Việc dạy và học lịch sử ở bậc phổ thông hiện nay dường như chỉ chú tâm vào học thuộc bài là chính, hay còn gọi là “học vẹt”. Thực tế, ở bậc phổ thông môn lịch sử chỉ được xem là môn phụ, việc đầu tư cho quá trình dạy và học ít được chú trọng, thầy dạy và học sinh luôn có tâm lý học đối phó. Vì vậy, chỉ những năm lịch sử được chọn là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp thì kết quả mới khả dĩ hơn một chút...
Học lịch sử cốt yếu là để hiểu nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển của con người, xã hội, đất nước, thế giới... góp khơi dậy tính tự tôn dân tộc, tình yêu con người, quê hương, đất nước. Nếu những bài học khô khan chỉ gói gọn trong sách giáo khoa mà được thế vào đó bằng những công cụ sinh động hơn qua các phương tiện giải trí như truyện hay phim thì có lẽ học sinh dễ tiếp thu và nhớ lâu hơn.
Thực tế mà nhiều người đều thấy là một bộ phận lớp trẻ Việt Nam nay ít hiểu biết về lịch sử nước nhà nhưng lại “thuộc” lịch sử Trung Quốc. Đây là hậu quả một thời gian dài phim ảnh lịch sử nước này được trình chiếu dày đặc trên sóng truyền hình... Rõ ràng nước láng giềng đã thành công trong việc quảng bá văn hóa, lịch sử của họ thông qua phim ảnh. Vậy sao Việt Nam lại chưa làm được điều này? Đây là câu hỏi còn treo lơ lửng?
“Dư âm” của “cú sốc điểm sử” với hàng nghìn thí sinh thi đại học điểm sử số 0 trong kỳ thi đại học năm ngoái chưa lắng xuống thì mới đây tại Hội thảo Nghiên cứu, giảng dạy lịch sử trong bối cảnh hội nhập quốc tế nhân kỷ niệm 60 năm thành lập khoa Lịch sử (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) lại “nóng” lên chuyện dạy và học sử với nhiều kiến nghị tâm huyết...
Nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục khách quan nhấn mạnh đã đến lúc cần có sự đột phá và cải cách về giáo trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, các phương tiện tích hợp hỗ trợ học sử, chính sách phát triển nguồn nhân lực cho thầy dạy sử... Theo PGS,TS Trịnh Đình Tùng, Trường đại học Sư phạm Hà Nội cần phát triển kỹ năng tự học cho học sinh để “tự giảm tải” và tạo hứng thú cho học sinh khi học, cần gắn kết giữa học gián tiếp trên sách với học trực tiếp từ các giá trị di sản, di tích... Nên áp dụng nhiều hình thức học mới, giúp học sinh phát huy tính chủ động, sáng tạo như thảo luận, thuyết trình nhóm.
Công bằng mà nói để lịch sử thấm sâu vào lớp học sinh là trách nhiệm chung của xã hội, của nhiều ngành liên quan khác chứ không hẳn của ngành giáo dục. Bởi người yêu mến lịch sử có thể học ở bất kỳ đâu, từ nhiều phương tiện thông tin như sách, báo, phim ảnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Một dân tộc phát triển là một dân tộc biết gìn giữ và phát huy những truyền thống lịch sử.