- Thưa qúy Ngài, qúy Ông, qúy Bà, tất cả các vị khách trong nước và quốc tế thân mến!
- Qúy Ông, qúy Bà, các Giáo sư Tiến sĩ trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trường Đại học Kinh tế Quốc dân Việt Nam thân mến!
Hôm nay tôi rất vui mừng phấn khởi, đồng thời cũng xin phép được thay mặt Ngài Sok An, nhân vật được trao tặng bằng Tiến sĩ danh dự ngành du lịch. Chúng tôi rất xúc động và vinh dự khi nhận được quyết định của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trường Đại học Kinh tế Quốc dân Việt Nam đã đánh giá và phán quyết cấp cho bản thân tôi và Ngài Sok An bằng Tiến sĩ danh dự ngành giáo dục và Tiến sĩ danh dự ngành du lịch.
Nhân dịp lễ trao tặng long trọng ngày hôm nay, thay mặt Chính phủ Vương quốc Campuchia, thay mặt Ngài Sok An và nhân danh cá nhân, tôi xin được bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc các vị lãnh đạo, ban giám khảo kiểm tra khả năng, các vị giáo sư tiến sĩ, tất cả các thành viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trường Đại học Kinh tế Quốc dân Việt Nam đã quyết định trao bằng Tiến sĩ danh dự ngành giáo dục cho bản thân tôi và Tiến sĩ danh dự ngành du lịch cho Ngài Sok An.
Nói thật ra, vinh dự cao quý của cả hai chúng tôi đã dành được trong ngày hôm nay cũng là vinh dự chung của Chính phủ, Nhân dân cũng như của tất cả những người Campuchia trong cả nước. Đồng thời niềm vinh dự lớn lao đáng tự hào này càng được thể hiện rõ thêm nữa vai trò nhiệm vụ mà tất cả chúng tôi cần phải tiếp tục hy sinh để củng cố an ninh, hòa bình, ổn định, nhân quyền dân chủ, nâng cao phẩm giá con người, phát triển bền vững và bình đẳng trong mọi tầng lớp xã hội Campuchia.
Song song với việc đó, niềm vinh dự lớn lao cao cả này khẳng định rõ tình hữu nghị giữa nhân dân Campuchia và nhân dân Việt Nam. Đây không phải là một tình hữu nghị vừa được vun đắp trong thời gian gần đây. Tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước chúng ta đã được vun đắp qua hàng loạt các giai đoạn lịch sử, kể cả trong hòa bình cũng như chiến tranh chống bọn xâm lược nước ngoài. Chúng ta đã cùng chung chiến hào đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt đồng thời ngăn chặn việc quay trở lại của chế độ diệt chủng này, cùng lúc với nhân dân Campuchia cật lực phấn đấu để khôi phục và phát triển đất nước và dân tộc mình. Nói thực ra, hiện nay chúng ta vẫn đang củng cố và phát triển hợp tác thêm một bước mới nữagiữa hai nước. Đó là sự cố gắng, kiên trì chung của cả hai nước để đi vào chiều sâu thêm nữa, trong quan hệ tình nghĩa láng giềng anh em với truyền thống mở rộng sự hợp tác và ổn định lâu dài.
Nhân dịp này, tôi xin phép được bày tỏ lòng cảm ơn chân thành và sâu sắc đến nhân dân Việt Nam đã ủng hộ, giúp đỡ không mệt mỏi và liên tục trong các lĩnh vực hạ tầng kiến trúc cơ sở như hệ thống giao thông đường xá, giúp đào tạo nhân lực và ngành y tế trong thời gian vừa qua; miễn thuế thu nhập cho 40 mặt hàng của Campuchia xuất sang Việt Nam và không cần đòi hỏi phải có sự đáp ứng lại, và miễn thuế từ phía Campuchia.
Qúy Ngài, qúy Ông và qúy Bà thân mến!
Nhân dịp này tôi xin phép được nêu lại một số việc sau ngày 07 tháng Giêng năm 1979. Mặc dù đất nước Campuchia được giải phóng, nhân dân Campuchia thực sự thoát khỏi họa diệt chủng nhưng chiến tranh vẫn tiếp tục kéo dài thêm nhiều năm nữa. Cụ thể lúc đó nhân dân chúng ta chỉ có hai bàn tay trắng, chúng ta không có cơm ăn, không có áo mặc, không có giáo dục đào tạo, không có nơi tránh mưa tránh nắng. Chúng ta có thể thẳng thắn nói rằng người dân Campuchia 100% nằm trong tình cảnh nghèo nàn và đói rách. Tất cả mọi người sống trong cảnh bần cùng đói khát; bị mất mát, thất lạc những người thân thích như vợ, chồng, cha, mẹ, con cái, anh em và bạn bè thân thích; song song đó là bệnh tật ốm đau do suy dinh dưỡng. Lúc đó tất cả chúng ta từng bước bắt đầu xây dựng lại đất nước theo mọi cách mà chúng ta có thể làm được, trong bối cảnh một đất nước cực kỳ gian khổ. Một tay ta khôi phục và xây dựng lại đất nước trên một đống tro tàn với toàn bộ hạ tầng kiến trúc cơ sở xã hội và kinh tế bị phá hủy. Một tay nữa ta phải bảo vệ và ngăn chặn triệt để, không cho phép bọn diệt chủng quay trở lại một lần nữa. Nhiệm vụ nặng nề này ta phải phấn đấu trong một tình huống khi tổ quốc ta nằm trong cảnh bị bao vây, cấm vận kinh tế kể cả viện trợ nước ngoài chỉ đơn thuần phục vụ cho việc phát triển.
Về lĩnh vực giáo dục sau ngày giải phóng 07 tháng Giêng chúng ta đã phấn đấu cố gắng hết sức mình kể cả tinh thần và vật chất nhằm đào tạo nhân lực qua việc tập trung gom góp các cô giáo, các thầy giáo hãy còn sót lại sau chế độ diệt chủng. Chúng ta đã tập trung họ và đào tạo qua một khóa bổ túc tại Phnom Pênh sau đó tiến đến tổ chức đào tạo các khóa sư phạm mới khác nữa tại các tỉnh thành khác trong toàn quốc, nhằm phục vụ công tác giảng dạy trong cả nước. Trong bước đầu của công tác nêu trên, chúng ta cho phép hoạt động trở lại các trường phổ thông cấp I và cấp II, tạo điều kiện cho con em, các cháu học sinh có điều kiện quay trở lại nhà trường để tiếp tục con đường học vấn của mình. Song song với việc đó ta cũng tổ chức việc nâng cấp, tu bổ sửa chữa các phòng học, dụng cụ phục vụ cho việc nghiên cứu học tập, từng bước cải tiến một số môn học và tiếp tục cải tiến ngành giáo dục sư phạm, trong đó quan trọng chủ yếu là giải quyết các nhu cầu cơ bản trong lĩnh vực giáo dục như khôi phục chất lượng giáo dục học tập qua việc cung cấp sách vở tài liệu, phương tiện nghiên cứu, mở rộng việc nâng cấp đào tạo các nhà giáo và nâng cao chất lượng thông qua các khóa thi tuyển.
Kết quả thu lại trong hệ thống giáo dục là chất lượng giáo dục được cải tổ và chất lượng này ngày càng được mở rộng và nâng cao thêm. Kể từ đó đến nay, trong lĩnh vực giáo dục, việc xây dựng các trường, các phòng học là một ưu tiên hàng đầu trong nguyện vọng của bản thân tôi nhằm xây dựng một xã hội Campuchia với những bước phát triển mau lẹ, trong nhân dân có những người hiểu biết khoa học, kỹ thuật tiên tiến và kiến thức cao; đồng thời mức sống cũng được cải thiện trong phồn vinh hạnh phúc và cao thượng.
Qúy Ngài, qúy Ông, qúy Bà thân mến!
Hiện nay đất nước Campuchia chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới nữa trong lĩnh vực phát triển giáo dục, trong đó quan tâm đến việc củng cố cơ sở giáo dục và chất lượng học tập trong khuôn khổ phát triển nền kinh tế quốc dân có hệ thống và mang tính sâu rộng. Trong khuôn khổ của tầm nhìn về lâu dài, ta gắn liền chiến lược giáo dục với chiến lược xóa đói giảm nghèo thông qua việc kết hợp gắn liền giữa tiền ứng trước của ngành giáo dục với kế hoạch quản lý chi tiêu công cộng.
Đồng thời chúng ta cũng cần khẳng định rõ rằng chính sách của chính phủ nhằm phát triển nhân lực với chất lượng cao và sử dụng có hiệu quả cơ sở chất xám của dân tộc, chúng ta không những chỉ cố gắng đơn thuần giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân ta trong một thời gian ngắn trước mắt mà cần phải có một tầm nhìn sâu rộng phục vụ cho việc phát triển, đầu tư để củng cố khả năng tranh đua của Campuchia trong thời gian trước mắt, chủ yếu là trong thế kỷ thứ XXI này. Thời đại của toàn cầu hóa và là thời đại tranh đua kinh tế, dựa hoàn toàn vào trình độ hiểu biết và thông tin học.
Với nội dung ý nghĩa đã được nêu, Chính phủ chúng tôi luôn luôn cho rằng công tác đào tạo nhân lực và việc giáo dục học tập là một chiến lược phát triển lâu dài của bản thân mình. Song song đó việc xóa đói giảm nghèo được nẩy sinh ra từ nền tảng cơ sở trong công tác phát triển nhân lực đó là một yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo sự liên tục trong việc phát triển đồng thời là cán cân công lý để phân chia lợi nhuận qua sự tăng trưởng kinh tế quốc dân. Vì rằng khi có trình độ kiến thức, khi có tay nghề vững vàng ta mới có thể cải thiện mức sống trong gia đình cũng như trong xã hội theo quan niệm “Giáo dục là chìa khóa để giải quyết mọi vấn đề xã hội – kinh tế”. Như vậy một xã hội tốt là xã hội biết chung sống hòa hợp với nhau, tôn trọng và đùm bọc lẫn nhau, biết giúp đỡ qua lại không có hành động vũ lực, không phân biệt đối xử trong tất cả mọi tình huống như giai cấp, giáo phái hay nam nữ.
Ngoài ra chính sách của chúng ta trong việc tư do hóa lĩnh vực giáo dục và việc củng cố đối tác trong lĩnh vực tư nhân kể cả trong và ngoài nước, như bản thân tôi đã tự nêu ra trong khoảng 10 năm trước đây, đã được đơm hoa kết quả rất tốt đẹp. Cụ thể là rất nhiều cơ chế giáo dục, trong đó có nhiều cơ chế của nhà nước lẫn tư nhân được xây dựng lên và không ngừng phát triển đông như nấm rơm nảy mầm trong đầu mùa mưa. Các học sinh, sinh viên Campuchia đang được hoan nghênh, cổ vũ trong việc tiếp thu không mệt mỏi những kiến thức của nhà trường. Họ hoàn toàn có quyền tự do và khả năng đầy đủ để tiếp thu tất cả mọi nguồn tin nhằm phục vụ cho việc học tập, nâng cao kiến thức bản thân qua việc sử dụng các thư viện và hệ thống tin học.
Lẽ dĩ nhiên, trong cương vị của một người mang truyền thống dân tộc Khmer và trên cương vị của một Thủ tướng, không có gì làm cho tôi hài lòng hoan hỉ hơn khi tôi thấy ngành giáo dục có những bước nảy nở phát triển trên đất nước Campuchia trong nhiều năm qua. Mặc dù nhân dân ta, đất nước ta hãy còn rất nhiều vấn đề tồn tại phải đối đầu. Tuy nhiên chúng ta vẫn tự hào vì chúng ta không thể kể hết những phát triển giáo dục trong thời điểm này, trong đó có việc mở rộng cấp đại học là chính sách chủ yếu của chính phủ, đặc biệt hơn nữa là tạo thời cơ cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia trong công tác phát triển, xóa đói giảm nghèo, xây dựng các cơ quan và củng cố quyền tự do, tự trọng và dân chủ.
Với tinh thần ý nghĩa nêu trên, việc trao tặng văn bằng Tiến sĩ danh dự ngành giáo dục cho bản thân tôi trong dịp này là một sự đóng góp mới nhằm xây dựng một tiền đề ưu tiên trong cấp đại học của Campuchia đồng thời cũng tạo ra một phong trào với những bước tiến mới trong cấp đại học và chất lượng giáo dục cao.
Tranh thủ dịp này, và với mục đích biến việc nhận văn bằng Tiến sĩ danh dự ngày hôm nay trở thành một bước tiến mạnh dạn nhằm tạo ra một quy chế trật tự trong việc toàn cầu hóa chất lượng học tập tại Campuchia đồng thời với việc kiểm tra đánh giá chất lượng ngành giáo dục. Lẽ dĩ nhiên là nếu chúng ta làm được như vậy, các trường học của Campuchia sẽ được nâng thêm về chất lượng trong việc phát triển nhân lực ngày càng cao và có hiệu quả thêm nữa.
Vì lẽ đó, trong những buổi lễ trao tặng văn bằng ở các trường đại học, tôi luôn luôn quan tâm và thường xuyên nêu lên vấn đề kinh tế, vấn đề thị trường và công tác quản lý. Đặc biệt quan tâm đến việc phát triển ổn định tại các cơ chế đại học vì rằng tôi muốn thấy các trường đại học của ta luôn luôn giữ vững mức ổn định, phát triển về mặt kinh tế, công tác quản lý chất lượng và có vai trò chủ yếu trong xã hội.
Ngoài ra tôi cũng muốn thấy các trường đại học của ta tiếp tục duy trì vai trò lịch sử của mình trong việc đào tạo nhân lực, nghiên cứu học tập, đồng thời phải có sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật, đóng góp vào việc xây dựng nền kinh tế quốc dân, nâng cao sự phát triển xã hội đồng thời bảo vệ duy trì văn hóa và bản sắc dân tộc mình.
Qúy Ngài, qúy Ông, qúy Bà thân mến!
16 năm trước đây, có nghĩa là vào năm 1991, với tinh thần vừa làm việc vừa học, tôi đã dành được kết quả trong việc bảo vệ luận án tiến sĩ khoa chính trị học tại Học viện Nguyễn Aí Quốc, Hà Nội. Luận án đó là kim chỉ nam cho bản thân tôi trong công tác lãnh đạo đất nước Campuchia trong thời kỳ giao động, chủ yếu là đường lối dân chủ nhân dân và nay đã trở thành một yếu tố chủ yếu trong chính sách của Đảng Nhân dân Campuchia. Niềm tự hào của tôi không phải vì tôi là một tiến sĩ khoa chính trị học mà vì tôi đã kiên trì cố gắng nghiên cứu và viết ra một Luận án đáp ứng tình hình cụ thể đang nẩy sinh ra và tôi không bị mất tự chủ khi phải đối đầu giải quyết hàng loạt tình huống nặng, nhẹ xảy ra. Tất cả mọi giải pháp đều mang lại thắng lợi cho dân tộc và nhân dân cả nước.
Nhân danh người được nhận bằng Tiến sĩ danh dự của trường Đại học Sư phạm Hà Nội và thay mặt Ngài Sok An người được nhận bằng Tiến sĩ danh dự trường Đại học Kinh tế Quốc dân Việt Nam, tôi xin phép được bày tỏ lòng cảm ơn cao cả nhất đến Đức Quốc Vương Campuchia Norodom Sihamoni, Cựu Đức Quốc Vương Norodom Sihanuk, người Cha anh hùng của nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất dân tộc Khmer và Cựu Hoàng hậu Norodom Monineath Sihanouk, bà Mẹ anh hùng Khmer vì tự do, vì sự cao thượng và hạnh phúc của toàn dân. Kính chúc Đức Quốc Vương, Cựu Quốc Vương và Cựu Hoàng hậu được an khang, trường thọ để lãnh đạo dìu dắt đất nước trong bóng mát thanh bình mang lại lợi ích cho con cháu về lâu về dài. Vinh dự của cả hai chúng tôi trong ngày hôm nay, chúng tôi cũng xin phép được báo cáo đến cơ quan Thượng viện, Hạ viện, chủ yếu là Samdech Chia Sim và Samdech Heng Som Rin cùng với các lãnh đạo khác của Đảng Nhân dân Campuchia đã luôn luôn quan tâm đến tôi trong việc việc trao đổi góp ý chỉ dẫn tôi trong tất cả mọi hoạt động của mình trong thời gian qua.
Tôi cũng xin phép được gửi văn bằng này đến tất cả các cố vấn và các trợ lý của tôi cũng như tất cả các công nhân viên chức, tất cả các đơn vị vũ trang, các ông, các bà, các vị giáo sư, các cô giáo, thầy giáo và tất cả nhân dân Campuchia đã luôn luôn ủng hộ sự lãnh đạo của tôi và đó là nguồn học tập không bao giờ cạn kiệt của bản thân.
Với kết quả vừa dành được, tôi xin phép được kính báo đến vong linh bà Mẹ kính yêu đã quy Thiên chầu Phật và xin kính báo đến người Cha đáng tôn kính cũng như toàn bộ anh chị em của tôi, vì rằng tất cả những gì tôi đang dành được hiện tại là tài sản thực thụ của Đức song sinh cũng như của toàn bộ các thành viên trong Gia đình tôi.
Tôi xin phép được chia sẻ với lòng trung thủy son sắt đến Bà Bunmary Hun Sen vị Phu nhân yêu quý và tất cả các con, các cháu đáng yêu của tôi đã luôn luôn kề cận cả ngày đêm và sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi trong tất cả mọi tình huống với cuộc đời của tôi.
Một lần nữa, tôi xin phép được bày tỏ lòng cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất đến các vị lãnh đạo, các quan khách trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trường Đại học Kinh tế Quốc dân Việt Nam đã đến đây để trao bằng Tiến sĩ danh dự cho cả hai chúng tôi.
Cuối cùng tôi xin chúc các Ngài, các Ông, các Bà, tất cả các vị khách quý trong nước và quốc tế đang có mặt trong buổi lễ trao tặng bằng Tiến sĩ ngày hôm nay dành được nhiều thắng lợi, hạnh phúc và phồn vinh cùng với lời chúc của Đức Phật là Phúc, Lực, Lộc, Thọ.
Bản dịch tiếng Việt (từ tiếng Khmer).
Người dịch: Mr. Dao Savy, Trợ lý Thủ tướng Hun Sen.