Dương Thụ sinh ngày 10 tháng 2 năm 1943, quê ở Vân Đình, Hà Sơn Bình
Còn được biết qua các bút danh Trần Xuân Nam, Vân Đình, Ái Nhạc
Dương Thụ tốt nghiệp khoa Văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1965, làm giáo viên cấp III.
Năm 1972, ông thi đậu vào Khoa Sáng tác của Nhạc viện Hà Nội (cùng đợt với Nguyễn Cường và Trần Tiến), tuy nhiên do những rắc rối về hành chính nên năm thứ hai Đại học ông phải trở về Tuyên Quang. Năm 1978, ông vào làm giảng viên khoa lí luận Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
Từ năm 1982, ông chuyển sang hoạt động âm nhạc, vừa sáng tác vừa chỉ đạo nghệ thuật cho nhiều Đoàn Văn công chuyên nghiệp, rồi làm biên tập cho Nhà xuất bản Âm nhạc và Đĩa hát Việt Nam, Tạp chí "Âm nhạc" của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Từ năm 19 tuổi, Dương Thụ đã có ca khúc được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam (Bài Nhớ làng xưa).
Vào thập niên 1990, những sáng tác của ông bắt đầu được công chúng biết đến và đón nhận. Hàng loạt ca khúc của ông được phát trên sóng phát thanh truyền hình, xuất hiện trong nhiều chương trình, băng đĩa, được rất nhiều ca sĩ thể hiện như Lệ Quyên, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Bằng Kiều... Tháng 6 năm 2005, Chương trình Con đường âm nhạc số 2 mang tên Im lặng đã được tổ chức để vinh danh ông.
Ông đã viết nhiều ca khúc và gần 20 năm nay, tên tuổi của ông trở nên quen thuộc đối với giới hâm mộ âm nhạc, đặc biệt là giới trẻ. Ca khúc của Dương Thụ khúc chiết, trữ tình, có phong cách riêng, mang hơi thở của dòng âm nhạc mới, phảng phất âm hưởng dân tộc. Nhiều tác phẩm của ông đã biểu diễn rộng rãi và xuất bản âm thanh và băng hình.
Người bạn đời của ông là Phạm Thị Thu Thuỷ, nữ phóng viên báo Thể Thao & Văn Hoá.
Các ca khúc đáng chú ý: Ru em bằng tiếng sóng, Em đi qua đời tôi, Bài hát ru cho anh, Ngày mưa hãy đến với em, Câu hỏi trước biển, Điều còn mãi, Đánh thức tầm xuân, Hơi thở mùa xuân, Mặt trời êm dịu, Lắng nghe mùa xuân về....
Tháng 10/2009, album có tên gọi "Sundance" (thuộc dạng "hi-end") của nhạc sĩ Dương Thụ có mặt trên thị trường. Theo êkip thực hiện, xu hướng hội nhập của âm nhạc Việt từng có trước đây, như Mỹ Linh phát hành album ở thị trường Nhật Bản, Thanh Lam thu âm cho album của nhạc sĩ Đan Mạch... "Nhưng đây là lần đầu tiên, album của một tác giả Việt Nam được chuyển ngữ hoàn toàn, mời ca sĩ nước ngoài hát. Ngoài ra còn có sự tham gia chơi nhạc của hai nghệ sĩ nổi tiếng Paul Langosch và Mario Trane", đại diện êkip nói.
Riêng nhạc sĩ Dương Thụ bày tỏ sự cảm động khi có được một album nhạc đặc biệt này. "Trước đây, tôi và ca sĩ Hồng Nhung từng có thử nghiệm hát tiếng Anh nhạc của mình. Nhưng lần này, điều đáng nói là ca khúc của tôi được người nước ngoài hát. Vì thế mà phần ngôn ngữ sẽ chuẩn và hay hơn".
Được thu "live" từ phần nhạc và hát tại studio của Nhạc viện TP HCM, album được soạn hòa âm bởi hai nhạc sĩ Dũng Đà Lạt và Vũ Trọng Hiếu. Toàn bộ êkíp thực hiện cùng bày tỏ mong muốn, cách làm nhạc như album "Sundance" sẽ mở ra một hướng đi mới cho việc quốc tế hóa âm nhạc Việt Nam.
Lê Hoàng 'bàn' về Dương Thụ
Tôi biết nhạc sĩ Dương Thụ chưa đủ lâu, và cũng chả thể gọi là thân và chưa từng đến nhà anh, chưa bồi hồi, chưa cùng anh có những kỷ niệm đỉnh cao hoặc đỉnh thấp. Tôi cũng mới chỉ ăn cơm với Dương Thụ vài lần (chả nhớ ai trả tiền). Tôi ít tuổi hơn Thụ. Năm nay tôi hai mươi, còn Thụ đã hai lăm (đứa nào không tin kệ nó).
Lần đầu tiên nhìn thấy Thụ đã khoảng gần hai chục năm. Hồi đó tôi hay ngồi ở cửa xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu trên đường Ngô Thời Nhiệm, Thụ hay đạp xe đạp qua đấy vì hai lý do: hình như anh dạy học ở gần đó, và ở xưởng lúc đấy có cô diễn viên Kim Chi rất xinh.
Tôi là kẻ dốt âm nhạc. Nhưng lúc ấy Thụ cũng ít nói về nhạc. Bởi hồi này cuộc sống còn khó khăn, cả thành phố đều say sưa nói về ăn. Thụ dĩ nhiên không phàm tục như thế. Nhưng anh cũng chả vội thanh cao.Rõ ràng là Dương Thụ có một kiến thức tổng quát về cuộc sống. Anh chẳng phải mẫu người khô khan như Bét-tô-ven, ngoài các bản giao hưởng ra, chả biết gì. Chính vì thế, anh dễ gần và dễ gây cảm phục. Có lần, một học sinh trường văn hóa nói với tôi là các tiết học ở đấy chán ngán, trừ những tiết của thầy Thụ.
Tôi tin ngay tắp lự. Sau này, tôi có dịp quen kỹ Thụ hơn, vì Điện ảnh và Âm nhạc là hai thứ buộc phải đi với nhau. Tôi cũng quen với Thủy Phạm, vợ của anh, một cô gái chân dài đến nỗi làm nhà báo thật quá phí!
Theo tôi, Dương Thụ là nhạc sĩ có cảm xúc trước, có nhạc lý sau. Hình như một ngày nào đó, anh phát hiện ra có thể dùng âm nhạc làm công cụ. Chỉ đơn thuần công cụ thôi, anh không tha thiết với việc lau chùi và đánh bóng nó, khác hẳn với kẻ keo kiệt lau chùi sợi dây chuyền vàng.
Ưu điểm lớn nhất của Thụ, cũng theo tôi, là anh có cái nhìn trẻ thơ trong sự vật. Anh mở mắt to tròn nhìn chim họa mi trong khi kẻ khác ở thế hệ anh giương mắt nhìn đại bàng hay nhìn quạ.
Vì vậy âm nhạc của Dương Thụ có phong cách. Thanh Tùng cũng có phong cách, nhưng nếu Thanh Tùng giỏi về con người thì Thụ giỏi về thiên nhiên.
|
Nhạc sĩ Dương Thụ bên khung cửa sổ nhìn ra khu vườn đầy hoa lá. |
Dương Thụ có lòng yêu thiên nhiên kiểu làng quê đến điên cuồng. Anh khoái mùi rơm rạ, mùi khói bếp và mùi sương mù. Nhưng Thụ hay ở chỗ anh quê mà vẫn “tây”. Khác hẳn với Lê Lựu hay Trần Đăng Khoa, quê mà vẫn quê. Thụ thích mùa đông, thích mưa phùn, thích bờ đê nhưng không thích đèn cầy. Thụ dân tộc và bản sắc một cách thanh cao. Thụ “thuần Việt” trong tâm hồm chứ không trong quần áo. Điều này chả dễ dàng gì.
Dương Thụ có một ưu điểm nổi bật là không bê tha. Càng không lấy sự bê tha là biểu hiện của nội tâm như một số kẻ thích lập lờ, đánh tráo khái niệm. Anh không thuốc, không rượu và không cờ bạc. Trong bốn niềm đam mê tội lỗi của con người, anh miễn nhiễm tới ba.
Có một tâm hồn tinh tế và nhạy cảm, Thụ cũng kèm theo sự coi rẻ kỹ thuật. Anh khinh mọi máy móc nói chung và cơ khí nói riêng. Cho đến lúc chết, đừng có đứa nào mong nhìn thấy Thụ xoay trần ra lau xe hay sửa nồi cơm điện. Thụ cũng không phải là người cẩn thận. Cứ năm phút anh lại để quên kính hay ví một lần.
Thụ có sức hút lạ lùng với phụ nữ, vì yêu anh có vẻ “sang”. Đó là thứ rất nhiều đàn ông thèm muốn mà không đạt được dù có bao nhiêu tiền.
Tôi tin chắc Thụ không thích tiền bằng đất. Anh rất thích đất rộng, thích vườn và ao, anh phảng phất mùi địa chủ. Chỉ có khác, địa chủ bóc lột dân cày, còn anh bóc lột anh. Có điều tôi đoán Thụ thích đất hoang sơ. Anh không ưa đất có gieo trồng.
Chính nhờ sở thích này mà gần đây có tin đồn Thụ giàu, sở hữu mảnh này mảnh nọ ở Đà Lạt. Nhưng Thụ thuộc dạng giàu mà không hưởng. Đất càng lên giá anh càng không bán vì anh thích đất chứ không thích những gì đất mang lại.
Nếu tôi là đạo diễn viết báo nhiều nhất thì Thụ là nhạc sĩ viết báo nhiều nhất. Thụ nhìn đâu cũng vớ được đề tài. Một bức tường rêu, một mùi hoa sữa, một nhánh hoa khô vào tay Thụ cũng hóa ra văn.
Nhạc của Thụ cũng không đùng đùng, cũng không sến, mà sang. Sang đến mức đôi khi thành sang quá.
|
Luôn thấy ở nhạc sĩ sự chỉn chu, điềm tĩnh. |
Nhược điểm lớn nhất của Dương Thụ, theo tôi là không biết đùa. Anh có thể bị phật ý dễ dàng, đến mức người ta ngại và người ta chuồn. Gần đây, khi phụ trách mục trò chuyện trên báo Đẹp, Thụ làm tôi phát hoảng vì cách đặt câu hỏi quá dài và quá cẩn thận.
Tôi thiếu hẳn phẩm chất kỹ càng này. Cái gì tôi cũng nói lếu láo được nếu tôi có dịp. Thụ ngược lại, cái gì anh cũng nói chững chạc nếu anh có cơ hội. Nếu như hội nhạc sĩ có kiến nghị gửi Chính phủ và đưa cho Thụ soạn, tôi tin chắc bản kiến nghị sẽ đầy đủ, sẽ dài và sẽ làm cho người đọc kiệt sức.
Về cơ bản, Thụ rất đứng đắn (trong khi nhiều nghệ sĩ về cơ bản rất lăng nhăng). Có lần tôi cho cô Thủy, vợ Thụ mượn vài đĩa phim, một số đĩa có chút cảnh nóng, Thủy bảo tôi “anh Thụ không cho xem”. Tôi tin ngay khẩn cấp.
Về tổng thể, Dương Thụ chả phải con người của thị trường. Nhạc anh không teen cũng không già. Nhạc anh lãng mạn mơ hồ, cuộc sống hôm nay, cái gì mơ hồ đều ít chỗ.
Thụ say mê đá bóng. Anh thích lối chơi đẹp, bay bướm, trong khi thiên hạ thích làm bàn!
(Theo Đẹp)