Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi về phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật trên cơ sở các bài học kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hiện nay ở Việt Nam, đồng thời, đưa ra các minh chứng cho các khuyến nghị định hướng xây dựng chính sách và giải pháp trong tổ chức phát triển hệ thống dịch vụ này của Việt Nam giai đoạn tiếp theo.
Đã có khoảng 200 đại biểu, trong đó có 27 đại biểu từ nước ngoài, tham dự Hội thảo. Đó là các đại biểu đến từ các bộ, ngành trung ương; Ban chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các đơn vị vụ, cục chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo; các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước; đại biểu liên hiệp hội, các hội của người khuyết tật và vì người khuyết tật trung ương và địa phương; đại diện các tổ chức quốc tế; lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo; cán bộ quản lí và giáo viên trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông của các địa phương.
Ban tổ chức đã nhận được 85 bài viết gửi tới Hội thảo, trong đó có 64 bài viết đăng Tạp chí Khoa học - Trường ĐHSP Hà Nội, 21 bài viết đăng Kỉ yếu Hội thảo, nhiều bản báo cáo treo tường. Trong đó, số lượng bài viết của các nhà khoa học và nhóm các nhà khoa học đến từ các trường đại học ở nước ngoài là 35 bài (Nhật Bản, Hoa Kì, Ucraine, Ba Lan, Kenya, Thái Lan,…). Đây là Hội thảo thu hút số lượng bài viết lớn nhất mà Ban tổ chức Hội thảo - khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường ĐHSP Hà Nội - đã nhận được trong tất cả hội thảo quốc tế lĩnh vực giáo dục hòa nhập, giáo dục đặc biệt.
Nội dung các bài viết tập trung vào bốn chủ đề chính: Tiếp cận trong xây dựng hệ thống dịch vụ hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật; Thực trạng và bài học kinh nghiệm trong phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật ở Việt Nam và các nước trên thế giới: Mô hình, sự vận hành, hiệu quả và thách thức; Chính sách và tính hiệu lực, hiệu quả và thách thức của các chính sách đối với việc phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ giáo dục hòa nhập người khuyết tật ở Việt Nam; Các điều kiện về nguồn lực, sự phối hợp giữa các bên liên quan trong phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ giáo dục hòa nhập người khuyết tật ở Việt Nam.
Hội thảo đã trao đổi và thống nhất các vấn đề cơ bản sau:
(i) Có những tiếp cận khác nhau trong phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ giáo dục người khuyết tật dựa trên nhu cầu hỗ trợ giáo dục của người khuyết tật, của gia đình người khuyết tật và khả năng đáp ứng nhu cầu của cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ giáo dục người khuyết tật.
(ii) Trong thời gian ngắn vừa qua, đã có sự hình thành, hoạt động phong phú, hiệu quả của một số trung tâm, cơ sở dịch vụ hỗ trợ giáo dục người khuyết tật ngoài công lập ở các thành phố lớn và cả các địa phương trên toàn quốc. Tuy nhiên, việc quản lí của các cơ quan chức năng nhà nước về các hình thức tổ chức dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật chưa có quy định rõ ràng.
(iii) Các điều kiện về nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực để thực hiện dịch vụ hỗ trợ giáo dục người khuyết tật luôn là một vấn đề trọng tâm để đảm bảo chất lượng hoạt động các dịch vụ hỗ trợ. Đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực là đòi hỏi tất yếu song còn nhiều thách thức đối với công tác này, như: tiêu chuẩn chức danh vị trí việc làm và đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn theo yêu cầu phẩm chất, năng lực của vị trí việc làm; điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng (đặc biệt là về chương trình đào tạo, bồi dưỡng; trình độ chuyên môn đào tạo và kinh nghiệm của đội ngũ; cơ sở vật chất, phương tiện và thiết bị;…).
(iv) Việt Nam đã và đang thực hiện hết sức có trách nhiệm và hiệu quả các cam kết với cộng đồng quốc tế về thực hiện đảm bảo quyền của người khuyết tật. Học tập kinh nghiệm quốc tế, đồng thời, có sự vận dụng một cách linh hoạt đảm bảo phù hợp với truyền thống văn hóa, lịch sử, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước là một trong những con đường để thúc đẩy nhanh và hiệu quả tiến trình này. Những bài học kinh nghiệm quốc tế được trình bày trong Hội thảo này là hết sức quý giá và đáng trân trọng.
(v) Thực tiễn còn nhiều thách thức được đặt ra trong giai đoạn tiếp theo ở Việt Nam đối với việc xây dựng, phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ giáo dục người khuyết tật cả về tiếp cận khoa học và thực tiễn để xác định cách thức tổ chức, hệ thống văn bản chính sách tạo hành lang pháp lí, đảm bảo các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị, chương trình hỗ trợ, đặc biệt là sự phối hợp chuyên môn mang tính đa ngành.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Hội thảo:
Ảnh: Khoa Giáo dục Đặc biệt cung cấp
PGS.TS Nguyễn Xuân Hải