Đến dự Lễ kỉ niệm có Đ/c Nguyễn Thanh Sơn – Phó Bí thư Đảng ủy khối các trường ĐH, CĐ Hà Nội, Đ/c Nguyễn Trọng Bình – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh, TS Wayne Bailey – Trưởng phòng Sau đại học và Hợp tác Quốc tế, ĐH Giáo dục – ĐH Huddersfield –Vương quốc Anh; Về phía Trường ĐHSP Hà Nội có sự tham dự của GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Nhà trường, GS.TS Đỗ Việt Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường, PGS.TS Đặng Xuân Thư – Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng, PGS.TS Nguyễn Văn Trào – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng các thầy nguyên lãnh đạo Nhà trường qua các thời kỳ: GS.TS Vũ Tuấn, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, GS.TS Đinh Quang Báo, GS.TS Nguyễn Viết Thịnh, PGS.TS Đinh Ngọc Bảo, PGS.TS Trần Văn Ba, các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu, lãnh đạo Công đoàn, Đoàn TN, lãnh đạo các phòng, ban, khoa, Viện nghiên cứu, Phân hiệu ĐHSPHN tại Hà Nam, Bộ môn trực thuộc; thầy cô trong BCH Hội cựu giáo chức Trường, và toàn thể thầy, cô giáo, cán bộ viên chức cùng đại diện học sinh, sinh viên, học viên đang công tác và học tập tại trường. Buổi lễ cũng nhận được sự quan tâm và tham dự của các cơ quan thông tấn báo chí: Báo Vietnamnet, báo Vnexpress, Báo Giáo dục thời đại.
Nhân dịp này, trường đã tổ chức lễ trao khen thưởng bậc cao cho 06 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 05 tập thể được nhận cờ thi đua cấp Bộ, và 02 tập thể, 21 cá nhân được nhận Bằng khen cấp Bộ.
Tinh thần của ngày 20/11 năm nay của trường Đại học Sư phạm Hà Nội là hướng tới tôn vinh người thầy, những người truyền cảm hứng, người khai phóng tri thức bằng tất cả sự yêu thương và trân trọng, bằng ý thức trách nhiệm và tư duy về thời đại đang không ngừng vận động và biến đổi.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội không nằm ngoài sự biến đổi ấy, hơn thế nữa, còn đón đầu, xác lập vị trí và trách nhiệm của mình trong việc nghĩ về sự thay đổi và hiện thực hóa những điều tích cực trong giáo dục.
Phát biểu tại lễ kỉ niệm, GS. TS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng nhà trường đã nhấn mạnh: “Chúng ta đang đối diện với những đòi hỏi thực tiễn, chúng ta đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, cả hữu hình và vô hình, cả vật chất và tinh thần, chúng ta phải chống chọi với những xâm thực để giữ gìn phẩm giá người thầy và chúng ta đang đau đáu vì những điều chúng ta chưa làm được. Nhưng chúng ta không thể bi quan, vì rằng nếu không phải bắt đầu cho những thay đổi từ Đại học Sư phạm Hà Nội thì biết bắt đầu từ đâu?”.
Với vai trò là một người thầy, thầy Hiệu trưởng chỉ ra gốc rễ sự đổi thay, chính là việc: “Tôi muốn bắt đầu từ những đứa trẻ và bắt đầu từ tình yêu thương”. Và giáo dục chính là cầu nối cho việc hình thành “một giá trị, một chuẩn mực xã hội” hướng tới “một mạch ngầm trong văn hóa của một dân tộc”: “Mạch ngầm đó chỉ thẩm thấu qua con đường giáo dục; và hơn nữa, sự va đập, sự bào mòn của các yếu tố xung khắc nếu không đủ bản lĩnh, nền tảng và điều kiện thì có khi giá trị, chuẩn mực bị lung lay và xói lở. Điều kiện này chỉ có thể đảm bảo nếu có một nền giáo dục tiến bộ và những người thầy chân chính”.
Phát biểu tại lễ kỉ niệm, Sinh viên Lê Thanh Nga, Khoa Ngữ văn cũng gửi tới thầy cô những lời tri ân sâu sắc, xuất phát từ chính những trải nghiệm của em từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất với nhiều băn khoăn, bỡ ngỡ đến khi tự tin thử sức mình với những diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế, đạt giải nhất Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2017 và giải thưởng triển vọng của học bổng KOVA năm 2018. “Trên con đường thực hiện ước mơ của mình, bất cứ ai trong chúng em cũng phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Nhưng cũng thật may mắn, những lúc khó khăn là lúc chúng em nhận được sự giúp đỡ, động viên từ các thầy cô. Có một câu nói từ một người thầy ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội làm em nhớ mãi “Khi em cố gắng hết sức, có thể em không giành giải nhất nhưng em đã chiến thắng chính mình". Em nghĩ về câu nói ấy để tự nhủ mình không được bỏ cuộc”.
Những nguồn cảm hứng tích cực và tình yêu thương là những điều sẽ còn đọng lại bền lâu trong cán bộ, sinh viên trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Để mỗi khi hướng về nghề giáo, nhà giáo, nhà trường và xã hội sẽ nghĩ về “người đi khai mở trí tuệ và tâm hồn cho những con người thời đại để đi ra với biển cả và vẫn nhớ mùi rơm thơm trên đồng đất quê mẹ, vẫn yêu thương con phố nhỏ đi về và nung nấu chí bền cho đời người nghĩa cả” (GS. TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội).
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Bài: Phòng CTCT-HSSV
Ảnh: Lê Linh