Thời gian diễn ra Hội thảo: ngày 1.8.2018 – 2.8.2018.
Địa điểm: Hội trường 11/10; Hội trường K; Khu nhà V Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Địa chỉ: 136 Xuân Thủy, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
I. Các đặc điểm chính và hoạt động của hội thảo:
1. Mục tiêu hội thảo:
- Trao đổi học thuật: Công bố các kết quả nghiên cứu mới trong lĩnh vực tâm lý học trường học.
- Phát triển tâm lý học trường học: Kết nối, vận động các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, cơ quan truyền thông, các chuyên gia/các chuyên viên tâm lý, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học, giáo viên phổ thông và các bậc cha mẹ trong và ngoài nước trong việc xây dựng, quy hoạch, phát triển ngành, nghề, dịch vụ tâm lý học trường học tại Việt Nam và trên thế giới.
2. Quy mô:
- Dự kiến có khoảng 400 người tham dự, trong đó có 04 chuyên gia tâm lý hàng đầu đến từ Hoa Kỳ, 10 chuyên gia khác đến từ các nước châu Á, 200 - 300 chuyên gia trong nước; bên cạnh đó có khoảng 100 - 150 phụ huynh, 15 - 20 đơn vị báo chí, truyền thông trong và ngoài nước, cùng với các khách mời quan tâm đến giáo dục và phát triển cộng đồng. Hội thảo cũng có sự tham dự của đại diện các Bộ - Ban ngành có liên quan: Bộ Giáo dục Đào tạo; Lãnh sự quán Hoa Kỳ, Vụ Giáo dục Chính trị - Công tác học sinh sinh viên.
3. Nội dung hoạt động: Có 04 nội dung hoạt động tại Hội thảo:
3.1. Bài thuyết trình của 02 chuyên gia đầu ngành quốc tế về Tâm lý học trường học và sức khỏe tinh thần của gia đình:
- Tiến sĩ John J. Murphy: Giáo sư đầu ngành về Thực hành Tập trung vào Giải pháp - Diễn giả & Nhà đào tạo hàng đầu thế giới về sức khoẻ tâm thần. Ông sẽ có bài thuyết trình với tiêu đề: “Điều Duy Nhất” để trở thành một Chuyên gia Tâm lý Học đường giỏi hơn;
- Tiến sĩ Joseph M. Cervantes: Giáo sư đầu ngành về Tâm lý học Cộng đồng - Lâm sàng, sẽ trình bày bài tham luận chính với tiêu đề: Tâm linh và Sức khoẻ: Những Ngụ ý cho sự An lạc Tinh thần của gia đình.
Thời gian diễn ra: 9:20 - 11:10, ngày 01.08.2018
3.2. Có 04 phiên tham luận:
- 32 bài tham luận thuộc 04 tiểu ban trình bày về các chủ đề khác nhau của các chuyên gia/chuyên viên Việt Nam.
Thời gian diễn ra: 13:30 - 17:00, ngày 01.08.2018.
3.3. Bàn tròn thảo luận: Là diễn đàn mở cho nhiều đối tượng khác nhau (giáo viên, sinh viên, phụ huynh, báo chí…) trao đổi về việc xây dựng, đào tạo và phát triển ngành, phát triển nghề và cung cấp dịch vụ Tâm lý Học đường chất lượng tại Việt Nam với các chủ đề:
- “Thuận lợi và thách thức trong việc xây dựng phòng Tâm lý Học đường tại trường phổ thông”
- “Hãy trở thành một chuyên gia Tâm lý Học đường”
- “Vai trò của phụ huynh trong việc vận động quyền lợi cho con em khuyết tật”
- “Vai trò của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về Tâm lý Học đường”
Thời gian diễn ra: 8:30 - 11:30, ngày 02.08.2018
3.4. Tập huấn kỹ năng: Là các lớp đào tạo kỹ năng thực tiễn mang tính ứng dụng không ngoài mục đích phát triển ngành Tâm lý Học đường tại Việt Nam, gồm có:
- Tham vấn tập trung vào giải pháp trong trường học: Kỹ năng thực hành và chiến lược.
- Kỹ năng xây dựng lớp học hạnh phúc dựa trên cơ sở tâm lý học trường học.
- Đánh giá chức năng hành vi.
- Sử dụng định hình trường hợp trong tâm lý trị liệu.
- Ứng dụng phương pháp Chánh niệm trong lớp học.
- Đàm thoại có mục đích: Phỏng vấn hiệu quả để đánh giá.
- Phỏng vấn lâm sàng: Chấn thương não.
Thời gian diễn ra: 13:30 - 16:30 ngày 02.08.2018
II. Điểm nhấn của hội thảo:
- Hội thảo Tương tác Thông minh (SIC):
Hội thảo Tâm lý Học đường lần thứ VI được gọi là Hội thảo Tương Tác Thông minh – Smart Interactive Conference (SIC), dựa trên nền tảng kết nối (platform) thông qua công cụ “QR code biến đổi”.
Đây sẽ là Hội thảo Khoa học đầu tiên trên thế giới mà các đối tượng tham dự được tương tác chủ động với mọi thông tin liên quan đến hội thảo một cách chính xác, dễ dàng và nhanh chóng chỉ bằng cách quét mã QR đơn giản mà không cần đăng nhập vào website hay tải bất kỳ một phần mềm nào. Đặc biệt, người tham dự có thể tương tác trực tiếp với ban tổ chức và các chuyên gia thông qua chức năng gửi phản hồi về Cổng tương tác. Cổng thông tin SIC là cánh cửa mở ra thông tin, kiến thức chuyên môn, tương tác đa chiều giữa giới chuyên gia, giới báo chí và cộng đồng. Thông qua SIC, các bên liên quan đến hội thảo có thể tương tác trực tiếp với nhau và dễ dàng tìm kiếm các tư liệu chuyên môn dễ dàng, thuận lợi.
- Bàn tròn thảo luận dành cho phụ huynh, giáo viên, sinh viên và các cơ quan truyền thông về các vấn đề liên quan đến tâm lý học đường:
Hội thảo cũng có điểm nhấn quan trọng là các bàn tròn dành riêng cho phụ huynh, sinh viên, báo chí, và chuyên gia. Tại đây, mọi người có thể thảo luận trực tiếp với nhau về các nội dung: Những lưu ý của phụ huynh trong vai trò bảo vệ và vận động chính sách cho con em khuyết tật; Các trường giới thiệu những chương trình đào tạo tâm lý học đường hiện nay cho sinh viên; Các ban giám hiệu trình bày việc xây dựng phòng tham vấn học đường trong nhà trường; Đặc biệt, bàn tròn cho giới truyền thông sẽ thảo luận về việc tác nghiệp báo chí - truyền thông ở lĩnh vực tâm lý học đường, sức khỏe tâm thần, giáo dục đặc biệt. Bàn tròn này đặc biệt nhấn mạnh đến những sai sót thường gặp, những từ ngữ chuyên môn chính xác, những nguyên tắc quan trọng cần biết trong việc tương tác giữa báo chí - truyền thông với nhân vật và vấn đề liên quan đến mảng chủ đề này.
- Cẩm nang tâm lý học đường: Lần đầu tiên trên thế giới, một hội thảo khoa học có sản phẩm trực tiếp cho cộng đồng được phát hành ngay tại hội thảo. Được sự đồng thuận của Ban chuyên môn - Ban tổ chức, nhóm chuyên gia thuộc CASP-I đã soạn thảo Cẩm nang tâm lý học đường, nhằm hướng dẫn cho phụ huynh - thầy cô giáo cách nhận biết 16 triệu chứng bệnh - hành vi tâm lý học đường thường gặp phải, đồng thời phân tích biểu hiện, nguyên nhân, phương pháp khắc phục. Cẩm nang cũng cung cấp những thuật ngữ cơ bản chuyên ngành (song ngữ) để thầy cô và phụ huynh dễ dàng tra cứu, đảm bảo tính chính xác - khoa học. Đây là một tài liệu quan trọng cho ngành tâm lý học đường tại Việt Nam tính đến thời điểm này.
- Mở rộng quy mô cho TPHCM: Trong khuôn khổ của Hội thảo Tâm lý Học đường Quốc tế lần thứ VI, sẽ có một buổi toạ đàm và các khóa tập huấn ngắn hạn [mini-skill workshop] được triển khai ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 17.08.2018 bởi sự hợp tác đồng tổ chức của CASP-I, Công ty Cổ phần Giáo dục Thành Thành Công (TTC Edu), và Công ty TNHH Anbooks với chủ đề: “Cha Mẹ và Thầy Cô: Chuyển hoá vì thế hệ tương lai”. Chương trình tọa đàm và các khóa tập huấn sẽ diễn ra tại địa điểm: Tòa nhà TTC, số 253 Hoàng Văn Thụ, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM (từ 7.30 – 17.30 ngày 17.08.2018). Đây là một nỗ lực quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu nghiên cứu – học tập của khối chuyên viên tâm lý học đường, giáo viên và phụ huynh tại khu vực TPHCM.
- Nội dung các khóa tập huấn: Ứng dụng phương pháp chánh niệm trong lớp học (TS Lê Nguyên Phương); Kỹ năng xây dựng lớp học hạnh phúc dựa trên cơ sở tâm lý học trường học (PGS. TS. Trần Thị Lệ Thu)
- Kết hợp giữa khoa học và cộng đồng bằng các nguồn lực xã hội và công nghệ: Với sự hỗ trợ triển khai của Anbooks - đơn vị đầu tiên trong ngành xuất bản ứng dụng công nghệ vào tương tác với độc giả; Hội thảo Tâm lý Học đường Quốc tế lần thứ VI sẽ là Hội thảo khoa học đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ vào việc tương tác trực tiếp giữa giới chuyên gia và cộng đồng thông qua giải pháp Hội Thảo Tương Tác Thông Minh (Smart Interactive Conference - SIC). Đây cũng là hội thảo khoa học đầu tiên trên thế giới có sản phẩm khoa học phổ thông để cộng đồng dễ dàng ứng dụng, qua hình thức bộ Cẩm nang Tâm lý Học đường được phát hành trong kỳ hội thảo. Hội thảo cũng được các đơn vị doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để triển khai hiệu quả.
Thông tin chi tiết về hội thảo, truy cập địa chỉ: http://hnue.edu.vn; http://psy.hnue.edu.vn; www.anbooks.vn
Các thông tin chi tiết về hội thảo vui lòng tải và xem tại link dưới đây:
Khoa Tâm lý - Giáo dục