tôi vốn không phải là một nhà sử học mà lúc đầu do yêu cầu làm công tác tuyên truyền, rồi sau là do trách nhiệm giáo dục đại học, mà đi vào nghiên cứu lịch sử”. GS tâm sự với chúng tôi: “Năm 1955-1956, tôi nghiên cứu đến đâu, viết đến đâu thì đem ra giảng ngay cho các chú đến đó và chính các chú đã thôi thúc tôi hoàn thành bộ sử đầu tay “Chống ngoại xâm” (1956)”. Cũng vì thế, trong Lời nói đầu của bộ sách, GS đã “cảm ơn anh chị em học sinh năm thứ ba (1955-1956) Ban sử địa của Trường Đại học Sư phạm-Văn khoa”.”…
Nguồn: http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2010/12/246576/
3/. Báo Nhân dân Online đăng bài của PGS, TS Phan Xuân Biên - Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Hội đồng Khoa học Xã hội TP Hồ Chí Minh: “Vĩnh biệt Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu”, trong đó có viết: “… Giáo sư Trần Văn Giàu là người thầy của nhiều thế hệ nhà giáo Việt Nam…
Năm 1951 ông được điều động về Khu 4 (Thanh - Nghệ) làm thầy giáo ở Dự bị Ðại học và Sư phạm cao cấp cho đến 1954. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông được cử về tiếp quản các trường đại học ở Hà Nội. Trên cơ sở Trường Dự bị đại học, Sư phạm cao cấp từ Khu 4 và Trường đại học Văn khoa, Ðại học Khoa học ở Hà Nội thành lập Trường đại học Sư phạm, Ðại học Văn khoa và Khoa học, ông Trần Văn Giàu giữ cương vị Bí thư Ðảng ủy nhà trường, đồng thời trực tiếp giảng dạy các môn khoa học chính trị, triết học, lịch sử cận hiện đại thế giới và Việt Nam. Năm 1956, khi Trường đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Ðảng ủy, kiêm chủ nhiệm sáng lập Khoa Sử. Học trò ông sau này đã trở thành những tên tuổi lớn của nền Sử học Việt Nam...”
Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhan-dan-i-n-t/th-i-s/chinh-tr/ki-n/v-nh-bi-t-giao-s-nha-giao-nhan-dan-anh-hung-lao-ng-tr-n-v-n-giau-1.279228#VAcWrJuI0aie
4/. Website Đại học Quốc gia Hà Nội đăng bài “Giang sơn nhỏ lệ khóc Anh hùng!” của tác giả Phạm Hồng Tung tưởng nhớ GS Trần Văn Giàu, nêu rõ: … “Trần Văn Giàu - học giả lớn, người Thầy lớn
Tháng 11 năm 1954, Trường Đại học Sư phạm Văn khoa và Trường Đại học Sư phạm Khoa học được thành lập, Trần Văn Giàu là Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Đảng bộ trường, giảng dạy các môn khoa học Chính trị, Triết học, Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam. Năm học 1955 - 1956, ông được Nhà nước phong học hàm Giáo sư đợt đầu tiên. Giữa năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông được cử giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy nhà trường và là một trong những bậc thầy khai sáng của hai ngành sử học và triết học hiện đại ở nước ta.
Những năm tháng đó, GS. Trần Văn Giàu và các GS. Đào Duy Anh, GS. Trần Đức Thảo, GS. Cao Xuân Huy khai nền, mở nghiệp cho ngành sử và ngành triết thật gian nan. Thiếu thầy, thiếu sách vở, nhất là thiếu các sách công cụ, giáo trình. Không thể chần chừ, Trần Văn Giàu cùng các học trò và đồng nghiệp phải “xắn tay áo” biên soạn ngay những bộ giáo trình đầu tiên. Lạ thay! Trong điều kiện như vậy mà bộ giáo trình do ông chủ biên về Lịch sử cận đại Việt Nam, cho đến nay, sau nhiều thập kỷ vẫn có thể được xem như bộ giáo trình cơ bản, sâu sắc và có tầm nhất.”...
Nguồn: http://news.vnu.edu.vn/ttsk/Vietnamese/C1736/C1748/2010/12/N29544/?35
Các thông tin khác liên quan:
(Ngày 18/12/2010), Báo VietNamnet đăng bài “GS Trần Văn Giàu: Đi trọn cõi nhân sinh” của tác giả Nguyễn Quốc Tín, có đoạn viết:
“Thiếu đi nhà cách mạng, thêm vào một nhà giáo dục, nhà văn hóa
Năm 1949, Trần Văn Giàu được điều động ra chiến khu Việt Bắc nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc Nha Thông tin - Tuyên truyền. Hai năm sau (1951), ông được giao trách nhiệm đặt nền móng cho ngành Giáo dục đại học của nước ta, chuẩn bị cho việc xây dựng đất nước sau này.
Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời Trần Văn Giàu. Thiếu đi một nhà cách mạng chuyên nghiệp, đất nước ta có thêm một nhà giáo dục, nhà văn hoá uyên thâm nhiều lĩnh vực và chủ yếu trong ngành sử học.
Bắt tay vào nhiệm vụ mới, ông đã cùng với các trí thức lớn như Đặng Thai Mai, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Đức Chính, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy... thành lập Trường Dự bị Đại học ở Thanh Hoá, triệu tập trên dưới 100 thanh niên, đa số đã có bằng tú tài đang công tác ở nhiều ngành hoặc dạy học.
Ngôi trường kháng chiến đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn nhưng hiệu quả và đầm ấm lạ thường. Các lớp thường học vào ban đêm, mỗi sinh viên một chiếc ghế nhỏ như ghế các bà bán hàng rong ngoài phố. Ánh sáng là một ngọn lửa leo lét làm từ chiếc lọ pênixilin đựng dầu lạc phía trên có ngọn bấc. Lớp học tù mù, sinh viên không nhìn rõ mặt thầy song nghe như nuốt từng lời giọng thầy sang sảng truyền thụ những kiến thức cổ kim đông tây.
Lớp học ấy là khởi nguồn một thế hệ trí thức mà giờ đây hầu hết đều đã trở thành các nhà lãnh đạo quản lý, các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia lớn của đất nước về khoa học và giáo đục...
Năm 1954, hoà bình lập lại. Trần Văn Giàu là Bí thư Đảng uỷ trường Đại học Sư phạm, kiêm giảng dạy các môn khoa học chính trị, triết học, lịch sử cận hiện đại thế giới và lịch sử cận đại Việt Nam. Năm 1956, khi trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông là Bí thư Đảng uỷ của trường kiêm chủ nhiệm sáng lập khoa Lịch sử. Từ năm 1960 đến 1975, ông công tác tại Viện Sử học Việt Nam để tập trung vào nghiên cứu Sử học.
Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-18-gs-tran-van-giau-di-tron-coi-nhan-sinh
(Ngày 21/12/2010) Báo Người cao tuổi Online đăng bài “GS. Trần Văn Giàu, Nhà giáo Nhân dân, một trí thức tài đức vẹn toàn” của Nghiêm Thị Hằng, viết:
“Tháng 11 - 1954, Đại học Sư phạm Văn khoa và Đại học Sư phạm Khoa học được thành lập, ông trở thành Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Đảng bộ trường, kiêm giảng dạy các môn Chính trị, Triết học, Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam (được coi là người sáng lập những ngành khoa học này của nền Khoa học Sư phạm Việt Nam hiện đại). Năm học 1955 - 1956, ông được Nhà nước phong học hàm Giáo sư đợt đầu tiên. Giữa năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông được cử giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, nhưng vẫn tham gia đào tạo ở Đại học Sư phạm Hà Nội . Gắn bó gần 60 năm với ngành giáo dục và nghiên cứu khoa học lịch sử, GS Trần Văn Giàu đã viết hàng trăm tác phẩm sử học có giá trị."
Nguồn: http://www.nguoicaotuoi.org.vn/Story.aspx?lang=vn&zoneparent=0&zone=3&ID=5137
(Ngày 22/12/2010): Báo Giáo dục TP. Hồ Chí Minh Online đăng bài “Giáo sư Trần Văn Giàu: Một nhân cách lớn, một người thầy mẫu mực”, lược ghi lời của PGS, TS Phan Xuân Biên như sau: ... “GS. Trần Văn Giàu được nhiều người (nhất là những người công tác trong ngành giáo dục) khâm phục về phong cách sư phạm và nghiệp vụ đứng lớp. Tuy không tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm nhưng GS. Trần Văn Giàu gắn bó rất sớm với ngành giáo dục từ ngày chính quyền cách mạng mở Trường ĐH Dự bị trong kháng chiến, sau đó là Trường ĐH Sư phạm và ĐH Tổng hợp Hà Nội sau hòa bình. Làm cách mạng và đi dạy được ví như là “cánh tay phải, cánh tay trái” của vị GS lỗi lạc này”.
Nguồn: http://giaoduc.edu.vn/news/van-de-su-kien-665/giao-su-tran-van-giau-mot-nhan-cach-lon-mot-nguoi-thay-mau-muc-154574.aspx
Kết luận:
Như vậy, với ý kiến trả lời của Giáo sư Phan Huy Lê và các bài viết đăng trên các báo lớn và các trang web của Đại học Quốc gia Hà Nội, chúng tôi nhận thấy:
- Ý kiến của ThS Nguyễn Bá Cường phản ánh đúng sự sai sót và bỏ qua những cống hiến của Giáo sư Trần Văn Giàu trong “Tiểu sử đồng chí Trần Văn Giàu” (giai đoạn 1954 – 1956) đối với nền Giáo dục Việt Nam nói chung và ngành Sư phạm Việt Nam nói riêng.
- “Mấy sai lầm” đó đã được Giáo sư Phan Huy Lê phát hiện ngay và đã có ý kiến với Ban Lễ tang, đồng thời bài viết của Giáo sư Phan Huy Lê cũng đã khẳng định cống hiến của Giáo sư Trần Văn Giàu đối với Trường Đại học Sư phạm - Văn khoa - Khoa học.
- Các bài viết của các học giả, các nhân chứng lịch sử (là học trò của Giáo sư Trần Văn Giàu), các nhà báo cũng đã khẳng định sự gắn bó và sự cống hiến của Giáo sư Trần Văn Giàu đối với nền giáo dục cách mạng Việt Nam ngay từ những năm đầu xây dựng.
Nhân đây, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn ThS Nguyễn Bá Cường đã có phát hiện và ý kiến đề nghị kịp thời, cảm ơn Giáo sư Phan Huy Lê và các học giả, nhà báo,… đã đăng bài, đưa tin về những đóng góp to lớn của Giáo sư Trần Văn Giàu đối với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng và nền giáo dục Việt Nam nói chung.
BBT
Ghi chú:
Về "Đề nghị đính chính và bổ sung cống hiến của Giáo sư Trần Văn Giàu đối với ngành Sư phạm Việt Nam",
xem: www.hnue.edu.vn/TintucSukien/BantinDHSPHN/tabid/58/ctl/Detail/mid/853/ID/585/Default.aspx