Đặt những viên gạch đầu tiên
Ngày 27 tháng 9 năm 2007, giám đốc ĐH Huế, PGS.TS Nguyễn Văn Toàn đã ký công văn số 1124 công bố kế hoạch triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ. Theo đó, áp dụng đào tạo tín chỉ cho tất cả các ngành đào tạo, các chương trình đào tạo thuộc trường ĐH Ngoại ngữ (trường thành viên) và khoá tuyển sinh năm thứ nhất ở tất cả các ngành đào tạo thuộc ĐH Huế.
Cho đến thời điểm này, ở góc độ luận lý, những người làm công tác quản lý GD đều nắm được những ưu điểm, thuận lợi của đào tạo theo học chế tín chỉ. Nhưng đi vào thực tế, kể cả những trường đã triển khai trong nhiều năm, chưa ai dám chắc đã thật sự thành công. Có nhiều nguyên nhân: Để tiếp cận được với cái mới tất yếu phải qua một giai đoạn thích nghi, huống gì thay đổi cả một hệ niên chế đã trở thành nếp từ hàng nửa thế kỷ, lối dạy truyền thống của người thầy trước đó đã ăn sâu trong nhận thức; riêng việc chuyển đổi đã phức tạp, các bước thực hiện tiếp theo sẽ không ít khó khăn; tất cả phải nhanh chóng thích nghi với mô hình đào tạo mới. Một số GV ngại khi chuyển sang đào tạo tín chỉ, họ phải thay đổi toàn bộ từ khâu chuẩn bị, đến khả năng truyền đạt, đến tổ chức các lớp học, và cũng không loại trừ khả năng về sự cạnh tranh giữa GV này với GV khác. Còn nhớ vào tháng 9 năm trước (đúng thời điểm ĐH Huế công bố kế hoạch chuẩn bị), tại Huế, chúng tôi có phỏng vấn một số GV về việc chuyển đổi này. Có người không cần đắn đo suy nghĩ, đã trả lời ngay: “ Thú thật là tôi nghe về tín chỉ thế nào thì “nói theo” thế ấy, chứ hiện tại, chưa hình dung nổi sẽ phải làm những gì và làm như thế nào”. Chúng tôi cho rằng, GV này đã trả lời rất trung thực, vì khi ấy, ở ĐH Huế, mọi sự mới chỉ mới bắt đầu. Tháng 9 năm nay, đúng một năm sau chúng tôi trở lại, thì mọi chuyện đã khác.
Trả lời câu hỏi vì sao là một ĐH vùng có bề dày kinh nghiệm trong đào tạo, có đội ngũ GS, TS tương đối đông với trình độ chuyên môn cao mà lại triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ sau các ĐH vùng khác như ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, TS Lê Thanh Sơn, PGĐ ĐH Huế đã trả lời một cách tự tin: “Để chuyển đổi cũng như bắt đầu một hệ thống đào tạo mới, chúng tôi cần phải chuẩn bị một cái nền cho chắc, nghĩa là phải chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho một khối công việc đồ sộ từ công tác quản lý CSVC, nội dung, giáo trình đến người thầy. Tất nhiên là không chờ đủ mới làm, vì thực tế, nếu chờ đủ rất khó. Vì thế tinh thần hiện nay là phấn đấu đạt đến chuẩn của tín chỉ càng gần càng tốt!” ĐH Huế đã thực hiện theo một lộ trình như sau: Thành lập ban đào tạo tín chỉ; Tiến hành tập huấn công tác chuyển đổi từ niên chế sang tín chỉ; tập huấn công tác quản lý trong đào tạo; Tuyên truyền rộng rãi cho SV; Hình thành các bộ phận, nhóm công tác để tổ chức triển khai. Do CSVC không cho phép đào tạo tín chỉ cho tất cả mọi SV, nên ĐH Huế chọn cách đào tạo cuốn chiếu: một số trường mang tính độc lập cao về ngành học, chuyên môn như trường ĐH Ngoại ngữ được thực hiện ngay đào tạo tín chỉ từ năm thứ nhất và cả bổ dọc ở năm 2, năm 3, năm 4, vì theo quan điểm của lãnh đạo ĐH Huế, nếu chỉ thực hiện ở năm thứ nhất thì số đông SV ra trường vẫn không quan tâm đến tín chỉ. Với các trường thành viên mang tính đa ngành khác không thể thực hiện dọc mà được thực hiện ngang từ năm thứ nhất.
Cụ thể đến từng chi tiết
Tại trường ĐH Ngoại ngữ- ĐH Huế, công việc tổ chức cho HS đăng ký tín chỉ đã được hoàn tất, theo đó, năm thứ 2 đến năm 4 đã bắt đầu vào học từ ngày 18 tháng 9, năm thứ nhất vào học ngày 22 tháng 9. Tất cả những khó khăn, vướng mắc trong đào tạo tín chỉ đều đã được lãnh đạo từ hiệu trưởng, hiệu phó, các phòng, khoa, đặc biệt là Phòng đào tạo, Phòng công tác HSSV lường trước để tìm biện pháp tháo gỡ trước khi chính thức bước vào năm học mới. Đầu tháng 8, đã có một bộ chương trình của 12 ngành đào tạo các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Quốc tế học, Việt Nam học, Sư phạm Tiếng Anh, Sư phạm Tiếng Nga, Sư phạm Tiếng Trung, Tiếng Pháp. Trong mỗi chương trình còn có các chuyên ngành, đề cương chi tiết theo hướng dẫn của ĐH Huế, có Hiệu trưởng và 1 thành viên chịu trách nhiệm. Về phía đội ngũ, thế mạnh của trường là có đến 80% thạc sĩ trở lên, trong đó có 18 tiến sĩ, khá cao so với tỉ lệ hiện hành. Trước khi vào triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ, trường ĐH Ngoại ngữ đề nghị các GV chuẩn bị tinh thần, mỗi người đảm nhận 5 học phần để ai cũng có thể phát huy được khả năng và HS dễ dàng trong lựa chọn thầy dạy. Theo TS Nguyễn Tình, Trưởng phòng đào tạo của trường thì dẫu biết cho đến nay, mỗi GV chỉ đảm nhận được 1, 2 học phần, nhưng đó là cách để khuyến khích việc nâng cao trình độ, vì để có thể nhận lãnh trách nhiệm giảng dạy, GV phải được đào tạo và được cấp chứng chỉ. Trong lý lịch khoa học đào tạo của từng GV đều có kê khai cụ thể, Phòng đào tạo tập hợp lại để trình Hiệu trưởng, xem xét lý lịch dựa trên cơ sở nào, để tránh tình trạng “đứng nhầm lớp”. Những GV có bằng cấp cao có thể được đảm nhận nhiều học phần, GV mới ra trường được xem xét năng lực thực tế. Tiếp đó, danh sách được công khai cho SV các khoá lựa chọn cũng như lựa chọn về lâu về dài. Đây là vấn đề nhạy cảm, có trường hợp nhiều thầy được SV chọn, có thầy ít được chọn, trường cũng có những thao tác kỹ thuật để SV lựa chọn đúng hướng. Qua việc làm này, nhà trường thừa nhận, cái hay của đào tạo tín chỉ là sự được quyền lựa chọn của người học đã đánh động rất nhiều đến vấn đề chất lượng, vì một GV yếu không được HS lựa chọn sẽ phải xem lại mình. Trường cũng đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng các thao tác trong tuyên truyền, tổ chức đăng ký đào tạo tín chỉ như tung thông tin lên mạng về khung chương trình, kế hoạch trong học kỳ, học môn gì, học ở đâu, học ai, học cái gì. Cả khung cơ chế 153 cũng được cụ thể hoá, được hiệu trưởng phê duyệt để tung lên mạng. Th.S Lê Thanh Hoàng, Trưởng phòng công tác HS cho biết: “Vấn đề làm cho SV hiểu lợi thế của sự chuyển đổi từ niên chế qua tín chỉ là việc làm hết sức khó khăn. Bước đầu các em không tránh khỏi hoang mang, nên công tác tuyên truyền phải hết sức mềm dẻo, phải chuyển tải được những nội dung cần thiết đến SV, kể cả giải đáp những băn khoăn, thắc mắc; đặc biệt là phân biệt cho được học bằng hai khác với học 2 bằng”. Về giáo trình bài giảng, những môn mới dựa trên đề cương chi tiết, các khoa đều tiến hành rà soát lại xem tương ứng chưa, chương trình đến đâu...
Như vậy, việc triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ trong năm học này tại ĐH Huế đã khởi đầu với những tín hiệu khả quan. Theo ông Phan Thành Tiến, Phó phòng đào tạo trường ĐH Ngoại ngữ thì “mặc dù việc chuyển đổi ở các năm thứ 2 đến năm thứ 4 có rất nhiều khó khăn nhưng đa số tỏ ra rất phấn khởi vì muốn được học ngành thứ 2. Đào tạo theo học chế tín chỉ là thay đổi từ nhận thức đến cách học của HS, cách dạy cho công bằng, tạo ra sự năng động mới trong nhà trường”... Từ ý thức trách nhiệm của đội ngũ, còn một số ý kiến trăn trở, đề xuất. TS Nguyễn Tình cho rằng, không nên ngộ nhận đã học về tín chỉ là dạy được tín chỉ. Phải xem việc đổi mới PP đã thật phù hợp với đào tạo tín chỉ chưa? Khó khăn hiện tại là chưa có phần mềm quản lý chung về đào tạo tín chỉ. Ông Tiến thì cho rằng, cái khó nhất trong chuyển đổi phải cung cấp cho SV bảng điểm của từng năm học. Làm sao điểm học kỳ SV đã học rồi thì điểm trung bình chung không bị ảnh hưởng (tổng điểm phải phù hợp với từng học trình). Nhà trường đang nghiên cứu, tìm cách xử lý và ĐH Huế hứa sẽ hỗ trợ với tinh thần chung sao cho không ảnh hưởng đến kết quả học tập của các em. ĐH Huế cũng đã đồng ý với cách mà trường ĐH Ngoại ngữ đưa ra: SV năm thứ tư khi ra trường bên cạnh bảng điểm tín chỉ phải có bảng điểm truyền thống vì các cơ quan tiếp nhận vẫn chưa hiểu A,B,C,D là thế nào. Th.S Lê Thanh Hoàng cũng cho biết, hiện tại, nhà trường đã có nhiều phương án trong quy đổi điểm để vừa tránh rườm rà, phức tạp, vừa đảm bảo sự công bằng trong đánh giá kết quả.
Nguyễn Thị Thuý Hồng (Báo Giáo dục và Thời đại)