Hội thảo quốc gia do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức. Ảnh: VA
Giáo dục cho học sinh trở thành công dân có trách nhiệm trước khi thành nhà chuyên môn giỏi
Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Trong thế giới hội nhập, việc giáo dục để có những công dân hiện đại ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ở đó cần hai thành tố, đó là: Trách nhiệm của công dân đối với đất nước và công dân trong môi trường toàn cầu hoá. Những chuẩn mực, giá trị và định chế phải được giáo dục từ nhà trường, phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước trong thời kì hội nhập. Điều đó không chỉ yêu cầu cao với chương trình giáo dục phổ thông nói chung và môn Giáo dục công dân nói riêng, mà còn yêu cầu cao hơn đối với người triển khai, thực hiện - đó là đội ngũ thầy cô dạy môn học này.
Cần giáo dục để mỗi học sinh trở thành một công dân có tình yêu gia đình, quê hương đất nước, có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng và Tổ quốc trước khi họ trở thành những nhà chuyên môn giỏi. Vì rằng, mỗi người Việt Nam hay bất kì người của dân tộc nào, để đi đến văn minh và tương lai đều cần có hai thứ: tâm hồn của nơi họ được sinh ra và trí tuệ của nhân loại.
GS.TS. Nguyễn Văn Minh cho hay, Khoa Lí luận chính trị - Giáo dục công dân của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đào tạo cho hệ thống giáo dục của đất nước đội ngũ giáo viên môn Giáo dục công dân có phẩm chất tư tưởng chính trị, đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn vững vàng, đặc biệt là năng lực vận dụng các nguyên lí của nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam vào thực tiễn đời sống để nâng cao chất lượng dạy, học và luôn sáng tạo trong phương pháp dạy học tích cực.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều trường sư phạm mở thêm mã ngành đào tạo giáo viên môn Giáo dục công dân nên nguồn cung giáo viên dồi dào hơn, tỷ lệ giáo viên môn học được đào tạo đúng chuyên ngành tăng lên, giúp môn học ngày càng đáp ứng tốt hơn mục tiêu giáo dục.
"Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng đứng trước yêu cầu của việc thực hiện chương trình mới, việc đào tạo giáo viên môn Giáo dục công dân hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi phải đổi mới ở tất cả các khâu của quá trình đào tạo, đặc biệt là mục tiêu, nội dung chương trình và phương thức, mô hình đào tạo. Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo cần có một sự đổi mới nhiều mặt"- GS.TS Nguyễn Văn Minh bày tỏ.
Lược bỏ các kiến thức triết học, đạo đức học trừu tượng
Tại Hội thảo, GS. Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới chia sẻ về những điểm mới về mục tiêu giáo dục. Theo đó, Chương trình môn Giáo dục công dân xác định 4 mạch nội dung và triển khai mỗi mạch nội dung đó thành các chủ đề học tập ở từng lớp học và chuyên đề học tập ở cấp THPT. 4 mạch nội dung xuyên suốt 3 cấp học là: Giáo dục đạo đức, Giáo dục kĩ năng sống, Giáo dục kinh tế, Giáo dục pháp luật.
Bên cạnh kế thừa những ưu điểm của chương trình hiện hành, chương trình mới môn Giáo dục công dân có sự phát triển so với chương trình hiện hành. GS. Nguyễn Minh Thuyết dẫn chứng cụ thể, đó là: Chú trọng giáo dục những kĩ năng sống thiết thực đối với học sinh. Ví dụ: Phòng tránh tai nạn, thương tích; phòng chống xâm hại; phòng chống bạo lực gia đình; phòng chống bạo lực học đường; ứng phó với tình huống nguy hiểm; thích ứng với thay đổi...; Thay thế những kiến thức chính trị, hàn lâm bằng những kiến thức thiết thực với học sinh. Ví dụ: hoạt động tiêu dùng (tiết kiệm, quản lý tiền, tiêu dùng thông minh…); Hoạt động của nền kinh tế (thị trường và cơ chế thị trường, cạnh tranh, lạm phát, thất nghiệp…); Hoạt động của nền kinh tế nhà nước (ngân sách và thuế, thị trường lao động – việc làm, bảo hiểm và an sinh xã hội); hoạt động sản xuất, kinh doanh (sản xuất kinh doanh và các mô hình sản xuất kinh doanh, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…); Lược bỏ các kiến thức triết học, đạo đức học trừu tượng, bổ sung những kiến thức thiết thực về pháp luật lao động, dân sự, hình sự, sản xuất, kinh doanh… bên cạnh các kiến thức về hệ thống nhà nước, quyền và nghĩa vụ công dân đã có trong chương trình hiện hành.
“Hiện nay, chương trình đạo tạo giáo viên ở các khoa Giáo dục chính trị (hoặc Giáo dục công dân) của một số trường sư phạm đã có nội dung giáo dục kinh tế và pháp luật ở mức độ khác nhau. Để thực hiện có hiệu quả Chương trình môn Giáo dục công dân mới, các trường sư phạm cần mở rộng và nâng cao nội dung này, đồng thời bổ sung nội dung giáo dục tài chính, giáo dục kĩ năng sống”- GS. Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh./.
Mỹ Anh
(Nguồn: Dangcongsan.vn)