II. Sơ lược đặc điểm tình hình đơn vị
1. Cơ cấu tổ chức hoạt động nghiên cứu
Trung tâm Khoa học và Công nghệ nano với chức năng chính là nghiên cứu khoa học và đào tạo. Hoạt động của Trung tâm được xây dựng từ các nhóm nghiên cứu chia theo nhiều lĩnh vực. Hiện nay Trung tâm đang có 3 hướng nghiên cứu chính, tương ứng là 3 nhóm chuyên môn, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Trung tâm. Các nhóm chuyên môn hoạt động theo hệ thống phân tầng: Giáo sư – Nghiên cứu sinh – Học viên cao học – Sinh viên. Các ý tưởng khoa học được đưa ra thảo luận, nhóm chuyên môn là đội ngũ trực tiếp thực thi các ý tưởng này, các kết quả đo đạc sẽ được phân tích và viết thành các báo cáo, bài báo khoa học. Tính chuyên nghiệp hóa trong tổ chức nghiên cứu đã giúp chúng tôi có số lượng lớn công bố trên các tạp chí quốc tế.
2. Cơ sở vật chất
Được thành lập năm 2007 với tổng số vốn đầu tư là 6,8 tỷ đồng, qua 5 năm hoạt động, Trung tâm đã trở thành một trong những phòng thí nghiệm trọng điểm của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Với số vốn đầu tư không nhiều, Trung tâm đã phải có những đề án thực sự chi tiết khi mua trang thiết bị nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. Trong những năm hoạt động, việc xử dụng hiệu quả các thiết bị đã khẳng định tính đúng đắn của định hướng đầu tư cơ sở vật chất. Cho đến nay, tất cả các thiết bị đều vận hành tốt, hoạt động với tần suất cao và cho kết quả tốt. Có thể kể đến một số thiết bị chính không những phục vụ cho các nhóm nghiên cứu trong Trường Đại học Sư phạm mà còn phục vụ nghiên cứu cho cả các cơ sở nghiên cứu ngoài trường khác như: máy bốc bay laser, máy AFM…Những thiết bị hiện có là chưa đủ cho công việc nghiên cứu, song nó đã tạo nên một phòng thí nghiệm, một trung tâm khoa học đủ mạnh như ngày nay.
3. Chức năng và nhiệm vụ
Trung tâm Khoa học và Công nghệ nano với 3 chức năng và nhiệm vụ chính như sau:
- Nghiên cứu cơ bản cũng như nghiên cứu ứng dụng về khoa học và công nghệ nano.
- Đào tạo và phục vụ đào tạo nhân lực trình độ cao về khoa học, bao gồm đào tạo đại học và sau đại học.
- Trung tâm là một phòng thí nghiệm mở, góp phần phục vụ công tác nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài Trường về công nghệ nano.
III. Thành tích đạt được
1. Thành tích về đào tạo và nghiên cứu khoa học
Theo mô hình mới: đại học hiện đại là đại học nghiên cứu. Ở đó, nhà trường không chỉ cung cấp kiến thức mà còn tạo ra các kiến thức mới cho học sinh. Với đặc thù của giáo dục đại học là gắn với nghiên cứu khoa học, một quá trình đào tạo mà không có nghiên cứu sẽ đi theo đường mòn, không thể có chất lượng cao, rất khó để hội nhập khu vực và quốc tế. Sở dĩ các nước đào tạo được những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ chất lượng cao là vì họ luôn gắn đào tạo và nghiên cứu khoa học thành một khối thống nhất. Trong những năm gần đây, việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có những đột phá đáng kể. Trong đó, vốn đầu tư để xây dựng các phòng thí nghiệm đã tăng lên nhiều lần, và do đó, đã có những thay đổi về chất trong nghiên cứu khoa học. Những mô hình viện trong Trường, Trung tâm trong Trường đã góp phần thay đổi diện mạo nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Với nhiệm vụ được đặt ra cho Trung tâm Khoa học và Công nghệ nano là nghiên cứu khoa học và phục vụ đào tạo nhân lực cao, trong 5 năm qua, Trung tâm đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ của mình, đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc thực hiện định hướng khoa học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Có thể kể đến một số thành tích nổi bật của Trung tâm trong những năm qua:
- Hoàn thành 1 đề tài trọng điểm cấp Trường (2009-2010), hoàn thành 1 đề tài cấp Bộ (NAFOSTED, 2009-2011), đang tiến hành 1 đề tài cấp bộ (NAFOSTED, 2013-2014).
- Từ năm 2008 đến 2012, công bố 28 bài báo trên các tạp chí quốc tế có chỉ số ISI, công bố 30 bài báo trong các hội nghị quốc tế và quốc gia.
- Đã đào tạo 3 NCS, 15 thạc sỹ, 20 sinh viên, 4 cán bộ thực tập.
- 7 cán bộ tham gia hợp tác nghiên cứu trong đó có 4 giáo sư nước ngoài.
Với những thành tích nêu trên, hoạt động của Trung tâm góp phần tích cực vào định hướng nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tạo nên một cơ sở nghiên cứu vững mạnh về khoa học và công nghệ nano.
2. Khen thưởng
Với những đóng góp trên, Trung tâm Khoa học và Công nghệ nano đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho những thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2006-2012.
3. Những biện pháp tổ chức thực hiện và những nguyên nhân đạt được thành tích trên
Để có được những thành công trên, chúng tôi thấy rằng:
- Bản thân đơn vị được đầu tư cần chuẩn bị chu đáo về nhân lực. Để làm việc này, đòi hỏi tầm nhìn về cả chiến lược đầu tư con người và các hướng nghiên cứu chủ lực.
- Thiết bị đảm bảo tính hiện đại, phù hợp và xét trong mối tương quan chung của hệ thống nghiên cứu nhằm tận dụng có hiệu quả các thiết bị sẵn có, tránh trùng lặp, hiệu suất sử dụng thấp.
- Thực hiện tốt việc tổ chức nghiên cứu, nghiên cứu tiến đến chuyên nghiệp, tôn trọng ý tưởng sáng tạo của mỗi cá nhân trong cộng đồng khoa học.
- Tham gia các đề tài và hợp tác để mang lại những hiệu quả thực sự cho hoạt động nghiên cứu.
- Các đơn vị quản lí nên đánh giá đúng thực trạng trước khi đầu tư, đầu tư có địa chỉ và mạnh dạn đầu tư cho các nhóm nghiên cứu.
- Tạo được một không gian thoáng cho nhà khoa học. Bản chất khoa học là thánh thiện và chân chính, hãy tin vào trái tim và khối óc của những người làm khoa học chân chính và do đó hãy cho họ không gian và thời gian vô hạn.
IV. Phương hướng và nhiệm vụ trong thời gian tới
Trong thời gian tới, Trung tâm tập trung vào những nhiệm vụ chính sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản, tăng cường hơn nữa những nghiên cứu mang tính ứng dụng để có thể có những công trình khoa học có tính thương mại có thể đăng kí được bản quyền sáng chế.
- Phát triển việc đào tạo nhân lực trình độ cao, tạo điều kiện để có được nhiều lượt các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, cao học, sinh viên đến làm việc và học tập tại Trung tâm.
- Một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới này là tăng cường hợp tác quốc tế. Với 28 công bố quốc tế có chỉ số ISI trong 5 năm qua, Trung tâm Khoa học và Công nghệ nano đã được xem như một phòng thí nghiệm đủ mạnh để có thể mời nhiều hơn nữa sự hợp tác từ các giáo sư nước ngoài.