Nội dung thi tuyển của trường đại học FPT ghi rõ: trắc nghiệm toán và tư duy logic (Tiếng Việt) trong 120 phút, viết luận (Tiếng Việt) trong 60 phút. Như vậy, có thể thấy FPT đã chú trọng như thế nào về khả năng Tiếng Việt (môn Văn) của thí sinh. Có thể xem đây là bước đột phá trong quan niệm, trong tư duy về đào tạo nguồn nhân lực của FPT, tập đoàn công nghệ thông tin và truyền thông số 1 của Việt Nam. Mục tiêu mà nền giáo dục đào tạo hiện đại đề ra: đào tạo con người toàn diện, hài hoà đã được đặt ra từ trên nửa thế kỷ, nhưng khiếm khuyết về chất lượng nguồn nhân lực trong thực tế luôn là thách thức trong kỷ nguyên của nền kinh tế số và toàn cầu hoá. Thành công của mỗi con người ở nền kinh tế số và toàn cầu hoá này không chỉ ở kiến thức công nghệ, kỹ thuật, mà còn ở các kiến thức chính trị, xã hội, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và ứng xử xã hội. Tại nhiều trường đại học, nhiều công ty, doanh nghiệp hiện nay, các nhà quản lý kêu ca, phàn nàn không ít về chuyện nhân viên của họ kém khả năng giao tiếp, diễn đạt, thậm chí trình bày một văn bản đơn giản như là một tờ đơn xin việc cũng khó khăn. Tại sao có tình trạng này? Phải chăng, tư tưởng thực dụng của nền kinh tế thị trường đã chi phối việc chọn lựa nghề nghiệp? Cơ hội lựa chọn ngành nghề thấy trước hiệu quả kinh tế ở các khối khoa học tự nhiên quá nhiều, còn ở các khối khoa học xã hội lại hạn hẹp. Tình trạng học sinh hiện nay không thích học Văn cũng có nguyên do từ đó. Người ta không hiểu hay là cố tình không để ý đến tác dụng của môn Văn mà từ thời xa xưa ông ta đã coi trọng “ Dạy văn là dạy người”. Thêm nữa, xã hội có văn minh hiện đại đến bao nhiêu, công nghệ phát triển tiên tiến đến mức nào thì vẫn phải có năng lực cảm nhận vô hình, tư duy trừu tượng ở mỗi cá thể; Ngay trong kết nối các hệ thống để làm nên một chỉnh thể cần có sự nhạy bén và tinh tế (thường ở những người có năng lực văn chương bẩm sinh)...
Thuý Hồng (Báo Giáo dục và Thời đại)