Học sinh Trường Olympia, một trong những trường tại Hà Nội đã triển khai dạy học nhiều môn học bằng tiếng Anh
GD&TĐ - Sáng nay (19/5), Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức hội thảo “Đào tạo giáo viên dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh trong xu thế hội nhập”. Đây cũng là trường đầu tiên trong cả nước triển khai chương trình đào tạo giáo viên dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh.
Theo GS.Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh, chương trình đào tạo giáo viên dạy Toán bằng tiếng Anh chính thức vận hành tại trường từ năm 2013. Sau đó một năm, chương trình đào tạo giáo viên dạy Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ Thông tin bằng tiếng Anh cũng được triển khai.
Đến nay, lứa sinh viên đầu tiên của chương trình đào tạo dạy Toán học bằng tiếng Anh đã chuẩn bị ra trường; nhận được phản hồi tích cực từ trường phổ thông từ kết quả thực tập ban đầu.
Tuy nhiên, GS Nguyễn Văn Minh cũng cho biết, dù sau nhiều năm chuẩn bị về chương trình, giáo trình và đội ngũ, thực tế khi triển khai chương trình đào tạo giáo viên dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh của nhà trường những năm qua vẫn gặp nhiều khó khăn. Việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho các sinh viên được sống cùng và phát huy khả năng ngôn ngữ chuyên ngành của mình còn nhiều hạn chế.
“Nhà trường bằng nhiều hình thức khác nhau, kể cả qua kênh Đoàn Thanh niên - Hội sinh viên, để thiết lập những không gian thuận lợi cho sinh viên thực hành giao tiếp như thành lập English Zone cũng chỉ là bước đầu” – GS Nguyễn Văn Minh chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Văn Trào - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội - đề xuất được cung cấp kinh phí ổn định hàng năm cho Chương trình đào tạo cử nhân sư phạm dạy bằng tiếng Anh tại Trường ĐHSP Hà Nội
Tại hội thảo, đại diện các Sở GD&ĐT, các trường đang triển khai giảng dạy Toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh đều khẳng định nhu cầu về giáo viên có thể dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh; tuy nhiên nguồn tuyển là rất hiếm.
Ông Nguyễn Tô Chung – Phó trưởng Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 – cũng cho rằng: Trong những năm gần đây đã có nhiều trường quốc tế được thành lập ở Việt Nam nên nhu cầu tuyển dụng giáo viên dạy Toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh ngày càng tăng lên.
Do đó, việc tiếp tục xây dựng và triển khai chương trình đào tạo cử nhân sư phạm dạy bằng tiếng Anh đối với các ngành sư phạm Toán và các môn khoa học tự nhiên là cần thiết.
Riêng đối với các trường sư phạm, việc hoàn chỉnh và phát triển chương trình đào tạo giáo viên dạy Toán và các môn khoa học tự nhiên ở giáo dục phổ thông bằng tiếng Anh là hoạt động cần được triển khai thực hiện.
Trước những khó khăn về triển khai đào tạo đội ngũ giáo viên dạy môn chuyên ngành bằng tiếng Anh, PGS.TS Nguyễn Văn Trào - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội - đề xuất: Ở mỗi khoa, Trường ĐHSP Hà Nội thành lập Ban điều hành Chương trình do Trưởng khoa làm Trưởng ban, các thành viên Ban chủ nhiệm là các thành viên của Ban điều hành Chương trình. Ban Điều hành Chương trình chịu trách nhiệm trực tiếp triển khai Chương trình từ giai đoạn chuẩn bị tuyển sinh, tuyển sinh cho đến khi hoàn thành khóa học.
Chiến lược phát triển đào tạo cử nhân sư phạm dạy bằng tiếng Anh là một phần trong chiến lược phát triển của Trường ĐHSP Hà Nội cho đến 2024 và xa hơn nữa. Vì thế, PGS Nguyễn Văn Trào mong muốn Bộ GD&ĐT cung cấp kinh phí ổn định hàng năm cho Chương trình đào tạo cử nhân sư phạm dạy bằng tiếng Anh với quy mô khoảng 125 sinh viên/năm cho giai đoạn 1 và mở rộng thành 200 sinh viên/năm cho giai đoạn 2. Nguồn kinh phí bao gồm: Kinh phí hỗ trợ của Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 và Kinh phí cấp thường xuyên hàng năm.
Bên cạnh đề xuất được cấp kinh phí để cải tạo hệ thống phòng học, phòng thí nghiệm; đáp ứng đầy đủ các loại thiết bị dạy học (tối thiểu) phục vụ giảng dạy, học tập, đặc biệt trang bị các phần mềm dạy học tiếng Anh theo chương trình mới, ông Nguyễn Văn Trào cũng kiến nghị cần đảm bảo quyền lợi của giáo viên khi tham gia giảng dạy cho Chương trình và tạo điều kiện thuận lợi của sinh viên thuộc Chương trình xin được việc làm sau khi tốt nghiệp đại học...
Từ năm 2011 – 2012, Bộ GD&ĐT và BQL Đề án NNQG 2020 đã chỉ đạo các trường THPT trong cả nước triển khai thí điểm dạy các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học bằng tiếng Anh. Đồng thời, để chuẩn bị nguồn nhân lực về đội ngũ cho các trường, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn giáo viên dạy môn Toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh cho các tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, các Sở GD&ĐT cũng đã triển khai hàng loạt hoạt động liên quan như: lựa chọn giáo viên, lựa chọn chương trình học hoặc nội dung chương trình có thể dạy bằng tiếng Anh, chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ dạy học.
Đến nay, việc tổ chức dạy thí điểm một số môn học bằng tiếng Anh đã bước đầu được thực hiện ở 1 số trường THPT chuyên, THPT chất lượng cao đảm bảo các điều kiện ở một số tỉnh, thành.
Bộ GD&ĐT cũng đã triển khai đào tạo đội ngũ giáo viên phổ thông dạy môn Toán và các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh.
Bên cạnh những thuận lợi, còn không ít khó khăn bất cập như: thách thức từ phía năng lực của giảng viên, sinh viên; điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường; chế độ chính sách đối với giảng viên, giáo viên; chương trình đào tạo; môi trường dạy học…
|
Hiếu Nguyễn
(Nguồn: http://giaoducthoidai.vn)