Công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục của Việt Nam đang diễn ra trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với nhiều cơ hội và thách thức mới đặt ra đối với người dạy và người học. Việc đổi mới dạy và học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học được chú trọng để nâng chất lượng nguồn nhân lực. Để thực hiện được điều này, cần thiết phải xác định chính xác ngưỡng nhận thức năng lực phù hợp của người học ở từng cấp, bậc và ngành học, từ đó xây dựng nội dung, thiết kế chương trình đào tạo, công cụ kiểm tra đánh giá, sử dụng phương tiện dạy học và công nghệ thông tin hợp lý. Đây là yếu tố quan trọng, hướng tới một nền giáo dục tiên tiến, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đủ sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Vì vậy, cần có những diễn đàn học thuật tập hợp đông đảo những nhà quản lý, người làm giáo dục trong và ngoài nước để tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế và đề xuất những giải pháp phát triển năng lực người học, đổi mới công tác đào tạo/bồi dưỡng giáo viên thức thời, hiệu quả.
Vấn đề trên được nêu ra thảo luận tại Hội thảo khoa học quốc tế: “Đổi mới sáng tạo trong dạy học và đào tạo/bồi dưỡng giáo viên lần thứ nhất năm 2019 với chủ đề “Phát triển năng lực người học trong dạy học và đào tạo/ bồi dưỡng giáo viên” diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong hai ngày 14 và 15/12/2019. Hội thảo do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Southern Cross (Úc) đồng tổ chức, với sự đồng hành tài trợ chính của Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP), Ngân hàng Thế giới, Quỹ Phát triển khoa học & công nghệ Quốc gia NAFOSTED, các tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong danh mục ISI/SCOPUS.
Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế đến từ các quốc gia như Mỹ, Úc, Đức, Pháp, Singapore, Bỉ, Tây Ban Nha, Thái Lan, Việt Nam, với 11 tiểu ban và 1 Roundtable session tập trung thảo luận về các nội dung chính: 1- Bồi dưỡng và đào tạo giáo viên; 2- Đổi mới sáng tạo trong phương pháp dạy học bộ môn; 3- Năng lực và phát triển năng lực hướng tới nền giáo dục chất lượng; 4- Giáo dục vì sự phát triển bền vững; 5- Giáo dục STEM; 6- Công tác xã hội và tâm lý học đường... 45 báo cáo đã được trình bày trong Hội thảo bởi các nhà khoa học giáo dục đầu ngành trên thế giới như GS Nan Bahr (Phó Hiệu trưởng Đại học Southern Cross), GS Jacques Ginestié (Giám đốc Viện đào tạo giáo viên – Đại học Aix-Marseille, GS Gabriele Schrüfer (Giám đốc Viện giáo dục địa lý, Đại học Münster), GS Chun-Yen Chang (Giám đốc trung tâm Khoa học giáo dục, ĐH Sư phạm Quốc gia Đài Loan), GS María Pilar Jiménez-Aleixandre, GS Yvonne Pratt-Johnson (Trưởng khoa Giáo dục, Đại học St. John's, Mỹ), GS Eckhardt Fuchs (Viện trưởng Viện nghiên cứu sách giáo khoa quốc tế Georg Eckert, Đức), GS Daniela Schmeinck (Đại học Cologne (Đức), Phó chủ tịch Hiệp hội địa lý châu Âu), PGS Shit Fun Chew (Trưởng phòng Khoa học và đào tạo sau đại học – Học viện đào tạo giáo viên quốc gia Singapore), GS Martin Hayden (nguyên Trưởng khoa Giáo dục, Trường Đại học Southern Cross)…
Tại Hội thảo lần này, các vấn đề lý thuyết của khoa học giáo dục về phát triển năng lực nói chung và cho giáo viên nói riêng được các chuyên gia đầu ngành thế giới và trong nước cùng thảo luận. Từ đó, các phương pháp dạy học, mô hình đào tạo giáo viên được đi sâu tìm hiểu nhằm tìm kiếm kinh nghiệm và khả năng áp dụng tại Việt Nam, đề xuất những hướng đi trong dạy học cũng như đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nhằm phát triển năng lực người học phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ và hội nhập quốc tế. Hội thảo dự kiến sẽ tổ chức 02 năm một lần, kết nối đồng tổ chức với từng nhóm trường đại học trong khu vực Đông Nam Á, châu Á, hoặc liên khu vực Á, Âu, Thái Bình Dương trong đó Đại học Sư phạm Hà Nội là đầu mối, chủ đạo.
Chi tiết về Hội thảo tại đường link: https://www.youtube.com/playlist?list=PLXWFCKH06HbGSQ9vY3X28doAGktcWNjLz
Một số hình ảnh tại buổi hội thảo:
Ban Tổ chức Hội thảo