Hàng năm, cứ đến dịp hè là hoạt động quốc tế của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trở nên sôi động hơn bởi các đoàn khách nước ngoài, các chương trình hợp tác, các lớp tập huấn, các hội thảo diễn ra liên tục. Đây là một dấu hiệu đáng phấn khởi, hứa hẹn tiềm năng hoạt động đối ngoại trong năm học mới khi ngày khai giảng đang đến gần. Sự kiện đặc biệt nổi bật tuần qua, lần đầu tiên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chọn làm đối tác phối hợp tham gia tổ chức khoá học Quản lý Giáo dục ADB với sự tham gia của 24 học viên thuộc 6 nước thành viên khu vực Tiểu vùng sông Mê-kông như Trung Quốc, Lào, Việt Nam, Campuchia, Myanma, và Thailan. Có thể coi sự kiện này là cơ hội tốt bắt nhịp với yêu cầu đổi mới tư duy quản lý giáo dục như một thách thức hiện nay đối với giáo dục các cấp của ngành giáo dục Việt Nam. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đang có những cải cách mạnh mẽ trong xu thế hội nhập và quốc tế hóa; chính vì vậy, tham gia tổ chức lớp học này càng có ý nghĩa thiết thực cho chính hoạt động chuyên môn của nhà trường.
Với sự trợ giúp của ADB, các nước Tiểu vùng sông Mê-kông ngay từ năm 1992 đã bắt đầu xây dựng một chương trình hợp tác kinh tế bao gồm nhiều lĩnh vực như vận tải, năng lượng, viễn thông, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, thương mại, đầu tư và nông nghiệp. Tuy nhiên, phải kể từ cuộc họp thượng đỉnh của các nước GMS vào năm 2002, thì vấn đề giáo dục và phát triển nguồn nhân lực của khu vực mới được chú ý và cái tên “GMS-PPP for Development Management” đã chính thức ra đời như một ghi nhận về sáng kiến của khu vực. Mục tiêu của ADB là tăng cường năng lực quản lý điều hành và quản lý cho các cán bộ lãnh đạo (trung và cao cấp) trong các kế hoạch, dự án hay chương trình phát triển, đồng thời qua đó thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa các nước GMS với nhau. Nâng cao chất lượng giáo dục khu vực thông qua các khoá đào tạo ngắn hạn hàng năm là một trọng tâm mà ADB đăc biệt chú ý đầu tư.
Quản lý lớp học có quy mô và theo chuẩn quốc tế đòi hỏi hoạt động đối ngoại phải năng động và có tính chuyên nghiệp cao. Đây thực sự là một thử thách đối với Phòng Quan hệ Quốc tế. Nhờ sự ủng hộ tích cực của lãnh đạo nhà trường từ Ban Giám hiệu tới các phòng ban, với quyết tâm tự rèn luyện (vừa làm vừa học) và tinh thần trách nhiệm cao, toàn thể các cán bộ được huy động đã hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Năng lực điều hành của ban tổ chức, tinh thần lao động nghiêm túc từ hai phía chuyên gia cũng như học viên ADB chính là các nhân tố quan trọng tạo nên thành công tốt đẹp của khoá học, về cả khâu tổ chức cũng như chuyên môn.
Hai tuần trôi qua, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã thực sự để lại một ấn tượng tốt đẹp đối với các thành viên tham gia khoá học, đối với các bạn bè quốc tế. Cả chuyên gia và học viên đặc biệt bị thuyết phục bởi phương thức tổ chức và tấm lòng hiếu khách của một đơn vị chủ nhà. Những cảm xúc của các học viên trong buổi lễ bế mạc, những đánh giá cao của các chuyên gia ADB về công tác tổ chức lớp học thực sự là một khích lệ lớn đối với nhà trường, nhất là đối với bộ phận làm công tác đối ngoại. Thành công của lớp học không chỉ đáp ứng mục tiêu của ADB đặt ra, mà đây còn là cơ hội để Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có thêm kinh nghiệm nhằm phát triển hơn nữa hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý giáo dục.
Phòng QHQT
Lê Nguyễn Hương Trinh