Những người cho rằng Trọng Bằng xuất sắc nhất với cây đũa chỉ huy thì nhất trí rằng: với tố chất thông minh, ngay từ khi chưa học chỉ huy bao giờ, lúc mới 23 tuổi (1954), chỉ mới có được một số bài hát đầu tay, Trọng Bằng đã đảm nhận dàn dựng và chỉ huy chương trình biểu diễn đầu tiên tại Hà Nội khi quân ta tiến vào tiếp quản Thủ đô. Và cũng khả năng ấy, năm 1955 khi tham gia Liên hoan Thanh niên sinh viên thế giới ông cũng là người dàn dựng và chỉ huy những buổi diễn của dàn nhạc Việt Nam (VN). Rồi sau khi học chuyên ngành chỉ huy tại Nhạc viện P.I Tchaikovsky, tốt nghiệp xuất sắc năm 1963 (trở thành người Việt đầu tiên tốt nghiệp nhạc viện nổi tiếng này) ông trở về VN và là người cầm đũa chỉ huy nhiều đêm diễn thành công với nhiều danh mục tác phẩm tầm cỡ. Hàng trăm tác phẩm thuộc nhiều thể loại, từ tác phẩm kinh điển của các nhạc sĩ thế giới đến các tác phẩm có giá trị của các nhạc sĩ VN đã được nhạc trưởng Trọng Bằng dàn dựng và chỉ huy đêm diễn. Một điều đặc biệt luôn được nhắc tới, đó là không ít những nhạc sĩ tên tuổi, những nhà văn hóa có mặt tại TP. HCM ngày đầu giải phóng còn nhớ cái giây phút xúc động của họ khi nhìn thấy một nhạc trưởng trẻ tuổi, gày gò người Bắc chỉ huy một cách xuất thần trong chương trình hòa nhạc đồ sộ tại Nhà hát TP ngày 1/6/1975, chào mừng Đại thắng mùa xuân. Họ kể rằng, họ kinh ngạc về tài chỉ huy, về những giây phút thăng hoa và kinh ngạc hơn nữa khi biết trong tay ông lúc ấy không phải là những bản tổng phổ hoàn chỉnh, tất cả chỉ hiện diện trong đầu ông, trong trí nhớ của ông. Đêm ấy, gần 100 nghệ sĩ dưới cây đũa của ông đã trình diễn các tác phẩm của L.V Beethoven, F.B Mendelssohn, P.I Tchaikovsky, F. Schubert, A.Dvorak, G. Rosonini, J. Strauss và của Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Đình Tấn...
Nghe tôi nói, anh bạn họa sĩ thán phục ra mặt. Anh hỏi tiếp: Thế còn sáng tác ca khúc? Tôi bảo, về ca khúc thì như những bài mà họa sĩ đã thuộc như: “Noi gương Cù Chính Lan”, “Đế quốc Mỹ là cái thân con ruồi”, “Bài hát bên cầu phao”, “Bão nổi lên rồi”, “Quê hương vang tiếng hát tự hào”... thì nhạc sĩ Trọng Bằng còn nhiều ca khúc có khả năng động viên tức thì những giai đoạn nhất định. Nhắc giá trị âm nhạc của Trọng Bằng có lẽ nên nói đến những sáng tác khí nhạc thì hơn. Đó là những bản như: Overture Chào mừng (1986) và Giao hưởng thơ “Người về đem tới ngày vui” (1990). Đó là những bản được nhiều nhạc trưởng người nước ngoài (từng chỉ huy các dàn nhạc VN biểu diễn) chọn trong chương trình tại VN, nó phần nào mô tả được cuộc sống của người Việt trong giai đoạn nó xuất hiện.
Anh bạn họa sĩ, trầm ngâm. Tôi hiểu, anh đang nghĩ đến “sự cố” năm nào của Trọng Bằng, về “những ô nhịp ảnh hưởng chương IV Bản giao hưởng số 5 của Shostakovitch và chương IV, Giao hưởng số 7 của Prokofiev. Tôi bảo: “Ngoài những chất liệu âm nhạc dân gian mà các nhạc sĩ sử dụng như là một phản ánh về tâm cảm người Việt, các nhà soạn nhạc còn sử dụng cả những chất liệu khác được chảy đến tâm hồn một cách tự nhiên. Chất liệu đó có thể đến từ Pháp, Trung Quốc, Nga hay châu Âu như một sự liên tưởng cả khách quan và chủ quan. Nhất là những sáng tác đó dành cho Dàn nhạc giao hưởng với những nhạc cụ phương Tây. Việc một vài ô nhịp trong tổng số hơn 300 ô nhịp của một tác phẩm “Chào mừng” có thể trùng hợp, na ná với một tác phẩm ra đời trước đó hàng vài chục năm là chuyện dễ có, nhưng thật sự không đáng kể. Ngoài hai tác phẩm kể trên Trọng bằng còn viết 5 bản Fuga cho đàn piano (1969-1871) và một vũ khúc cho violoncello & piano (1971). Mặc dù đó chỉ là những tác phẩm viết để kiện toàn thủ pháp sáng tác nhưng ở đó người nghe thấy thể hiện bút pháp phức điệu vững vàng, có nhiều sáng tạo tìm tòi...”.
“Thế còn sự nghiệp đào tạo?”. Tôi bảo, ông hỏi quá kỹ đấy. Họa sĩ bảo: “Hãy cho tôi biết về Trọng Bằng, lý do vì sao tôi sẽ nói sau”.
Tôi nói tiếp: Từ 1984 đến 1996 ông là Giám đốc Nhạc viện HN. Ông có kiến thức và kinh nghiệm, đã cùng với các giáo sư, nhạc sĩ ở đây đào tạo một thế hệ nhạc sĩ trẻ, nhiều người sau này đã là những ngôi sao như: Nguyễn Thiếu Hoa, Phạm Ngọc Khôi, Lê Phi Phi, Doãn Nguyên, Nguyễn Tài Tuấn... Ông được phong hàm Giáo sư từ 1991. Năm 1993 ông nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.
Anh bạn tôi lúc này mới nói ra tâm sự của mình, rằng anh có con trai đang theo học hội họa bỗng muốn chuyển hướng học âm nhạc. Cậu đã từng học sơ cấp piano. Anh bảo, những sinh viên nghệ thuật thường tìm thần tượng và sống theo thần tượng đó. Nó rất muốn hỏi bố mà bố thì thích ông Trọng Bằng nhưng chẳng hiểu lắm về ông, muốn được những người “tỉnh táo” hơn tư vấn.
Tôi nói, tốt nhất anh hãy nói với cậu ấy, con người không phải là thánh thần. Bên cạnh mỗi tài năng bao giờ cũng có một điều gì đấy khiếm khuyết, đấy mới là cuộc đời. Nếu nói khí nhạc, có khi phải kể đến Đàm Linh và nhiều nhạc sĩ khác, nếu nói đào tạo phải kể đến công lao cả một đội ngũ giảng viên với uy tín và khả năng sư phạm lớn chẳng hạn. Hãy tin ở khả năng dẫn dắt của thày Trọng Bằng, nghe các tác phẩm của ông vừa với một sự ngưỡng mộ vừa biết nhận ra sự khác biệt (hơn/kém) với những tác phẩm của các nghệ sĩ cùng thời và của cả thế hệ học trò của nghệ sĩ Trọng Bằng nữa.
Không ngờ, sau câu chuyện của tôi và anh bạn họa sĩ, tôi lại gặp nhạc sĩ Trọng Bằng. Sau câu chuyện phiếm về những sáng tác trẻ gần đây, về không khí sinh hoạt “làng âm nhạc”, tôi có ý muốn hỏi một người từng là Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2 khóa liền (từ 1995 đến 2005) rằng, trong con mắt ông những người nào sẽ được đề cử để bầu vào nhiệm kỳ mới. Ông từ chối, không đưa ra bất kỳ cái tên nào.
Trần Tường Nguyên
Theo: suckhoedoisong.vn
Cách đây ít lâu, sau khi hát “Bão nổi lên rồi” một cách rất hào hứng anh bạn thân của tôi, một họa sĩ đã hỏi: “ Bác nghĩ thế nào về nhạc sĩ Trọng Bằng?”. Tôi bảo: Nói đến nhạc sĩ Trọng Bằng phải nói đến những đóng góp vào âm nhạc Việt Nam ở cả 3 mảng: đào tạo, sáng tác và chỉ huy. Cả 3 mảng này có thể ông có lượng người bình chọn tương đương...”.