Buổi toạ đàm có sự tham gia của hai chuyên gia đến từ Trường ĐH Geneva Thuỵ Sĩ: Ông Bernard Schneuwly và Bà Rita Hofstetter, các thầy cô giáo bộ môn Phương pháp giảng dạy các khoa trong trường và các cá nhân quan tâm.
Tại buổi toạ đàm đã có 3 báo cáo được trìng bày:
Bà Rita Hofstetter đã trình bình tổng quan về lịch sử giáo dục và khoa học giáo dục trên thế giới từ khi được hình thành tới nay. Trong đó khái quát điểm lại những mối quan tâm nổi bật của các nhà làm giáo dục, các nhà nghiên cứu và xã hội về giáo dục ở từng thời kỳ. Báo cáo cũng nhấn mạnh tới các phương pháp giáo dục trên thế giới, trong đó có 4 nhóm chính: phương pháp hoạt động làm việc tập thể (quy mô lớp học), phương pháp hoạt động làm việc nhóm (quy mô nhỏ hơn lớp), phương pháp hoạt động làm việc cá nhân và phương pháp kết hợp cả ba phương pháp trên. Những đặc điểm chính của mỗi nhóm phương pháp đều được đề cập để có thể thấy được ưu điểm nổi bật.
Báo cáo của TS. Nguyễn Quốc Trị - Phó trưởng khoa Quản lí giáo dục, Trường ĐHSP Hà Nội, trình bày khái quát tiến trình và quan điểm đổi mới, cải cách giáo dục của Việt Nam. Báo cáo đề cập tới đường lối giáo dục của Việt Nam từ 1945 trở lại đây và sơ lược về các cuộc đổi mới, cải cách giáo dục. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở khía cạnh các quan điểm chỉ đạo.
Ngài Bernard Schneuwly trình bày báo cáo về một vấn đề khá được quan tâm đó là sách giáo khoa và sự tồn tại của sách giáo khoa sẽ thế nào trong thời đại công nghệ số. Trong đó tập trung vào các vấn đề: các nghiên cứu về sách giáo khoa trong lịch sử trên thế giới; những yêu cầu thực tế của giáo dục ngày càng đòi hỏi sự đổi mới về mục tiêu biên soạn sách giáo khoa, những cách thức điều hành khác nhau của một số chính phủ về vấn đề sách giáo khoa; và một câu hỏi trao đổi là sách giáo khoa trong thời đại công nghệ số sẽ phải thay đổi như thế nào để đáp ứng yêu cầu thực tiễn?
Sau phần trình bày các báo cáo, đại biểu tham dự đã thảo luận, trao đổi và đặt ra những câu hỏi đối với các diễn giả, đặc biệt là với các diễn giả đến từ Đại học Geneva, Thuỵ Sĩ - đất nước được coi là có nền giáo dục tiên tiến và hiện đại trên thế giới. Các câu hỏi trong phần thảo luận đều hướng tới kinh nghiệm thực tiễn của Thuỵ Sĩ về vấn đề sách giáo khoa - một vấn đề mà Trường ĐHSP Hà Nội nói chung và các cán bộ sẽ tham gia biên soạn sách giáo khoa của Nhà trường theo chương trình mới rất quan tâm: Cấu trúc sách giáo khoa của Thuỵ Sĩ? Phương thức biên soạn sách giáo khoa tập trung vào phát triển năng lực của học sinh của Thuỵ Sĩ? Vai trò của giáo viên Thuỵ Sĩ trong việc thiết kế, biên soạn sách giáo khoa? Giáo viên ở Thuỵ Sĩ có phải nghiên cứu không? Sách giáo khoa của Thuỵ Sĩ có bản online hay không?,… Các vấn đề đưa ra đều được các chuyên gia trao đổi, phản hồi khá rõ ràng và nhiều thông tin bổ ích.
Một số hình ảnh tại buổi toạ đàm:
Phòng CTCT - HSSV