GS. Leila Rezk đã trình bày những biểu hiện và phân tích tác động tích cực, tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa đối với thế giới nói chung và đối với việc duy trì bản sắc văn hóa của các quốc gia, dân tộc nói riêng. GS. Leila Rezk cũng làm rõ quan niệm chung về văn hóa, bản sắc văn hóa và khẳng định mỗi quốc gia, dân tộc với điều kiện địa lí tự nhiên, lịch sử phát triển riêng biệt đã hình thành những đặc trưng văn hóa khác nhau song không hoàn toàn biệt lập mà luôn có sự giao thoa văn hóa với các quốc gia, dân tộc khác. Giao thoa văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc được thực hiện không chỉ bằng con đường hòa bình mà nhiều lúc được thực hiện bằng xung đột, chiến tranh xâm lược, tiêu biểu là cuộc chiến tranh của đế quốc Mông Cổ (Thế kỉ XII – XIII), công cuộc thực dân hóa của chủ nghĩa thực dân phương Tây (Từ cuối thế kỉ XV, đầu thế kỉ XVI đến giữa thế kỉ XX)… Trên cơ sở đó GS nhấn mạnh rằng, toàn cầu hóa đang làm cho thế giới xích lại gần nhau với những giá trị chung mang tính toàn cầu, trong đó có các biểu đạt văn hóa về ngôn ngữ, chính trị, tư tưởng … điều đó vô hình chung đã gây ra thách thức lớn đối với sự duy trì đa dạng văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa của các quốc gia, dân tộc. Có lẽ đây chính là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự quay trở lại bảo hộ chủ nghĩa dân tộc chống lại toàn cầu hóa trong chính sách của một số quốc gia thời gian gần đây, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, GS Leila Rezk vẫn khẳng định, toàn cầu hóa là một xu thế không thể đảo ngược và sự trao đổi, giao lưu giữa các quốc gia, dân tộc trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn hóa là tất yếu. Hạn chế giao lưu chỉ làm khoét sâu sự thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa các quốc gia và không thể chung tay giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu, trong đó có việc làm thế nào để duy trì sự đa dạng văn hóa, bảo tồn bản sắc văn hóa của các quốc gia, dân tộc trong một thế giới toàn cầu. Có lẽ đây cũng là thông điệp vô cùng sâu sắc mà GS muốn chuyển tải tới tất cả người nghe. Những vấn đề GS Leila Rezk trình bày đã thu hút sự tranh luận, phản biện của nhiều giảng viên, học viên và sinh viên.
Bài thuyết trình của GS Leila Rezk và những trao đổi, thảo luận sau đó đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến đa dạng văn hóa, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc dưới góc nhìn của giới nghiên cứu Pháp. Điều này bổ sung thêm những hiểu biết và cách tiếp cận khi nghiên cứu, học tập về văn hóa, lịch sử văn hóa của giảng viên, học viên, sinh viên khoa Lịch sử và khoa Việt Nam học. Hy vọng buổi thuyết trình của GS Leila Rezk sẽ là sự khởi đầu cho những hợp tác trao đổi sâu rộng hơn về chuyên môn với giảng viên, học viên và sinh viên khoa Lịch sử, khoa Việt Nam học – trường Đại học Sư phạm Hà Nội để thắt chặt hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược về khoa học, giáo dục Pháp – Việt.