GIÁO SƯ - VIỆN SĨ PHẠM HUY THÔNG
(1916-1988)
- Sinh ngày 20-11-1916 ở Hà Nội.
- Quê quán: Ân Thi, Hưng Yên.
- Vào tuổi 20 trở thành nhà thơ nổi tiếng.
- Sau khi tốt nghiệp cử nhân Sử - Địa tại Pari (Pháp), theo học chương trình đào tạo trên đại học các ngành Sử, Địa, Luật, Kinh tế chính trị. Là Tiến sĩ Luật học và Thạc sĩ Sử - Địa.
- Năm 1946, được chọn giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ở Hội nghị Phôngtenblô.
- Đấu tranh và lãnh đạo phong trào Việt kiều yêu nước ở Pháp chống thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Bị trục xuất về nước (ở Sài Gòn).
- Năm 1956-1966, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Phó Bí thư, quyền Bí thư Đảng ủy trường.
- Từ năm 1967, Viện trưởng Viện khảo cổ học, Phó chủ nhiệm ủy ban khoa học xã hội Việt Nam ( từ 1976).
- Ngoài ra còn đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác:
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam.
Phó Chủ tịch Ủy ban bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam.
Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam.
Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chủ tịch Hội du lịch Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội khóa II, III.
Viện sĩ nước ngoài của Viện Hàn lâm khoa học nước Cộng hòa dân chủ Đức.
Giải thưởng Hồ Chí Minh.
GS. VS. PHẠM HUY THÔNG - MỘT NHÀ SƯ PHẠM MẪU MỰC, GIÀU NHIỆT HUYẾT
Phạm Huy Thông được nhiều người đều với tư cách một nhà thơ của thể loại anh hùng ca, một nhà sử học về lịch sử thế giới và khảo cổ học, một nhà hoạt động chính trị với nhiều chức danh cao trong nước và các tổ chức quốc tế. Song trước hết phải nói đến Phạm Huy Thông - một trí thức yêu nước, một nhà sư phạm mẫu mực, một nhà giáo dục có tâm huyết.
Là một trí thức cách mạng GS Phạm Huy Thông đã hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước ở Pháp, đã bị tù tội, trục xuất về nước mà vẫn kiên định với sự nghiệp, lý tưởng của Đảng. Là một nhà sư phạm, một nhà giáo dục bởi vì trước hết GS Phạm Huy Thông được đào tạo và tốt nghiệp Thạc sĩ Sử - Địa ở Pháp và nhiều năm công tác trong ngành Giáo dục. Giáo sư đã đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội trong 10 năm (1956-1966) và sau đó vẫn quan tâm đến công việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt giáo viên Lịch sử nói riêng và sự nghiệp giáo dục nói chung.
Từ trong nhiều thành tựu về thơ ca, về sử học, giáo dục, những hoạt động yêu nước, xã hội, chúng tôi xin nêu lên ở đây một số đóng góp của GS Phạm Huy Thông về công tác giáo dục, sư phạm. Với tư cách là những người học trò, những người kế tục sự nghiệp trong lĩnh vực giáo dục đào tạo của GS Phạm Huy Thông, chúng tôi cũng qua đây rút ra những bài học bổ ích cho mình.
Việt Nam là một nước “vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo), nghĩa là một nước có nền giáo dục phát triển sớm. Vì vậy, vai trò của giáo dục, của người thầy có vị trí cao, đồng thời cũng có trách nhiệm lớn trong xã hội. Những thầy giáo được nhân dân yêu mến, được học sinh quý trọng chủ yếu là người giàu lòng yêu nước thiết tha, chăm lo đào tạo các hệ cho đời sau. Phạm Huy Thông xuất thân trong một gia đình thuộc tầng lớp trên của xã hội thời thuộc Pháp, được học trường Tây từ thuở nhở, rồi du học sang Pháp trước chiến tranh thế giới thứ hai. Song sớm có tinh thần dân tộc, lại có tâm hồn thơ ca, nên ông không để cho cái văn hóa phương Tây khống chế mà góp phần đáng kể vào phát triển của phong trào thơ mới, phản ánh tình cảm của lớp nghệ sĩ trí thức tiểu tư sản đối với cuộc đấu tranh cách mạng dũng cảm của nhân dân, nhưng tạm thời thất bại vào những năm 1929-1931.
Trong những năm du học ở Pháp, Phạm Huy Thông được giác ngộ cách mạng, khi phong trào cộng sản đang lan rộng ở Pháp và nhiều nước khác, khi cuộc đấu tranh yêu nước của nhân dân Việt Nam vào những năm 30 và đầu 40 sục sôi và có tiếng vang lớn. Ông đã gia nhập Đảng Cộng sản Pháp và hoạt động tích cực trong phong trào yêu nước của Việt kiều. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm chính thức nước Pháp (từ tháng 5-9 năm 1946), ông được cử làm thư ký riêng của Người và tham gia phái đoàn Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu, dự hội nghị Phôngtenblô. Với những hoạt động yêu nước tích cực và có ảnh hưởng to lớn trong Việt kiều ở Pháp, Phạm Huy Thông bị Chính phủ Pháp bắt giam, rồi trục xuất về Sài Gòn. Sau hội nghị Giơnevơ về Đông Dương 1954, ông bị bắt giam, rồi đưa ra Hải Phòng và năm 1955 trở về Hà Nội giảng dạy rồi làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Điểm qua cuộc đời hoạt động cách mạng của Phạm Huy Thông, trước khi trở thành Giáo sư, Hiệu trưởng Trưởng Đại học Sư phạm, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, tinh thần yêu nước và cách mạng là nền tảng cao đẹp cho nhà giáo dục, nhà sư phạm ở ông. Cũng như các nhà giáo yêu nước khác, đối với Phạm Huy Thông, hoạt động yêu nước, cách mạng và công tác giáo dục, đào tạo thống nhất với nhau. Uy tín lớn của GS Phạm Huy Thông không vì trình độ học vấn uyên thâm mà chủ yếu còn vì tinh thần cách mạng, yêu nước. GS Phạm Huy Thông thật xứng đáng với danh hiệu nhà sư phạm yêu nước, cách mạng. Việc từ bỏ vinh hoa phú quý, dấn thân vào con đường đấu tranh cho độc lập dân tộc, cho Chủ nghĩa xã hội của ông đã nêu một tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo.
Là một nhà thơ, một nhà khoa học, một nhà giáo cộng sản, Phạm Huy Thông nhận thức lý tưởng cộng sản chủ nghĩa không chỉ bằng tình cảm mà còn bằng lý trí khoa học. Ông đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, như một học thuyết khoa học, để củng cố lòng tin, bồi dưỡng ý chí cách mạng và vận dụng vào công tác thực tiễn cũng như nghiên cứu khoa học và giáo dục. Điều này thể hiện rất rõ trong việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử mà chúng tôi sẽ trình bày sau. Những ai sống gần GS Phạm Huy Thông đều dễ dàng nhận thấy sự kết hợp hài hòa giữa quan điểm, lập trường, tình cảm, lý tưởng cách mạng với lối sống bình dị tuy vẫn mang nhiều vẻ phương Tây. Ông không nói một cách công thức, giáo điều về chủ nghĩa Mác - Lênin, về Đảng song qua nội dung câu chuyện, hành động cụ thể, chúng ta thấy toát lên những vấn đề cốt lõi, xương sống của chủ nghĩa Mác - Lênin quan điểm, đường lối của Đảng một cách nhuần nhuyễn. Tính cách mạng và khoa học kết hợp và thực hiện sống động ở ông.
Một điều mà những cán bộ giảng dạy, công nhân viên chức ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thường nhắc đến với sự thán phục và thân thương là thái độ của GS Phạm Huy Thông đối với cán bộ, sinh viên trong trường.
Bận trăm công nghìn việc, ngoài nhiệm vụ là Hiệu trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy trường còn là đại biểu Quốc hội, thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới. Song ông vẫn hoàn thành đầy đủ công việc quản lý lãnh đạo một nhà trường lớn, đưa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành đơn vị tiên tiến xuất sắc trong ngành giáo dục và trong phong trào thi đua yêu nước nói chung vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX và trường được thưởng Huân chương Lao động hạng nhất. Những cuộc họp cán bộ các khoa, phòng ban, dưới sự chủ trì của ông, được tiến hành một cách nền nếp trong không khí dân chủ, tinh thần cởi mở thân ái. Ông động viên, khuyến khích mọi người phát biểu ý kiến của mình rồi tổng hợp rõ ràng, dứt khoát thành những kết luận, quyết định để thực hiện.
Trường rất đông cán bộ, sinh viên, có lúc lên đến 5000 người và với trí nhớ kỳ diệu, với tác phong công tác quần chúng, GS Phạm Huy Thông với quỹ thời gian nhàn rỗi rất ít ỏi của mình vẫn gần gũi mọi người, nhớ kỹ từng người và luôn luôn bày tỏ tình cảm thân thiết với cán bộ dưới quyền, nhất là những công nhân viên. Sau khi rời trường, mỗi lần có dịp về công tác, ông thường dành một buổi trưa hay lúc giải lao tìm gặp, thăm hỏi cán bộ.
Trong khi lãnh đạo, quản lý công việc chung toàn trường, GS Phạm Huy Thông vẫn để nhiều thì giờ cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Trong những năm 1956-1960, ông vẫn đảm nhiệm việc giảng dạy cho sinh viên về lịch sử thế giới cận đại và hiện đại. Đồng thời ông quan tâm đến việc bồi dưỡng, giúp đỡ cán bộ giảng dạy trẻ lên lớp từng phần, rồi cả giáo trình ông dành thì giờ dự giờ của cán bộ, định lịch làm việc hàng tuần với cán bộ ở khoa để giải đáp những thắc mắc về kiến thức, xác định phương hướng và phương pháp nghiên cứu khoa học.
Một trong những công lao lớn của GS Phạm Huy Thông không chỉ đối với ngành sư phạm mà cả giới nghiên cứu về lịch sử thế giới là việc chủ trì, tổ chức, hướng dẫn việc biên soạn một bộ giáo trình về lịch sử thế giới từ cổ đại đến hiện đại.
Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc 1954, chúng ta chưa có tài liệu đáng quý về lịch sự thế giới dùng cho các trường đại học và cao đẳng. Giới sử học nước ta dường như tập trung chủ yều vào việc biên soạn và nghiên cứu về lịch sử thế giới nói chung, lịch sử khu vực nói riêng là một thiếu sót, có ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển chung của sử học Việt Nam. GS Phạm Huy Thông đã nhận thấy thiếu sót này nên đã tổ chức lực lượng nghiên cứu, biên soạn giáo trình lịch sử thế giới.
Trước tiên ông cho dịch bộ lịch sử thế giới của K. Nhikiphôrốp, viết cho học viên trường Đảng cao cấp ở Trung Quốc, mà tác giả chuyên gia Xô Viết về lịch sử Trung Quốc. Bộ sách của K. Nhikiôrốp tuy vắn tắt, song trình bày khá đầy đủ tiến trình lịch sử của xã hội loài người từ lúc xuất hiện đến ngày nay. Là sách viết cho trường Đảng, nên tác giả rất chú trọng đến quan điểm tư tưởng, chính trị. Dĩ nhiên, trong điều kiện lúc bấy giờ sách khó tránh khỏi những thiếu sót về bệnh giáo điều, công thức, song đó là tài liệu tốt giúp người học có cơ sở lý luận, tư tưởng để tìm hiểu về lịch sử của xã hội loài người. Việc dịch và xuất bản lịch sử thế giới của K. Nhikiôrốp với tư cách là sách tham khảo chủ yếu không thể thay thế cho việc biên soạn một bộ sách riêng của Việt Nam. GS Phạm Huy Thông rất chú trọng đến vấn đề này và quyết tâm thực hiện.
Cơ sở đầu tiên của bộ giáo trình lịch sử thế giới, gồm nhiều tập về lịch sử cổ đại, lịch sử trung đại, lịch sử cận đại, và lịch sử hiện đại, là các giáo trình của GS Chiêm Tế và các bài giảng của GS Phạm Huy Thông. Bộ giáo trình đầy đủ về Lịch sử thế giới được xuất bản lần đầu tiên vào những năm đầu của thập niên 60 của thế kỷ XX, được bổ sung, tái bản nhiều lần trong những năm sau đó và còn ảnh hưởng không ít đến các sách giáo khoa về lịch sử thế giới ở đại học, cao đẳng sư phạm và Trung học phổ thông của nước ta. Cũng có thể xem bộ giáo trình lịch sử thế giới do GS Phạm Huy Thông tổ chức, hướng dẫn biên soạn là viên gạch đầu tiên đóng góp vào việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử thế giới ở Việt Nam. Không bao giờ chúng tôi quên điều này, dù cho đến nay trong ngành Sư phạm đã có nhiều bộ sách giáo khoa mới về lịch sử thế giới có chất lượng cao hơn bộ sách đầu tiên, cùng với nhiều chuyên khảo về từng vấn đề cơ bản của lịch sử thế giới. Chúng ta có thể khẳng định GS Phạm Huy Thông là một trong những người chủ yếu trong số rất ít nhà nghiên cứu lịch sử thế giới đầu tiên, như cố GS Chiêm Tế, đã xây dựng môn lịch sử thế giới của ngành Sư phạm.
Từ quá trình giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng sinh viên và cán bộ, qua một số công trình về lịch sử thế giới có sự tham gia tích cực của GS Phạm Huy Thông, chúng ta có thể rút ra một số quan điểm, lý luận khái quát về nghiên cứu lịch sử thế giới của ông.
Thứ nhất, GS Phạm Huy Thông ngay từ giữa năm 50 của thế kỷ XX đã quan niệm đúng rằng, lịch sử thế giới không phải tổng cộng lịch sử của tất cả các nước; càng không phải là lịch sử các nước lớn, mà là toàn bộ quá trình phát triển xã hội loài người từ lúc xuất hiện đến nay. Trong quá trình này các dân tộc đều có phần đóng góp tích cực, song chúng ta phải tìm kỹ, sâu hơn lịch sử những nước đã có nhiều cống hiến to lớn tiêu biểu của các dân tộc ở từng thời đại nhất định, dù dân tộc ấy ngày nay đã rút ra khỏi vũ đài chính trị hay không còn vai trò đáng kể trong đời sống xã hội. Quan điểm này giúp chúng tôi khắc phục được sự chất đống tài liệu trong nghiên cứu lịch sử thế giới, mà rút ra được cái bản chất nhất, quy luật của sự phát triển lịch sử nhân loại. Quan điểm của GS Phạm Huy Thông, cần được củng cố trong nhận thức, khi chúng tiếp cận với ý kiến của Lênin: “Đến 70 người như Các Mác cũng không thể nghiên cứu đầy đủ, chi tiết lịch sử xã hội tư bản chủ nghĩa. Điều này không thể mà cũng không cần thiết phải làm, mà quan trọng hơn là trên cơ sở phác họa một cách chính xác xã hội tư bản rút ra cái logic phát triển và quy luật của nó”.
Thứ hai, GS Phạm Huy Thông luôn luôn nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa nghiên cứu lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới. Dân tộc là một bộ phận của xã hội loài người. Hiểu lịch sử thế giới mới hiểu lịch sử dân tộc. Nắm vững lịch sử dân tộc mới nghiên cứu tốt lịch sử thế giới.
Thứ ba, GS Phạm Huy Thông xuất thân từ kinh nghiệm và nỗ lực của bản thân của nhà nghiên cứu. Vì ông là nhà học giả tinh thông về nhiều lĩnh vực: văn thơ, luật pháp, địa lý, kinh tế, triết học…, cho nên sự hiể biết về lịch sử của ông khá sâu sắc và cô đọng. Nghe GS Phạm Huy Thông giảng về lịch sử thế giới sinh viên cực nhọc như người leo núi, song lại hết sức sảng khoái khi đứng được ở đỉnh núi cao lộng gió. Các tri thức mà GS Phạm Huy Thông truyền đạt chật vật lắm mới len vào nhận thức của sinh viên, nhưng khi đã nắm được thì nhớ lâu và sinh sôi, nảy nở trong vốn tri thức của mình.
Thứ tư, trong một hội nghị khoa học của kho Sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, GS Phạm Huy Thông đã nói: Lịch sử không phải là chính trị, song lịch sử rất gần vời chính trị, phục vụ đắc lực và có hiệu quả cho chính trị”. Vì vậy, theo ông, mỗi người nghiên cứu, giảng dạy lịch sử phải thống nhất hoạt động chuyên môn với hoạt động xã hội chính trị, phải nắm vững và quán triệt nhuần nhuyễn những quan điểm, tư tưởng chính trị tiên tiến chủ nghĩa Mác - Lê nin, quan điểm đường lối của Đảng vào công tác nghiên cứu, đào tạo. Nhận thức và hành động của GS Phạm Huy Thông đã thể hiện ở ông sự thống nhất giữa tính khoa học và tính Đảng Cộng sản trong nghiên cứu, giảng dạy lịch sử. Đây là điều cơ bản mà chúng tôi ghi nhớ mãi.
Kỷ niệm về GS Phạm Huy Thông, chúng tôi ghi nhớ về một trí thức yêu nước, cách mạng, một nhà sử học sâu sắc, một nhà sư phạm mẫu mực, giàu nhiệt huyết. Công trình của ông về lĩnh vực sử học, sư phạm không nhiều, song tư tưởng, ý kiến của ông vẫn còn sâu đậm ở chúng tôi. Vì vậy chúng tôi kính yêu ông - một người thầy, một người đồng nghiệp đã đặt nền móng cho chúng tôi trong công tác giáo dục, đào tạo nói chung, về nghiên cứu, về giảng dạy Lịch sử nói riêng.
PGS. PTS. NGHIÊM ĐÌNH VỲ
Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.