Ở Việt Nam, từ đầu những năm 1970 môn học về TTNT đã được đưa vào dạy cho sinh viên ngành tin học ở một vài ĐH ở Hà Nội, và nay đã là môn học cơ bản của các khoa CNTT. Tiên phong trong giảng dạy và nghiên cứu TTNT ở Việt Nam là các GS Nguyễn Văn Ba, Bạch Hưng Khang, Phan Đình Diệu, Hoàng Kiếm,…những người đã đào tạo nhiều sinh viên và xây dựng nên những tập thể làm nghiên cứu và phát triển về TTNT. Và đã có một số sản phẩm như: hệ nhận dạng chữ viết VnOCR của Viện CNTT, hệ dịch Anh-Việt EVTRAN của Nacentech hay hệ dịch của công ty Lạc Việt, hệ “Xalộ” tìm kiếm thông tin trên Web của công ty Tinh Vân,…Nhưng các nhà nghiên cứu của ta ở lĩnh vực này ít có dịp tham gia các hội nghị quốc tế. Với PRICAI thì càng ít hơn.
Vậy xin GS cho biết vài nét về Hội nghị PRICAI
IJCAI (Hội nghị quốc tế liên kết về TTNT) là hội nghị TTNT lớn nhất trên thế giới. Với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các nhà khoa học Nhật Bản, PRICAI được tổ chức lần đầu vào tháng 11 năm 1990 tại Thành phố Nagoya (Nhật Bản), quy tụ hơn 500 nhà nghiên cứu về TTNT trên thế giới, trong đó có hai đại biểu từ Việt Nam. Sau đó PRICAI đã lần lượt được tổ chức tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Singapore,… PRICAI lần thứ 10 được tổ chức tại Hà Nội từ 16-19.12.2008.
Làm thế nàoGS “đem” được PRICAI về Việt Nam. Việc trở thành “chủ nhà” của PRICAI-08Việt Nam sẽ được “hưởng lợi” gì?
Hè 2006 tại PRICAI-06 ở Quế Lâm, Trung Quốc, tôi đã đến trình bày đề cương của Hội nghị PRICAI-08 với Ban Chỉ đạo của PRICAI (gồm hơn mười nhà khoa học về TTNT trên thế giới) và nhận được quyền đăng cai tổ chức PRICAI-08.
Thứ hạng và đẳng cấp của các hội nghị quốc tế trong ngành tin học và CNTT rất khác nhau (giống như sự khác biệt về khoa học và kinh tế của các nước trên thế giới). Người ta thường xếp các hội nghị đó vào 4 hạng hoặc không được xếp hạng, thậm chí một số còn bị khuyến cáo không nên tham dự do chất lượng thấp. Hội nghị ở ba hạng đầu thường có tỷ lệ bài được nhận dưới 30% hoặc ít hơn, còn các hội nghị không được xếp hạng thường nhận phần lớn bài gửi. Một người tham dự một hội nghị quốc tế ở nước ngoài thường cần 2000-3000 USD (35-50 triệu đồng), gồm vé máy bay, hội nghị phí (thường trên dưới 500 USD) và chi phí ăn ở. Điều này đang làm tăng thêm khoảng cách giữa các nước nghèo và khoa học chưa phát triển như Việt Nam với các nước giàu và có nền khoa học phát triển. Có một mâu thuẫn rất đáng chú ý: nhà khoa học ở ta thường chỉ có thể có kinh phí đi hội nghị nếu có bài, nhưng lại rất khó có bài ở những hội nghị thứ hạng cao là nơi có thể học được rất nhiều, khác với các hội nghị thứ hạng thấp là nơi dễ đến nhưng không có nhiều thứ để học.
Vì vậy tổ chức một hội nghị quốc tế có thứ hạng cao ở Việt Nam là cách để nhiều nhà khoa học Việt Nam tham dự được các sinh hoạt khoa học quốc tế với một chi phí thấp nhất. PRICAI-08 là cơ hội rất tốt để những người nghiên cứu TTNT và CNTT ở Việt Nam gặp gỡ rất nhiều đồng nghiệp trên thế giới. Sẽ có chừng 150 nhà khoa học nước ngoài tham gia PRICAI-08 trong đó có nhiều người xuất sắc trên thế giới.
Nhưng với hội nghị phí là 450 USD có hạn chế người Việt Nam tham gia?
Kinh phí tổ chức các hội nghị thuần túy khoa học như PRICAI-08 hoàn toàn dựa trên hội nghị phí của người tham gia. Ban tổ chức đã đề nghị một cách làm đặc biệt khi đem PRICAI đến Việt Nam. Người Việt ở trong nước khi tham gia PRICAI-08 cần đóng hội nghị phí 1 triệu đồng (để trả một phần của chi phí cơ bản cho mỗi đại biểu). Kinh phí này được vận động đóng góp bởi các cơ quan, dưới dạng trả và cử đoàn đại biểu của mình tham gia hội nghị, đặc biệt là các nơi cán bộ có bài tại PRICAI-08. Như vậy người tham gia cũng có trách nhiệm hơn với cơ quan.
Ngoài ra và rất quan trọng, PRICAI-08 cho phép sinh viên và nghiên cứu sinh được tham dự hội nghị miễn phí (phải đăng kí qua trường). Đây là cơ hội rất tốt cho các nghiên cứu sinh ngành CNTT, cho các sinh viên ham học và có chí tiến thủ.
Việc chuẩn bị một hội nghị tầm cỡ như PRICAI-08, theo GS công việc nào được xem là tốn “sức” nhất ?
Đây là một quá trình chuẩn bị công phu của rất nhiều người, từ việc quảng bá cho hội nghị, làm trang Web của PRICAI-08 với các thông tin cập nhật thường xuyên từ đầu năm 2008, mời gửi bài và mời vào Ban chương trình, chọn và mời các báo cáo mời, lo“hậu cần” và khách, …Nhưng việc nhiều công sức nhất là đánh giá và tuyển chọn bài.
GS có thể nói cụ thể hơn?
PRICAI-08 bắt đầu bằng các sự kiện trong ngày 16/12, gồm bốn hội thảo (workshop) về “Thu nhận tri thức”, “Xử lý ngôn ngữ tự nhiên”, “Tính toán mềm”, “Tin sinh học”, và ba bài giảng chọn lọc về “Các phương pháp thực nghiệm trong TTNT” của GS Paul Cohen, ĐH Arizona (Mỹ), “Tác tử và khai phá dữ liệu” của GS Chengqi Zhang, ĐH công nghệ Sydney (Úc) trình bày, và “Viết và trình bày một bài báo khoa học” của tôi. Tiếp theo là hội nghị (conference) PRICAI-08 trong ba ngày 17-19/12, với nội dung bao gồm hầu hết những lĩnh vực chính của ngành TTNT. Bốn hội thảo ngày 16/12 đều có các Ban chương trình riêng, đánh giá và tuyển chọn chương trình từ các bài gửi tham gia hội thảo. Riêng hội nghị chính PRICAI-08 nhận bài tham gia từ đầu tháng 6, đã tuyển chọn 82 bài từ 234 bài gửi tham gia bởi một ban Chương trình quốc tế gồm 198 thành viên. Trong số 21 bài của các tác giả Việt Nam gửi tham gia, 8 bài đã được tuyển chọn để trình bày tại hội nghị. Các bài báo của PRICAI-08 được in trong một tuyển tập của nhà xuất bản Springer.
Ngoài chất lượng của các bài được trình bày trong hội nghị, theo GS giá trị của Hội nghị PRICAI-08 còn phụ thuộc vào những điều gì khác?
Có thể kể đến một số điều như: uy tín của Ban chương trình và các phản biện, nhà xuất bản, … và sự hấp dẫn của các báo cáo mời tại phiên toàn thể. PRICAI-08 có bốn báo cáo mời của các GS Paul Cohen và Đoàn An Hải từ Mỹ, Hendrik Blockeel từ Bỉ và Hà Lan, và Yuji Matsumoto từ Nhật. Đây đều là những nhà nghiên cứu danh tiếng trên thế giới. Một người Việt trong số này là Tiến sĩ Đoàn An Hải, hiện là Phó GS tại ĐH Wisconsin Madison. An Hải là người được nhận giải thưởng luận án tiến sĩ của ACM năm 2003 cho kết quả dùng các phương pháp học máy để nghiên cứu các biểu diễn cấu trúc của dữ liệu. Cũng như giải Turing của ACM (vốn được coi là giải Nobel của Tin học), giải thưởng luận án tiến sĩ của ACM mỗi năm thường chỉ trao cho một hoặc hai người và Đoàn An Hải là người châu Á thứ hai được giải kể từ 1980 khi giải bắt đầu.
PRICAI-08 còn tổ chức một buổi gặp gỡ trao đổi giữa sinh viên CNTT ở Hà Nội với một số GS người Việt đang làm nghiên cứu về CNTT ở nước ngoài, như các GS Dương Nguyên Vũ, Nguyễn Hùng Sơn, Đoàn Anh Hải, …và cả tôi.
GS đánh giá thế nào về tương lai ngành TTNT ở Việt Nam?
Việc này tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chỉ có thể nói rằng, nếu phát triển phần mềm là lĩnh vực ưu tiên của ta thì không thể không quan tâm đến việc phát triển ngành TTNT. Vì vậy tôi tin ở tương lai của ngành TTNT của Việt Nam.