Thực hiện kế hoạch chuyến công tác “Hành trình lịch sử”, Đoàn công tác của Đoàn Thanh niên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội do đồng chí Nguyễn Bá Cường làm Trưởng đoàn cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Đoàn trường, một số cán bộ Đoàn, sinh viên tiêu biểu đã có những hoạt động ý nghĩa.
Chiều 10/8/2011, Đoàn đã tới thăm viếng Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn. Tất cả thành viên trong Đoàn đều vô cùng xúc động và nghẹn ngào trước hàng ngàn anh hùng đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ, đem lại sự bình yên cho nhân dân. Mỗi cán bộ Đoàn đều lắng lòng mình trong mây núi Trường Sơn, ghi tạc công lao của thế hệ cha ông đi trước và nguyện rèn luyện, phấn đấu để cống hiến cho đất nước.
Sáng ngày 11/8/2011, Đoàn đã tới thăm Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - cựu sinh viên khoa Ngữ Văn (khóa 1961 - 1964) tại nhà riêng ở Thành phố Huế. Chúng tôi hết sức cảm động trước sự tiếp đón thân tình, gần gũi của một nhà thơ nổi tiếng, một nhà hoạt động chính trị và văn hóa có uy tín của nước nhà. Ông nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam.
Được gặp nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là niềm ao ước của nhiều thế hệ đã từng đọc thơ ông, học tập, giảng dạy thơ Nguyễn Khoa Điềm. Những vần thơ đã theo cùng năm tháng, để lại ký ức không thể phai mờ trong tâm chí lớp lớp thế hệ người Việt Nam kể từ hồi chiến tranh chống Mỹ đến nay.
Gặp chúng tôi - lớp thế hệ thanh niên, giảng viên trẻ của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - ngôi trường lớn nhất của nền sư phạm Việt Nam, Bác Nguyễn Khoa Điềm nói chuyện cởi mở, thân tình như gặp lại những người quen cũ. Với biết bao nhiêu kỷ niệm hồi sinh viên học tập tại Trường đang dội về, Nhà thơ cho biết: Thời kỳ chúng tôi đi học là thời kỳ mà Miền Bắc lúc đó có nhiều thuận lợi, bắt đầu từ thời điểm “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng” (thơ Tố Hữu). Vì thế mà việc học tập, rèn luyện được chăm lo chu đáo. Tôi rất tự hào được là sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - ngôi trường luôn nhận được sự quan tâm của Bác Hồ và của các đồng chí lãnh tụ Đảng và Nhà nước ta. Hồi đó, tôi được học các Giáo sư mà tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử văn hóa - giáo dục Việt Nam thế kỷ XX như Đặng Thai Mai, Nguyễn Lương Ngọc, Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn,... Lúc đó, giáo trình ít, tài liệu học tập trong trường cũng còn khan hiếm. Chúng tôi phát huy tinh thần tự học đi Thư viện quốc gia đọc sách. Đọc càng nhiều càng tốt. Hồi đó quý sách lắm, vớ được quyển nào đọc ngầu quyển đó, đến giờ kiến thức về nó vẫn còn như tươi mới. Học ngành gì cũng vậy, kể cả trước đây và bây giờ, cần phải chịu khó đọc nhiều thì kiến thức mới phong phú. Là sinh viên, giáo viên nói chung càng cần phải đọc nhiều và học nghiêm túc”.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã kể lại nhiều kỷ niệm sâu sắc, như: kỷ niệm được nghe trực tiếp tại Hội trường lời Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nghề thầy giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, là nghề sáng tạo bậc nhất trong các nghề sáng tạo”; kỷ niệm về các sinh hoạt chuyên môn tại Ký túc xá; kỷ niệm về các hoạt động tập thể cũng như văn hóa của Đoàn trường và các khoa tổ chức: giao lưu với các nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân,...
Gặp lại các cán bộ Đoàn trường hiện nay, Bác Nguyễn Khoa Điềm nhớ lại hồi là sinh viên, với vai trò là cán bộ Chi đoàn, đã rất sôi nổi trong các hoạt động phong trào. Bác cũng động viên anh em cán bộ Đoàn hiện nay khắc phục những khó khăn trong công tác, nhất là trong điều kiện có nhiều hình thức giải trí thu hút sinh viên, để sáng tạo nên các hoạt động hướng vào giáo dục lý tưởng sống, đạo đức, thẩm mỹ và kỹ năng thích ứng với sự phát triển của xã hội hiện đại. Với tư cách là người đi trước, Bác Nguyễn Khoa Điềm đã nêu lên một số gợi ý cho cán bộ Đoàn trường và các khoa hiện nay phát triển phong trào Đoàn, đồng thời gửi gắm niềm tin vào sự phát triển của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã gửi tặng Thư viện của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cuốn sách mới được xuất bản về Bà Nội của ông - Đạm Phương nữ sử - nhà giáo mẫu mực thuộc dòng họ “danh gia vọng tộc”, đã từng nhiều năm dạy học trong hoàng cung triều Nguyễn. Đây là một cuốn sách quý về nhiều lĩnh vực giáo dục, trong đó đặc biệt là giáo dục trẻ em.
Cuộc gặp gỡ diễn ra trong thời gian hơn một tiếng đồng hồ nhưng để lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc khó quên và những ấn tượng đặc biệt thân thiện. Chúng tôi hết sức tự hào về người cựu sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - nhà thơ, nhà văn hóa, nhà chính trị Nguyễn Khoa Điềm.
Còn nhiều nội dung trong cuộc gặp gỡ ấn tượng này, chúng tôi xin được thông tin trong một bài viết gần đây.
Nguyễn Anh.