Tới tham dự buổi tọa đàm, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có GS.TS Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ, các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; về phía Công đoàn Giáo dục Việt Nam có TS Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; về phía các trường Sư phạm có PGS.TS Nguyễn Thị Tính - Phó Hiệu trưởng Phụ trách trường ĐHSP- ĐH Thái Nguyên; về phía trường ĐHSP Hà Nội có GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng, GS.TS Đỗ Việt Hùng - Chủ tịch HĐ Trường, PGS.TS Nguyễn Văn Trào - Phó Hiệu trưởng, GS.TS.NGND Đinh Quang Báo - Nguyên Hiệu trưởng và các chuyên gia, các nhà khoa học đến từ các Khoa, Viện, Trung tâm của trường ĐHSP Hà Nội; về phía các trường phổ thông có đại diện lãnh đạo trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành - ĐHSP Hà Nội, trường Tiểu học Dịch Vọng B, các thầy cô giáo đến từ trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành - ĐHSP Hà Nội, trường THCS Cầu Giấy.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường ĐHSP Hà Nội nhận định: Giáo dục là lĩnh vực được toàn xã hội, các nhà trường, từng gia đình hết sức quan tâm và ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng. Hiện nay, vấn đề áp lực của giáo viên là vấn đề có tính hệ thống và đòi hỏi cách tiếp cận đa chiều. Trong bối cảnh giáo dục nói chung và giáo dục trong nhà trường phổ thông luôn được xã hội quan tâm và kỳ vọng vì vai trò cốt tử của nó trong việc phát triển mỗi cá nhân học sinh và xã hội tương lai; bên cạnh đó, hoạt động giáo dục là hoạt động có sự tham gia của nhiều lực lượng xã hội, từ nhà trường, phụ huynh cho đến các tổ chức chính trị xã hội, truyền thông...do vậy, có được tầm nhìn chung với đặc thù của tiếp cận giáo dục ở tất cả các lực lượng giáo dục là điều kiện cơ bản để giáo dục thành công.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe nhiều ý kiến đóng góp từ góc độ của các chuyên gia, các nhà quản lý, đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp, phụ huynh học sinh về thực trạng các áp lực (Áp lực từ phụ huynh, áp lực từ học sinh, áp lực từ nhà trường và quản lý, áp lực từ bản thân giáo viên và quá trình đào tạo, bồi dưỡng, áp lực từ yêu cầu đổi mới và tính thích ứng của giáo viên ...) đối với giáo viên và các giải pháp nhằm giúp giáo viên có đủ khả năng vượt qua các áp lực, biến các áp lực thành động lực nghề nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục trong nhà trường phổ thông.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, GS.TS Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận việc trường ĐHSP Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm "Áp lực của giáo viên : Nguyên nhân và giải pháp" có ý nghĩa hết sức thiết thực trong giai đoạn đổi mới giáo dục hiện nay. Giáo sư Bộ trưởng cũng đề nghị trong thời gian tới, các trường Sư phạm cần tiếp tục đổi mới trong vấn đề tuyển sinh nhằm chọn đúng người phù hợp với yêu cầu của nghề dạy học, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tăng cường năng lực dạy người, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ tư vấn học đường theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm:
Bài: Phòng HCĐN
Ảnh: Lê Linh