Hai gương mặt “vàng” của Việt Nam
Nguyễn Tất Nghĩa là con thứ ba trong gia đình có 4 người con ở xóm 1, xã Hồng Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An). Bố em là một thương binh loại 4/4, mẹ làm nghề nông. Mọi chi tiêu trong nhà chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng và hơn 1 triệu tiền lương và trợ cấp thương tật của bố em nên gia đình em phải xoay xở đủ mọi cách để có tiền nuôi 4 người con ăn học, tận dụng từng tấc đất có được để trồng rau, chăn nuôi lợn gà…
Ông Nguyễn Tất Điểu, cha của Nghĩa kể: Nghĩa vẫn luôn có ý thức giúp cha mẹ làm việc nhà, chăn nuôi lợn gà nhưng hễ cứ rảnh ra lúc nào là ngồi học. Chính vì vậy, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều lúc phải vay mượn thêm để nuôi con nhưng vợ chồng chúng tôi vẫn quyết tâm tạo mọi điều kiện để cháu học hành. Tuy nhiên, ngoài sách giáo khoa thì tài liệu tham khảo của Nghĩa để tiết kiệm thì chủ yếu đều phải mua ở các hàng sách cũ hoặc mượn của các thầy, các bạn…
Lên cấp THPT, Nguyễn Tất Nghĩa thi đậu vào trường THPT chuyên Phan Bội Châu và bắt đầu cuộc sống trọ học xa nhà, trở thành một trong số rất ít học sinh ở huyện miền núi thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh.
Thầy Đậu Văn Mùi- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhờ có môi trường học tập tốt, thầy chủ nhiệm rất dày công trong việc phát hiện và bồi dưỡng nên năng khiếu và niềm ham mê Vật lý của em Nghĩa đã thực sự có “đất” để phát triển. Vượt qua khó khăn của hoàn cảnh gia đình, ở xa nhà phải tự lo chuyện ăn học với mức học bổng ít ỏi 130.000đồng/tháng Nghĩa vẫn luôn có được những kết quả tốt nhất trong học tập.
Cũng theo thầy Mùi: Trong lịch sử của nhà trường, chưa có một học sinh ở huyện miền núi nào đạt được những thành tích đáng tự hào như em Nghĩa.
Em từng đoạt huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 38 tổ chức tại Iran tháng 7-2007 (khi đó Nghĩa là học sinh lớp 11). Với số điểm 47/50, Nghĩa là một trong 10 thí sinh xuất sắc nhất của kỳ thi, giúp đoàn VN xếp hạng 5/70 nước tham dự. Với những thành tích đã đạt được, năm 2007, UBND tỉnh Nghệ An đã tặng thưởng 60 triệu đồng cho Nguyễn Tất Nghĩa và thầy Trần Văn Nga - giáo viên chủ nhiệm của em, cũng là giáo viên dạy Vật lí tại trường. Ngoài ra, Nghĩa còn được nhận mức học bổng là 1 triệu đồng/tháng.
So với Nguyễn Tất Nghĩa thì Đỗ Hoàng Anh may mắn hơn vì có hoàn cảnh gia đình tương đối thuận lợi, là con cả trong gia đình có hai anh em, nhà ở Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Mẹ của Hoàng Anh là giáo viên dạy Ngoại ngữ, cha em cũng là cán bộ nhà nước nên có điều kiện tốt để chăm lo cho việc học của con cái.
Cậu học trò có gương mặt thông minh này tâm sự: Không có bí quyết nào khác để học tốt môn Vật lý này ngoài sự say mê nó một cách thực sự. Việc tự học cũng rất quan trọng nhưng cũng cần phải cân đối thời gian cho các môn học và nghỉ ngơi. Mỗi ngày em chỉ dành khoảng 2-3 tiếng để tự học vào buổi tối và luôn cố gắng đi ngủ trước 10 giờ để giữ gìn sức khoẻ.
Chị Hoàng Thị Toan, mẹ của Hoàng Anh cho biết: Tuy năm 2007, Hoàng Anh đã từng tham dự cả hai kỳ thi: Olympic Vật lý châu á, đoạt huy chương đồng và huy chương Bạc trong Olympic Vật lý quốc tế nhưng tấm huy Vàng trong kỳ thi lần này vẫn khiến cả gia đình hết sức bất ngờ và tự hào.
Niềm vui xen lẫn tự hào lấp lánh trong ánh mắt người mẹ khi chị Lan “khoe”: Hoàng Anh học giỏi đều tất cả các môn, kể cả môn khoa học xã hội như Văn, Sử. Ngoài ra mỗi ngày Hoàng Anh còn dành thời gian cho các môn thể thao yêu thích của mình nữa…
Chị Hoàng Thị Toan kể: Chỉ cần nhìn tủ sách của Hoàng Anh đã đủ… mệt. Không thể nhớ nổi hết tên các đầu sách tham khảo của môn Vật lý mà Hoàng Anh sưu tầm được.
Làm gì để bảo vệ “màu cờ sắc áo” trong Olympic Vật lý quốc tế?
Theo thông tin từ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lương GD- Bộ GD-ĐT thì niềm vui và hứa hẹn những thành công nữa lại đến khi Nguyễn Tất Nghĩa, Đỗ Hoàng Anh cùng 2 HS đoạt huy chương Bạc Olympic châu á vừa qua và một HS trường THPT dân lập Đào Duy Từ đã lọt vào danh sách 5 học sinh chính thức tham gia đội tuyển Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế được tổ chức tại Việt Nam trong tháng 7 sắp tới.
Về vấn đề này, PGS.TSKH Nguyễn Thế Khôi- Trưởng đoàn Olympic Vật lý châu Á cho rằng: việc chọn HS cho đội tuyển chính thức dự thi vào tháng bảy tới rất khách quan. Nhưng có sự trùng hợp là những HS đã dự thi và đoạt giải cao lần này lại có tên trong danh sách đội tuyển dự thi quốc tế. Điều này rất thuận lợi vì các bạn đã có kinh nghiệm dự thi, bản thân có thể rút ra những bài học cho mình. Hơn nữa, thời gian để tập trung ôn luyện không nhiều. Vật lý là môn học thực nghiệm nên những HS được tiếp cận với việc học và thi thực hành thí nghiệm, tâm lý, kinh nghiệm khi dự thi là những yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả thi của HS.
Trong vai trò trưởng đoàn Việt Nam tham dự Olympic Vật lý châu á và quốc tế nhiều năm, ông Khôi tâm sự: điều tôi lo ngại nhất đối với đội tuyển Việt Nam là khả năng thực hành, thí nghiệm. Rất nhiều học sinh tham gia đội tuyển và trong thời gian huấn luyện trước khi đi thi vẫn còn rất bỡ ngỡ, lúng túng với các bài thí nghiệm, thực hành mà chúng tôi đưa ra. Các em cho biết khi học ở trường (kể cả các trường chuyên có tiếng) chưa hề được ứng dụng những thí nghiệm như vậy.
Thực tế này rất đáng để suy nghĩ và thay đổi cách dạy, cách học, cách đầu tư về trang thiết bị trong nhà trường của chúng ta hiện nay, nhất là những môn có tính ứng dụng cao như môn Vật lý.
Cũng chính từ thực tế này mà để chuẩn bị cho kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế sắp tới chúng tôi cũng sẽ phải thay đổi cách thức huấn luyện, tập trung chủ yếu vào huấn luyện thực hành, thí nghiệm cho đội tuyển.
Trực tiếp ra sân bay đón đoàn, Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long- cho rằng: Thành tích mà đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Vật lý châu á lần này là rất đáng tự hào, tạo tiền đề cho cuộc thi Olympic Vật lý quốc tế mà Việt Nam là nước chủ nhà trong tháng 7 sắp tới.
Mai Nguyễn (Báo Giáo dục và Thời đại)