Thực hiện Kế hoạch đào tạo năm học 2012-2013 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; nhằm tổ chức các hoạt động chào mừng 61 năm ngày thành lập Trường (11/10/1951 - 11/10/2012) và Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, “Tuần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm năm 2012” sẽ được tổ chức từ ngày 19/11/2012 đến ngày 24/11/2012. Để hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm đạt kết quả cao, Trường thông báo tới các đơn vị kế hoạch như sau để các đơn vị chủ động chuẩn bị cho các hoạt động của đơn vị.
I. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG
1. Nội dung rèn luyện nghiệp vụ sư phạm
1.1. Giới thiệu về ngành, nghề sư phạm
1.1.1. Giới thiệu chung về nghề sư phạm: Bản chất và các nội dung hoạt động của nghề sư phạm
1.1.2. Vai trò của nhà giáo trong hoạt động của nghề sư phạm
1.1.3. Quan điểm của Đảng và nhà nước về phát triển giáo dục và phát triển nhà giáo.
1.1.4. Các đặc điểm cơ bản trong lao động sư phạm của nhà giáo
1.1.5. Những phẩm chất và năng lực cơ bản mà nhà giáo cần có
1.2. Chức năng, nhiệm vụ và các kỹ năng cơ bản của giáo viên bộ môn trong nhà trường
Nội dung này do các khoa xây dựng và giảng dạy cho sinh viên.
1.3. Chức năng, nhiệm vụ và các kỹ năng cơ bản của giáo viên chủ nhiệm lớp
1.3.1. Chức năng và vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp.
1.3.2. Nhiệm vụ của giáo viên chủ nhiệm lớp và chế độ, chính sách đối với giáo viên chủ nhiệm lớp.
Nội dung hai mục trên (1.3.1, 1.3.2) lấy từ các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giáo viên chủ nhiệm lớp.
1.3.3. Các kỹ năng cơ bản của giáo viên chủ nhiệm lớp:
- Kỹ năng thiết kế và bảo quản các hồ sơ quản lý học sinh;
- Kỹ năng tổ chức các hoạt động tập thể: Tổ chức các buổi sinh hoạt lớp; tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; tổ chức các cuộc hợp với cha mẹ học sinh...
- Kỹ năng thiết lập quan hệ phối hợp với giáo viên bộ môn trong quản lý lớp và giáo dục học sinh;
- Kỹ năng thiết lập quan hệ với tổ chức Đoàn thanh niên trong tổ chức các hoạt động tập thể chi đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh;
- Kỹ năng nghiên cứu tâm lý học sinh cá biệt để có biện pháp giáo dục.
1.4. Các kỹ năng mềm mà giáo viên cần có
- Kỹ năng giao tiếp và ứng xử với học sinh, đồng nghiệp, cha mẹ học sinh;
- Kỹ năng rèn luyện các “tài lẻ” của người giáo viên;
- Các kỹ năng tổ chức cuộc sống của bản thân để làm gương cho học sinh;
- Các kỹ năng sống cơ bản: Kỹ năng làm chủ cảm xúc của bản thân, Kỹ năng xây dựng hình ảnh bản thân trước học sinh, Kỹ năng chia sẻ với đồng nghiệp…
2. Tổ chức thực hiện
Thời gian dành cho hoạt động này là 10 tiết. Các hoạt động cần tập trung vào các nội dung được hướng dẫn trong phần 1.
2.1. Đối với sinh viên khóa 62
Gồm 4 tiết hướng dẫn lý luận, 6 tiết thực hành sư phạm.
2.1.1. Hướng dẫn lý luận: Trường giao cho khoa Tâm lý giáo dục trực tiếp bồi dưỡng về nội dung 1.1 ở trên, chú ý đến các kĩ năng giao tiếp sư phạm và hoạt động ngoài giờ lên lớp,… cho sinh viên khóa 62, đồng thời phối hợp với phòng Đào tạo xây dựng lịch học cho các khoa.
2.1.2. Thực hành sư phạm: Phần này do các khoa xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện trong thời gian 6 tiết. Việc thảo luận những nội dung đã được giảng dạy về lý luận, luyện tập về giao tiếp, viết, vẽ bảng,... được thực hiện theo lớp sinh viên (có thể chia nhóm, nhưng không dưới 20 sinh viên/nhóm), do giảng viên của các khoa hướng dẫn luyện tập. Các khoa báo cáo kế hoạch cụ thể (số tiết, hội trường, lớp, người hướng dẫn, thời gian,...) về phòng Đào tạo để theo dõi và thanh toán kinh phí.
2.2. Đối với sinh viên các khóa 59, 60, 61
Sinh viên các khóa này, chủ yếu tập trung vào rèn luyện các kỹ năng nêu ở các phần 1.2, 1.3 và 1.4 ở trên. Chú ý việc soạn giáo án, làm đồ dùng dạy học, dạy thử, dự giờ,... Riêng nội dung 1.2, do yêu cầu giảng dạy có tính đặc thù của từng bộ môn, các khoa căn cứ vào đặc điểm của khoa mình lựa chọn nội dung và phương thức rèn luyện sao cho phù hợp. Các khoa có thể mời giáo viên giảng dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi ở trường THPT Nguyễn Tất Thành hoặc các trường phổ thông trong khu vực lân cận về tập huấn cho sinh viên của mình. Các khoa lập kế hoạch cụ thể để tổ chức giảng dạy 10 tiết cho sinh viên các khóa 59, 60,61 và gửi về phòng Đào tạo trước ngày 10/11/2012 để theo dõi, thanh toán kinh phí.
* GHI CHÚ:
- Ban chủ nhiệm các khoa cần quán triệt cho sinh viên rằng Tuần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm là tuần học, dùng vào mục đích rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên, không phải tuần nghỉ. Việc tổ chức rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên là trách nhiệm của mọi cán bộ của các khoa, không quan niệm chỉ là trách nhiệm của Tổ phương pháp giảng dạy, tuy nhiên Tổ phương pháp giảng dạy có trách nhiệm về mặt nội dung và tổ chức thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban chủ nhiệm khoa.
- Tổ phương pháp giảng dạy của các khoa có trách nhiệm đánh giá kết quả cho từng sinh viên. Điểm của sinh viên sẽ được cộng vào điểm rèn luyện:
+ Từ 8 đến 9 điểm sẽ được cộng 0,1 điểm.
+ 10 điểm sẽ được cộng 0,2 điểm.
Sinh viên nào điểm không đạt yêu cầu (điểm dưới 5) sẽ không được đi thực tập sư phạm.
- Đây là Tuần rèn luyện nghiệp vụ sư phạm tập trung của năm học 2012-2013, còn 15 tiết RLNVSP thường xuyên vẫn được thực hiện bình thường như những năm học trước.
- Đối với sinh viên các ngành ngoài sư phạm (Việt Nam học, Công nghệ thông tin, Hoá học, Sinh học, Lịch sử,...): Các khoa chủ động lập kế hoạch, nội dung rèn luyện nghiệp vụ phù hợp theo chuyên ngành và gửi phòng Đào tạo trước ngày 10/11/2012.
3. Tổ chức Hội thi Nghiệp vụ sư phạm
3.1. Kế hoạch tổ chức
- Các khoa xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tổ chức cho sinh viên rèn luyện và thi ở các lớp, các khóa và toàn khoa để chọn đội tuyển thi cấp trường. Việc tập luyện và thi ở cấp khoa là rất quan trọng, đây là hoạt động chủ yếu tạo ra phong trào rèn luyện nghiệp vụ sư phạm của sinh viên trong trường, cho nên phải tổ chức thật chu đáo. Đề nghị các khoa đăng ký ngày tổ chức hội thi của khoa để nhà trường dự và khảo sát, xếp loại phong trào trong toàn trường.
- Hội thi Nghiệp vụ sư phạm cấp trường được tổ chức vào ngày 23/11/2012.
3.2. Nội dung và hình thức của Hội thi Nghiệp vụ sư phạm
3.2.1. Hội thi cấp khoa
Ngoài các nội dung dự thi ở cấp trường, các khoa cần đưa thêm các nội dung: Thi kẻ, vẽ, kể chuyện, đọc, nói, diễn cảm; thi sưu tầm thơ, truyện, lịch sử về khoa, trường, ngành, các danh nhân văn hoá,...; thi biểu diễn trang phục học đường (thầy và trò); sinh viên giao lưu, gặp gỡ các thầy cô giáo; thi giảng dạy; thi tổ chức các hoạt động ngoại khoá cho học sinh trường Nguyễn Tất Thành.... Nhà trường khuyến khích các khoa tổ chức thi các môn phù hợp với đặc điểm chuyên môn của khoa.
Các khoa hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn các hình thức tổ chức thi.
3.2.2. Hội thi cấp trường
Hội thi Nghiệp vụ sư phạm cấp Trường gồm 4 phần thi sau:
1. Phần thi sân khấu hóa:
- Chào hỏi;
- Giải quyết tình huống sư phạm;
- Hiểu biết kiến thức sư phạm.
2. Phần thi chế tạo đồ dùng dạy học tự làm.
3. Phần thi thiết kế một hoạt động ngoại khóa cho học sinh phổ thông.
4. Thi dạy học trên lớp.
Nội dung, hình thức, thời gian và địa điểm cụ thể, nhà trường sẽ thông báo sau.
.............
Nội dung chi tiết xem tại đây