Tham dự Hội thảo về phía các đại biểu nước ngoài có Ngài Etienne Rolland-Piegue - Tham tán Hợp tác và Văn hoá Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam; GS. Michel Espagne - Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia (CNRS), Giám đốc Phòng Nghiên cứu Labex TransfertS, đại biểu Trường Sư phạm cao cấp Paris (ENS); Phía Trường ĐHSP Hà Nội có GS.TS. Đỗ Việt Hùng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; các nhà khoa học trong và ngoài nước đến từ Trường Sư Phạm Cao cấp, Paris; từ Trung Tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp; Viện Nghiên cứu Văn hoá và quốc tế (IECI), Đại học Versailles, Cộng hoà Pháp; Thư viện quốc gia Pháp; Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp; Đại học Lausanne, Thuỵ Sĩ; Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, Trung Quốc; Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Sư phạm Hà Nội; Học viện Ngoại giao Việt Nam; Học viện chính trị Công an Nhân dân; Trường Đại học Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh; Đại học Huế; Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội; Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam;…
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, GS. Michel Espagne - Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia (CNRS), Giám đốc Phòng Nghiên cứu Labex TransfertS, Trường Sư phạm cao cấp Paris (ENS) cho biết Hội thảo lần này là một sự khai phá, học hỏi lẫn nhau và kết nối để các nhà khoa học Pháp - Việt Nam cùng hỗ trợ nhau tạo ra những tri thức, những nghiên cứu mới, tạo ra những nhóm nghiên cứu dài hạn tập trung vào các mảng khác nhau để từ hội thảo lần này và có thể tổ chức thêm những hội thảo khác nữa. Và trong thời gian tới Trung tâm nghiên cứu TransferS của ông mong muốn đón tiếp thêm các nhà khoa học Việt Nam đến trao đổi học thuật, hợp tác; cũng như mong muốn tiếp nhận sinh viên Việt Nam tại trường Sư phạm Cao cấp Paris, đặc biệt là các nghiên cứu sinh quan tâm đến ngành và lĩnh vực nghiên cứu của Phòng Nghiên cứu TransferS. Bởi vì, thúc đẩy hợp tác cũng là mong muốn đào tạo thế hệ các nhà nghiên cứu Pháp - Việt cho tương lai.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Ngài Etienne Rolland-Piegue - Tham tán Hợp tác và Văn hoá Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam khẳng định: năm 2018 là một năm hết sức đặc biệt với những sự kiện giao lưu văn hoá Pháp Việt, hai nước cùng nhau tổ chức kỷ niệm 45 năm ngày chính thức đặt quan hệ ngoại giao và 5 năm ngày Việt Nam và Pháp là đối tác chiến lược, Trường Đại học Sư phạm Cao cấp Paris đã tích cực tham gia vào hướng đi mới mẻ này thông qua những hoạt động nghiên cứu và trao đổi học giả của Phòng Nghiên cứu Labex TransfertS cùng với sự hỗ trợ của trường College de France, cụm Đại học Paris Sciences et Lettres (PLS) và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS). Hội thảo ngày hôm nay là một ví dụ tiêu biểu cho những hoạt động này.
Theo thông tin từ Ban tổ chức Hội thảo lần này đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều các nhà khoa học trong và ngoài nước. Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 102 báo cáo tham luận. Các tham luận có nội dung rất phong phú, viết về nhiều lĩnh vực khác nhau như: Giáo dục học - Tâm lí học - Xã hội học - Công tác xã hội; Văn học - Ngôn ngữ học; Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học - Nhân học - Địa lí - Kinh tế - Xã hội; Triết học -
Tôn giáo; Nghệ thuật - Kiến trúc đô thị, có thể tạm chia 10 nhóm nội dung lớn:
- Nghiên cứu, đánh giá khái quát về sự tiếp xúc giao lưu văn hoá Pháp - Việt
nói riêng và châu Âu - Đông Nam Á nói chung;
- Nghiên cứu quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam từ năm 1949 đến nay;
- Nghiên cứu các sản phẩm văn hoá như là kết quả của quá trình tương tác, giao lưu văn hoá Pháp - Việt (chủ yếu là các di sản để lại từ thời Pháp thuộc) trên các bình diện khác nhau;
- Nghiên cứu so sánh các hiện tượng tương đồng trong lịch sử văn hoá Pháp - Việt;
- Nghiên cứu ảnh hưởng của các hiện tượng văn hoá của Pháp đến Việt Nam (chủ yếu từ 1954 trở về trước);
- Nghiên cứu các “không gian chuyển giao văn hoá” Pháp - Việt, đồng thời cũng là sản phẩm của quá trình chuyển giao;
- Nghiên cứu các tác phẩm, tư liệu, công trình nghiên cứu của người Pháp viết về Việt Nam;
- Nghiên cứu các tác phẩm, tư liệu của người Việt Nam viết về nước Pháp, người Pháp;
- Nêu những thành tựu giao lưu văn hoá Pháp - Việt những năm gần đây;
- Nghiên cứu việc đào tạo tiếng Pháp và nhân lực tiếng Pháp trong các nhà trường Việt Nam từ xưa đến hiện nay.
Ban Tổ chức tạm chia thành 5 Tiểu ban chuyên môn để các học giả tiện theo dõi, trao đổi, thảo luận chuyên sâu, đó là các Tiểu ban: Giáo dục học - Tâm lí học - Xã hội học - Công tác xã hội; Văn học - Ngôn ngữ học; Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học - Nhân học; Địa lí - Kinh tế - xã hội; Triết học - Tôn giáo học; Nghệ thuật học - Kiến trúc đô thị. Các Tiểu ban sẽ làm việc ngay sau phiên khai mạc và tiếp tục làm việc trong chiều 16/4 và ngày 17/4/2018.
Cũng trong khuôn khổ phiên khai mạc, Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm đã tổ chức ra mắt sách dịch từ tiếng Pháp và sách xuất bản tại Pháp trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Trường: Trường Sư phạm cao cấp Paris và ĐHSP Hà Nội.
Một số hình ảnh tại phiên khai mạc Hội thảo sáng 16/4/2018:
Đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Lê Linh
Ngài Etienne Rolland-Piegue - Tham tán Hợp tác và Văn hoá Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam - phát biểu chào mừng Hội thảo. Ảnh: Lê Linh
GS. Michel Espagne - Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Labex TransfertS, Trường Sư phạm cao cấp Paris - phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Lê Linh
GS.TS. Đỗ Việt Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội - phát biểu chào mừng Hội thảo. Ảnh: Lê Linh
Đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm sau phiên khai mạc. Ảnh: Lê Linh
Phòng CTCT - HSSV