- Giải thưởng Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KHOA HỌC DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA GIÁO SƯ LÊ VĂN THIÊM
Giáo sư NGÔ THỨC LANH
ĐHSP Hà Nội
Cuối năm 1954 (sau ngày giải phóng Thủ đô-10/10) Chính phủ ra quyết định thành lập trường Đại học Sư phạm Văn khoa, do GS. Đặng Thai Mai làm hiệu trưởng và trường Đại học Sư phạm Khoa học do GS. Lê Văn Thiêm làm hiệu trưởng, trên cơ sở sát nhập các trường Sư phạm cao cấp ở Trung Quốc về, Sư phạm Cao cấp và Dự bị Đại học ở Khu IV ra và Trường Cao đẳng Khoa học của vùng tạm chiếm. Cùng với trường Đại học Y Dược, trường Đại học Nông nghiệp, đó là những trường đại học đầu tiên của nước ta sau hoà bình lập lại.
Phụ trách giảng Toán có các GS. Lê Văn Thiêm, Nguyễn Thúc Hào và cán bộ giảng dạy Nguyễn Cảnh Toàn, Khúc Ngọc Khảm, và tôi. Về Vật lý có các Giáo sư Nguỵ Như Kon Tum, Vũ Như Canh và các cán bộ giảng dạy như Dương Trọng Bái, Ngô Quốc Quýnh và Hoàng Phương.
Trường ĐHSP Khoa học tồn tại chỉ hai năm 1955- 1956 và đào tạo được ba khoá. Khoá 1 gồm các sinh viên từ Khu học xá trung ương về, từ Khu IV ra và các sinh viên ở lại Hà Nội. Khoá này học hết năm 1955 đến đầu năm 1956 thì thi tốt nghiệp. Khoá 2 tuyển sinh đầu năm 1955 và thi tốt nghiệp hè năm 1956. Khoá 3 tuyển sinh hè năm 1955 và thi tốt nghiệp giữa năm 1957. Tuy thời gian học ngắn, nhưng chương trình vẫn là chương trình ba năm tinh giản, mỗi năm học tập trung 6 tháng và không có nghỉ hè.
Sở dĩ đào tạo gấp rút như thế là vì nhu cầu về cán bộ giảng dạy Toán, Lý, Hóa, Sinh cho các trường Đại học về khoa học kỹ thuật rất lớn. Nguồn duy nhất cung cấp cán bộ giảng dạy cho các trường đó là trường Đại học Sư phạm Khoa học. Vì thế những sinh viên tốt nghiệp Đại học Khoa học loại khá, giỏi, đều được phân công về làm cán bộ giảng dạy tại các trường đại học. Tiêu chuẩn duy nhất để chọn cán bộ giảng dạy đại học là năng lực của sinh viên tốt nghiệp. Dước sự lãnh đạo của GS. Lê Văn Thiêm, toàn bộ số sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, từ số 1 trở xuống cho đến hết danh này, đề được phân công về làm cán bộ giảng dạy tại các trường đại học.
Những người còn lại thì đựơc phân công về các trường phổ thông, Trường bổ túc công nông, Trường bổ túc văn hoá của Quân đội.
Trong lịch sử phát triển của nền Khoa học tự nhiên ở nước ta, trường Đại học Sư phạm Khoa học, tuy chỉ tồn tại hai năm, nhưng chiếm một vị trí cực kì quan trọng. Ngày nay nhìn lại, có thể thấy rằng các sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi hồi ấy và sau đó được bổ nhiệm làm cán bộ giảng dạy ở các trường đại học đều đã trưởng thành. Nhiều người đã trở thành những nhà khoa học tài năng, những cán bộ khoa học đầu ngành, và những cán bộ lãnh đạo khoa học có uy tín. Riêng về Toán Lý, các nhà khoa học nổi tiếng Phan Đình Diệu, Nguyễn Văn Đạo, Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, nhiều giáo sư, nhà khoa học tài danh khác đã xuất thân từ trường Đại học Sư phạm Khoa học. Chỉ trong vòng hai năm tồn tại, trường Đại học Sư phạm Khoa học đã đào tạo đựơc nhiều nhân tài cho đất nước. Thật đáng biểu dương.
CỰU SINH VIÊN TRƯỜNG SƯ PHẠM
Giáo sư HOÀNG XUÂN SÍNH
ĐHSP Hà Nội
Anh Lê Văn Thiêm là một cựu sinh viên Trường Sư phạm (École Normale Supérieure). Năm 1974, anh Thiêm và tôi đi công tác qua Paris. Em trai tôi làm hướng dẫn viên đi tham quan, hay nói đúng hơn là người lái xe, hỏi anh Thiêm có muốn thăm lại trường cũ anh học trong những năm đầu ở Pháp? Anh Thiêm thích thú nhận lời ngay. Thế là chúng tôi đến trường Đại học Sư phạm phố d’Ulm. Đó là một ngày đầu tháng Tám, sinh viên nghỉ hè hết, trường vắng ngắt không một bóng người. Chúng tôi đi khắp trường, anh Thiêm có hơi hồi hộp vì thấy lại trường hơn ba mươi năm xa cách, và anh thật cảm động khi tìm lại được lớp của mình, chỗ mình thường ngồi. Anh chỉ cho chúng tôi xem, và tôi đoán anh có nhiều ý nghĩ xốn xang.
Mỗi lần phải giải thích cho người ngoại quốc nghe trường Đại học Sư phạm phố d’Ulm chiếm vị trí nào trong hệ thống giáo dục nước Pháp, tôi thường vấp phải sự khó hiểu. Người ta không hiểu tại sao gọi là Trường Đại học Sư phạm, mà nó là cái nôi sản sinh tinh hoa của Pháp. Tôi chỉ đành trả lời, đó là một truyền thống, nước Pháp không muốn bỏ. Thời bọn chúng tôi học, gặp một sinh viên Sư phạm, chúng tôi nói luôn: xin ngả mũ chào ngưỡng mộ. Hôm đó, anh Thiêm đã thản nhiên nói với chúng tôi rằng, sở dĩ anh đỗ vào Sư phạm là do Đại chiến thế giới thứ hai bắt đầu, thanh niên Pháp bị gọi đi nghĩa vụ quân sự nhiều, nên cái trường lấy rất ít sinh viên này mới thừa chỗ cho anh. Nghe anh giải thích, tôi hiểu anh rất thật thà, chất phác, và sau này tôi được thấy đó là bản chất của anh.
Tôi gặp anh Thiêm lần đầu trong một giây lát ngắn ngủi của một ngày hè tháng tám năm 1983 tại Hà Nội, nhưng tôi vẫn nhớ khá rõ. Cô ruột tôi lúc đó đính hôn với anh Lê Văn Xước – anh ruột anh Thiêm. Tôi gọi anh Xước là chú vì là bạn của cậu ruột tôi. Chú Xước là sinh viên trường Y. Thật thà mà nói, tôi không ưa chú Xước, còn rất sợ là đàng khác. Sợ vì mỗi khi ốm, chú Xước cứ lôi ra tiêm, điều mà bọn con nít chúng tôi tối kỵ. Còn cô tôi, mỗi lần chú Xước tới thì vui như ngày hội, vì đây là mối tình đầu của cô. Có một hôm anh Thiêm đến nhà tôi, tôi thấy người lớn thì thầm với nhau, tôi cũng không chú ý lắm, vả lại anh Thiêm đi ngay. Sau đó, tôi mới biết, anh Xước cùng anh Thiêm và cậu tôi đi bơi thuyền trên Hồ Tây, nhảy xuống nước bơi. Sau đó, anh Xước vướng vào rễ hoa sen, và bị chết đuối. Tình tiết tôi không được biết, vì chẳng ai cho một đứa bé như tôi hay, chỉ biết trong nhà đầy mùi tang tóc vì cô tôi khóc lóc thảm thiết. Mẹ tôi thương em gái sớm góa bụa trong mối tình đầu, nên cũng đau buồn, xót xa cho em.
Hôm đó là lần đầu tôi gặp anh Thiêm, và bẵng đi hơn hai mươi năm sau tôi mới gặp lại anh, cũng tại Hà Nội và cũng tại ngôi nhà mà anh Thiêm đến để báo cái tin khủng khiếp đó cho gia đình tôi. Nơi gặp thì vẫn vậy, nhưng tôi đã thành người lớn, vừa ở Pháp về, chuẩn bị làm cán bộ giảng dạy của một trường đại học nào đó của ta. Câu chuyện diễn ra rất bình thường. Anh Thiêm và anh Nguyễn Hoán được cậu tôi mời đến ăn giỗ ông ngoại tôi (lúc đó, anh Hoán đang làm Chủ nhiệm khoa Hóa ở Đại học Tổng hợp, và là anh ruột của chồng cô tôi. Khi xưa cô đính hôn với anh ruột của anh Thiêm, nhưng người này không may mất sớm, sau cô lại lấy em ruột của anh Hoán). Tôi là bậc con cháu trong nhà nên chẳng nói được chuyện gì với anh Thiêm và anh Hoán, cũng là một Việt Kiều về nước ngay sau khi hiệp định Giơnève được ký kết. Vì vậy, hôm đó anh Thiêm không hề hay biết rằng, cùng với thế hệ thanh niên Việt Nam học ở Pháp thời anh, anh đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời của lũ đàn em cũng học ở Pháp như chúng tôi. Từ buổi hôm đó, tôi hiếm có dịp gặp anh Thiêm, do anh ở Đại học Tổng hợp, còn tôi lại chọn Đại học Sư phạm, vì tôi ngỡ trường này như trường Đại học Sư phạm của Pháp. Tôi bận dạy học ở Đại học Sư phạm, lúc nào cũng túi bụi, vì cái gì cũng quá mới mẻ với tôi. Rất ít khi tôi gặp anh Thiêm, nên cũng không có cơ hội kể với anh còn nữa, dù muộn cũng hơn không, tôi xin phép anh được nói về anh.
Anh Thiêm sang Pháp sau cậu ruột tôi một năm. Người cậu này là em trai của ông cậu nói trên. Thế hệ của cậu tôi làm “Quartier Latin” sôi nổi một thời về những tin tức đỗ đầu bảng vào Sư phạm của anh Trần Đức Thảo, về bộ ba sinh viên trong đó có cậu ruột tôi đỗ một lúc ba “Grandes Écoles”, mỗi người đỗ thủ khoa một trường. Thời ấy, Hà Nội bị thực dân Pháp chiếm đóng, những tin tức đó đã lan truyền rất nhanh. Vì bị kẻ chiếm đóng luôn luôn nói dân mình ngu, nên những tin tức về đỗ đạt như vậy đã mang đến cho mọi người một niềm tự hào dân tộc. Mới học lớp một tiểu học thôi, tôi cũng đã được cha tôi kể những chuyện học hành của các bậc cha chú, mà tôi chẳng hiểu là mấy. Tuy vậy, tôi cũng mang máng thế là hay, là tốt. Thế rồi chiến tranh bùng nổ, anh Thiêm đỗ vào Écoles Normale Superieure, dân trí thức Hà Nội không hay.
Năm 1945 Cách mạng Tháng Tám thành công, từ Pháp cậu ruột tôi liên lạc được với gia đình. Lúc này cậu tôi đã làm ở Sud Aviation, xưởng máy bay lớn của Pháp. Ở đây tôi xin rẽ ngang một chút, vì có một điều tôi muốn nói về sử dụng trí thức. Cậu tôi về sau là người làm máy bay Caravelle, máy bay phản lực dân dụng đầu tiên của thế giới, và sau này phụ trách làm máy bay Concorde về phía Pháp, vì Concorde là một hợp tác giữa Anh và Pháp. Nó là máy bay siêu âm dân dụng đầu tiên của thế giới. Concorde ra đời bị Mỹ chọc phá kịch liệt, vì ảnh hưởng đến Boeing của Mỹ. Nhiều nhà khoa học, được Mỹ khuyến khích, đăng những bài báo chứng minh Concorde làm ảnh hưởng đến tầng ozone vì tốc độ của nó quá cao. Ngoài ra, Mỹ còn cấm Concorde đỗ xuống bất kỳ sân bay nào của Mỹ. Điều đó cũng dễ hiểu, Paris – New York mất bảy tiếng nếu đi bằng Boeing, và chỉ mất có bốn tiếng với Concorde. Các bà, các cô từ Mỹ muốn đi shopping ở Paris vào cuối tuần sẽ thấy thoải mái quá khi thời gian bay rút xuống gần nửa. (Có thể bạn đọc ở đây có ý nghĩ Concorde là máy bay không an toàn, vì cách đây mấy tháng đã có một vụ nổ khi nó vừa mới cất cánh khỏi sân bay. May quá, người ta đã tìm ra nguyên nhân: một máy bay cất cánh trước đấy năm phút đã làm văng ra một cái đinh lớn, bánh xe của Concorde khởi động liền sau đó đã bị đinh làm thủng, và từ đó tai nạn đã xảy ra. Kết quả tai hại này là do các máy bay cất cánh liên tiếp nhau, khiến cho không có thì giờ dọn đường bay giữa hai máy bay xuất phát nối nhau).
Cậu tôi học sau anh Lê Viết Hường một năm ở trường Sub Aéro. Anh Hường tốt nghiệp, làm ngay ở Sub Aviation. Làm được một năm, anh Hường bỏ việc làm, về nước theo kháng chiến. Cậu tôi tốt nghiệp sau, được lấy thế chân vào chỗ anh Hường. Cậu tôi luôn luôn nói với tôi rằng anh Hường rất giỏi, và nhờ anh Hường rút lui khỏi Sub Aviation nên cậu tôi mới vào làm được hãng máy bay lớn nhất của Pháp này. Tôi cố tình nói tới câu chuyện này, vì nó đụng tới việc sử dụng và nhận xét cán bộ khoa học của ta. Anh Hường về nước theo kháng chiến trong những năm gian khổ nhất, đó là một tấm gương mà bọn sinh viên học ở Pháp chúng tôi sau này luôn lấy đó ra học tập. Tất nhiên, ngoài anh Hường, còn có các anh Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước, Trần Đức Thảo… đã về nước trong những ngày đó. Anh Hường là một sinh viên giỏi ở Sub Aéro, nhưng anh mới chỉ được đào tạo thôi, còn muốn trở thành kỹ sư giỏi, phải được làm việc như cậu tôi trong môi trường đúng theo đào tạo. Khi tôi về nước năm 1960, tôi đã nghe những tiếng xì xào về anh Hường, kêu là không giỏi. Hỏi ra mới biết anh Hường được giao làm những việc của một kỹ thuật viên, chẳng liên quan gì tới việc học làm máy bay của anh cả. Nhiều trường hợp ta dùng người như vậy, gây nhiều chuyện đau lòng. Nhưng biết thế thôi, vì mới thoát thai khỏi chế độ thực dân phong kiến, nghèo nàn lạc hậu, chiến tranh lại liên miên, khó tránh khỏi những chuyện như vậy. Nhân tiện, tôi cũng xin phép nói thêm: một tiến sĩ sau khi làm xong một luận án, chỉ có thể coi như mới được đào tạo, phải làm việc tiếp theo trong một labo có người hướng dẫn thì mới có hướng nghiên cứu, nếu không thì sẽ loay hoay không tìm thấy lối thoát. Rất hiếm người tự tìm ra hướng nghiên cứu sau luận án. Tôi nghĩ bây giờ ta đã đủ trình độ để nói thẳng ra như vậy, sẽ tốt cho anh chị em làm khoa học hơn.
Bây giờ tôi xin quay lại chuyện của anh Thiêm. Vào khoảng năm 1948, những tin tức về anh Thiêm mới về tới Hà Nội tạm chiếm. Lúc đó kháng chiến chưa có những trận thắng lớn, trí thức Hà Nội thường đem những tin tức thành công trong học tập của sinh viên ta du học nước ngoài để làm niềm vui, niềm tự hào, và để giáo dục con cái. Bác Hoàng Xuân Hãn nói với mọi người về ý nghĩa toán học của luận án tiến sĩ của anh Thiêm, và về thời anh Thiêm còn là học trò những năm tú tài 1 và tú tài 2 của bác. Tôi còn học cấp hai, chẳng hiểu mấy về bài toán anh Thiêm làm, nhưng thấy bác Hãn khen, tôi cũng say mê nghe. Bẵng đi đến hè năm 1951, lúc đó tôi đang ở với cậu tôi tại Ủy ban kháng chiến của huyện Thạch Thất, ông cậu này là ông đi bơi thuyền với chú Xước và anh Thiêm mà hôm đó chú Xước không may bị chết đuối, cậu tôi nhận được thư của anh Thiêm gửi từ Chiêm Hóa. Cậu tôi đưa cho tôi đọc. Bức thư dài bốn trang, chữ viết nhỏ. Anh Thiêm kể chuyện bỏ Pháp về chiến khu Nam Bộ, ở đó mấy tháng, rồi từ chiến khu Nam Bộ đi bộ sáu tháng ra Chiêm Hóa. Về tương lai, anh cho biết, trên có ý định giao cho anh xây dựng trường Đại học Khoa học, kiểu trường Đại học Bách khoa Paris. Đó là nguyên văn nội dung thư của anh. Trường Đại học Khoa học này liền sau đó được thành lập ở Khu học xá Nam Ninh, Trung Quốc, nó đã đào tạo ra hàng loạt trí thức đầu đàn của ta. Đọc xong, tôi khâm phục anh quá, vì lúc đó kháng chiến còn đang ở giai đoạn rất gian khổ, thế mà anh lại bỏ Thụy Sĩ về, lại còn đoạn đi bộ sáu tháng của anh mà trong thư anh không nói một lời nào về sự vất vả, nhưng tôi cũng hình dung được nó thế nào. Sau đó, tôi đi Pháp, không được biết tin gì của anh Thiêm ở nhà nữa. Nhưng nhờ anh Phạm Huy Thông, lúc đó phụ trách Việt Kiều ở Pháp, tôi được biết nguyên nhân anh Thiêm về nước.
Anh Thiêm từ Thụy Sĩ sang Pháp chơi trong dịp hè năm 1948. Anh Thông rủ anh Thiêm đi dự Đại hội Hòa Bình thế giới tổ chức ở Praha. Anh Thiêm vui vẻ nhận lời, cùng anh Thông đi Praha. Quay về Thụy Sĩ, anh bị dọa trục xuất vì tội đi với Liên Xô. Về sau, nhiều anh chị em Việt Kiều ở Pháp, sau những chuyến đi Beclin, Vacxava, Mạc tư khoa… dự Đại hội Thanh niên thế giới về, cũng bị Pháp đe dọa như vậy, và những ai đã bị họa trục xuất thì Pháp gây khó dễ đủ điều về giấy tờ. Anh Thiêm bực mình vì Thụy Sĩ dọa dẫm như vậy. Anh đặt vấn đề với tổ chức xin về nước tham gia kháng chiến. Tôi nghĩ, thực ra anh muốn về nước phục vụ kháng chiến, chứ ở lại Thụy Sĩ cũng không sao, cùng lắm cũng chỉ bị gây khó dễ như anh chị em ở Pháp thôi. Như vậy, trí trức Việt Kiều về nước đợt đầu là theo con đường phái đoàn của ta sang Pháp đàm phán năm 1946, lộ trình này không có gì gian nan. Đợt thứ hai chỉ có anh Thiêm. Có lẽ vì để bảo đảm bí mật, anh Thông không kể cho tôi nghe hành trình của anh Thiêm về nước. Sau này, anh Tạ Quang Bửu cho tôi hay, anh Thiêm phải sang Anh ở mấy tháng để thực dân Pháp không nghi là về với kháng chiến, rồi từ Anh đi Thái Lan. Ở Thái Lan, anh Thiêm nhận nhiệm vụ áp tải vũ khí mua ở đó đưa về chiến khu Nam Bộ. Anh ở chiến khu Nam Bộ mấy tháng, sau mới đi bộ ra miền Bắc. Lúc đó anh Thiêm mới chỉ là một chàng trai chưa gia đình, trên dưới ba mươi tuổi. Thật ra ở nhà lúc đó, bao nhiêu thanh niên tuổi trẻ hơn đã làm được những chuyện thần kỳ trong kháng chiến. Nhưng đối với anh chị em Việt Kiều chúng tôi, chưa bao giờ phải phiêu lưu như vậy, thì chuyện về nước của anh Thiêm là một huyền thoại.
Tôi không biết anh Trần Đức Thảo thế nào, có nhiều khó khăn hay không, nhưng chắc chắn không mấy dễ dàng vì anh Thảo cũng về trong lúc còn kháng chiến. Sau anh Thảo, một loạt anh em Việt kiều về nước năm 1952, về rất dễ dàng, không phải xin giấy tờ gì cả, được cảnh sát Pháp bắt tại nhà, hỏi cung trong một ngày, làm giấy quyết định trục xuất sau khi hỏi cung, rồi đưa bằng tàu hỏa xuống cảng Marseille, từ đó xuống tàu biển tiến thẳng về Sài Gòn, rồi vào khám Chí Hòa. Anh Phạm Huy Thông được “vinh dự” về như vậy. Cùng đợt về với anh Thông, ở tỉnh Toulouse nơi tôi đang học lúc đó, có anh Võ Văn Lạc.
Hôm anh Lạc và hai anh nữa bị bắt, tôi ngồi ở sở cảnh sát, đợi quyết định của nhà cầm quyền Pháp cùng với em gái anh Lạc. Hơn bảy giờ tối, một cảnh sát cho chúng tôi biết anh Lạc bị trục xuất về nước. Chúng tôi được phép tiến anh Lạc ở ga xe lửa, nhưng không được gần anh. Một lát sau, tàu ở Bordeaux cũng bị bắt. Anh Lạc được đưa lên tàu, lúc đó mới thấy anh qua cửa sổ, nét mặt tươi cười vẫy tay chào tạm biệt chúng tôi. Các anh ở Bordeaux thò đầu ra cửa sổ, vừa chửi thực dân Pháp vừa động viên chúng tôi ở lại đừng ngã lòng. Giọng các anh vang lên lạc quan yêu đời trong sân ga dày đặc sương mù và lạnh ngắt không bóng người, trừ mấy chúng tôi. Hôm đó, Toulouse chỉ có một mình anh Lạc bị trục xuất, tuy cảnh sát đến nhà bắt ba người, còn Bordeaux thì có mấy anh bị tống khứ khỏi mẫu quốc. Chuyến tàu đêm đó đưa các anh đến cảng Marseille, để rồi xuống tàu biển về Sài Gòn. Người thanh niên Võ Văn Lạc, bí thư chi bộ Toulouse, năm đó mới ngoài hai mươi tuổi. Chuyện của anh cũng nên nhắc lại ở đây để thấy số phận của mỗi Việt kiều trên con đường về với Tổ quốc. Sau đêm anh vẫy chào từ biệt chúng tôi, gần chục năm sau, tôi mới gặp lại anh, nhưng lần này trên đất Bắc do thực dân Pháp đã chuyển anh từ khám Chí Hòa ra nhà tù Hà Nội. Rồi anh được chuyển đi cải tạo khi ta tiếp quản thủ đô vì trường hợp anh quá đặc biệt khó tin. Các anh khác ở lại khám Chí Hòa, sau 1945 được thả ra, chỉ có anh Lạc và anh Phạm Huy Thông bị thực dân Pháp chuyển ra ngoài Bắc. Anh Thông ở nhà tù Hải Phòng, còn anh Lạc ở nhà tù Hà Nội. Anh Thông là lãnh đạo của Việt kiều ở Pháp, nổi tiếng, luôn luôn có liên lạc với Trung ương, nên không xảy ra điều nhầm lẫn. Anh Lạc đi cải tạo đến năm 1958. May cho anh, một hôm Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhìn thấy anh trong đám tù cải tạo đang làm đường ở miền núi, thấy mặt mũi anh sáng sủa nhân hậu, hỏi chuyện anh và hiểu ngay câu chuyện mà người thường khó hiểu, đã đưa anh ngay từ trại cải tạo về công tác ở Nhà xuất bản Sự Thật.
Trở lại chuyện đêm đó, chúng tôi đã phải dắt nhau từng bước mò về nhà vì sương mù dày quá, không thấy đường. Sáng hôm sau, bao tài liệu được dùng làm nhiên liệu sưởi thay cho than, còn tài liệu quan trọng thì mang đi gửi bạn Pháp. Sở dĩ đang nói về anh Thiêm, tôi lại miên man nói về các anh khác, vì tôi muốn nói rõ hoàn cảnh của Việt kiều thời đó. Lịch sử của đất nước lúc đó khiến chúng tôi chỉ biết gắn việc học với đất nước, tương lai cá nhân không hề suy nghĩ tới. Khái niệm tiền bạc đối với chúng tôi hoàn toàn xa lạ. Đầu óc chỉ biết có trắng đen, ai theo kháng chiến là tốt, ai không theo thì không chơi với. Các anh về với kháng chiến thì được chúng tôi lấy đó làm gương, quyết tâm theo con đường các anh đã chọn. Chúng tôi nói với nhau những mẩu chuyện về các anh, ai biết gì thì nói điều mình biết. Thế hệ các anh học trước đã về hầu hết cả rồi, chúng tôi không có ai để hỏi cho rõ ngọn ngành. Chỉ biết các anh học giỏi hơn bọn chúng tôi nhiều, gây ấn tượng rất tốt trong giới Đại học Pháp.
Trong số các bạn tôi ở Toulouse, chỉ riêng mình tôi biết anh Thiêm, do có quan hệ với gia đình tôi. Cho nên khi học tập các bậc đàn anh, tôi thường nói về anh Thiêm. Đối với chúng tôi anh là những ngọn đuốc chỉ đường trong đêm tối mù mịt cho chúng tôi đi. Tôi còn nhớ mãi cái đêm mà anh Lạc bị bắt, sương mù rơi xuống thành phố dày đặc đến mức chúng tôi tý nữa thì rơi xuống bể thả cá trong công viên đằng sau toà Thị Chính thành phố khi về nhà. Nếu không có ngọn đuốc đưa đường của các anh, chúng tôi không biết phải sống thế nào sau cái đêm tiễn các anh về nước bị tống giam. Anh Thiêm và các anh cùng thế hệ các anh, đã ảnh hưởng chúng tôi như vậy. Nhưng có điều xót xa này, tôi thấy cần phải nói. Trong chuyến đi công tác cùng anh Thiêm năm 1974, tôi thấy anh Thiêm có những sợ sệt rất vẩn vơ mà Việt kiều tiếp xúc không hiểu được. Cùng cảnh ngộ, tôi chua xót nhận ra. Anh Thiêm mới thoát khỏi cuộc “tranh cãi” dài liên miên của Đại học Tổng hợp, “tranh cãi” đến mức phải cho sinh viên nghỉ học dài ngày để thầy tập trung họp “thảo luận”. Kết quả là Viện Toán được thành lập để anh Thiêm và anh Hoàng Tuỵ có chỗ làm việc. Ở Trần Đức Thảo, tôi cũng thấy có những sợ sệt, nhưng còn nặng hơn anh Thiêm nhiều. Tôi đau buồn nói ra điều này, nhưng tôi thấy đó là một điều tốt nếu nói được ra.
Đoạn anh Thiêm giảng dạy và lãnh đạo ở trường Đại học Tổng hợp, và sau đó ở Viện Toán với cương vị Viện trưởng đầu tiên của Viện, tôi xin phép nhường lời cho các anh chị em công tác gần anh. Tôi chỉ xin tóm lại hình ảnh rất đẹp mà anh để lại cho tôi; đó là một cựu sinh viên Sư phạm thật thà và chất phác, đức tính rất quý của người làm Toán.